May 3, 2024, 10:50 pm

Tre xanh không chỉ là… tre!

“Làng tôi xanh bóng tre…” là ca từ mở đầu trong ca khúc Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao từng ám ảnh nhiều thế hệ công chúng. Tre thân thuộc, chung thủy, đồng cam, cộng khổ với người, đã cùng người căng mình chống thiên tai và giặc giã suốt mấy ngàn năm lịch sử để giữ bình yên cho quê hương, đất nước. Tre gần gũi, tình nghĩa với người, những tác phẩm nghệ thuật về tre hoặc chỉ thấp thoáng bóng tre, người thưởng thức đã ngay lập tức bị dẫn dụ về một miền quê nào đó trong ký ức. Tự tre sống với người, người sống với tre tạo ra tình cảm đặc biệt, tự nó đã là văn, là thơ, là nhạc, là họa…

Tôi đã từng nghe những bài hát, những bài thơ và say mê những áng văn viết về tre không chỉ trong thời bình mà cả trên chiến hào đánh giặc khi xưa. Ở đâu người thưởng thức đều dấy lên lòng tự hào về quê hương, xứ sở. Nhiều đồng đội tôi đã mang theo những cảm xúc về tre để nằm lại chiến trường mãi mãi... Bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, chính là người Việt Nam trong thăng trầm của lịch sử đau thương hàng ngàn năm đã tạc nên dáng vóc, tính cách để thích ứng với lịch sử đầy máu và nước mắt ấy. Như thế, rõ ràng “Tre xanh” không chỉ là một loài cây hữu dụng trong cuộc sống, để che chắn giữ đất, giữ làng, cho bóng mát, làm vật liệu xây dựng và chế tác dụng cụ sinh hoạt… mà Tre còn là biểu trưng của cốt cách người Việt, là văn hóa dân tộc, như tuyệt bút của nhà văn Thép Mới đã vẽ nên: “Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình, mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hoá lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp…”.

Vậy mà ngày nay, cây tre đang dần dần vắng bóng trong không gian sống của dân ta; những vật dụng làm bằng tre bền, đẹp, thuận tiện… cũng dần dần vắng bóng. Và rất có thể, cây tre đã trở nên xa lạ với thế hệ “a-còng” thời “thế giới phẳng.

Chúng ta đều biết, nền kinh tế thị trường lấy lợi nhuận làm mục đích, vốn có tính hai mặt: Vừa có thể đưa một quốc gia từ nghèo khó trở nên giàu có, lại vừa có thể xóa bỏ văn hóa dân tộc để dìm chết một quốc gia, nếu thiếu chủ động kịp thời đưa ra những quyết sách khắc phục một phần mặt trái của nó. Trong hơn ba chục năm Đổi mới, hội nhập và phát triển, chúng ta đã xác lập và phát triển nền kinh tế thị trường mà lịch sử dân tộc mấy ngàn năm chưa bao giờ có. Nhờ đó đã đem lại những thành tựu mà xưa nay cũng chưa bao giờ có. Công nghiệp hóa đã phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như một giải pháp tối ưu. Quá trình đó không thể không va chạm với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trước đây mỗi năm công nghiệp hóa đã lấy khoảng nửa triệu héc ta đất nông nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển doanh nghiệp, mở rộng cảng biển, cảng hàng không, kho bãi…  Tất cả đều phải lấy đất từ nông nghiệp. Những người nông dân phải rời ruộng, rời làng khi đô thị hóa đã trở thành cái nam châm khổng lồ thu hút lao động trẻ từ các làng mạc, thôn xóm, bỏ lại lũy tre xanh, những mái đình cong cổ kính sau lưng… để đến các thành phố, đến các quốc gia xa lạ theo tiếng gọi thu nhập, mưu sinh. Cuộc chia tay này tạo ra xu hướng làm lu mờ những giá trị văn hóa truyền thống của những làng quê – nơi hàng đời đã từng ru những tâm hồn lớn lên mạnh mẽ để vượt qua bao giông gió cuộc đời. Lần đầu tiên sự gắn kết tình cảm keo sơn giữa con người và tre được ngàn năm lịch sử kiểm nghiệm đã bị khách quan chia cắt.

Rồi “công nghiệp hóa” đã tạo ra tất cả các loại hàng hóa thay thế các sản phẩm từ tre. Từ ngôi nhà, kèo cột đến cái lạt buộc mất dần. Đến công dụng cuối cùng là làm củi giúp con người để có những bữa cơm sum họp, nấu nồi nước uống hay nồi nước bồ kết cho mẹ và em gội đầu… cũng không còn nữa, vì người nông dân tuy chưa giàu nhưng vì nhiều lý do mà nay phổ biến đều sử dụng bếp ga. Bếp ga vừa nhanh, vừa sạch, giải phóng bao sức lao động. Rồi công dụng tự nhiên làm bóng mát cho mẹ ngồi đợi con, vợ ngồi ngóng chồng, người yêu chờ người yêu, con trâu nằm nhai lại cũng đã trở thành những hình ảnh hiếm hoi. Tre ngày càng trở nên “vô dụng”, thậm chí còn trở nên “phiền toái”. Những lũy tre ôm phủ kín làng quê, xanh mát rượi ngàn năm cũng lần lượt bị chặt phá cho quang đãng hoặc để lấy đất dùng vào những công việc “đẻ ra tiền” nhiều hơn. Những nếp nhà có bụi tre trước ngõ hay quây quanh cũng dần bị thay thế bằng những vật liệu như gạch đá, bê tông “kín cổng, cao tường”.

Tre bị chặt phá, triệt hạ thì mảng thực vật và những động vật sống cộng sinh với tre cũng không còn nữa. Những cây cà độc dược treo những ngọn đèn lặng lẽ như mơ, soi dưới gốc tre cũng mất. Còn đâu những bờ tre ủ gió, sớm chiều gom tiếng chim la đà phía sau một bầu trời mây trắng?

Vậy là tre đã đang bị tấn công từ mọi phía; đồng nghĩa với văn hóa làng đã và đang bị tấn công từ mọi phía. Tình làng nghĩa xóm cũng theo đó mà bị tổn thương. Mà văn hóa là công cụ để kiềm chế cái ác căn cơ nhất. Biết rằng nền kinh tế thị trường đang từng ngày sàng sẩy văn hóa truyền thống để lựa chọn những gì phù hợp với đòi hỏi của nó. Tuy nhiên sự sàng sẩy đó có thể có những sai số…

Vậy là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ thế kỷ 21 trở đi dần dần sẽ không còn thấy sự quan trọng của tre trong đời sống. Họ thích nghi với những ngôi làng trọc, không tre và họ xa lạ với tre. Ý nghĩ đó làm tôi thoáng rùng mình. Tôi cứ hình dung sự mất mát vô cùng to lớn, nếu làng quê không còn tre. Đành rằng sự phát triển kinh tế thị trường đã cứu phần lớn người dân khỏi đói ăn, thiếu mặc. Đã nâng cao họ không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần. Đã đưa đất nước cao lên trong vị thế mới. Tre vẫn muốn mang hết sức mình hỗ trợ con người, mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Tre cần con người chỉ ra một con đường, tạo ra một cơ hội. Cuộc chiến kinh tế chỉ dành phần thắng cho ai khi người lao động biết phả hồn dân tộc vào trong từng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Tôi đã tận mắt nhìn thấy ở Hàn Quốc, nơi đã 100% đô thị hóa. Họ cũng từng hồi hộp và sợ hãi trước sự mất dần những ngôi làng ôm chứa văn hóa hồn hậu làng quê. Ở đó tình người trong sáng nhất, sâu xa nhất mà thời đại kinh tế thị trường ào ạt đang cần một sự khắc chế. Họ tìm cách thích nghi, bù đắp lại sự khiếm khuyết trong phát triển đô thị hóa bằng cách bảo tồn nguyên một số ngôi làng. Những ngôi làng đó được bảo tồn và kỳ lạ hơn, chính nó đã trở thành những “con gà đẻ trứng vàng”. Theo các nhà khoa học Hàn Quốc mà trong một hội thảo tôi có được tham dự, là làng quê quá khứ của họ vẫn song hành với công cuộc đô thị hóa, để có đất nước Hàn Quốc hóa rồng, hóa hổ. Họ sợ nếu làng quê bị mất, trong tâm hồn con người, nhất là lớp trẻ, bị tổn thương sẽ hạn chế sự cạnh tranh trên thương trường.

Làng tôi là làng Đông Bích, một làng quê xứ Nghệ như bao làng quê khác, tre cũng đang mất dần. Khi khu đền thờ Đức Thánh Đông Sơn được tỉnh Nghệ An xếp hạng và cho tu bổ lại, nhiều hạng mục đã được xúc tiến tôn tạo, trong đó có trồng cây xanh. Nhà thơ Vương Trọng, từ Hà Nội đã gọi điện cho người em họ, yêu cầu trồng mấy gốc tre. Thật mừng là Ban tu tạo Khu di tích đã cho trồng tre. Dù tre trồng ở đấy rất xa làng, nhưng tôi nghĩ những lớp trẻ kế tiếp vẫn nhìn thấy tre và có thể cả lũy tre. Đó là sự đánh thức quá khứ khi tre hiện diện. Văn hóa làng quê được củng cố. Trong “cuộc chiến” giữa một bên là phát triển kinh tế và một bên là bảo tồn văn hóa thì phải cả hai bên đều cùng thắng. Và tre đã có mặt để giúp con người chiến thắng. Tôi mơ những khu bảo tồn tre, bảo tồn làng quê. Tôi tin, sự hiện diện của tre trong đời sống là cách gián tiếp bồi đắp tâm hồn để giữ được sự cân bằng, hướng tới sản xuất tạo ra hàng hóa có giá trị văn hóa. Hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng là cách kéo văn hóa truyền thống cùng tham gia vào công cuộc hội nhập và phát triển. Tất cả đều cần một vùng sinh thái tre xanh để hồn người không bị khiếm khuyết mà tròn vành vạnh như vầng trăng rằm xưa lấp ló sau lũy tre làng…

Nhà thơ Vương Cường

Nguồn Văn nghệ số 48/2022

 

Có thể bạn quan tâm