April 29, 2024, 5:59 am

Từ lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đến Thư viện Vạn Hạnh

 

Sáng  10/3/2023, nhằm ngày 19 tháng 2 âm lịch năm Quý Mão, nghi lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng đã diễn ra theo các nghi thức tôn giáo truyền thống thành kính, tôn nghiêm.

 

Từ lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn …

“Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng năm 2023” cũng là lần lễ hội đầu tiên được tổ chức ở quy mô cấp thành phố, do UBND thành phố chủ trì. Trước đó, năm 2021, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể”, tại quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021, đồng thời cũng là 1 trong 15 lễ hội có quy mô lớn nhất trên cả nước (được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp hạng từ năm 2000).

“Vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1820/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), trong đó, có di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Và vào năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng chính thức có quyết định công nhận Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng tự hào là địa bàn mang trên mình nhiều di sản, trong đó, có 4 di sản cấp quốc gia, 1 di sản cấp thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi càng nỗ lực nhiều hơn cho một Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng xứng tầm với vùng đất di sản. Một lễ hội đặc sắc, văn minh  với tiêu chí 5 không: Không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; Không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; Không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; Không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan”, ông Nguyễn Hòa – Chủ tịch UBND Quận Ngũ Hành Sơn nhấn mạnh.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bắt đầu từ ngày 8/3, với nghi thức khai Kinh Thượng Phan và thượng kỳ, lần lượt sau đó là lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công chúa và lễ tế Xuân – Cầu Quốc thái Dân an. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 10/3.

Tại lễ khai mạc (đêm 8/3/2023), đã diễn ra nghi thức công bố - trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất, được mạ vàng 24K.

Cây Bồ Đề được văn sách xem là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên còn được gọi là “cây Giác ngộ”. Tên gọi Bồ Đề, được phiên âm từ tiếng Phạn (Bodhi), có nghĩa là sự tỉnh thức, sự thông suốt, giác ngộ đạo lý. Lá Bồ Đề có hình dạng giống trái tim, tượng trưng cho tình thương, sự từ bi của Đức Phật dành cho muôn người, và cũng ngầm căn dặn con người hãy đối xử với nhau trong tình yêu thương ấm áp, hãy yêu nhân loại như yêu quý chính trái tim của mình, luôn sống với tinh thần từ bi – hỉ xả, vị tha. Trong tâm thức của đạo hữu và Phật tử, khi được nhìn hay cầm trên tay lá Bồ Đề, cũng là lúc tâm tưởng hướng về Đức Phật, hướng về cội nguồn giác ngộ (theo điển tích Phật giáo, Đức Thích Ca đã ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề và từng bước giác ngộ giáo lý). Độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất, được mạ vàng 24K được trao kỷ lục là sự ghi nhận trân trọng về nhiều ý nghĩa.

Ngoài Lá Bồ Đề lớn nhất, được mạ vàng, độc bản 16 bức tranh sứ (Bát Tràng), được cẩn trên tường 4 ngôi tháp thuộc chùa Quán Thế Âm, cũng đón nhận kỷ lục Việt Nam.

Sáng nay (10/3/2023), sau lễ vía là nghi thức rước tôn tượng và hóa trang hình tượng Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Hàng ngàn phật tử, đạo hữu, du khách đã thành kính tham gia các nghi lễ. Cũng trong chương trình, đã diễn ra nghi thức gắn bảng tại Động Quan Âm - địa điểm tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn đã trở thành một trong những lễ hội quan trọng của đời sống tinh thần của quý Chư - Tôn - Đức, Tăng – Ni, bà con Phật tử nói riêng, của người dân thành phố Đà Nẵng nói chung với những nét đặc trưng và độc đáo của mình.

Lễ hội Quán Thế Âm chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước và là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam; đồng thời, là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc trên thế giới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – Trưởng ban tổ chức lễ hội, bà Ngô Thị Kim Yến chia sẻ.

Như mọi năm, lễ hội đã mừng đón đông đảo quý Chư, Tôn, Đức Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các đoàn Cao tăng đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á cùng hành hương về chiêm bái và trải nghiệm một lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, là dịp khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời cảm nhận những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương đang ra sức phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

… đến Quần thể văn hóa tựa núi ven sông

 

Diễn giả Lê Hoàng – Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty đường sách Thành phố Hồ Chí Minh

 Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2023 năm 2023 có nhiều điểm nhấn ấn tượng. Đó là lễ hội kết gắn với sự kiện đón nhận bằng công nhận Ma Nhai (văn tự được khắc lên vách đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới (khu vực châu Á - Thái Bình Dương); trong chương trình lễ hội đã diễn ra nội dung diễn thuyết, giới thiệu về Ma Nhai Ngũ Hành Sơn, triển lãm 78 tác phẩm Ma Nhai. Đây là lần đầu tiên, Ma Nhai Ngũ Hành Sơn được vinh danh, giới thiệu trang trọng, sau khi được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (tại kỳ họp diễn ra ngày 23 đến 26/11/2022). Và sự kiện khai trương Tàng thư – Thư viện Vạn Hạnh Chùa Quán Thế Âm.

