April 28, 2024, 1:31 am

Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do nhìn từ lí thuyết trường văn học

Những năm gần đây, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước, lĩnh vực nghiên cứu văn học đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó, sự du nhập của các lí thuyết văn học phương Tây hiện đại vào Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nghiên cứu di sản văn học dân tộc.

Theo đó, nhà nghiên cứu, khi thụ đắc công cụ hiện đại, dùng nó như một lăng kính để nhìn thấu rõ hơn những giá trị cũng như sự vận động tế vi của đời sống văn chương vốn không tách rời với môi trường văn hóa, xã hội, chính trị sản sinh ra nó. Trong mạch vận động đó, cuốn chuyên khảo Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do của tác giả Phùng Ngọc Kiên (chủ biên) và Đoàn Ánh Dương do Công ti sách Tao Đàn kết hợp với Nxb Hội Nhà văn phát hành năm 2023 chính là một minh chứng cho thấy hiệu năng của việc vận dụng các phương pháp khoa học đã giúp người nghiên cứu khai phá những tri thức mới mẻ cùng những lí giải sâu sắc về những đối tượng tưởng như đã bị xơ cứng, đóng băng. Bằng việc vận dụng lí thuyết trường văn học của nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu, nhóm tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương đã kể lại một câu chuyện về sự sinh thành và kiến tạo trường văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX giữa rất nhiều giằng co và thách thức, từ đó phơi lộ chính quá trình hiện đại hóa của xã hội Việt Nam trong bối cảnh thuộc địa.

Mở đầu cuốn sách, tác giả Phùng Ngọc Kiên thể hiện một cảm quan thế giới khi đặt sự hình thành của nền văn học hiện đại Việt Nam trong một tổng thể quỹ đạo lớn hơn đang diễn ra sôi động trên thế giới lúc bấy giờ. Đó là nỗ lực của các nền văn học được coi là ngoại vi đang dần “rời khỏi quỹ đạo phụ thuộc mang tính thuộc địa về mặt văn hóa của châu Âu lục địa già cỗi”, từ đó xác lập tư thế tự chủ và độc lập tương đối của mình. Coi “sự tự chủ của quá trình sáng tạo chính là một đảm bảo cho tính hiện đại của nền văn chương Việt Nam”, nhà nghiên cứu đã vận dụng lí thuyết trường mà Pierre Bourdieu trình bày trong cuốn Quy tắc của nghệ thuật để soi xét quá trình vận động của trường văn học Việt Nam thuộc địa trong tương quan với trường văn học tại chính quốc, để thấy chính sự tự chủ là yếu tố then chốt tạo nên những khác biệt trong chuyển động của nền văn học thuộc địa so với mô hình văn học Pháp quốc.

Trước khi đi sâu vào phân tích sự hình thành và cấu trúc của trường văn học Việt Nam thời thuộc địa, nhà nghiên cứu đã phác họa bối cảnh chính trị, xã hội trong đó có sự liên đới không thể tách rời giữa thực dân và thuộc địa đã góp phần hình thành nên ý niệm về tính hiện đại. Chương đầu tiên của cuốn sách, “Sứ mệnh khai hóa và sự khai sinh của các cộng đồng hiện đại bản xứ”, bằng những cứ liệu sinh động từ nhiều mặt của đời sống thế tục, như phương tiện đi lại, hay sự sôi động của báo chí, nền giáo dục phỏng theo mô hình của Pháp quốc, tác giả Phùng Ngọc Kiên đã chỉ ra cách thức mà cộng đồng bản xứ như Đông Dương tiệm cận với thế giới thông qua nước Pháp. Từ chỗ một người Việt mất gần một tháng để di chuyển từ Việt Nam tới Pháp cho thấy phương tiện giao thông hiện đại đóng vai trò quan trọng giúp kết nối bản xứ tới chính quốc, từ đây mở ra nhịp điệu vận động của thế giới đương thời. Tiếp đó, báo chí và truyền thông như một kênh truyền dẫn, giúp sự hiện diện của người Pháp ở Đông Dương và thế giới được thu nhỏ lại. Từ thuộc địa, người Việt có thể nắm bắt, dù không tức thì, những biểu hiện sinh động của thế giới chính quốc nói riêng và thế giới Tây phương nói chung, cấp cho người Việt ý niệm về thế giới. Trong khi đó, ở vị thế một đất nước tiên phong về mọi mặt ở châu Âu thế kỉ XIX, nước Pháp không chỉ khẳng định mình trên trường quốc tế như một thực thể chính trị độc lập, mà hơn thế, luôn tự hào về tinh thần thế giới, toàn nhân loại của mình. Theo tác giả chuyên khảo, chính lối tư duy toàn cầu của người Pháp sẽ mang lại cơ hội lớn cho trí thức Việt Nam khi trao cho họ tư thế bình đẳng trong cách thức tư duy và rời khỏi những nếp nghĩ cục bộ. Bên cạnh đó, tinh thần nhập cuộc của trí thức Pháp cũng trở thành những hình mẫu đầy sức hấp dẫn đối với trí thức Việt Nam. Song, sự ảnh hưởng không diễn ra một cách suôn sẻ như vậy. Tồn tại như một nghịch lí, tinh thần tự do dân chủ vốn là nền tảng đáng tự hào của thực thể Cộng hòa Pháp, trong xu thế khao khát thuộc địa của tư bản phương Tây lúc bấy giờ, đã “trở thành luận thuyết quan trọng cho động lực của chính sách thực dân mà đế quốc Pháp thi hành nhằm tìm kiếm thuộc địa để khai sáng và khai thác”. Theo tác giả “tính chất hai mặt của luận thuyết” này, một mặt “khẳng định một thứ quyền bình đẳng phổ quát” nhưng lại “giới hạn” đối với các thuộc địa đã tạo nên một tình thế phức tạp, ảnh hưởng đến sự vận động của tinh thần tự chủ ở cộng đổng bản xứ. Đi sâu vào quá trình này, nhà nghiên cứu khảo sát lần lượt: Giáo dục theo lối mới và sự hình thành của cộng đồng đọc bản xứ, sự hình thành tầng lớp nhà văn trí thức trong bối cảnh chính trị ngặt nghèo, và cuối cùng, báo chí như một không gian công cộng cho toàn cầu hóa. Khẳng định sự xuất hiện của người Pháp tại Việt Nam đã tạo ra một tình thế cưỡng bách đối với cấu trúc văn hóa, chính trị và xã hội. Nhưng đồng thời, tình thế cưỡng bách đó cũng đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, đem đến nền giáo dục theo lối mới, lấy khoa học thực nghiệm và tư duy duy lí làm chuẩn mực, giúp người Việt rèn luyện tư duy phân tích kiểu phương Tây. Nhưng cũng theo Phùng Ngọc Kiên, chính sự mất cân đối nghiệm trọng của chính sách giáo dục đã tạo ra chênh lệch về trình độ học vấn, như một hệ quả, tạo ra sự phân hóa trong chính tầng lớp trí thức, trong đó, một bộ phận nhỏ tham gia vào đội ngũ trí thức hiện đại, sản sinh ra các ấn phẩm văn hóa, xác lập các tiêu chuẩn thẩm mĩ mới, phần lớn còn lại tạo thành cộng đồng người đọc. Lúc này, báo chí trở thành không gian cho cả sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Đó là những thành quả tinh thần ngoài ý muốn của thực dân nhưng lại vô tình tạo bước đệm cho tự chủ văn chương ở Việt Nam.

Tiếp đó, trong chương 2, nhà nghiên cứu phác thảo những tiến trình tích lũy và kiến tạo trường văn học thuộc địa tại Việt Nam. Theo tác giả, đầu thế kỉ XX tại Việt Nam “diễn ra quá trình vận động chậm chạp nhưng chắc chắn của sự hình thành trường văn học, hướng đến sự tự chủ trong giới hạn của một chế độ thuộc địa với những sự ngặt nghèo về chính trị cũng như kinh tế”. Sự vận động đó bao giờ cũng dựa trên những quy tắc được chuẩn thuận từ tất cả các tác nhân tham gia mạng lưới của một trường văn học, nằm ngoài ý muốn chủ quan hay sự áp đặt từ bên ngoài, tạo ra các chuẩn mực, đóng vai trò như là “đường biên pháp lí” hiển ngôn hoặc ngầm định cho sự vận động của nền văn học. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu, tại Việt Nam thời thuộc địa, không có sự xuất hiện của thiết chế quan phương (chẳng hạn như Viện Hàn lâm ở Pháp) nhưng sự thiếu vắng đó không gây khó khăn cho sự hình thành trường văn học, thay vào đó, các thiết chế khác như nhà phê bình, nhà xuất bản, nhà in, giám đốc nhà in, người bán sách, nhà tài trợ, thành viên các nhóm nghệ thuật, giải thưởng văn học,…đều “tham gia vào tiến trình định giá trên niềm tin trong một nền kinh tế - chính trị nhỏ hẹp và đầy những rào cản cấm kị”. Đó chính là trạng thái “phi luật tắc” của trường văn học thuộc địa do thiếu những thiết chế định giá quan phương. Tuy nhiên, đó là điều kiện mở để mỗi đơn vị, mỗi tổ chức hay nhóm phái đều phải tự tích lũy các loại vốn kinh tế và vốn văn hóa nghệ thuật để có được uy tín và từ đó trở thành một thứ quyền lực.

