May 3, 2024, 3:59 am

Trong cái không có gì không

Triển lãm cá nhân lần thứ 14 của họa sĩ Trần Nhật Thăng Trong cái Không có gì không trưng bày 50 bức tranh khổ to trên chất liệu acrylic trên toan. Triển lãm diễn ra từ ngày 19/5 đến 2/6/2023 tại Hakio Let’s Art, 38 Trần Cao Vân, Q3, Tp. Hồ Chí Minh.

Gần ba chục năm đi về chỉ 1, chỉ trừu tượng, mười mấy lần triển lãm đều vậy. Thế rồi bỗng dưng, lần này Trần Nhật Thăng “trở mặt”, trở tay. Không thuần trừu tượng nữa, trên cái nền trừu tượng, Thăng thêm vào một chút cụ thể, một chi tiết thực. Trên cái nền hội họa không hình, anh thêm vào một chi tiết có hình. Mấy chục năm làm nền, làm móng để hôm nay chỉ dựng lên… một “túp lều”. Giả sử không có cái móng trừu tượng mấy chục năm ấy thì “túp lều” bé xíu ấy có đứng được không? Không có cái nền trừu tượng dài rộng ấy thì cái hình cụ thể nhỏ nhoi ấy có trụ được vững không? Đốn ngộ là chớp mắt nhưng hành trình đến cái giây định mệnh ấy là vô lượng kiếp. Cái hình cụ thể trụ vào cái nền trừu tượng – không thì tâm mới sinh? Trụ vào “Miền không” thì tâm sinh?

Một số tác phẩm tại triển lãm Trong cái Không có gì không của Trần Nhật Thăng

Miền Không là tên triển lãm của Trần Nhật Thăng cách đây hơn một năm, khoảng ba chục bức trừu tượng. Bút pháp kiểu vẽ - không, không vẽ. Yên lặng đấy, vô ngôn đấy nhưng có gì đó vẫn bị “chấp”, chấp không. Chả thà mắc bệnh chấp có thì dễ chữa hơn bệnh chấp không. Vẽ là đạo, đạo vẽ này khó nhất là vẽ ra được “sắc sắc không không”, có không - không có.

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Nói dễ, viết dễ. Vẽ để ra được “có chính là không” đòi hỏi phải hữu duyên tu thân, tu tâm, tu bút. Ít ra thì với Trần Nhật Thăng, ở lần bầy này cũng bộc lộ khả năng hướng thượng. Đến bờ bên kia đã trùng điệp khó mà ngoái đầu là bờ lại còn muôn vàn trùng điệp khó. Thăng không bỏ bờ trừu tượng để sang bờ - hiện thực mà thêm một chút thực vào trừu tượng. Hay ở chỗ ấy bởi trừu tượng là Thăng, là cội rễ của Thăng, là bản lai diện mục của Trần Nhật Thăng. “Ngã vào mình” còn chửa ăn ai nữa là bỏ mình.

Tôi luôn tò mò về cái giây phút Thăng quyết ra tay đưa thực vào trừu tượng. Nghi nhiều ngộ lắm. Có lẽ lúc đó, tư duy logic biến mất, không còn tại sao, không còn phải thế này thế kia. Nó là trực giác, trực cảm. Thậm chí “tôi không tư duy là tôi tồn tại” thì mới dám liều lĩnh đưa thực vào trừu tượng. Hốt nhiên như vậy, tự nhiên như vậy, nhiên như nhiên. Giây phút ấy của Thăng là “như nhất”, không phân biệt, không biện biệt, thực cũng là trừu tượng, trừu tượng cũng là thực, thực tức thị trừu tượng, thực và trừu tượng vốn không phải là 2. Nếu coi trừu tượng là xuất thế, hiện thực là nhập thế thì những tác phẩm trong triển lãm này của Thăng giống như trường phái thiền duy nhất Việt Nam: Thiền tùy tục. Khởi từ Trần Thái Tông và kết ở Trần Nhân Tông – sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm. “Mưa rơi không cao thấp/ Cành hoa có ngắn dài”, một bài kệ của Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục.

Trừu tượng và hiện thực là một trong tranh của Thăng. Trừu tượng đối thoại với hiện thực, trừu tượng làm cho hiện thực thực hơn và thực làm cho trừu tượng sẽ trừu tượng hơn.

Những thực trong trừu tượng của Trần Nhật Thăng có thể là một con đường, một pho tượng Phật vàng son như ngón tay chỉ trăng, như đường dẫn đến trừu tượng, pho tượng là con đường, đích đến phải là mình, trở về mình. Người tu hành và nghệ sỹ chung nhau ở điều này. Thực trong tranh của Thăng có khi chỉ là một giọt sương. “Con sông là thuyền, mây xa là buồm/ Một giọt sương thu cả mênh mông” (Trịnh Công Sơn). “Núi Tu di ở trong hạt cải” cơ mà…

Trong cái KHÔNG có gì không.

Trong cái KHÔNG có cái không-có.

Trong cái KHÔNG có cái sắc không.

Trong cái KHÔNG vốn có tất cả vì tất cả đều có tính KHÔNG.

Chân KHÔNG thì diệu hữu.

Lê Thiết Cương

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Có thể bạn quan tâm