May 13, 2024, 6:21 am

Truyện ngắn Phùng Cung, nhìn từ bản sắc văn hóa Việt

Phùng Cung sinh ra ở làng Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng quê tổ ở xã Cam Lâm, tổng Đường Lâm, thuộc Sơn Tây - xứ Đoài.

Ngày xưa, Sơn Tây bao gồm cả tỉnh Vĩnh Phúc và một phần tỉnh Phú Thọ, nên cả quê sinh và quê gốc của ông là một. Phùng Cung nổi tiếng với Truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh thời Nhân văn.  Trong lời giới thiệu Truyện ngắn Phùng Cung, PGS.TS Đỗ Lai Thúy viết: “Họ Phùng nhà ông nếu không có huyết thống trực tiếp của Phùng Hưng, thì ắt hẳn cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng từ tinh thần bất khuất của Bố Cái Đại vương. Hơn nữa, là con trưởng của một gia đình giàu có, đông em, từ lâu Phùng Cung đã được gửi đi học ở tỉnh lỵ Sơn Tây, được sống với mảnh đất đá ong “khô nhiều ngấn lệ”. Chỉ đến tháng 4 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, lại vừa tốt nghiệp trung học, Phùng Cung mới trở lại Vĩnh Phúc. Như vậy, cả quãng đời quan trọng nhất của một con người để tiếp nhận và thẩm thấu thế giới của Phùng Cung đều trôi qua trên đất Sơn Tây.”

Nhà văn Phùng Cung (1928-1997)

Từ dư địa chí Sơn Tây đất sỏi chạch vàng, năm 1947, khi đang làm chủ tịch xã Hồng Châu, thực dân Pháp thời điểm đó chiếm tỉnh lỵ Sơn Tây nhằm khống chế vùng Tây Bắc, anh em Phùng Cung lên chiến khu Việt Bắc. Khi tổng bí thư Trường Chinh chủ trì thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, Phùng Cung được điều về Hội cùng với Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài… công tác. Ông sáng tác từ ngày đó, cả thơ và văn xuôi, nhưng theo đánh giá của các bạn văn, văn xuôi của Phùng Cung trội hơn. Các đánh giá về văn xuôi Phùng Cung cốt lõi là chữ quê - bản sắc văn hóa thuần Việt, nhất là các biểu hiện từ văn hóa truyền thống đã hiện rõ trong các truyện ngắn của Phùng Cung. Hồn quê - hồn Việt - văn hóa Việt, đậm đặc trong Truyện ngắn Phùng Cung, làm nên thương hiệu Phùng Cung với những truyện ngắn đặc sắc như: Ván cờ khai xuânCon muông nòi; Chiếc mũ lông; Hương dạ hợp; Giải thoát; Mộ phách;… cho bạn đọc theo về một vùng văn hóa cổ truyền với những giá trị nhân văn sâu sắc.

Với tư cách Bí thư của một xã lớn như Hồng Châu, được giao trọng trách tổng quản việc quân chính của một vùng đất, với học thức của mình, hằn nhiên Phùng Cung đã ngay từ đầu, nhập cuộc và đồng hành cùng cách mạng… Trong toàn bộ các truyện ngắn của Phùng Cung, thì đều cầm được là buông được, đều là nhân văn nhân ái đến tận cùng, thấy được sự cần lao khốn khó của nhân dân, của Tổ quốc mà tự răn mình trong cuộc sống. Các thông điệp từ các truyện ngắn Phùng Cung đều là ước muốn cái xấu cái ác bị đẩy lùi, ít ra cũng phải bị phong tỏa để những thanh âm hữu ích trong cuộc sống ngân lên, lan tỏa.

Nhưng những điều tưởng như đúng đắn ấy, lại bị sự tị nạnh, hờn ghen, nông cạn, mông muội, giết dần giết mòn… Phùng Cung đã rất đớn đau khi buộc phải viết ra: Con ngựa già của chúa Trịnh; Mạt kiếp; Ván cờ khai xuân; Chiếc mũ lông; Con muông lòi; Biệt tích; Giải thoát; Mộ phách… và nhận vào vô số vết thương sâu.

Ở những khúc quanh như vậy, bị dồn đuổi đến tận cùng như vậy, Phùng Cung đã buộc phải đớn đau khi đi theo con đường đơn thương độc mã của mình để viết lên những truyện ngắn xuất sắc của ông. Theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy: “Tất cả các truyện ngắn này đều nhắm đến một mục đích: chống lại sự tha hóa nhân cách, từ người nông dân nghèo đói, bị áp bức đến các trí thức, văn nghệ sĩ, chống lại sự cám dỗ của quyền lực, chống chiến tranh, sự độc tôn… như là những nguyên nhân hủy hoại nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Phùng Cung đã tìm ra được mối liên hệ giữa văn hóa và nhân cách. Văn hóa không chỉ tạo ra nhân cách mà còn là môi trường nuôi dưỡng, bảo vệ nhân cách. Bởi vậy, hủy hoại văn hóa cũng là hủy hoại nhân cách, đúng hơn nhân cách văn hóa. Vợ chồng kép hát Tư Chản, Đào Khuê cả đời gắn bó với ca trù. Gặp thời buổi “cách mạng văn hóa” đập đàn, chẻ phách, họ đành nghỉ hát. Nhưng mỗi khi nỗi nhớ ca trù không nhịn được, lừa lúc đêm khuya họ mang cây đàn cỗ phách giấu được ra đàn hát”.

Trong chính con người Phùng Cung luôn có dòng chảy của tư tưởng yêu nước từ rất sớm, tư tưởng ấy vẫn luôn là tư tưởng đi riêng khác so với những tư tưởng yêu nước truyền thống bởi nó là những tư tưởng đối lập khác lạ, đầy bất khuất. Những tư tưởng ấy được Phùng Cung khắc họa rõ rõ nét thông qua chính tập truyện ngắn đầu tay của mình.

Bên cạnh đó các tác phẩm truyện ngắn, tập thơ của ông với góc nhìn riêng biệt không chỉ mang tính nhân văn tại một thời điểm, mà cho đến nay, những tác phẩm vẫn luôn ấn chứa trong mình vừa có tính hiện thực vừa có tính dự báo. PGS.TS Đỗ Lai Thúy nhận định con người Phùng Cung thông qua những tác phẩm của ông: “Con người giữ được nhân cách của mình, cái tôi của mình, tức làm người, là nhớ níu vào những giọt mồ hôi khi vấp ngã. Mồ hôi của mẹ, của người khác, của chính mình. Không phải lao động biến con vượn trở thành người, mà lao động biến con người trở thành người. Được viết ra từ hàng chục năm trước nhưng đến khi đọc chúng hôm nay không chỉ để biết một thời và để suy ngẫm một thời, vì chính góc nhìn đó không đơn thuần là những giá trị của văn học mà nó mang gái trị của cả đời người. Bởi lẽ đó, không thể không khẳng định ông là một nhà văn không chấp nhận số phận, một nhà văn quyết liệt không khoan nhượng với những ai, những gì làm tha hoá con người, tha hoá văn hoá. Bởi ông là một người khổ nạn chữ”.

Tập Truyện ngắn Phùng Cung còn có thêm bài viết trọn vẹn của Nguyễn Hữu Đang: Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xen đêm, Nguyễn của Hữu Đang đã bày tỏ  cái nhìn về hành trình thơ của Phùng Cung: “Thơ Phùng Cung tích lũy trong thầm lặng khắc kỷ đã phải nằm chờ hơn hai mươi năm dưới lớp bụi thờ ơ, như Hằng Nga ngủ trong rừng, chưa có Hoàng tử đẹp trai đến đánh thức…riêng với Phùng Cung thì rõ ràng ông là một cây bút vốn bị hoàn cảnh không bình thường kìm hãm, đang dành lại chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết đến một tập thơ đáng trân trọng”. Có thể thấy rằng, sự góp mặt của bài viết của Nguyễn Hữu Đang đã tạo nên vẻ đẹp phong phú của Truyện ngắn Phùng Cung. Đây cũng là nguồn tư liệu quý để bạn đọc hiểu biết thêm về con người và văn chương Phùng Cung.

Phùng Cung là người anh của Phùng Quán, nhà văn vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông là ai mà cỡ Nguyễn Hữu Đang - người dựng Lễ Đài độc lập để Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập trong ngày 2 tháng 9 năm 1945, đã nằng nặc bảo với nhà thơ Phùng Quán để ông xuất một khoản tiền lớn in thơ cho Phùng Cung, còn đích thân viết một bài mà trong tập sách này chúng tôi in trọn vẹn?... Có lẽ nào văn học nghệ thuật cũng phải chịu những bôn ba tai kiếp đến lạ lùng? Như nhân vật lão Thiều trong Mạt kiếp đã phải chết cay chết đắng khi chính những người ruột thịt của mình vì dốt nát mà không hiểu lão? Chí Phèo còn có một người hiểu được, đó là Thị Nở. Thúy Vân còn có một người hiểu được, đó là chàng Kim. Mặc dù những sự hiểu biết ấy cũng chỉ đại khái xong thôi, chứ đời nào thị Nở kia, chàng Kim kia biết nặng nhẹ nông sâu mà chịu trách nhiệm thị phi rìu búa? Mạt kiếp là trùng trùng những câu hỏi về thế thái nhân tình của chúng ta, của đời sống muôn màu.

Biệt tích lại là một câu chuyện khác rất khoan thai, bình tĩnh để vạch ra những ngu ngốc của con người. Chúng ta định cải tạo xã hội một lần là xong, một phen là thắng, như kiểu ta nhất định thắng địch nhất định thua mà quên mất điều chính yếu là mọi thứ đều phải diễn ra theo nguyên lý âm - dương thuận thảo. Những gì đã là đạo lý ngàn đời tổ tông truyền lại, những đúc kết sinh tử sống còn, nếu không được tôn trọng thì sẽ dẫn đến đâu? Nếu như chúng ta cứ sống sượng ép xã hội vào chung một chỗ, sẽ chỉ là dẫn nhau đến hố thẳm.

Mộ phách càng đau đớn hơn nhiều. Chúng ta, tại sao, lại phải nhất định chôn đi quá khứ theo cung cách đuổi cùng giết tận? Mộ phách đã là một đớn đau bi ai nhất của Phùng Cung. Khi viết Chùa Đàn, Nguyễn Tuân đã đau đớn như cắt da cắt thịt của mình, ta phải trộn lẫn các phần đến mực giới nghiên cứu phê bình phải tốn vô vàn giấy mực để có được tuyệt bút Chùa Đàn. Theo đó là những thị phi, hơn kém, so sánh, tị nạnh, phán xét, đến mức Nguyễn Tuân đã phải bóc tách Chùa Đàn, tháo rời thành các phần khác nhau thật chẳng ra sao…

Phùng Cung rất khác. Ông ý thức ngay từ đầu, mọi thứ phải được độc lập. Mọi việc phải có những thông điệp rõ ràng, riêng biệt, và nhất là hữu ích. Nhưng quá gay go. Mọi người tưởng như ai cũng biết điều đơn giản ấy, nhưng nào ai biết lắng nghe những điều giản dị đến tận cùng. Bởi vì vậy, Phùng Cung đã bị gạt ra riêng một chỗ… Những chuyện đó cũng đã lùi xa mấy chục năm rồi.

Đã gần nửa thế kỷ, văn chương Phùng Cung khi biền biệt chìm sâu vô tăm tích, khi khơi dẫn khang trang trên sách báo đương thời, đều là một con người ấy, một văn chương ấy, thực là đáng quý!

Như vậy, tập Truyện ngắn Phùng Cung gồm chín tác phẩm đã tạo nên một góc nhìn rất riêng cho độc giả bởi chính ngòi bút Phùng Cung. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, bằng tâm huyết với văn hóa, truyện của ông không chỉ thể hiện cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc của nhà văn trước nguy cơ bị huỷ hoại các giá trị văn hoá dân tộc, mà còn thể hiện góc nhìn riêng về sự tha hóa ngôn ngữ cùng quá trình phục hồi, sáng tạo chữ quê của ông. Thông qua những câu chuyện trong Truyện ngắn Phùng Cung đã để lại những giá trị nhân văn, giá trị văn hóa hết sức quý trọng cho người đọc, bởi đây không chỉ là nguồn tài liệu phong phú, bổ ích trong nghiên cứu mà còn là bài học quý giá cho mọi thời.

Lâm Như Quỳnh

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm