May 4, 2024, 1:33 am

Trường Sa ngày tôi đến

Để thỏa mãn nhu cầu khám phá, đã có nhiều người đặt chân tới hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nhưng không phải ai cũng có thể đến được Trường Sa, vùng phên giậu phía Đông của Việt Nam, nơi mà từ lâu, phương Tây vẫn gọi Spratley, hay Spratly, nghĩa là quần đảo Bão Tố. Có lẽ đó còn là cơ duyên và cả chút may mắn nữa.

Lần đầu tiên tôi được là thành viên đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Chi dẫn đầu ra thăm Trường Sa. Bấy giờ, tình hình kinh tế - xã hội, nhất là quốc phòng - an ninh hãy còn bộn bề gian khó. Chiều muộn, ngày 22/4/2002, tàu HQ 936 rời quân cảng Cam Ranh. Đêm về, chúng tôi treo võng bạt tòn teng ngoài boong nằm cho thoáng, lắm khi sóng quất ướt ngâm. Hồi ấy, Nha Trang kết nghĩa với các đảo: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Tây, nhưng đoàn chỉ ghé được 2 trong số ấy. Bấy giờ, những tấm bia chủ quyền trên các đảo hãy còn đơn sơ lắm. Rời đảo chìm Len Đao, tiến về Cô Lin, ngang qua vùng biển thẳm, con tàu dừng lại. Cả đoàn thực hiện nghi lễ thả hoa tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong sự kiện 14/3/1988. Đại tá Lê Công Vi, Chính ủy Vùng 4 Hải quân, đọc lời điếu: “Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng chí, mong hương hồn 64 anh hùng liệt sĩ hãy yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương - Trường Sa của đất mẹ Việt Nam”…

Chặng cuối, toàn đoàn có trọn vẹn một đêm trên đảo Trường Sa Lớn, nơi cách đất liền 254 dặm biển. Được nếm trải không gian bàng bạc tựa hồ như “đêm trắng” mùa hè Saint Petersbuarg của nước Nga, nhiều người ngỡ ngàng. Tôi tìm gặp lính đảo, hễ “vồ” được ai thì khai thác ngay, không hề kén chọn. Tận 2 giờ sáng, Thiếu tá Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Radar phòng không, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vẫn kéo bằng được tôi về phân đội của anh. Cuộc trò chuyện tưởng chừng không thể dứt ra được…

*

20 năm sau, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử tham gia đội hình của Ban Tuyên giáo Trung ương, có mặt trong Đoàn công tác số 8 đi thăm, tặng quà và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa. Hơn 3 ngày lưu lại Navy Hotel, với 4 lần xét nghiệm PCR, thăm và giao lưu với một số đơn vị Hải quân trên bờ, đoàn đến dâng hương tại khu tưởng niệm Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Đầu giờ chiều cùng ngày con tàu Trường Sa 571 (Lữ đoàn 955) nhổ neo rời Cảng quốc tế Cam Ranh.

Đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân - Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn (anh Xuân là phi công Su-22 kỳ cựu, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372 được điều động sang Hải quân). Các ông Lại Xuân Lâm, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) là Phó trưởng đoàn. Tham gia đoàn lớn có 14 đoàn nhỏ, đặc biệt, hơn 40 kiều bào trở về từ 17 quốc gia (Mỹ, Nhật, Hà Lan, Đức, Italia, Israel, Bulgaria, Séc, Úc, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia…)

Mặc dầu số lượng người hơn 200, nhưng khâu tổ chức của Hải quân, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Vùng 4, cán bộ và thủy thủ đoàn, mọi thứ gọn đâu vào đấy. Thành viên đoàn công tác khá đa dạng, người cao niên có, phụ nữ, văn nghệ sĩ, rồi báo chí… nhiều cán bộ giữ cương vị công tác cao, nhưng khi lên tàu, thảy đều rất thân ái. Cuộc hạnh ngộ đã tạo nên một không khí tay bắt mặt mừng, như thể quen biết tự bao giờ. Đoàn mang theo tình cảm ruột thịt và tấm lòng yêu mến vô bờ bến của đất liền, cũng như của người Việt đang sinh sống ở nước ngoài đến với quân dân Trường Sa. Một chuyến đi thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Sau vài bận say sóng chìm đầu, ngấm “đòn biển”, con người dần thích nghi. Sau 38 tiếng đồng hồ rời cảng, rạng sáng, tàu cập đảo Song Tử Tây, điểm đầu tiên trong hải lộ. Tiếng xích neo rổn rảng khua động bình minh.

