May 2, 2024, 10:52 pm

Triển lãm Tiếng vọng/ Bản ngã của Nguyễn Sơn: Khi những giới hạn bị xuyên phá

Hơn 10 năm, Nguyễn Sơn mới mở triển lãm cá nhân trở lại. Trong quãng thời gian ấy, anh từng có 3 năm bỏ giá vẽ đi làm nhân viên giao hàng cho quán cơm Việt của vợ.

 

Điều gì khiến một họa sĩ danh tiếng như Nguyễn Sơn đi làm “shipper”? Anh không nói. Nhưng 3 năm đi giao hàng cho quán ăn gia đình với anh là một bước phiêu lưu cần có trong đời. Môi trường làm việc không còn trong bốn bức tường của xưởng vẽ. Đối tác công việc không giới hạn trong một tầng lớp, một nhóm người. Không còn những vòng xe vô định và lãng quên thời gian. Một ngày gặp gỡ với hàng chục người xa lạ, anh quan sát họ. Thích thú với việc người ta chẳng hề hay biết bản thân đã bị anh biến thành đối tượng nghiên cứu trong vài chục giây giao tiếp ngắn ngủi. Từ đây, và cùng với việc cầu nguyện mỗi ngày, Nguyễn Sơn chuyển sang giai đoạn nghệ thuật mới: nghệ thuật ý niệm. Một lần dừng xe trong cảnh tắc đường, anh đột ngột nhớ ra “nghệ thuật ở sau lưng mình rồi”. Và anh quyết định quay về, tập trung toàn bộ thời gian mình có cho nghệ thuật, làm việc với vùng ý niệm của mình: Đức Tin.

Triển lãm Tiếng vọng/Bản ngã đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2/12-18/12) trưng bày chuỗi tác phẩm lớn của Nguyễn Sơn sau 4 năm làm việc, được tuyển chọn bởi giám tuyển họa sĩ Vũ Hồng Nguyên. Triển lãm gồm 3 phần: Tiếng vọng, Bản ngã và Ta ở đây, với 21 tranh giấy, 18 tranh chất liệu tổng hợp, 1 tranh sơn dầu, 5 tác phẩm nghệ thuật vật thể, 2 sắp đặt kết hợp 2 video art (3D mapping) và 1 trình chiếu video art phái sinh. Triển lãm đồ sộ và lộng lẫy này cũng là câu trả lời cho câu hỏi của chính Nguyễn Sơn: “Mình không làm shipper nữa, không làm doanh nghiệp nữa mà quay về với nghệ thuật có đúng hay không?”

 

Máu và nước. Acrylic, epoxy, vải toan trên bảng gỗ. 215x108cm.2022

 

Những tác phẩm ra mắt công chúng lần này cho thấy cuộc chơi “tới bến” của Nguyễn Sơn với chất liệu. Anh tự chế ra một loại giấy, sau đó lại thay đổi bề mặt xốp nhẹ của giấy thành tấm kim loại thô bằng những lớp bột đồng bột sắt mượn tay thời gian làm cho phong hóa đến độ hoen gỉ cần thiết thì cầm giữ điểm rơi bằng kỹ thuật phủ màng. Vụn đồng vụn sắt hòa trộn với vàng, bạc, hạt thủy tinh và màu acrylic tạo nên một không gian suy tưởng siêu thực chập chờn ẩn hiện, lấp lánh và cao vời, thân thuộc và xa xôi, bồng bềnh và mịt mùng trong lớp biên sương mù ngăn cách giữa nội giới và ngoại giới của bản thể. Một không gian dễ đưa đẩy người xem đến với nỗi hoang hoải tự vấn về nguồn cội và sự tồn tại, như câu thơ trong Thu muộn của Hagirawa Sakurato: “Do I exist? Is there - ness there? (Tôi có tồn tại không? Ở đó hay không ở đó?”.

 

Di sản của Chúa. Acrylic, epoxy, chạm gỗ. 185x118cm.2022

 

Nhưng epoxy mới là sự phá bỏ giới hạn của Nguyễn Sơn. Trong chùm tác phẩm thuộc Bản ngãTa ở đây, epoxy trở thành chất liệu chính kích thích và khơi gợi, níu giữ và thách thức thị giác của công chúng. Nguyễn Sơn thử nghiệm với epoxy từ năm 2016, xuất phát từ món đồ chơi làm cho con trai. Tính chất của epoxy vô tình tương thích một cách khăng khít với vùng ý niệm của anh. Đó là những gì trong vắt và vĩnh cửu, phóng chiếu và hội tụ, chảy trôi nhưng không tan biến. Kỹ thuật tạo nước đọng trong cách vẽ epoxy của Nguyễn Sơn đánh thẳng vào cảm xúc của người xem như bắt gặp những giọt nước mắt được bảo tàng vĩnh viễn trên mặt toan.

 

Tác phầm Cha của Nguyễn Sơn

 

Epoxy cũng được Nguyễn Sơn dùng trong tác phẩm nghệ thuật vật thể mang tên Cha, dành để kính nhớ người cha đặc biệt của anh - nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Cây đàn piano cũ - vật thể gắn liền với kí ức tuổi thơ nhiều ám ảnh - tự neo lại ở thế cân bằng thả lỏng trong không gian. “Giọt nước mắt màu xanh” lơ lửng phía trên. Và nếu ta quỳ gối xuống trước phím đàn kí ức như quỳ trước Chúa, sẽ nhìn thấy dòng chữ bằng tiếng Anh: “Memory is the past, reborn in the present” (Kỷ niệm sinh ra ở quá khứ và tái sinh ở hiện tại). Trên mặt đàn, những phím đàn xô lệch như tàn tích của một cuộc va chạm dữ dội, bàn tay vô hình giữ chặt hợp âm Đô trưởng. Nguyễn Sơn giải thích: Cung Đô trưởng trong âm nhạc cổ điển được xem là âm thanh của sự thiêng liêng hay giọng của Chúa. Đó là âm thanh của sức mạnh nội tâm, cũng là âm thanh của sự hối tiếc. Khác với tác phẩm dành tặng Cha của anh cách đây 18 năm, Cha của triển lãm lần này là niềm nhớ thương tráng lệ cất lên từ những đau đớn đã được phóng thích khỏi kỷ niệm vừa tái sinh.

Tác phẩm này nằm trong phần “Ta ở đây”, giai đoạn mà người nghệ sĩ đã trải qua quãng thời gian đủ dài, đủ sâu làm việc với tiếng vọng từ quá khứ, suy niệm với bản ngã và tìm ra câu trả lời cho sự hiện hữu. “Ta ở đây” là một sự thật mà Nguyễn Sơn tìm thấy. Con người hiện hữu khi có Đức Tin, tin Đấng Sáng thế tồn tại trong bản thể là ta, để Tình yêu hay Nhân tính trở thành sức mạnh chứ không phải là gánh nặng của cuộc đời. Và khi đó, thể xác tìm được điểm cân bằng trong tiểu vũ trụ của chính mình. Như cây đàn piano kia.

Có điều gì đó, không quá rõ ràng, nhưng rất dễ liên tưởng giữa chùm tác phẩm này của Nguyễn Sơn với những áng thơ của nhà tư tưởng - thi sĩ người Li Băng Kahlil Gibran.

 

“Linh hồn ơi hãy xót thương ta

Ngươi chất lên ta tình yêu

Cho tới khi ta không mang nổi

gánh nặng của mình

Người và tình yêu là sức mạnh chẳng rời nhau

Ta và bản chất là yếu đuối chẳng rời nhau

Tới bao giờ ngưng cuộc đấu tranh

giữa hai cái mạnh yếu đó?”

 

Trong hành trình một đời người, đâu là đích đến? Linh hồn ai mà chẳng mơ về những thứ cao đẹp, nhưng thể xác yếu đuối và hữu hạn là cản trở để ta khó có thể chạm tới những khát vọng huyễn ảo của mình. Mỗi người luôn có một cuộc đấu tranh vạn niên thiên lý trong chính họ để đạt được cái đích mà linh hồn họ đã xác lập. Cách thức thế nào, mạnh mẽ giáp lá cà hay mềm mỏng đối thoại hay hèn nhát bỏ chạy hay giơ cờ trắng đầu hàng để hòng thoát chết, đó là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng với một người làm nghệ thuật, nếu cuộc đấu tranh ấy dừng lại thì nghệ thuật cũng dừng lại. “Tôi vẫn còn tin vào giấc mơ của mình. Bởi trong giấc mơ, Chúa Thánh Thần sẽ đến”, Nguyễn Sơn nói.

 

Không thể không nhắc tới họa sĩ Vũ Hồng Nguyên trong triển lãm Tiếng vọng/Bản ngã của Nguyễn Sơn. Chùm tác phẩm này thuộc về bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Sóng Mây do Vũ Hồng Nguyên đồng sáng lập. Anh đã đặt hàng, khích lệ, dõi theo và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Nguyễn Sơn hoàn thành dự án nghệ thuật lớn của mình, đồng thời lựa chọn cách thức trang trọng để giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Nếu các họa sĩ tài năng được nhận sự hỗ trợ từ các giám tuyển lão luyện như Vũ Hồng Nguyên và được tạo điều kiện làm việc tốt như Nguyễn Sơn, chắc chắn trong tương lai không xa hội họa giá vẽ của Việt Nam sẽ không ngại ngần khi so sánh với hội họa thế giới.

 

Họa sĩ Nguyễn Sơn

Họa sĩ Nguyễn Sơn sinh năm 1974 tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã có nhiều triển lãm tổ chức trong và ngoài nước, từng đạt Giải Nokia Art Future Asean Pacific và Giải Philip Morris - hai giải thưởng mỹ thuật quan trọng của giới hoạ sĩ chuyên nghiệp khu vực Đông Nam Á.

Hoa si Nguyen Son và giám tuyển Vũ Hồng Nguyên

Giám tuyển Vũ Hồng Nguyên là hoạ sĩ sáng tác tranh trừu tượng trên chất liệu sơn mài, sơn dầu, acrylic. Ông là nhà đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo, tiền thân là dự án Art in the Forest (AIF); đồng sáng lập dự án Sóng Mây Contemporary Art Museum. Ông làm giám tuyển cho nhiều triển lãm, được đánh giá cao về mặt chuyên môn tác phẩm đến tổ chức trưng bày không gian.

Hoàng Hồng


Có thể bạn quan tâm