Cùng với Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (chính thức khai trương vào cuối năm 2018, được trân trọng ghi nhận là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam), nay Chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), lại có thêm Tàng thư - Thư viện trong khuôn viên chùa, đã tạo thành quần thể văn hóa độc đáo, kỳ vọng  sẽ thu hút thêm nhiều người đến tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo.

Thư viện Vạn Hạnh đến thời điểm (khai trương mở cửa), đã có hơn 3.000 đầu (tựa) sách (tổng số lượng bản sách lên đến 5 vạn quyển), từ các nguồn sưu tập, hiến tặng, thỉnh mua; bên cạnh đó còn có tư liệu, báo. Các tủ, kệ trưng bày sách đều có biển tên xác định chủ đề (chủ mục), mỗi tựa sách, bản sách đều có mã ký hiệu, biên mục chỉ dẫn đúng quy định chung của hệ thống thư viện. Bên cạnh các tựa sách chủ đề Phật giáo – Tôn giáo, còn có các chủ đề lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, sách về kỹ năng sống đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng độc giả.

“Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ hành Sơn được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể”, và cũng duyên lành, sang năm 2022, thì Tàng thư – Thư viện Vạn Hạnh Chùa Quán Thế Âm được cấp phép hoạt động. Với mong muốn lưu trữ tàng thư, kinh sách, khuyến khích phong trào đọc sách, nghiên cứu và đưa thư viện – tàng thư đi vào hoạt động đúng dịp Lễ hội Quán Thế Âm 2023, Chùa Quán Thế Âm chúng tôi đã hoàn thiện Phòng trưng bày sách rộng 300m2.

Giờ đây thư viện đã đi vào hoạt động, ngoài không gian đọc sách được bố trí trong thư viện, mong bất cứ khu vực nào trong khuôn viên chùa, những nơi thiên nhiên đầy tao nhã đều trở thành nơi đọc sách của bất kỳ ai yêu sách” – Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì  Chùa Quán Thế Âm, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội Quán Thế Âm Ngũ hành Sơn bộc bạch…

Thượng tọa giải thích thêm: Bản thân sách vốn được làm gỗ, là Mộc, là thiên nhiên. Hướng đến thiên nhiên giúp con người thư thái dễ chịu thì dễ dàng đón nhận sách. Do vậy phía trước sảnh của phòng trưng bày sách, được thiết kế trở thành không gian đọc sách mở, có tầm nhìn hướng ra sông Cổ Cò. Nơi đây, độc giả có thể vừa đọc sách, vừa thưởng trà. Hoặc các vị có thể đọc sách ở trạm dừng chân xây theo kiểu mái đình, hay những dãy ghế nằm dọc hành lang của chùa. Thể theo chính sách bình đẳng tôn giáo của Nhà nước, Thư viện Vạn Hạnh hướng đến đối tượng bạn đọc đa dạng và khuyến khích phương pháp đọc sách hướng ngoại, về với thiên nhiên.

Thư viện có tên là Vạn Hạnh, pháp danh của một Thiền sư Cao Tăng, từng là cố vấn của Vua Lê Đại Hành (mở đầu nhà Tiền lê), là Thầy của Lý Công Uẩn, và cũng có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua lập nên Nhà Lý. Vạn Hạnh là vị Thiền sư lưu lại nhiều dấu ấn trong lịch sử nước Nam, từ Đại Cồ Việt đến Đại Việt. Tuyến đường dẫn vào Chùa Quán Thế Âm, cũng được đặt tên ông (đường Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Tàng thư - Thư viện Vạn Hạnh từ nay luôn mở cửa đón những ai yêu sách, yêu trải nghiệm đọc sách và chiêm nghiệm mọi lẽ đời, chuyện kiếp nhân sinh trong một không gian tĩnh mặc … Quả là một trải nghiệm không dễ có.

“Tàng thư - Thư viện không những có ý nghĩa lớn đối với phát triển văn hóa đọc, mà còn phát huy tính đa dạng các hoạt động của chùa Quán Thế Âm – nơi diễn ra lễ hội thường niên, một lễ hội đã là “Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia” chúng ta. Ngoài ra chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc trải nghiệm trọn vẹn một ngày đọc sách tại đây, xin mời quý vị cùng trà đạo, chúng tôi phục vụ miễn phí nước uống và cơm chay …”, Hòa Thượng Thích Huệ Vinh ngỏ lời mời thiện tâm đến đạo hữu, du khách gần xa./.

 


Có thể bạn quan tâm