Toàn cảnh xã đảo Song Tử Tây.

5 giờ sáng, mặt trời ló dạng. Tiếng loa rành rọt: “Đã hết giờ nghỉ. Báo thức toàn tàu. Toàn tàu báo thức”. Với tôi, khẩu lệnh này đã quá quen thuộc, song với những người đi lần đầu thì lạ lẫm, thậm chí rất ngạc nhiên. Dùng bữa sáng xong, ai nấy hối hả chuẩn bị. Tàu trang bị sẵn dép rọ, mũ cứng và túi vải nilon rộng có dây rút để các đại biểu bảo quản máy móc. Nhiều người diện áo phông đỏ, nổi bật ngôi sao vàng trước ngực. Sư háo hức hiện rõ trên từng gương mặt. Xuồng chuyển tải, mỗi chiếc chở được hơn chục người, mũi ghếch, đuôi đằm cắm cờ, đè sóng lướt tới. Mấy chuyến đầu chở hàng và quà tặng, tiếp đến chỉ huy đoàn, cánh báo chí, văn công, rồi các đại biểu.

Trong lúc chờ đợi, tôi vọt lên boong cao, phóng tầm mắt nhìn lên đảo. Song Tử Tây có hình bầu dục, phần giữa hơi trũng xuống, xung quanh cao hơn vài thước so với mực nước biển. Nhà cửa và các công trình trên đảo nom như một thị tứ sầm uất trong đất liền. Màu xanh ngăn ngắt của cây cối cho cảm giác đây là một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương.

Con đường dẫn vào đảo san sát những cây phong ba cành la đà, lá sum suê, hoa trổ từng chùm màu trắng nhạt, trông xa dễ nhầm với hoa sữa vậy. Đến khu trung tâm, ai nấy tranh thủ chụp hình lưu lại khoảnh khắc lên đảo.

Ngược dòng lịch sử, 4 giờ sáng ngày 11/4/1975, lực lượng chiến đấu gồm Đội 4 (Trung đoàn 126 đặc công nước), một số đội đặc công của Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hòa, do Trung tá Mai Năng chỉ huy, lên 3 tàu vận tải (673, 674, 675) thực thi mệnh lệnh cấp trên, tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Trải những ngày vật lộn với sóng gió, bộ đội ta tiếp cận đảo Song Tử Tây. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt và bắt toàn bộ 36 tên địch, làm chủ hoàn toàn. Tinh mơ ngày 14/4/1975, chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột trước bia chủ quyền trên đảo. Hiện cột mốc ấy vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Một chứng tích vô cùng quý giá.

Ngày nay, Song Tử Tây là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, được thành lập theo Nghị định số 65/NĐ/CP ngày 11/4/2007 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngoài lực lượng quân đội đồn trú, trên đảo có các hộ dân sinh sống ổn định; có nhà văn hóa, trường tiểu học, bệnh xá, trạm khí tượng thủy văn… Khu âu tàu có thể chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là điểm trú ngụ an toàn cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Đảo còn có trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp hậu cần cho tàu cá của ngư dân với giá ngang bằng trong đất liền; riêng nước ngọt được dùng miễn phí.

Lên đảo mà không ghé khu văn hóa tâm linh, thì coi như chưa đến. Ngôi chùa Song Tử Tây được xây cất từ trước năm 1975 hướng ra biển cả, hiện do một vị sư thầy người Bình Định trụ trì. Rồi tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, rất oai linh. Năm 1999, đảo Song Tử Tây được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời gian dừng ở mỗi điểm đảo chừng 2-3 tiếng, nếu không biết “liệu cơm gắp mắm” ắt sẽ bị cuốn vào một chỗ. Nên sau khi hoàn tất lễ chào cờ, tặng quà, và dâng hương xong, tôi nhảo ngay đến làng đảo. Khu dân cư được quy hoạch dễ còn ngon hơn cả trong đất liền. Mỗi hộ được sử dụng 200 mét vuông, nhà xây kiên cố, lợp ngói đỏ tươi, cổng có mái che cùng kiểu.

Sau cột Hải đăng bề thế có hai dãy nhà đối diện nhau. Ở giữa là con đường bê tông sạch sẽ, xanh mát bóng dừa, hàng dương lòa xòa với những cây tra. Ngay trước cổng căn hộ số 1, tôi gặp người phụ nữ trẻ có gương mặt nhẹ nhõm, cười rất tươi. Hỏi quê, chủ nhân đáp ở Nha Trang, trong con hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật, giáp đường Trần Quang Khải. Đó là khu tập thể của Trường sĩ quan Không quân, được xây cất từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Gia đình tôi cũng từng ngụ ở khu này. Thì ra đây là Vi Thu Trang là ái nữ của bác Vi Xuân Hinh, cựu Trưởng khoa Quân sự chung của Nhà trường. Bố mẹ Trang đều người Nùng quê ở huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Trang chào đời năm 1982 tại Nha Trang. Người bạn đời của cô là Thái Minh Khai, 41 tuổi, quê ở Cam Ranh, họ có 1 trai, 1 gái. Các hộ dân ở đây, chồng đều là dân quân tự vệ xã đảo, còn vợ lo nội trợ, chăm sóc con cái. Thế nên, ở nơi nắng gió hào phóng mà da dẻ chị em ai cũng trắng hồng. Các căn hộ giống nhau, đều 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp núc… riêng biệt, gọn gàng, tinh tươm. Họ đều là con dân Khánh Hòa tình nguyện ra xây dựng đảo. Vài cặp có đủ “nếp tẻ”, song lắm hộ tuyền một bề con trai lộc ngộc. Cháu nào cũng khỏe mạnh, rất đáng yêu. Các nữ chủ nhân đon đả mời khách ghé thăm nhà, đãi món đông sương nấu với rong biển, thoạt nhìn đã thấy ngon mắt và mát ruột rồi. Tiếc là thì giờ quá ít ỏi…

Bước ra phía sau làng, đương phăm phăm, tôi khựng lại vì tiếng gà níu chân. Ò… ó… o!”. Trên đảo sẵn nước lợ, thuận lợi cho việc sinh hoạt, tăng gia. Nếu bộ đội chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng được nhiều rau xanh, thì các hộ dân cũng không mấy kém cạnh. Chợt nhớ câu thơ của Hữu Thỉnh: “Ai mang quê ra đảo/ Ló một tiếng gà trưa/ Bao nhiêu là súng pháo/ Ngây thơ như cày bừa”. Chốc lát, tôi cứ bâng khuâng như thể vừa lạc vào một làng quê nào đó trong đất liền.

Quay về sân bệnh xá đảo, người dập dìu rộn rã dưới mái bạt che nắng. Nhóm văn nghệ xung kích của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội lấy hiên nhà làm sân khấu biểu diễn. Bên cạnh các tiết mục ca múa đặc sắc của các nghệ sĩ - chiến sĩ, những người lính đảo cũng góp thêm sự phong phú, tươi trẻ.