Từ ý hướng đó, cuốn sách tập trung khảo sát việc tích lũy vốn văn hóa của các nhà văn đầu thế kỉ XX. Trong số 25 nhà văn thuộc lớp đầu của nền văn học hiện đại mà Vũ Ngọc Phan nêu trong Nhà văn hiện đại, Phùng Ngọc Kiên chỉ ra: 14 nhà văn biên khảo và dịch thuật (56%) so với 11 nhà văn viết sáng tạo (44%), cho thấy không gian văn học Việt Nam trước năm 1920 tập trung vào việc tích lũy tri thức hơn là sáng tạo, tức là tích lũy vốn văn hóa trong cách nhìn trường văn học. Về học vấn, họ hội đủ cả trí thức Hán học lẫn Tây học, trong đó, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là người xuất thân Tây học, đóng vai trò là những người tiên phong lãnh trách nhiệm hoạt động đổi mới trên báo chí, với hai tờ báo lớn lần lượt kế tiếp nhau Đông Dương tạp chí và Nam phong tạp chí. Khảo sát kĩ hơn hoạt động của 2 trí thức, tác giả nhận thấy dù kế tục nhau và đều là sự tích lũy vốn văn hóa, trong cái nhìn cấu trúc, “họ rất khác nhau như hai cực của một trường. Một bên quan tâm sự ổn định, một bên hướng đến sự biến đổi, một bên nhấn mạnh tính quy phạm, một bên cổ vũ sự năng động”. Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, tác giả cho rằng sự khác biệt về lựa chọn ở hai tác giả này không chỉ gắn với thị hiếu hay tính cách mà phần nào do những tập tính của cá nhân hay nhóm xã hội, phản ánh tâm thái của xã hội Việt Nam thuộc địa trước những cực từ trường có lực hút lớn lúc bấy giờ là văn học Pháp ngữ và Hán ngữ, vốn đều tự coi chính mình là trung tâm của thế giới. Nhưng không chỉ bị chi phối từ hai cực đó, Việt Nam trong bối cảnh thuộc địa ở một tình thế phức tạp còn chịu sự chi phối một hấp lực trong chính nó: hướng đến một hình thái quốc gia hiện đại.

Song song với việc tích lũy vốn văn hóa, trường văn học Việt Nam còn tiến hành tích lũy tư bản kinh tế như một cách hướng tới sự tự chủ. Ba mươi năm đầu thế kỉ, các điều kiện kinh tế chưa nổi lên như là dấu hiệu quan trọng bởi trạng thái nguyên hợp của xã hội đang chuyển mình từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từ tư duy nho giáo sang tư duy thị trường, nhưng bắt đầu từ Tân dân, muộn hơn là Tự Lực văn đoàn, vai trò kinh tế nổi lên và cho thấy tầm quan trọng của nó đối vố cấu trúc văn chương thông qua sự tích lũy tư bản kinh tế, từ đó xóa bỏ tình trạng phi luật tắc tồn tại trong khoảng giao thời từ 1920-1930. Ý niệm tích lũy tư bản kinh tế đến từ việc thay đổi quan niệm về văn chương ở thời điểm đầu thế kỉ 20, như Phan Ngọc chỉ ra, văn chương thay vì được coi như một thứ quà tặng trong đời sống văn hóa cổ truyền, đến thời hiện đại, nó được coi như một thứ hàng hóa, và do đó nhà văn có thể dùng nghề văn để kiếm sống. Khảo sát sự tăng lên nhanh chóng của số lượng bản in của tờ báo Phong Hóa cùng niềm kiêu hãnh ngầm của các thành viên Tự Lực văn đoàn vì có thể “Sống về độc giả”, nhà nghiên cứu chỉ ra rằng họ đã sống đúng tinh thần của một nhà văn hiện đại khi có thể dùng ngòi bút để kiếm sống cho bản thân, và hơn thế, tham gia vào việc tích lũy tư bản, tích lũy vốn cho mạng lưới văn chương mà họ tham dự vào.

Bên cạnh đó, những chuẩn mực giá trị tượng trưng chính là yếu tố vô cùng quan trọng tạo tác nên trường văn học đầu thế kỉ XX. Coi giải thưởng văn học là một trong những hoạt động định giá thể hiện “những chuẩn mực, quy phạm cho các giá trị nhất định trong trường văn học”, nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên khảo sát các giải thưởng và các cuộc thi văn học, từ việc Trần Chánh Chiếu khởi xướng cuộc thi văn chương trên Nông cổ mín đàn năm 1906, Diệp Văn Kỳ mở cuộc thi đoản thiên tiểu thuyết cho phụ nữ trên Đông Pháp thời báo năm 1927 cho đến cuộc thi tiểu thuyết trên Đuốc nhà Nam năm 1931. Tuy nhiên, như nhà nghiên cứu khẳng định, các cuộc thi văn chương chỉ thực sự ghi được dấu ấn khi có sự xuất hiện của Tự Lực văn đoàn bởi các giải thưởng của nhóm đã tạo cú hích mạnh mẽ đối với nền văn học đang hình thành. Thông qua tổ chức các giải thưởng, nhóm điều hướng người tham dự hướng đến một chuẩn mực thẩm mĩ mới, nhắm tới đối tượng những “nhân vật bình dân”, đối lập với “trưởng giả quý phái”, trong đó, trẻ” là một tiêu chuẩn, cũng là hấp lực đối với công chúng và người viết chịu ảnh hưởng từ nhóm. Từ thành công này, Tự Lực văn đoàn đã tạo ra thứ “quyền lực chuẩn mực định giá, xác lập quy tắc của trường văn học”.

Ở một phía khác của sự vận động hình thành trường văn học, từ góc nhìn bản đồ học (topologie/topology), nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Kiên coi đô thị chính là một tác nhân quan trọng làm thay đổi cuộc sống và bộ mặt kinh tế của đất nước, chẳng những thế, từ cái nhìn xã hội học, nó là nơi tập trung hợp pháp của thứ quyền lực công cộng trong điều kiện có những giới hạn ngặt nghèo của kiểm duyệt cấm đoán. Đô thị làm thay đổi cách người ta sống (kích thích tự do và ý thức cá nhân, cho phép con người được sống như ý mình, dưới nhiều hình hài gương mặt chứ không theo một chuẩn mực như làng quê), đây chính là tiền đề cho sự hình thành một kiểu công chúng đại chúng ẩn danh mà mọi tờ báo hay tác giả văn chương hướng đến. Đối với nhà văn, đô thị cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo. Như ghi nhận của tác giả chuyên luận, hầu hết các văn sĩ Việt Nam thời thuộc địa xuất thân từ thôn quê, nhưng để thành công thì họ phải đến thành thị. Tác giả kết luận, thành thị chính là cực trung tâm địa lí của trường văn học cho phép mỗi tác nhân tham gia vào đó, hưởng thụ tối đa sự tự do để sáng tạo. Trong đó, Hà Nội có vị trí quan trọng hàng đầu đối với đời sống văn chương.

Song song với hấp lực của đô thị, nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát mối liên hệ giữa sinh quán đối với lựa chọn thể loại của các tác giả, đưa đến một phát hiện thú vị: Trung kì là sinh quán của đa số nhà thơ (55%), trong khi Bắc kì là nơi xuất phát của đa số nhà văn (72%). Kết quả này cho thấy sự tích lũy vốn cá nhân (cả tư bản và văn hóa) của mỗi tác giả trong quá trình sống trải, mà sinh quán, chứ không phải quê quán, đóng vai trò quyết định sự hình thành vốn liếng văn hóa, tạo hành trang cho nhà văn tự tin dấn thân thực hành nghề nghiệp. Sự dịch chuyển của các nhà văn khi tìm đến các đô thị trung tâm chính là một vòng xoáy thu hút những gì tinh túy nhất của một nền văn học, một nền văn hóa, một cộng đồng dân tộc đang ở trạng thái thuộc địa. Và theo nhà nghiên cứu, không gian địa lí địa phương có sức mạnh dựa trên sự tự chủ nhất định của đời sống tinh thần sẽ là sự chuẩn bị cho sự độc lập về chính trị sẽ tới sau đó trên không gian địa lí toàn quốc.

Chương ba, “Những khả thể mới và cấu trúc trường văn học trong không gian xã hội hiện đại”, các tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương đã vẽ nên các cực khác nhau trong cấu trúc của trường văn học. Khởi đầu bằng phân tích hai tiền đề cơ bản (tác giả Tây học và độc giả mới), trong đó nhấn mạnh độ tuổi trẻ trung và xuất thân Tây học, cùng can đảm dấn thân với nghề viết (vốn vẫy gọi cả về danh tiếng lẫn lợi ích kinh tế để mưu sinh), như là những sự chuẩn bị cho đời sống văn học tự chủ. Tiến sâu vào miêu tả sự vận động của trường văn học, hai tác giả lưu tâm đến cách mà tờ báo Phong Hóa cổ vũ và đầu tư cho Thơ mới, một địa hạt ngay từ đầu không phải thế mạnh, cũng không thuộc trọng tâm chú ý của các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Nhưng, chính sự xiển dương của Phong Hóa đối với Phan Khôi, một văn nhân uy tín đã tạo được vốn văn hóa tượng trưng trong trường văn học, sự tôn vinh và thâu nạp đối với Thế Lữ, Xuân Diệu, những nhân vật sẽ trở thành ngôi sao của phong trào Thơ mới, cùng với đó là các giải thưởng dành cho thơ đã chứng tỏ một sự đầu tư vừa liều lĩnh, mạo hiểm ở vào thời điểm chưa ai có thể hình dung thơ mới là thơ gì và sẽ đi đến đâu, nhưng cũng cho thấy tính quyết liệt của Phong Hóa khi chọn đứng về và hậu thuẫn cho cái mới, cái chưa từng xuất hiện; cũng từ đó, mở ra chuẩn mực thuẩn mĩ mới cho một thể loại mang sức nặng truyền thống ngàn đời.

Một đóng góp rất quan trọng của chuyên khảo là việc các tác giả đã tái hiện đầy đủ, chi tiết, rõ ràng sự hiện diện của những cấu trúc đôi của trường văn học thuộc địa. Trong đó, hiện diện rõ nhất và có vai trò quan trọng nhất quyết định sự trưởng thành và thay đổi của cấu trúc trường Văn học Việt Nam là sự song song hình thành, tồn tại và phát triển của Tân Dân và Tự Lực văn đoàn trong những năm 1930 ở cả những thiết chế mà họ tạo ra (những tờ báo, những nhà xuất bản, nhà in) hay những hội nhóm thuộc hai phái để làm nổi bật ảnh hưởng, vai trò, vị thế cũng như cách thức họ tác động và làm vừa lòng độc giả, cũng là cách họ duy trì tên tuổi của mình. Phía Tự Lực văn đoàn là báo Phong Hóa, Ngày NayNgày Nay Kỷ Nguyên Mới, An Nam xuất bản cục, nhà xuất bản Đời Nay, Hội Ánh sáng dưới sự lãnh đạo của anh em Nguyễn Tường Tam; phía Tân Dân là Tiểu Thuyết Thứ Bảy, báo Ích Hữu, Phổ thông bán nguyệt san, Tân Dân thư quán, nhà xuất bản Tân Dân dưới sự lãnh đạo và thâu tóm của Vũ Đình Long. Tất cả những chi tiết liên quan đến hai cực của cấu trúc đôi đó đều được tái dựng rõ ràng, từ việc xuất bản cái gì, xuất bản như thế nào, chiến lược cạnh tranh, lôi kéo độc giả, chiến lược in sách, những chương trình quảng cáo cụ thể, những thông tin liên quan đến bếp núc của việc xuất bản cho đến việc phân tích những cuộc tranh luận giữa hai bên. Về phía Tân Dân, nhờ vào việc đăng tải cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh cùng với sự gắn bó của một loạt nhà văn với Tiểu Thuyết Thứ Bảy, tờ báo này “đã xác lập được vị thế và định hình xu hướng hiện thực tả chân về sau sẽ được các nhà nghiên cứu xem như là đặc trưng nghệ thuật của nhóm Tân Dân”. Trong khi đó, với chủ trương dùng văn chương và tiếng cười làm lợi khí mới, với mong muốn cải tạo xã hội, Tự Lực văn đoàn đã cổ vũ, trực tiếp sáng tạo và công bố các tác phẩm mang hình mẫu lãng mạn, “đào luyện một thế hệ độc giả mới”, “tỏa bóng ảnh hưởng lên báo chí và văn chương Việt Nam đương thời, khiến cho báo chí và văn chương Việt Nam đến sau họ buộc phải tham chiếu đến họ, học tập hoặc cưỡng chống lại ảnh hưởng của họ”.

Theo các tác giả chuyên khảo, không khí cạnh tranh “lợi ích” trong trường văn học càng ngày càng sôi động với sự xuất hiện của Lê Tràng Kiều và Hà Nội báo. Sự xuất hiện những bài viết sắc sảo của Vũ Trọng Phụng trên Hà Nội báo đã khơi lên những cuộc tranh luận hết sức gay cấn. Các cuộc tranh luận thậm chí còn được nâng lên mức luận chiến. Thực tế, những cuộc luận chiến của Tự Lực Văn đoàn - Hà Nội báo - Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Tân Dân) đã là một tín hiệu tích cực báo hiệu sự phát triển của một lớp nhà văn mới, lớp nhà văn “muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Tự Lực văn đoàn (nhất là khi chủ soái của văn phái này định hướng đi theo chính trị), muốn từ chối tiếng cười như một phương tiện để cải cách xã hội trong văn chương để đặt mình vào trong thời đại mới mà đấu tranh cho quyền lợi của người dân và dân tộc”. Sự xuất hiện của Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư cùng những lớp nhà văn mới đã tạo ra một bước ngoặt mới trong trường văn chương nước nhà, họ thực tế hơn trong tình hình chính trị và văn chương mới, dần dần họ “đẩy Tự Lực văn đoàn về phía của thiểu số những người đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”.

Trong phần cuối cùng của cuốn sách “Một con đường tìm kiếm sự tự chủ và kiến tạo chuẩn mực thẩm mỹ mới”, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương đã kể lại câu chuyện xuất bản qua trường hợp nhà xuất bản Đời nay. Với Đời Nay, Tự Lực văn đoàn muốn xác lập chuẩn mực cho một mô hình xuất bản mới: nhà xuất bản của hiện tại, hướng về cái đương đại và mang tính chất đương đại của hoạt động xuất bản, đề cao tiêu chí thẩm mĩ và hướng tới một nền xuất bản vô vị lợi thông qua việc hạ giá thành sản phẩm và phổ thông tri thức cho nhiều đối tượng độc giả. Điều đó đối chọi với mục đích lợi nhuận ở phía Tân Dân. Việc khảo sát sự cạnh tranh quyết liệt và sự thay nhau soán ngôi trong thị phần xuất bản giữa Đời nay và Tân Dân cho thấy hoạt động xuất bản không phải chỉ là việc sản xuất ra những cuốn sách đơn thuần. Ẩn sâu trong đó, theo tác giả, xuất bản là “kết quả của sự tương tác giữa ý thức mới về văn chương và nhận thức về quyền lực kinh tế trong không gian văn học đặc thù”. Cũng theo kết luận của nhà nghiên cứu, ở điểm khởi đầu, các nhà văn phải hướng đến sự tự chủ kinh tế để có thể xác lập sự tự chủ về mặt văn chương, nhưng sau khi đã khẳng định được vị thế của mình, cùng với quá trình cạnh tranh khốc liệt, thì nhà văn và nhà xuất bản phải xây dựng cho mình “các chuẩn mực và định chế xuất bản mới”, làm đa dạng đời sống xuất bản tại Việt Nam thời thuộc địa.

Công trình Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do của Phùng Ngọc Kiên (chủ biên) & Đoàn Ánh Dương đã cung cấp cho người đọc những tri thức rất phong phú, tỉ mỉ cùng những kiến giải sâu sắc về hoạt động văn chương và xuất bản của trường văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỈ XX. Qua lăng kính của lí thuyết trường văn học, các tác giả đã phác dựng lại không chỉ quá trình tích lũy vốn, sự hình thành các cực cùng những khả thể mới của trường văn học Việt Nam thời thuộc địa mà qua đó làm nổi bật quá trình vươn lên tự chủ của nền văn học bản xứ trong thế vừa phụ thuộc vừa tách biệt đối với mô hình văn học chính quốc. Công trình là một đóng góp quan trọng của hai tác giả trong việc tìm hiểu không chỉ đời sống văn chương mà quá trình vận động của thực thể Việt Nam trong những thời điểm chuyển giao của lịch sử, giữa những cực tác động to lớn từ thế giới bên ngoài. Sự thành công của cuốn sách một lần nữa cho thấy tiềm năng vẫy gọi của những cách đọc khác, mang tính liên ngành trong việc nghiên cứu văn chương, mà ở đây, lí thuyết trường văn học chính là một công cụ hữu hiệu như thế.

NGUYỄN THỊ KIM NHẠN

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm