May 2, 2024, 7:00 pm

Từ câu chuyện ở Làng Cói Hạ…

Nguyễn Hữu Nhàn là người con của làng Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ, là nhà văn có khả năng tổng hợp của một nhà sưu tập, biên khảo, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, viết kịch bản phim, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Đặc biệt hàng nghìn trang văn của ông chuyên sâu vào đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Ông viết truyện ngắn từ lúc 15 tuổi, 70 năm cầm bút, ông đã dành tâm huyết cho công việc viết văn yêu thích. Văn ông in đậm phong cách, tính nết, văn hóa cội nguồn… làng quê, đất nước, con người Việt Nam. Ông có một kho văn học đồ sộ, tiêu biểu là các tập truyện ngắn: Truyện làng Gành (1975); Chuyện kể trong làng (1994); Phố làng (1989); Người quê (2005); Tết ở bản Dèo (2006); Gió thổi qua rừng (2007); Vui như hội (2009); Sín Lù (in chung, 2014) và các truyện ngắn in trong Tuyển tập Nguyễn Hữu Nhàn (2013); Quê hương và bầu bạn (2017). Các tiểu thuyết: Dốc nắng (1984); Làng Cói Hạ (1989); Không cô đơn (1993); Chớm nắng (2000); Rừng cười (2008), và còn nhiều kịch bản phim, nhiều công trình khảo cứu có giá trị. Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 19/5/2023.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thì tiểu thuyết Làng Cói Hạ (NXB Thanh Niên, 1989), hấp dẫn bởi cách xây dựng cốt truyện, khắc họa tính cách nhân vật, cách kết mở đầy trăn trở, suy tư. Hình ảnh nông thôn, nông dân, nền nông nghiệp miền Bắc Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX đến nay vẫn tươi mới, tưởng như câu chuyện đang xảy ra trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Tiểu thuyết Làng Cói Hạ lấy bối cảnh xã Hợp Thịnh, tỉnh Vĩnh Phú (hợp nhất của tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc), nay là tỉnh Vĩnh Phúc. Trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn viết về thời kỳ lịch sử giao thời cũ mới trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước. Sau chiến thăng chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã đánh bại đế quốc Mỹ, kẻ thù mạnh nhất thế giới. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất, bách chiến, bách thắng, bạn bè năm châu ngưỡng mộ, nhưng trong xây dựng nông thôn và phát triển kinh tế nông nghiệp có nhiều hạn chế và những sai lầm, những đề xuất về cơ chế “Khoán 10” cho người nông dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chưa được ủng hộ, đời sống của nhân dân sau khi đất nước thống nhất còn gặp rất nhiều gian khổ, thiếu thốn. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã mạnh dạn chỉ ra điều đó.

Tiểu thuyết diễn tả cuộc đấu tranh quyết liệt trên mặt trận sản xuất nông nghiệp thông qua hai tuyến nhân vật đối lập. Một bên là những người tiên tiến, một lòng chiến đấu hy sinh vì Đảng, vì dân, vì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một bên là những kẻ cách mạng giả hiệu, dốt nát, nhưng hãnh tiến, cơ hội, luôn tìm cách phá hại. Tiêu biểu cho những người tiến bộ là nhân vật Lê Bùi, Bí thư Đảng ủy xã. Ông là trụ cột của dân làng, là chỗ dựa của các cán bộ, Đảng viên trong xã, là hiện thân của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ông là một du kích trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, từng đảm nhận chức Thường vụ Tỉnh ủy, công tác với Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Ông tình nguyện thôi chức Bí thư Huyện ủy để về xây dựng làng. Hợp Thịnh lúc đó còn nhiều vấn đề tồn tại trong cung cách làm ăn, xây dựng nông thôn mới. Phong trào Hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, các ngành nghề thủ công không phát triển. Nhiều người nông dân thiếu đói, nợ nần quanh năm. Họ không thiết tha ở lại làng, bỏ quê đi làm ăn xa, đất đai màu mỡ bỏ hoang. Giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, Lê Bùi tận tâm với phong trào. Ông thuộc tên gần hết những người dân trong làng, công việc to nhỏ đều có mặt. Ông yên tâm công tác xã, một phần do kinh tế gia đình vững vàng, giàu có thuộc loại nhất nhì trong làng. Vợ ông hết lòng ủng hộ chồng trong công tác, đảm đang thu vén công việc gia đình. Không phải vô tình mà nhà văn đã miêu tả Lê Bùi có thân hình to lớn, vạm vỡ. Một người nông dân chính hiệu, lao động giỏi, những kẻ yếu bóng vía, làm điều khuất tất, nhìn thấy ông là mất hết nhuệ khí. Ông Bùi lại nghiện ăn trầu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Thói quen dân dã đó đã khiến ông gần gũi với nông dân trong làng. Nhà văn đã khắc sâu hai tính cách đối lập, nhưng thống nhất trong ông: thẳng thắn, quyết liệt, triệt để trừng trị cái xấu, cái ác, tận tâm, tận lực trong công việc và sống nhân hậu, tình nghĩa, sẻ chia với mọi người. Với những kẻ chậm tiến, chống phá cách mạng, thái độ của ông dứt khoát: “Có điều nếu họ chống chính quyền, phá hoại hợp tác xã, gây rối loạn trật tự trị an, thì phải chuyên chính”. Với từng đối tượng cụ thể thì ông lại có cách ứng xử khác nhau, cương nhu tùy hoàn cảnh giao tiếp, như đối với ông Rán, lão Khái Hanh, anh Bồng, ông Biên Lai, anh Hòa Nghị, cô An và các cán bộ xã như Phó Bí thư Đảng ủy Phùng Đắc Thái, Chủ nhiệm HTX Phùng Đắc Thành, Chủ tịch xã Bùi Minh Chí, Công an xã Bùi Văn Đốm… Những cuộc đối thoại, giao tiếp đó đã khắc sâu tính cách của ông. Đối lập với Lê Bùi là ông Rán, Ủy viên Thường vụ cấp tỉnh. Nhà văn đã chỉ ra “bệnh” của ông Rán là sự đố kỵ, ghen ghét với người tài hơn. Ông ta tiêu biểu cho loại người cách mạng giả hiệu, quan liêu, khốn nạn, đê tiện, vô ơn bạc nghĩa, nhưng vẫn ngồi vững trên ghế của mình: “Lý luận của ông ta sai bét. Nhưng nhờ có thủ đoạn nên ông ta dù dốt vẫn là người “chiến thắng”. Nhà văn đã mạnh dạn phơi bày bản chất thật của một cán bộ cấp tỉnh ra trước ánh sáng của công luận. Một người nữa không thể không nói đến là nhân vật lão Khái Hanh. Lão là một loại người bệnh hoạn, luôn tìm cách chống phá ông Bùi và chính quyền xã Hợp Thịnh. Về mặt di truyền, lão mang trong mình dòng máu phản trắc của ông cha. Cụ bảy đời nhà lão làm võ quan dưới triều Lê Mạt “có công” với triều đình đã lừa bắt được Nguyễn Danh Phương. Người mà dân làng tôn vinh là anh hùng dân tộc, thì họ tộc lão gọi người anh hùng ấy là thằng Què, giặc Què. Về phương diện gia đình và tình cảm cha con, thì lão Khái Hanh là người cha gia trưởng, độc đoán, sống luộm thuộm, vô trách nhiệm, thậm chí tàn nhẫn. Cô An, con gái lão hư hỏng một phần vì bị những kẻ bất lương hãm hại, một phần cũng vì lão thiếu tình thương, cố tình hắt hủi, xua đuổi. May mà cô có người anh trai hiểu biết, bác Bùi quan tâm tạo công ăn việc làm được Hòa Nghị yêu thương chân thành nên cô An đã bước qua mặc cảm và cái chết để làm lại cuộc đời. Về mối quan hệ xã hội, lão không tôn trọng tình cảm họ hàng, làng xóm, luôn xúi giục những người dốt nát, nhưng hiếu thắng, lười làm, hay ăn, lại tưởng mình tài giỏi hơn người. Lão cay cú cho mình thuộc loại dòng dõi quý tộc lâu đời, đáng lẽ phải làm chức tước quan trọng trong xã như bác Bùi. Lão lười nhác, nghèo khổ nhưng lại đổ cho chính quyền địa phương không giúp đỡ. Suốt đời lão chỉ chuyên tâm vào kiện tụng, “lật độ chính quyền” xã. Một số người nhẹ dạ, cả tin, ưa phỉnh nịnh đã dần dần nhận ra chân tướng của lão. Thực tế họ đã được bác Bùi bày cho cách làm ăn. Hợp tác xã lại tạo điều kiện thuận lợi xây dựng kinh tế gia đình phát triển giàu có. Họ đã dứt khoát từ chối không làm theo lời xúi bẩy của lão, như ông Biên Lai. Thông qua những nhân vật điển hình và cuộc đối đầu của họ, nhà văn đã giúp cho bạn đọc hiểu được trong cuộc đấu tranh vệ quốc giữ nước, nhân dân ta đã phải đổ bao máu xương mới giành được độc lập, tự do, thì trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội xây dựng nông thôn mới cũng vô cùng cam go, khốc liệt. Kết cục tất cả những kẻ phản động tìm cách chống phá cách mạng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, sẽ bị thất bại thảm hại.

Tiểu thuyết có 16 chương, chưa kể “chương tạm kết” được kết cấu chặt chẽ, logic. Cốt truyện được kể theo trình tự thời gian, phản ánh khách quan: làng Cói Hạ trong công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, đổi mới nông thôn, phát triển nông nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ XX. Nhà văn đã biến những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thành tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn. Mục tiêu xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp, cởi trói sức lao động, cho người nông dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng xã hội văn minh, dân giàu, nước mạnh đã toát lên trong từng lời nói, suy nghĩ, hành động của nhân vât Lê Bùi: “Vậy ta có làm cho quê hương thực sự giàu đẹp để cho những người ra đi vì khó khăn, vì thiếu thốn muốn tìm về quê hương không?” hay “Chúng ta đã bắt đầu đô thị hóa nông thôn rồi đấy”. Nhờ phương thức “Khoán hộ” mới, nông dân xã Hợp Thịnh giàu lên, họ đổi đỗ tương, lạc, nấm rơm… lấy tủ lạnh, ti vi, catse, máy khâu, xe đạp từ các nước anh em… Minh chứng vụ ngô đông thắng lợi, đời sống của nông dân được nâng cao, nhiều hợp tác xã trên miền Bắc đến Hợp Thịnh để học tập, trong đó có cả hợp tác xã ở thủ đô Hà Nội. Không khí xóm làng vui tươi nhộn nhịp hẳn lên. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khó khăn, gian khổ, đích cuối cùng chưa ai biết. Thông qua lời nói của nhân vật Lê Bùi, Bí thư Đảng ủy xã: “Ngày hôm nay, toàn dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, vậy thì họ giàu hay họ nghèo đều là do chủ nghĩa xã hội tạo ra. Mình có biết làm giàu cho chủ nghĩa xã hội và cho dân làng không?”. Nhưng nhà văn đã phản ánh một cách chân thật, khách quan nông thôn Việt Nam của hai thập kỷ cuối thế kỷ XX. Chỉ hơi tiếc nếu nhà văn phân tích sâu hơn về ưu điểm, nhược điểm của cơ chế “khoán hộ” thì tác phẩm sẽ hoàn chỉnh hơn…

Nguyễn Hữu Nhàn xây dựng được những hình tượng nhân vật điển hình. Ông đã khám phá và phát hiện ra những bí ẩn, chiều sâu tận cùng của tâm hồn con người. Thế giới con người trong tiểu thuyết “Làng Cói Hạ” được khắc họa đậm nét, sinh động, ấn tượng. Mỗi con người có một số phận, một tính cách riêng, đều gắn liền với cuộc vận hành của dân tộc trong thời kỳ lịch sử. Vì thế các nhân vật rất chân thật, gần gũi với đời thường. Con người trong đó mang tính cá nhân đậm nét, nhưng điển hình cho từng lớp người trong xã hội hiện nay như ông Lê Bùi, ông Khái Hanh, ông Rán… Những đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của con người đã được nhà văn chú ý. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ đem lại cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân đặc biệt là người nông dân. Văn phong giản dị, giọng điệu kể linh hoạt, phong phú, khi tự sự, khi trữ tình, khi hài hước, dí dỏm. Mỗi nhân vật có một giọng điệu riêng.

Sau gần 35 năm đọc lại tiểu thuyết Làng Cói Hạ, chúng ta vẫn nghe văng vẳng lời nói của nhân vật Lê Bùi: “Dù đất nước ta đã thành nước chủ nghĩa xã hội đi nữa thì cái xấu vẫn cứ còn”. Người đọc tưởng như những con người ấy đang sống xung quanh ta, trong công cuộc đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác cho cái đẹp, cái thiện nở hoa. Tác phẩm mang giá trị giáo dục tư tưởng lớn, có sức lay động lòng người. Làng Cói Hạ là một làng điển hình cho nông thôn miền Bắc, là tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Tiểu thuyết Làng Cói Hạ cũng chứng minh cho tài năng của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn khi tiếp cận và phản ánh đề tài nông thôn, nông dân, nông nghiệp vùng trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong thời gian dài, ông đã cùng một số nhà văn Việt Nam có tên tuổi viết về đề tài này, tạo nên những sinh thể văn chương sáng giá trong thời kỳ đổi mới.

Vũ Thị Thanh Minh

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Có thể bạn quan tâm