*

Lần trước, tôi từng ghé đảo Đá Tây D, nơi có tấm bia đá khắc bài thơ Thần, tương truyền của Lý Thường Kiệt, bản “Tuyên ngôn Độc lập” đầu tiên của người Việt. Lặng người trước vườn rau xanh óng, mượt mà…

Trở lại lần này, mọi thứ đổi thay đến hầu như không nhận ra nét gì của ngày cũ. Nhìn từ trên cao, Đá Tây có dáng như một quả trám nổi, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Chiều dài của đảo có thể chia thành 4 điểm riêng biệt, ngăn cách bởi các luồng. Đặc biệt, ở bãi san hô phía Đông có một doi cát nổi lên khá đẹp. Toàn đảo hiện có 3 nhà văn hóa đa năng, có âu tàu dịch vụ nghề cá…

Bình minh loe lóe. Mặt biển đậm mầu mực cửu long, xa xa là những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân thanh bình. Phía trên đảo từng đụn mây xám với nhiều hình thù kỳ dị, cuộn lên nền trời màu bạc như sữa pha loãng.

Các đại biểu hối hả cập đảo Đá Tây C. Hai khối nhà tầng nổi bật, được nối bởi cây cầu bê tông kiên cố. Vừa đặt chân lên, hoạ sĩ Trường Nguyễn (Etcetera Nguyen, kiều bào Mỹ, nhà báo kênh VN Today) và họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Trinh (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã tìm được chỗ múa cọ. Họ say sưa ký họa nhiều chân dung tặng những người lính biển. Thoắt cái, cả hai đã kịp có mặt cùng một số lãnh đạo đoàn công tác, đưa tay nâng niu lá quốc kỳ được xếp gọn, ký tên làm kỷ niệm…

Trong khi văn công hát múa phục vụ bộ đội, tôi leo lên tầng lầu cao. Đụng ngay nụ cười của một chiến sĩ có nước da đen rám, mang quân phục rằn ri, khoác súng đứng canh gác, mắt dõi ra xa vời, quan sát. Đó là binh nhất Nguyễn An, quê ở Khánh Hòa. Hỏi mới biết nhà cháu ở số 40/25 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, Nha Trang.

Đương trò chuyện với An, thì một ông già cao ráo, quắc thước, trạc tuổi 70, nụ cười dễ mến, tiến đến với hộp đồng hồ điện tử và một thùng quà vuông vắn dưới sàn. Ông tự giới thiệu mình là Đinh Ngọc Tâm - Trưởng ban Đối ngoại, Ban liên lạc họ Đinh ở Hà Nội. Thảo nào trên ngực áo của ông có chữ Đinh (Hán tự) rất đẹp. Hiện gia đình bác Tâm đương ngụ tại phố Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng. Quan sát thấy ông hướng dẫn tỉ mỉ cho người lính trẻ cách lắp đặt đồng hồ, và muốn treo nó trên lầu để tiện coi giờ đổi gác. Tôi nói bác cần chuyển quà tới chỉ huy đơn vị, kẻo nếu giao trực tiếp thì không khéo thằng cháu An bị mang tiếng “giữ quà làm của riêng”, e tội nghiệp. Bác Tâm ồ à, sung sướng gật đầu, nói ông sẽ thực hiện ngay. Ông kể, khi biết tin Trưởng ban Đối ngoại được cử đi Trường Sa, bà con gia tộc họ Đinh đã nhiệt tình quyên góp tiền mua quà, gửi tặng các điểm đảo mà đoàn công tác ghé thăm. Không riêng gì bác Tâm, mà tất cả các đại biểu nhất là kiều bào, ai nấy đều coi cán bộ, chiến sĩ trên đảo như người thân của mình. Những cái ôm xiết, tay nắm chặt tay… đủ nói lên tình cảm xiết bao trìu mến. Những tấm lòng trong muôn vạn tấm lòng vì biển đảo thân yêu.

*

Do gặp mưa to và sóng cả, nên đoàn công tác chỉ lên thăm được 3 đảo nổi và 5 đảo chìm. Ngoại trừ một số anh em trẻ, khỏe, cùng vài nhà báo xông xáo, được ưu tiên lên đảo Đá Đông B và Trường Sa Đông.

Cảm nhận sâu sắc là ở những đảo mà Đoàn công tác số 8 ghé thăm, các công trình dân sự và quân sự đều được kiến tạo rất đẹp. Được biết dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây xanh tại quần đảo Trường Sa” do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam chủ trì, được thực hiện trong 3 năm (2019-2021) tạo cú đột phá, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai trong những năm tới. Các hộ dân trên 3 xã đảo sinh sống với tiện nghi không khác gì trong đất liền. Có trường học, trạm xá và những ngôi chùa rất ấm áp, an nhiên. Ngay cả ở đảo chìm cũng có khu tăng gia được quây kín, các loại cải, mùng tơi, khổ qua, rau thơm… tốt bời bời.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, cộng với tinh thần nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa mà đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Mỗi một điểm đảo thực sự là một niềm tự hào, xây nên quần đảo trùng trùng vững chắc, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy, trái tim của mỗi người dân đất Việt luôn hướng về Trường Sa thân yêu.

Có thể nói, Quân chủng Hải quân là hình ảnh thu nhỏ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nghĩa là quân đội ta có quân binh chủng nào thì Hải quân cũng có đủ lực lượng như vậy. Đặc biệt, được trui rèn qua nhiều thử thách, những người lính biển có được một cái phông văn hóa rất dày dặn, với một bản lĩnh vững vàng, họ có được cách ứng xử hết sức điềm tĩnh, thông minh và sáng tạo. Vâng, có cứng mới đứng nơi đầu sóng. Hoàn toàn có thể tự hào và tin cậy bởi trấn giữ một vùng phên dậu phía Đông của Tổ quốc là một lực lượng ưu tú như thế!

Niềm vui nào rồi cũng phải khép lại. 21 giờ đêm, quân và dân thị trấn Trường Sa, trong đó có hàng chục công dân nhí ra tận cầu cảng tiễn đoàn… Lính đảo, quân phục tề chỉnh, xếp hàng ngang, nghiêm chào. Những tiếng hô nối nhau, dậy lên như sóng biển: “Kiều bào yêu Trường Sa”, “Trường Sa mãi trong tim chúng tôi”, “Đất liền yêu Trường Sa”, “Trường Sa nhớ đất liền”… Những bài hát từ Nối vòng tay lớn đến Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng cùng nhiều bài nữa cứ thế ngân vang, tha thiết. Làn sóng tay, sóng người rào rạt, lưu luyến. Trên boong tàu, chúng tôi phải tựa vào nhau, mắt đỏ hoe, ngực rung lên thổn thức. Dưới ánh điện rực rỡ, thủ phủ Trường Sa lung linh như một bức trường thành vững chãi.

Vào thềm lục địa phía Nam, đến khu vực Nhà giàn, tàu khựng lại dưới làn mưa mau. Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh từ mấy chục năm trước trong khi làm nhiệm vụ, được tổ chức trang nghiêm và xúc động. Sau phần dâng hương, lãnh đạo đoàn công tác kính cẩn nâng vòng hoa và chuyển đưa một mâm cúng xuống mặt biển. Từng đại biểu trầm mặc thả cánh hạc giấy vàng, trắng, đỏ kèm một bông cúc nhỏ xuống nước. Sóng cuộn ôm xiết tất cả vào lòng biển. Những giọt nước mắt chan hòa trong mưa, nghẹn ngào.

Ngoại trừ bộ phận rất nhỏ, trẻ khỏe, được chọn lên Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần còn đại bộ phận chỉ biết đứng nhìn, nuốt vào lòng tiếng thở dài. Trưởng đoàn Phạm Như Xuân cùng đại diện một số đoàn dùng điện đàm thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn. Nhóm văn nghệ xung kích gạt nước mắt, hát trước máy bộ đàm gửi sang cho đồng đội. Hoàn tất việc thu quân, chỉ huy lệnh cho con tàu chạy 2 vòng lượn quanh Nhà giàn, chào giã biệt.

“Đảo này là của ta! Biển này là của ta”. Mang theo câu hát ấy của những người lính biển, chúng tôi về thêm sức đi xa!

________

1. Mai Năng (1930-2019): Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, Tư lệnh lệnh Binh chủng Đặc công.

Bút ký của Nguyễn Minh Ngọc

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


Có thể bạn quan tâm