April 29, 2024, 5:11 am

Từ bến Phà Đen năm ấy

Trước khi đến với nhà máy Z173 (Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà) - thuộc Tổng cục Công nghiệp, Bộ quốc phòng - khoảng 1 tuần, tôi đã có chuyến công tác xa tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong chuyến công tác nơi vùng đất được xem là vựa lúa của cả nước, tôi đã được đi thuyền trên dòng sông Tiền, sông Hậu, được đi xuồng máy trên các con kênh rạch trong vùng rừng U Minh Hạ, để thấy được sự bình yên, sự trù phú, tươi đẹp biết nhường nào mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất ấy.

Tôi đã thầm nghĩ, chúng ta thật may mắn biết nhường nào khi được tạo hóa ban tặng những cảnh quan, những điều kiện tự nhiên tuyệt vời đó, để làm nên một đời sống, làm nên một vùng văn hóa, định hình nên những tính cách con người, đồng thời cũng để thử thách bản lĩnh và phẩm giá con người. Và, hai chữ Quê Hương cũng phần nào được tạo ra từ chính những yếu tố đó. Liệu chúng ta, những con người được thừa hưởng từ thiên nhiên có biết ơn và gìn giữ. Đến với Công ty đóng tàu Hồng Hà, tôi chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi ô tô từ Hà Nội đến địa bàn xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Ban lãnh đạo Công ty đã đón tiếp đoàn chúng tôi thân tình, và “chiêu đãi” bằng một chuyến đi thực tế trên sông Vân Dương. Khác với những vườn cây ăn trái trên các cù lao, nhà vườn bên sông Tiền, sông Hậu, hay rừng đước rậm rạp, đầy sức sống nơi rừng ngập mặn U Minh Hạ, trên suốt hành trình hơn chục km trên sông Vân Dương, từ bến tàu của công ty Hồng Hà đến cầu Bến Kiền, hướng ra cửa biển, hiện ra trước mắt tôi là những bãi ngô, vườn cau mướt mát. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi chỉ trong vòng hơn một tuần đã được đi tàu trên những con sông của cả hai miền Nam - Bắc, được đến gần với biển của cả hai đầu đất nước. Dù là miền Nam hay miền Bắc, vẫn là những mầu xanh tươi tốt và trù phú nhưng đã mang những nét đặc trưng thổ nhưỡng vùng miền khác nhau. Một lần nữa tôi lại cảm nhận được sự kì vĩ của những con sông trên khắp dặm dài Tổ quốc, sự lớn lao và bao dung của biển cả chạy dài và ôm lấy suốt dải đất hình chữ S thân thương. Và điều đặc biệt hơn, khi đi trên dòng sông Vân Dương, đoàn chúng tôi được đi trên chính con tàu do Công ty Hồng Hà sản xuất. Khi mới bước chân xuống tàu, nhìn hình dáng bên ngoài của con tàu, tôi cứ nghĩ mình vừa bước lên con tàu chiến loại nhỏ. Nhưng qua sự giới thiệu của thượng tá Nguyễn Thái Hùng, Phó giám đốc công ty thì đây chỉ là con tàu lai dắt, hoạt động chủ yếu trên vùng sông Vân Dương mà thôi. Trên dòng sông chở nặng phù sa, đem lại sự trù phú cho cả một vùng đất, tàu bè lớn nhỏ qua lại rất nhiều. Dọc theo con sông Vân Dương, tôi cũng bắt gặp những nhà máy đóng tàu quy mô lớn, nhỏ khác nhau, để cho thấy công ty Hồng Hà cũng phải đứng trước sự cạnh tranh trong một phân khúc nào đó của thị trường. Vậy là trên một quãng sông mấy chục km hướng ra cửa biển đã có biết bao con tàu lớn nhỏ được xuất xưởng đi qua đây. Theo lời của thượng tá Nguyễn Thái Hùng, với đặc thù là công ty có 100% vốn nhà nước, do Bộ Quốc phòng quản lý nên công ty Hồng Hà và Công ty đóng tàu Ba Son là 2 đơn vị đóng tàu chiến, tàu bổ trợ quân sự của cả nước, ngoài ra thế mạnh của Hồng Hà còn sản xuất các loại tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu công trình, các loại tàu cao tốc, tàu chở hàng, tàu chở khách. Con tàu lớn nhất mà công ty Hồng Hà đã từng đóng đó là tàu chở hàng nặng 6.500 tấn, đóng cho bạn hàng Hà Lan.

