May 3, 2024, 1:38 am

Trở lại Tây Nguyên

Tôi không ngờ mình có cơ hội trở lại Tây Nguyên khi tuổi ngoại bát tuần. Hơn bốn chục năm trước, hồi còn trẻ trung, khi đất nước liền một dải, cùng với một số văn nghệ sĩ, tôi có may mắn được “ăn theo” đội quân cầm bút hùng hậu thuộc Quân khu 5 đi thăm Tây Nguyên với trưởng đoàn là nhà văn Nguyên Ngọc.

Đoàn xuất phát từ thành phố Đà Nẵng, trên một chiếc xe ca cỡ lớn, ghé thăm nhiều địa chỉ, ở đâu cũng được đón tiếp ân cần và trịnh trọng… Chuyến đi lần này vào tháng 11/2022 lại xuất phát từ Bà Rịa, trên chiếc xe giường nằm to kềnh, chạy suốt từ mờ sáng tới chập tối thì đến thành phố Buôn Mê Thuột. Với riêng tôi thì điều thích thú hơn cả là được dịp thỏa sức ngắm nhìn đất nước bao la như bất tận. Một cảm giác thật khác lạ so với những chuyến đi ở dải đất hẹp miền Trung, ngồi chưa ấm chỗ đã nghe xe rú ga leo dốc, vượt đèo... Những địa danh Đắc Tô, Tân Cảnh… hiện ra sau khung kính xe gợi nhắc các chiến dịch đẫm máu được miêu tả trong những tiểu thuyết của nhiều nhà văn mặc áo lính mà tôi đã đọc trước đây… Chiến sự và nỗi bi thương đã lùi xa vào quá khứ, đã bị cuộc sống mới với các thị trấn phô diễn đủ màu sắc che khuất, nên không đủ sức gây nhức nhối, chỉ còn một câu hỏi vụt bật lên từ đâu đó: “Sao con người lại có lúc xông vào giết nhau kinh khủng như thế?...” - Rồi như cũng tự biết không ai có thể trả lời, nó chìm ngay trong tiếng gọi í ới “cho dừng xe đi bác tài ơi!...”

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Một phút dừng xe, xuống vươn vai hít thở không khí mát lành của Tây Nguyên. Ôi! Vùng đất mênh mông “ngon lành” thế này, hèn chi bao kẻ thèm khát, dòm ngó… Chút thoải mái vừa chợt đến bỗng biến mất; vì ngay trước mắt là những căn nhà gắn liền với khoảnh đất đang được khai phá nham nhở, xem chừng ngày một rộng thêm. Đó là chưa kể các dự án gây tai tiếng làm ô nhiễm, phá hỏng sinh thái cả một vùng đồi núi rộng lớn. Không thể không nghĩ đến những trang bút ký của nhà văn Nguyên Ngọc từng khẩn thiết và đau đớn báo động về rừng Tây Nguyên – mái nhà của Đông Dương “đã bị tàn phá đến thảm hại”! (Ghi chép Làng Ba Na trong sách Mọi Kontum - Sách Dọc đường, NXB Phụ Nữ, 2022). Nhắc đến công phu và tình cảm trân trọng của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi - hai soạn giả cuốn Mọi Kon Tum trong những năm tháng “đi thực tế” để viết nên công trình này (xuất bản lần đầu năm 1937; NXB Tri Thức tái bản năm 2011) Nguyên Ngọc còn viết: “Giá như bốn mươi năm qua, từ sau 1975, ta cũng đến được với Tây Nguyên bằng một tâm niệm như thế, khiêm nhường, chân thành và tha thiết như thế. Thì chắc mọi sự ở đây hôm nay đã khác rất nhiều”…

*

Chúng tôi đến Buôn Mê Thuột khi chiều đã muộn. Những đoàn tham quan có tổ chức thường nhắm đến những địa chỉ văn hoá đã được “xếp hạng” hẳn là khó có cơ hội được đến tận các ngõ ngách để biết những góc đời sống khuất nẻo ở một thành phố Tây Nguyên như tôi, kẻ “đi lẻ” theo việc riêng. Chiếc xe đưa chúng tôi rời đường phố lớn, rẽ vào lối nhỏ ngang dọc kiểu bàn cờ, nhiều đoạn chưa kịp lát bê tông, trời đã tối, nên chỉ biết hai bên um tùm cây lá. Chưa hết bất ngờ về lối đi xuyên rừng “rắc rối” thì đã phải ngạc nhiên trước một vùng sáng rực rỡ, rộn rã tiếng nói cười vui như hội, chứng tỏ cuộc sống dân chúng ngày càng khá giả… Gọi là “rừng Tây Nguyên” nhưng sáng hôm sau trở lại, dưới ánh mặt trời tỏa khắp các lối đi ngang dọc giữa bạt ngàn cây xanh, tôi nhận ra tất cả đều là những vườn cây được người dân trồng mới, trong đó có nhiều vườn cà phê. Lại chợt nghĩ: không biết “ngày xưa”, khi hai học giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đi nghiên cứu Tây Nguyên thì đây hẳn vẫn còn là những bản làng người Ba Na? Và bây giờ, những “hậu duệ” của họ đang lang thang ở đâu?... Trong thế giới ngày càng nhiều biến động và đổi thay, những cuộc di cư - di dân là không tránh khỏi, nhiều khi đem lại sự đổi đời cho hàng ngàn vạn người. Gần 100 năm trước (theo báo Lâm Đồng) từ năm 1927, những tốp dân cư Nghệ Tĩnh đầu tiên đã lên khai thác, lập ấp tại Đà Lạt và đến năm 2012, năm tổ dân phố thuộc Khu phố Nghệ Tĩnh có 850 hộ với 3.500 nhân khẩu! Và không chỉ ở Đà Lạt và Buôn Mê Thuột, nhiều tỉnh ở miền Nam đều có những ấp, xóm… quần tụ cư dân từ miền Trung nghèo khó và cả miền Bắc “di tản” vào làm ăn từ rất nhiều năm trước; có thể ngay sau thời chúa Nguyễn Hoàng mở cõi trời Nam, chứ không chỉ sau biến động 1954 và 1975…

Cũng thật bất ngờ và thú vị là chương trình văn nghệ tự phát trong đêm giữa “cánh rừng” tái lập ở ngoại vi thành phố Buôn Mê Thuột mà “diễn viên” đều là dân Hà Tĩnh, Quảng Bình lại tạo được không khí gợi nhớ thời nhà “dân tộc học nghiệp dư” Nguyễn Đổng Chi (1915-1984), mà thật tình cờ, ông cũng quê Hà Tĩnh, lúc 18 tuổi đã theo anh trai vào nghiên cứu Tây Nguyên, “đi vào các làng Ba Na, la cà cùng bà con”, và “vừa làm vừa chơi, vừa chơi vừa làm… say mê, tỉnh táo”… Đêm nay không có cồng chiêng, bếp lửa, nhưng cảnh anh chị em “đồng hương” của tôi hồn nhiên theo nhau lên sân khấu múa hát tạo sức cuốn hút cả ông già ngoại tám mươi này nhập cuộc. Và ai đó đang hát ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh ấm áp mà say mê đến vậy?...

Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại. Vẫn là những lối rẽ ngang dọc nhỏ hẹp giữa rừng cây um tùm rất ít bóng người, nhưng dư âm cuộc vui đậm đà, khiến cảm tưởng mình đang đến một nơi khuất nẻo, tù mù biến mất; ngược lại, đã có tiếng ai đó thốt lên: “Chà! Giá nhà mình có một vườn cây như ri hè!”. Ừ, bây giờ bao nhiêu “đại gia” đang muốn thoát cảnh chen chúc ngạt thở trong các đô thị, về sống giữa rừng cây bốn mùa xanh mát như ở đây…

Đã đành, nếu đi du lịch, thành phố Tây Nguyên này còn nhiều địa điểm hấp dẫn hơn, mà mở Google, sẽ có ngay chỉ dẫn “top 10” nơi cần đến: Nào là Bảo tàng Cà Phê Buôn Mê Thuột, Làng cà phê Trung Nguyên, Cụm Thác Dray Sap, Vườn quốc gia Yok Đôn… Nhưng thời gian hạn hẹp, trước khi xuôi về Bà Rịa, chúng tôi chỉ có thể dành buổi chiều dạo quanh thành phố, ít ra cũng để… chụp vài pô ảnh lên “Fây” khoe rằng đã lên tới xử sở “vua cà phê”! Cũng đã có ảnh chụp trước Bảo tàng Cà phê, bên cụm “Tượng đài chiến thắng Buôn Mê Thuột” và trước mô hình nhà rông có tên “Âm vang đại ngàn” ở trung tâm thành phố… nhưng điều ám ảnh tâm trí tôi nhiều ngày sau, lại là lúc ghé thăm căn nhà anh N., ra nghĩa trang viếng mộ thân phụ anh. Anh N. là công dân của Tây Nguyên đã hơn nửa thế kỷ, quê gốc tại Quảng Bình. Nhà anh tại một đường phố gần trung tâm, nhưng có thể nói đây cũng là một “góc khuất” của thành phố, của cả lịch sử dân tộc, nếu không ngại mang tiếng “đại ngôn”. Là bà con thân thiết, nhưng lần đầu biết đến anh! Song thật lạ, anh trò chuyện với tôi cởi mở, không hề e ngại. Thân phụ anh bị Pháp bắt lính khoảng trước năm 1950, đến năm 1952 thì đã lên chức kha khá, nói tiếng “Tây” thông thạo. Vậy nên sau Hiệp nghị Genève 1954, ông cuốn cả gia đình vô Huế, rồi vô Sài Gòn, lên Gia Lai… Ôi chao! Chuyện mấy đời người, cả một thế hệ, trải dài hơn bảy thập kỷ kể sao cho hết. Thấy tôi có vẻ quan tâm tìm hỏi di tích trận đánh ngày 9/3/1975 mở đầu Tổng tiến công Xuân 1975, anh mỉm cười và chẳng e dè kể rằng: “Lúc đó, tôi là trung úy lính dù, liền cởi bỏ quân phục, trốn vào rừng; hôm sau bò ra, may gặp một sĩ quan Bắc Việt, tôi không giấu giếm gì; và khi tôi nói mình biết lái xe, thế là ông ta thu nhận cho đi cùng… Nhưng khi trở về địa phương, cũng phải đi tù, mà không chỉ một lần…”. Giọng anh nhỏ nhẹ, chẳng lộ một chút oán trách. Gần nửa thế kỷ đã qua rồi! Mà gia đình anh biết cách làm ăn, vùng đất thì ưu đãi con người, nên cuộc sống không giàu sang nhưng cũng dễ chịu. Có phải vì thế mà đến nay, anh chưa một lần trở lại quê nhà bên dòng Kiến Giang? Hay anh còn chút mặc cảm... Tôi và mấy người em khuyên anh đừng ngại ngần chi hết, bây giờ không còn ai nhắc chuyện cũ nữa đâu. Anh cứ bay ra Đồng Hới, gọi điện là có xe đón đưa anh về quê… Vậy mà như tôi biết, Tết vừa qua, anh vẫn chưa về… Vì miền đất đỏ Tây Nguyên mến người; và cũng có thể vì “vết chia cắt” quá sâu, không dễ hàn gắn?!...

Khi tôi viết những dòng này, hàng ngàn gia đình khắp ba miền đang phải kiếm chỗ ở mới để có đất triển khai những dự án lớn và bên trời Tây, hàng vạn người dân Ucraina và cả dân Nga đã phải bỏ nước ra đi vì chiến tranh! Hình như những cuộc di cư và di tản – do nhiều nguyên nhân, ở tầm mức rộng hẹp khác nhau, tạm thời hoặc vĩnh viễn - trên thế gian cứ mãi tiếp tục. Có phải vì nhân loại không bao giờ chịu thỏa mãn với cuộc sống hiện tại và không thiếu những kẻ say mê tham vọng, chi muốn giữ mãi “ngai vàng”?...

Ghi chép của Nguyễn Khắc Phê

Nguồn Văn nghệ số 26/2023


Có thể bạn quan tâm