May 6, 2024, 7:27 am

Trời xanh Manhattan

Không phải ngẫu nhiên mà tôi nhớ đến những câu thơ khắc trên bia mộ của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway: “Best of all he loved the fall/ The leaves yellow on the cottonwoods/ Leaves floating on the trout streams/ And above the hills/ The high blue windless skiesNow he will be a part of them forever”(Dịch nghĩa: “Trong tất cả các mùa, anh thích nhất mùa thu/ Với những chiếc lá vàng trên cây bông/ Và trên những ngọn đồi/ Bầu trời cao xanh không có gió/ Bây giờ, anh sẽ là một phần mãi mãi của chúng”).

 Bởi vì nơi tôi đang đứng, bốn phía là những tòa nhà chọc trời của Manhattan, phần kiêu hãnh nhất ở thành phố New York hoa lệ. Chớm thu nhưng rất khó để nhìn thấy bầu trời cao rộng. Chỉ khi giữa một ngã tư, ngã năm nào đó mới thoáng qua trong mắt vòm trời xanh ngăn ngắt, rất ít gió và nhiều nắng. Tôi chầm chậm thả bước chân mình trên hè phố, về phía công viên Tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Đã 22 năm trôi qua, linh hồn những cái chết oan khuất ấy về đâu? Có như Hemingway, trở thành một phần mãi mãi của cao xanh phía trên các tòa nhà cao vút đầy ắp những ô cửa kính?

Danh sách nạn nhân 11/9 khắc trên thành hồ Tưởng niệm 11/9. Ảnh: P.X.H

Rồi cứ thế, những hình ảnh, dòng tư liệu ở đâu trong ký ức xa xăm lại hiện về, mờ ảo nhưng dần dần rõ nét. Buổi sáng ấy ở nước Mỹ là buổi tối ở Việt Nam phía bên kia bán cầu. Tôi còn nhớ tất cả các kênh truyền hình đồng loạt phát đi hình ảnh Tòa Tháp đôi, Trung tâm Thương mại Thế giới bị nhóm khủng bố tấn công. Không ai tin vào mắt mình khi hai tòa nhà cao 110 tầng bốc cháy ngùn ngụt. Thông tin dồn dập, nhanh như cơn địa chấn. Sáng ngày 11/9/2001, lúc không ít người dân Mỹ chưa rời nhà, 8h46’ thêm vài chục giây thôi, chiếc máy bay thứ nhất mang số 11 của American Airlines do không tặc điều khiển đâm trực diện vào hướng bắc của tòa tháp nằm ở phía bắc, phá hủy gần như lập tức các tầng nhà từ tầng 93 đến tầng 99. Khi người dân New York còn bàng hoàng tưởng đây chỉ là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng thì 17 phút sau đó, lúc 9h03’ sáng, tiếp tục chiếc máy bay thứ hai mang số 175 của United Airlines do nhóm khủng bố lúc này đã trở thành không tặc đâm thẳng vào tòa tháp phía nam, phá hủy lập tức tầng 77 đến tầng 85. Nếu cú đâm vào tháp Bắc phá hủy toàn bộ cầu thang khiến 1.344 người mắc kẹt phía trên vùng va chạm thì cú đâm thấp hơn vào tháp Nam cũng khiến gần 700 người không tìm ra lối thoát. Khói lửa bốc lên, cao đến nỗi có thể nhìn thấy rõ từ những tấm ảnh chụp từ vệ tinh. Dưới sức nóng của nhiệt, thép giãn nở và tan chảy, bê tông nát vụn. Tòa tháp Nam chịu được 56 phút, tòa tháp Bắc cầm cự đúng 102 phút trước khi hai tòa tháp và các công trình kiến trúc liên thông nặng hàng ngàn tấn sụp đổ hoàn toàn. Nếu phải dùng hai từ để chỉ những phút giây thảm khốc đó thì chỉ là rùng rợn và hoảng loạn. Hoảng loạn đến mức có người chân đất chạy từ gần tòa Tháp đôi lên đến cầu Brooklyn cách đó vài dặm, cứ cắm đầu chạy trong vô thức. Cũng trong ngày 11/9 còn hai chuyến bay từ nhóm khủng bố nữa là chuyến bay số 77 của American Airlines đâm vào phía tây Ngũ giác đài và chuyến bay số 93 của United Airlines dự kiến mục tiêu là Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol) hoặc Nhà Trắng nhưng do sự chống trả của hành khách nên đã rơi xuống một cánh đồng thuộc bang Pennsylvania.