Vào một ngày đầu thu, nắng nhẹ, đứng trước mũi tàu và đón nhận những cơn gió từ những bờ bãi xanh mướt, ngắm nhìn những tàu bè ngược xuôi, được chứng kiến những thuyền chài đang thả lưới, thả đó, những xóm chài lặng lẽ bên sông, những bến tầu lớn nhỏ, lòng tôi cảm thấy chộn rộn, với nhiều suy nghĩ. Nhưng có một từ choán hết tâm trí tôi lúc đó, là từ “mưu sinh”. Những tàu bè lớn nhỏ ngược xuôi, những thuyền chài, những ngư dân bên xóm chài, những người nông dân cần cù bên những bãi bờ xanh mướt, tất cả đều để mưu sinh. Tất nhiên trong cuộc mưu sinh đó có rất nhiều tâm thế khác nhau, có người bình thản chậm rãi, có người tất tả, có người vất vả lận đận… Tất cả góp phần tạo thành một bức tranh phát triển về đời sống vật chất. Và để cho bức tranh đó đang ngày được vẽ nên thì cần có sự bình yên của quê hương xứ sở, sự bình yên của Tổ quốc. Và, chính công ty đóng tàu Hồng Hà cũng đang góp một phần vào sự bình yên cho Tổ quốc, khi đóng ra những con tàu phục vụ cho quân đội, các cơ quan chức năng, đang ngày đêm lướt sóng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và cũng sẵn sàng chiến đấu.

Sau khi được đi thực tế trên sông Vân Dương, quay về bến, chúng tôi được thượng tá Nguyễn Thái Hùng và một phó giám đốc khác của công ty đóng tàu Hồng Hà là thượng tá Nguyễn Biên Thùy đưa đi thăm quan các khu nhà xưởng của công ty, nơi mà những người công nhân đang miệt mài bên những thân tàu cao lừng lững như những tòa nhà. Theo như lời các anh nói thì đoàn chúng tôi đến thăm công ty vào đúng ngày mà đồng chí giám đốc công ty là thượng tá Phạm Văn Tuấn, là một tiến sĩ, được đào tạo ở Nga, đang cùng phần lớn anh em cán bộ, công nhân của nhà máy đi nghỉ mát, chỉ một phần nhỏ cán bộ chiến sĩ, công nhân ở nhà để đảm bảo cho máy móc và công việc được vận hành hành.

Cách đây 58 năm, ngày 30/10/1965 tiền thân của công ty Hồng Hà là Ban Ca nô đã ra đời, với nhiệm vụ vận chuyển thiết bị vật tư đến các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng để gia công đặt hàng nhằm kịp thời đáp ứng phương tiện phục vụ vận chuyển vũ khí lương thực cho chiến trường miền Nam. Khi đó quân số của Ban Ca nô chỉ vỏn vẹn có 20 cán bộ, phương tiện thì chỉ có 2 chiếc xe Grát để vận chuyển thiết bị vật tư đến các cơ sở sản xuất. Ngày đó trụ sở chính của Ban Ca nô đặt tại Bến Phà Đen, trên địa bàn Hà Nội. Đến ngày 26/4/1968, Cục quản lý xe - Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập nhà máy Q173W, có nhiệm vụ sản xuất sửa chữa ca nô, xà lan, phục vụ vận chuyển và rà phá bom từ trường. Nhà máy khi đó bao gồm 300 cán bộ, chiến sĩ, công nhân với 5 phân xưởng nằm rải rác ở Hà Nội và Hải Phòng. Sau nhiều lần đổi tên như: Nhà máy A173, Xí nghiệp 173, và từ năm 1996 chính thức đổi tên thành Công ty đóng tàu Hồng Hà.

Trong thời kỳ chiến tranh, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá Miền Bắc, với âm mưu ngăn cản chi viện cho chiến trường Miền Nam, quân Mỹ thả hàng vạn tấn bom từ trường, thuỷ lôi xuống các cửa sông, cửa biển, vì vậy yêu cầu nhiệm vụ đối với Nhà máy rất lớn. Bằng ý chí quyết tâm, bằng sự sáng tạo và lòng dũng cảm, những người lính A173 khi đó, đã không quản khó khăn vất vả, lao động sản xuất với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”; “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt” sản xuất, sửa chữa ca nô rà phá thuỷ lôi, các phương tiện vận tải thuỷ và nhiều mặt hàng phục vụ Quân đội vận chuyển lương thực, vũ khí kịp thời chi viện cho chiến trường.

Trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Nhà máy tiếp tục phát huy tốt truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, dám nghĩ, dám làm, đầu tư và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến, các trang thiết bị hiện đại để đóng mới thành công các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trang thiết bị vũ khí, khí tài hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng. Tiếp tục sửa chữa bảo đảm kỹ thuật cho các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng và Tổng cục.

Bên cạnh đó, công ty đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích cán bộ chiến sĩ, công nhân không ngừng tìm tòi nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ văn hóa trình độ khoa học kĩ thuật, nâng cao tay nghề. Công ty thường xuyên tổ chức đưa cán bộ công nhân đi học tập tại các cơ sở trong nước và đào tạo ở nước ngoài.

Ban Giám đốc Công ty luôn quan tâm sát sao việc chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và môi trường lao động của công nhân. Tại công ty Hồng Hà, người lao động luôn được hỗ trợ tối đa về vật chất và tinh thần, luôn nhận được sự đùm bọc, sẻ chia của tập thể Công ty khi gặp khó khăn bằng những việc làm thiết thực như: Trợ cấp gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong đơn vị, xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tổ chức trao thưởng học sinh giỏi, gia đình tiêu biểu và các hoạt động vui chơi tập thể nhân dịp lễ, tết hàng năm; các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, công đoàn phát huy tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ là tổ chức đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên. Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định và các chế độ chính sách đối với người lao động như: chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Luôn quan tâm, chăm lo nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho người lao động. Từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn ca, phục vụ bồi dưỡng giữa ca đảm bảo định lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% cán bộ.

Với sự lớn mạnh chắc chắn từng bước đã khiến công ty đóng tàu Hồng Hà trở thành đơn vị đáng tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam và ngành đóng tàu của cả nước. Doanh thu hàng năm của công ty hiện nay là trên dưới 1000 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của người công nhân là 14 triệu/ tháng.

Có thể nói Công ty đóng tàu Hồng Hà đã tận dụng tốt năng lực hiện có để phát triển kinh tế, tạo những bước đột phá quan trọng về tốc độ phát triển, việc làm, thu nhập và đời sống người lao động từng bước được cải thiện, thực hiện đầy đủ các khoản thu nộp đối với Nhà nước, Quân đội, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội; nhất là nâng cao năng lực Công nghiệp quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chắc hẳn chúng ta không thể quên sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đặt dàn khoan Hải Dương 981 vào vào vùng biển của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Để bảo vệ cho dàn khoan Hải Dương 981 dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn,Trung Quốc đã huy động 80 tàu thuyền các loại. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc. Để đối phó với hành động sai trái này chúng ta đã tiến hành nhiều biện pháp như đấu tranh ngoại giao và cả các lực lượng chấp pháp trên biển cùng vào cuộc. Vào thời điểm đó có rất nhiều con tàu do Công ty Hồng Hà sản xuất được các lực lượng chức năng của ta sử dụng tham gia đối đầu ứng phó với Trung Quốc. Cũng trong thời điểm đó, Công ty Hồng Hà đã kịp thời cho xuất xưởng một tàu tiếp dầu và nhu yếu phẩm ngay trên biển cho các tàu chấp pháp của ta để đảm bảo ứng trực trên thực địa.

Tuy là một doanh nghiệp tự chủ về kinh tế, hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, nhưng toàn thể cán bộ công nhân của Công ty đóng tàu Hồng Hà luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước Quân đội, trước Nhân dân. Tập thể công ty luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao đảm bảo cơ giới, khí tài trong công cuộc bảo về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty đóng tàu Hồng Hà đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý do Nhà nước và Quân đội trao tặng, trong đó có thể kể đến như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động thời kì đổi mới….ngoài ra còn có các danh hiệu được trao tặng cho các tập thể và cá nhân trong Công ty. Bên cạnh đó nhiều cá nhân và tập thể trong công ty cũng đã nhận được giải thưởng nghiên cứu sáng tạo khoa học, cuộc thi tay nghề cấp Quốc gia, cấp Bộ…

*

Kể từ bến Phà Đen năm ấy, đến nay đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, từ Ban Ca nô từ thuở sơ khai với 20 cán bộ chiến sĩ và 2 xe Grát nay đã trưởng thành là một Công ty đóng tàu Hồng Hà vững mạnh với cơ sở hạ tầng, nhà xưởng khang trang hiện đại, đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn và công nhân lành nghề. Từ bến cảng của công ty, nơi có một chiếc cần trục như một người khổng lồ vạm vỡ hiên ngang bên sông nước, đã có biết bao con tàu được rời bến đi khắp mọi vùng biển, sông ngòi trên dải đất hình chữ S thân thương. Những con tàu đó đang ngày đêm tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế trên mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, cũng từ bến cảng này đã có những con tàu hạng nặng được ra khơi với những đại dương trên khắp thế giới.

Để những con sông được hiền hòa với những ngư dân chài lưới, những nông dân miệt mài trên những bãi bờ xanh mướt, để những con sóng biển Đông được bình yên sóng vỗ, để quê hương xứ sở được bình yên và tươi đẹp như vốn có, đang có một phần nhỏ đóng góp của các cán bộ chiến sĩ, công nhân Nhà máy đóng tàu Hồng Hà.

Trần Thị Tuệ Anh

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm