April 27, 2024, 7:23 pm

Truyện ngắn của Trung tá Quân đội viết tặng 8 người con, được đưa vào sách giáo khoa

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Quân đội đã sáng tác truyện ngắn để dành tặng cho 8 người con của mình bao gồm 2 người con ruột và 6 người con đỡ đầu là trẻ mồ côi vùng biên giới.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nữ nhà văn từng đạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… với 16 tác phẩm văn học được ấn hành.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Chi hội phó Chi hội nhà văn Quân đội (Ảnh: NVCC).

Mới đây, chị bất ngờ chuyển hướng sang sáng tác dòng văn học dành cho thiếu nhi khi có 3 sáng tác được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt, bộ sách “Cánh diều” bao gồm: Trích đoạn truyện “Tình bạn”; bài thơ “Chú công an” và bài thơ “Muôn sắc hoa tươi”.

Sáng tác dành tặng cho 8 người con của mình

Nữ nhà văn cho hay, việc những tác phẩm của mình được lựa chọn đưa vào trong sách giáo khoa đối với chị là một dấu ấn mới, khởi đầu mới trong hành trình sáng tác của mình, khiến chị vững tin rằng mình có thể sáng tác văn học thiếu nhi.

“Từ sau khi học lớp 7, tôi gần như không sáng tác theo những đề tài dành cho thiếu nhi. Thỉnh thoảng vào những dịp đặc biệt, tôi sáng tác tặng con hoặc khi tham gia hoạt động an sinh, xã hội, thiện nguyện, tôi lại sáng tác dành tặng các em thiếu nhi”, nữ nhà văn chia sẻ.

Bài thơ đầu tay của nữ nhà văn được sáng tác vào năm 13 tuổi, được đăng tải trên báo Hải Phòng Chủ nhật nhưng chị chỉ dám về khoe với ông nội vì sợ bị bố mẹ mắng là “thơ thẩn vô tích sự”. Kể từ sau lần đấy, chị dừng hẳn việc sáng tác để tập trung vào học tập.

Trích đoạn “Tình bạn” được đưa vào sách giáo khoa “Cánh diều” (Ảnh: NVCC).
Trích đoạn “Tình bạn” trong sách giáo khoa “Cánh diều” (Ảnh: NVCC).

Cho đến 30 năm sau, khi được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trao cơ hội sáng tác ngữ liệu cho sách giáo khoa, chị Vân Anh mới trở lại sáng tác cho thiếu nhi. Trong quá trình trau chuốt cho những tác phẩm của mình, chị nhớ về 8 người con của mình bao gồm 2 người con ruột và 6 người con đỡ đầu là trẻ mồ côi ở biên giới cũng đang ở độ tuổi học cấp 1 và cấp 2.

Chị cho biết. “Tôi nỗ lực thật sự để sáng tác, dành tặng cho những em bé của mình một món quà tinh thần. Gia đình tôi rất tự hào, nhất là cô con gái đang học lớp 7 cứ tiếc mãi vì đã lớn, không được học tác phẩm của mẹ”,

Trở lại sáng tác văn học thiếu nhi sau một khoảng thời gian dài, nhà văn Vân Anh phải luyện tập tư duy sáng tác theo một cách mới, huy động trí tưởng tượng và nhớ lại những ký ức tuổi thơ của mình, những kỷ niệm cùng các con và quan sát những biến đổi về nhận thức và kỹ năng sống của trẻ em hiện nay.

Sáng tác cho sách giáo khoa vừa khó, vừa không khó

Lần đầu được tham gia vào quá trình sáng tác ngữ liệu cho sách giáo khoa, nữ nhà văn nhận định, sáng tác cho sách giáo khoa vừa khó, vừa không khó.

Theo nhà văn, cái khó đến từ sự đổi mới, cải cách sách giáo khoa và sự bùng nổ của thị trường sách tham khảo. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn, đa dạng và sinh động hơn về nội dung, hình thức của sách giáo khoa, dẫn đến ngữ liệu đưa vào sách cũng được chủ biên và tổng chủ biên yêu cầu cao hơn.

Song bên cạnh đó, việc biên soạn, thiết kế các bài học, mục kiến thức trong các trang sách cũng được định hướng cụ thể về số chữ, đề tài, nội dung trọng tâm nên các nhà văn có sự tập trung ý tưởng cao hơn.

Bài thơ “Chú công an” của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh trong sách tiếng Việt, “Cánh diều” (Ảnh: NVCC).
Bài thơ “Chú công an” của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh trong sách tiếng Việt, “Cánh diều” (Ảnh: NVCC).

Khi được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề sáng tác ngữ liệu cho sách với chủ điểm “Quốc phòng – An ninh”, nữ nhà văn cảm thấy khá tự tin vì bản thân vốn là một nữ quân nhân, có sự thấu hiểu và tình cảm nhất định với lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, vì đối tượng là trẻ em, trong quá trình viết, chị phải cân nhắc rất nhiều trong việc lựa chọn hình tượng sáng tác thuộc những lực lượng chuyên biệt của ngành công an, quân đội.

“Thời gian đầu, tôi sáng tác về chính lực lượng mình đang công tác, Bộ đội Biên phòng, nhưng tôi đã không gửi đi, thay vào đó chuyển sang viết về hình ảnh công an khu vực.

Tôi cho rằng, chiến sĩ công an khu vực sẽ gần gũi hơn, từ đó giúp các em hiểu được ý nghĩa trong vai trò của các chiến sĩ công an trong việc bảo vệ sự bình yên, an ninh trật tự ở mỗi khu phố, thôn làng”, nữ nhà văn phân tích về quá trình cân nhắc hình ảnh trong sáng tác của mình.

Sau gần 2 năm theo sát tiến trình xây dựng bộ sách giáo khoa “Cánh diều”, tiếng Việt lớp 5, nữ nhà văn cảm nhận được sự kỳ công và những trăn trở từ các nhà giáo dục trong việc xây dựng kết cấu và những bài học trong sách.

Bảo Châm


Có thể bạn quan tâm