Người bạn dẫn đường tôi đến Khu Tưởng niệm ở Mannhattan tên Minh. Minh người gốc Quảng Nam – Đà Nẵng, định cư ở Mỹ trước năm 2001. Minh sống và làm việc ở một thành phố nhỏ Randolph của bang Massachusett nhưng có nhiều bạn bè ở quanh New York. Minh bảo, anh không thể tưởng tượng cái ngày hôm đó. Bạn bè Minh bảo, nhiều năm sau sáng ngủ dậy còn nghe như mùi khói xăng, mùi sắt thép, bê tông, mùi thịt cháy vương vất đâu đó trên trần nhà, trên vòm lá của những hàng cây dọc theo lối phố. Nhưng đó chưa phải là điều đau đớn nhất. Điều đau đớn nhất là sinh mạng của gần 3000 người vô tội ra đi trong mà chưa kịp hiểu điều gì xảy ra, rất nhiều người phải nhắm mắt trong niềm tuyệt vọng khôn cùng bởi vết thương, vì ngạt khói và lửa cháy tràn trên thân thể. Bên cạnh đó là một nước Mỹ kiêu hãnh vì sức mạnh của khoa học, vật chất đã phải ngã gục trước bàn tay khủng bố. New York, biểu tượng và là trái tim nước Mỹ rớm máu. Người dân Mỹ khóc cho các sinh mạng vô tội chết oan và khóc cho một nước Mỹ mệnh danh siêu cường không thể tự bảo vệ. Người ta cũng không quên oán trách chính phủ Mỹ đã quá tự tin trong một thế giới mà bạo lực đã tìm đường xuyên qua các quốc gia.

Chầm chậm, rất chậm, tôi hòa vào dòng người đến khu Tưởng niệm. Tất cả lặng lẽ, như thể đây là chốn linh địa, xa cách ngàn trùng với những ầm ĩ, sôi động của Quảng trường Thời đại (Time square), với Phố Wall trung tâm tài chính và những khu phố sầm uất khác trên phần đất còn lại của New York.

Hồ Tưởng niệm phía Bắc. Ảnh P.X.H

Tôi nhận ra, trên phần đất của tòa Tháp Đôi xưa giờ đây người ta cho xây khu Công viên tưởng niệm nạn nhân 11/9 rộng chừng 3 héc ta. Riêng chân móng của hai tòa tháp Bắc và tháp Nam, người ta dựng công trình tưởng niệm là hai hồ nước sâu. Tôi nhớ đã đọc tài liệu và biết rằng, từ hơn 5 ngàn bản vẽ của các kiến trúc sư lừng danh trên thế giới thuộc nhiều quốc gia khác nhau, người ta chọn ra phương án của kiến trúc sư tài ba Michael Arad, một người Mỹ gốc Israel. Mỗi hồ nước có diện tích 4000 mét vuông, giữa đáy mỗi hồ lại có một hồ nhỏ và nước tiếp tục chảy xuống ở đó. Có thể hình dung, thác nước chảy theo thành hồ lớn ở độ cao 9 mét xuống đáy hồ lớn và tiếp tục chảy theo thành hồ nhỏ ở độ sâu 6 mét. Điều hay của kiến trúc tưởng niệm này là dù ở phía nào người ta cũng không thể nhìn thấy đáy hồ. Nước cứ thế, chảy rì rào không ngừng nghỉ. Bờ hồ lớn có bốn cạnh làm bằng đá, trên đó khắc tên của 2.983 nạn nhân. Nhiều người đến đây thắc mắc về con số nạn nhân khắc trên thành hồ, có vẻ nhỉnh hơn số nạn nhân thực sự trong vụ khủng bố ngày 11/9. Thắc mắc đó là chính xác bởi số nạn nhân ngày 11/9 là 2.977 đã bao gồm những người có mặt trên hai chuyến bay bị bọn khủng bố khống chế. Con số 2.983 đã cộng thêm 6 nạn nhân của vụ khủng bố bằng xe gài bom vào ngày 26 tháng 2 năm 1993 cũng tại tòa Tháp Đôi này. Nhắc lại những con số để thấy, mầm mống khủng bố có từ rất sớm và nếu nước Mỹ không quá tự tin thì chắc hẳn sẽ tránh được hoặc chí ít là giảm thiểu phần nào nỗi đau của ngày 11/9.

Nhìn sự phẳng lặng, yên tĩnh của thác nước chảy tràn trên thành hồ Tưởng niệm tôi nhớ lại một bài báo. Ở đó, người vẽ nên bản thiết kế, kiến trúc sư Arad đã gọi tác phẩm của mình bằng cái tên Reflecting Absence (nghĩa đen là Sự vắng mặt phản chiếu). Arad cũng nói về những cái tên được khắc trên thành hai bờ hồ. Để hoàn thành công việc tưởng chừng rất dễ nếu lập danh sách theo thứ tự bảng chữ cái thì ngược lại anh và cộng sự đã phải tiến hành vô số cuộc phỏng vấn nhằm tạo sự kết nối thống nhất. Và để đáp ứng gần như hoàn hảo 1.200 yêu cầu đặc biệt từ phía gia đình nạn nhân, Arad đã quyết định sắp xếp tên của các nạn nhân thành nhóm, theo địa điểm của họ vào thời gian chính xác khi vụ tấn công xảy ra. Theo đó, ở hồ nước phía Bắc ghi tên các nạn nhân ở trong hoặc gần với tòa tháp phía Bắc, những người thiệt mạng trên chuyến bay số 11 của American Airlines ngày 11/9/2001 cùng nạn nhân trong vụ đánh bom năm 1993. Quanh hồ nước phía Nam là những người ở trong hoặc gần tòa tháp phía Nam, những người phản ứng đầu tiên nhận được Huân chương Anh hùng Dũng cảm 11/9, những người trên chuyến bay số 175 của United Airlines, nạn nhân ở Lầu Năm Góc, những người trên chuyến bay 77 của American Airlines và chuyến bay số 93 của United Airlines. Nói về thiết kế của mình, Arad chia sẻ ngắn gọn: “Tôi phải thực sự để lịch sử thẩm thấu tại đây. Bạn sẽ nhìn thấy những dấu chân của lịch sử đi qua. Đây không phải là một ý tưởng thiết kế mà là sự phản chiếu của một sự kiện lịch sử từng diễn ra ở đây”.

Tôi đứng bên hồ Tưởng niệm, thả dòng suy tư về lịch sử chiến tranh của loài người. Một tài liệu khảo cổ nào đó cho biết đã tìm thấy dấu vết cuộc chiến tranh đầu tiên của nhân loại nằm ở bên cạnh bờ đông sông Nile, phía bắc Sudan. Cuộc chiến xảy ra cách đây vào khoảng 13.000 năm mà nguyên nhân phỏng đoán là do khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước cạn kiệt và các bộ tộc phải tranh giành lãnh thổ ở ven bờ sông Nile. Từ đó đến nay, nhân loại đã trải qua hàng ngàn vạn cuộc chiến tranh lớn nhỏ, mỗi cuộc chiến tranh đều có lý do riêng về sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, vương quyền… Nhưng cái gốc của mọi cuộc chiến tranh, nói cho cùng là cái ác trỗi dậy từ sự tăm tối, vô minh và lòng hận thù mê muội. Con người có thể sống khác đi nhưng rất tiếc không thể sống khác đi trong một thế giới luôn tồn tại song hành tình yêu và dục vọng, tha thứ và ích kỷ, tự do và chiếm đoạt. Cũng chừng ấy cuộc chiến tranh đã cướp đi hàng trăm triệu sinh mạng mà lẽ ra họ được sống, đáng sống và tận hưởng cuộc sống.

Bây giờ, dưới bóng những cây sồi trắng trong công viên Tưởng niệm chỉ còn nghe tiếng róc rách thì thầm của thác nước. Yên tĩnh chìm sâu vào lòng đất lạnh. Không biết khi tôi đứng ở đây, linh hồn gần 3000 người hóa thân thành những giọt nước hay lang thang trên vòm trời xanh Mannhattan. Nhìn dòng người, công dân Mỹ có du khách có, đủ các màu da, lặng lẽ đi trong công viên, tôi có cảm giác dù hơn hai thập kỷ trôi qua nhưng vết thương sâu vẫn còn. Có một nước Mỹ khác nằm ẩn trong lòng nước Mỹ hiện tại, một nước Mỹ biết rằng, dù lớn mạnh đến đâu họ cũng không thể đơn độc trong cuộc chiến chống khủng bố.

Một ngọn gió hiếm hoi giữa vòm trời xanh Manhattan. Tôi cúi mặt, vẫn là thảm cỏ xanh trong công viên Tưởng niệm. Trời xanh, cỏ xanh và thác nước vẫn chảy như niềm tưởng vọng khôn nguôi. Lại nhớ lời Michael Arad, chủ sư của hồ Tưởng niệm: “Ngay khi bạn đi bên rìa của sự mất mát này, bạn vẫn cảm nhận được nó. Nó không chỉ ở trong tâm trí mà còn ở ngay trong trái tim của bạn”. Đúng, nó sẽ ở mãi trong trái tim không chỉ những người đang dạo bước dưới tán lá những cây sồi trắng mà cho cả triệu triệu người trên thế giới. Cho tất cả những ai còn lương tri, yêu công lý và hòa bình như một khát vọng muôn đời của nhân loại.

Ghi chép của Phạm Xuân Hùng

Nguồn Văn nghệ số 34/2023


Có thể bạn quan tâm