April 28, 2024, 7:36 am

Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do

Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do là cuốn chuyên khảo nối tiếp những nghiên cứu gần đây về Tự lực văn đoàn, Phong Hóa và những vấn đề văn hóa, văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX.

Ngoài Lời nói đầu, Lời dẫn, Index và Tài liệu trích dẫn, cuốn chuyên luận được trình bày dưới dạng bốn bài viết công phu của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương. Ở nội dung đầu tiên “Sứ mệnh khai hóa” và sự khai sinh các cộng đồng hiện đại bản xứ, Phùng Ngọc Kiên đã lí giải căn nguyên, cội rễ của sự sinh thành, phát triển trường văn học thuộc địa từ góc độ xã hội học qua những con số và việc khảo sát chi tiết sự phát triển của nhà trường Pháp - Việt ở Việt Nam, tỉ lệ người biết chữ, tỉ lệ người học trường Pháp - Việt, sự phát triển mang tính tương xứng của giáo dục thuộc địa và chính quốc, tỉ lệ trí thức của ba kì (Bắc - Trung - Nam), nguồn gốc của các trí thức, độ tuổi của họ, các thế hệ trí thức… Tiếp đó, với tiểu luận thứ hai Những tiến trình tích lũy và kiến tạo trường văn học thuộc địa, Phùng Ngọc Kiên giải thích những khái niệm nghề văn, nghề báo, tích lũy tư bản, tích lũy văn hóa, tích lũy kép (cả tư bản và văn hóa) để đảm bảo phát triển nghề văn. Trước hết, thông qua khảo sát việc dịch và giới thiệu văn chương thế giới trên Nam Phong, bao gồm cả việc khảo sát xuất thân của các tác giả - dịch giả, lí do của việc các tác giả - dịch giả lựa chọn dịch và giới thiệu những tác phẩm đó, nhà nghiên cứu dần giới hạn việc khảo sát vào hai tác giả - dịch giả tiêu biểu nhất ở nước ta thời điểm ấy là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Chính sự lựa chọn vừa mang tính cá nhân vừa mang những dấu ấn học thuật và thiết chế của hai tác giả này đã bước đầu kiến tạo cái gọi là “cấu trúc đôi” của trường văn học cũng như cho thấy sự định hình bước đầu về tiến trình nhịp điệu văn học Pháp - Việt. Trong phần này, tác giả Phùng Ngọc Kiên cũng phân tích những điều kiện về tư tưởng, ý thức hệ; đặc biệt là điều kiện về kinh tế trong đó có sự tự chủ kinh tế của Tự lực văn đoàn để dẫn đến sự tự chủ bước đầu trong văn chương.

Một đóng góp thú vị của công trình này là những phân tích cụ thể về cấu trúc trường văn học thuộc địa từ góc độ bản đồ học. Thứ nhất, về mặt không gian địa lí đó là “sự tập trung của các đô thị cho phép tạo ra những sự tích tụ giá trị thương mại” (tr.169). Thứ hai, “có sự tương ứng giữa khoảng cách địa lí, vị trí địa lí với lựa chọn của những cá nhân tác giả đối với các khả thể trong trường văn học do những cơ cấu ngầm ẩn của vốn văn hóa và vốn kinh tế” (tr.169). Hà Nội, trong tình thế thuộc địa, đã trở thành kinh đô của văn chương nhờ vấn đề thống nhất dân tộc trong chữ viết.

Phần chiếm dung lượng lớn nhất của cuốn sách là nội dung Những khả thể mới và cấu trúc trường văn học trong không gian xã hội hiện đại. Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương phân tích hai tiền đề cơ bản như là những khả thể mới trong trường văn học tự chủ đương thời, sự đầu tư kép dành cho Thơ mới, những cấu trúc đôi trong trường văn học và nhấn mạnh vào những hoạt động xuất bản, in ấn, báo chí, văn chương, giải thưởng cụ thể và cả những tranh luận từ khởi đầu đến kết thúc của Tự lực văn đoàn với “nhân vật song đôi” là Tân Dân, và sau đó là với một vài nhân tố khác để tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngoặt của trường văn học.

Đóng góp quan trọng của chuyên khảo là việc các tác giả đã tái hiện đầy đủ, chi tiết, rõ ràng sự hiện diện của những cấu trúc đôi của trường văn học thuộc địa. Trong đó, hiện diện rõ nhất và có vai trò quan trọng nhất quyết định sự trưởng thành và thay đổi của cấu trúc trường văn học Việt Nam là sự song song hình thành, tồn tại và phát triển của Tân Dân và Tự lực văn đoàn trong những năm 1930. Các tác giả tái dựng lại những tờ báo, những nhà xuất bản, nhà in, những hội nhóm thuộc hai “phái” Tân Dân và Tự lực văn đoàn để làm nổi bật ảnh hưởng, vai trò, vị thế cũng như cách thức họ tác động và làm vừa lòng độc giả, cũng là cách họ duy trì tên tuổi của mình. Bên Tự lực văn đoàn là báo Phong hóa, Ngày nay, Ngày nay kỷ nguyên mới, An Nam xuất bản cục, nhà xuất bản Đời nay, Hội Ánh sáng dưới sự lãnh đạo của anh em Nguyễn Tường Tam; bên Tân Dân là Tiểu thuyết thứ bảy, báo Ích hữu, Phổ thông bán nguyệt san, Tân Dân thư quán, nhà xuất bản Tân Dân dưới sự lãnh đạo và thâu tóm của Vũ Đình Long. Theo Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương, nhờ vào việc đăng tải cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh xuất phát từ việc phê bình Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan cùng với sự gắn bó của nhà văn với Tiểu thuyết thứ bảy, tờ báo này “đã xác lập được vị thế và định hình xu hướng hiện thực tả chân về sau sẽ được các nhà nghiên cứu xem như là đặc trưng nghệ thuật của nhóm Tân Dân” (tr.240). Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, với chủ trương dùng văn chương và tiếng cười làm lợi khí mới, với mong muốn cải tạo xã hội, Tự lực văn đoàn đã để lại dấu ấn sâu đậm hơn hẳn, được người đọc yêu mến. Không chỉ thế, bằng việc cổ vũ, trực tiếp sáng tạo và công bố các tác phẩm mang hình mẫu lãng mạn, Tự lực văn đoàn đã “đào luyện một thế hệ độc giả mới”, “tỏa bóng ảnh hưởng lên báo chí và văn chương Việt Nam đương thời, khiến cho báo chí và văn chương Việt Nam đến sau họ buộc phải tham chiếu đến họ, học tập hoặc cưỡng chống lại ảnh hưởng của họ” (tr.259).

Khép lại công trình là việc phân tích Một con đường tìm kiếm sự tự chủ và kiến tạo chuẩn mực thẩm mĩ mới, Đoàn Ánh Dương đã “kể” nhiều câu chuyện văn chương mang tính “nhạy cảm” mà trước kia chưa được nói đến. Đó là những vấn đề về nhà xuất bản của Tự lực văn đoàn - mà trước hết là câu chuyện của Tự lực văn đoàn và An Nam xuất bản cục (SADEP) - được coi là “tiền thân” của Đời nay (nhà xuất bản chính thức của Tự lực văn đoàn), câu chuyện về sự lựa chọn “nâng đỡ” Thế Lữ của Tự lực văn đoàn, vai trò thực sự của Thế Lữ trong văn đoàn này, việc tự xuất bản Nửa chừng xuân của Khái Hưng… Những chi tiết cụ thể trong các câu chuyện này đã làm lộ ra “vai trò” và “bản chất” thực sự của nhà tư bản trong trường văn chương, mối quan hệ của kinh tế - văn chương, sự thức tỉnh của các nhà văn tự làm văn chương và ý thức kinh tế của họ, ở đây là Tự lực văn đoàn. Từ đó, nhà nghiên cứu khẳng định nhân cách vô vị lợi của Tự lực văn đoàn trong hoạt động văn chương của mình.

Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do cung cấp cho người đọc những tri thức rất hữu ích về hoạt động văn chương và xuất bản của trường văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX thông qua việc tái dựng quá trình phát triển của Tự lực văn đoàn từ sơ khai đến ngày cuối cùng trong các hoạt động văn chương-xuất bản trong thế đối sánh với những thế lực song song (ở đây là Tân Dân) để cùng tồn tại và phát triển. Cuốn sách còn có rất nhiều cứ liệu đáng tin cậy được thể hiện ở những tài liệu trích dẫn và khảo cứu, với rất nhiều trang minh họa của các báo, tạp chí, sách được đưa vào chính văn minh họa cho các luận giải. Đây thực sự là một công trình công phu mà những người nghiên cứu, những người học, những người có ý hướng tìm hiểu văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX cần đọc.

Đỗ Thị Hường

Nguồn Văn nghệ số 10/2024


Có thể bạn quan tâm