May 3, 2024, 4:56 am

Tôi và vi khuẩn lao

Nhận được thông báo sang Anh công tác, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Trong nhà tôi, chưa từng có ai được du lịch Anh hay bất cứ quốc gia nào ở châu Âu. Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ được ông nội hát kể rằng, “Sông Thames có cây cầu tuyệt đẹp. Tàu thuyền lướt bay trên cao, con người đi bộ dưới thấp”. Ông kéo dài phát âm chữ “thames” như thể vẽ ra một dòng sông, khuôn mặt đầy nét ngưỡng mộ và tôn kính về “vùng đất của các lãnh chúa, chủ nhân một thời của chúng ta” (Anh thuộc địa Bangladesh từ năm 1681 – 1947).

 

Cha tôi biết về sông Thames nhiều hơn ông nội tôi một chút, nhờ màn ảnh. Tôi sẽ sớm được biết nhiều hơn cha tôi, nhờ được sang Anh. Bằng chính mắt của mình, tôi sẽ chiêm ngưỡng cây cầu có “tàu thuyền lướt đi trên cao, con người đi bộ dưới thấp” đời thực.

Việc đầu tiên mà tôi phải làm là chuẩn bị hồ sơ xin thị thực. Sau khi lấy được tất cả các giấy tờ cần thiết, tôi thức cả đêm điền vào các mẫu đơn. Đây là lần đầu tiên sau khi thi lấy bằng tốt nghiệp phổ thông, tôi tập trung cao độ đến thế. Nhờ tìm hiểu kỹ càng, tôi biết Lãnh sự quán Anh không còn nhận đơn xin thị thực trực tiếp nữa. Chắc là vì tiếp dân tôi quá phiền phức, họ quẳng thủ tục này cho các đại diện của mình ở địa phương và hướng dẫn từ xa.

Vừa bước vào văn phòng tiếp nhận hồ sơ xin thị thực, tôi lập tức nhận thấy không khí nghiêm trọng khôn tả. Trong phòng tiếp tân có lắp máy lạnh, nhiều người đang ngồi chờ với vẻ mặt căng thẳng. Trông họ không khác gì bị cáo chờ bị thẩm tra và buộc tội vì đã phạm phải tội ác không thể dung thứ. Bất giác, tôi cũng hồi hộp theo. Khi được gọi đến tên, tôi đưa hồ sơ cho nhân viên tiếp nhận. Người này là công dân nước tôi. Anh ta có trách nhiệm kiểm tra tất cả các giấy tờ xem đã điền đủ và đúng chưa, rồi đưa vào phòng cấp trên là người Anh. Tôi theo dõi nhất cử nhất động của người này, thấy mọi cử chỉ, nét mặt đều đầy vẻ trang nghiêm, gợi nhớ đến sự trang trọng của hoàng gia. Anh ta cẩn thận sửa vài lỗi trong hồ sơ của tôi và tiếp nhận đơn xin thị thực. Tôi thở phào, nhận lịch hẹn ngày trả hồ sơ với tâm trạng nhẹ nhõm. 

Mọi người khuyên tôi nên mua sắm một ít quần áo mùa đông, vì Anh là đất nước băng tuyết. Chỉ cần nghĩ đến mùa đông trắng xóa, tôi rùng mình. Dù sao cũng đang chờ duyệt hồ sơ xin thị thực, tôi nghĩ đi mua quần áo rét cũng là chuyện nên làm. Mất cả ngày sục sạo khắp chợ Banga Bazar, tôi mới tìm được một cửa hàng có bán áo rét. Người chủ đã phải lục tung kho mới thấy đúng một chiếc áo khoác đặc biệt dày, màu xanh. Tôi cân nhắc hồi lâu, cuối cùng quyết định chưa mua vội. Nếu đơn xin cấp thị thực bị từ chối, tôi sẽ không đời nào cần đến chiếc áo này. Giả sử cứ cố chấp mặc, tôi sẽ phải đi tới tận Panchagarh, huyện lạnh nhất của Bangladesh trong ngày đông giá nhất thì may ra.

Đúng ngày hẹn, tôi lần nữa trải nghiệm cảm giác thấp thỏm trước phòng chờ của văn phòng đại diện đại sứ quán. Lại một lần nữa, trước mắt tôi là những người đang chờ lượt gọi với vẻ mặt như tội nhân. Tự dưng, tôi liên tưởng đây là phiên tòa cuối cùng, và những người đang ngồi chờ giống như tôi là những bị cáo sắp sửa nhận tuyên án.

Như thường lệ, các nhân viên bước qua bước lại với vẻ mặt trang nghiêm và không nhìn vào ai trong số chúng tôi. Cuối cùng, tôi cũng được gọi tên. Đằng sau tấm chắn bằng kính, có người đưa cho tôi một phong bì. Tôi lập tức hỏi đơn của mình có được duyệt không. Người này trả lời bằng giọng bực bội, “Làm ơn mở phong bì ra và tự kiểm tra, sau đó đến quầy số 5”.

Tôi run run mở phong bì, lấy tờ đơn xin cấp thị thực ra và hạnh phúc tràn ngập khi thấy dấu phê duyệt. Sợ khiến những người đang ngồi chờ khó chịu, tôi cố che giấu cảm xúc và hấp tấp đi đến quầy số 5.

Phụ trách quần số 5 là một nhân viên nữ. Sau khi kiểm tra hồ sơ của tôi, cô nói, “Vì thị thực của anh là hộ chiếu lao động, nên anh cần phải thông qua một số xét nghiệm y tế nữa”. Nói xong, cô cho tôi địa chỉ của trạm y tế đại sứ quán và dặn hãy đến vào ngày mai.

Suốt cả đêm, tôi lo lắng không ngủ được. Tôi luôn biết, xin thị thực không phải chuyện dễ, nhưng không ngờ lại phải thông qua hàng núi thủ tục như thế này. Tự nhiên, tôi thấy ghen tị với các nhà thám hiểm thời trung đại như Marco Polo, Hsuan-tsang và Ibn Battuta. Họ đã thoải mái đi từ nước này sang nước khác mà chẳng cần cái thị thực nào. Mấy hôm trước, tôi đã thấy trên tường ở đâu đó dòng chữ graffiti viết “Chúng tôi cần một thế giới không đòi thị thực”. Bây giờ, tôi thật sự hiếu kỳ ai là người đã viết câu này. Giá biết sớm hơn, tôi đã tham gia phong trào “không thị thực” cùng với họ.

Bạn bè và người nhà của tôi vô cùng vui mừng khi thấy tôi được duyệt đơn xin cấp thị thực, đòi tổ chức tiệc. Tôi cố ý trì hoãn. “Người nào ra nước ngoài đi học cũng mở tiệc mừng hết. Con cũng nên được mọi người chúc mừng và cầu nguyện cho như người ta chứ”, mẹ tôi khẩn khoản. Tôi phải lý giải với mẹ rằng, tôi không đi học mà là đi làm. Mẹ tôi bảo, đi học hay đi làm thì cũng như nhau. Tôi đành phải bỏ thời gian soạn thiệp mời. Một lần nữa, tôi quay lại chợ Banga Bazar, đắn đo trước cái áo khoác dày màu xanh. Tuy nhiên, cuối cùng, tôi vẫn quyết định chưa mua, không gửi thiệp và không mở tiệc. Lỡ không qua được khâu kiểm tra y tế, cây cầu mà tôi có thể tận mục sở thị chỉ có thế là cầu thuyền nổi dập dềnh vắt ngang con sông Buriganga (tây bắc Dhaka, Bangladesh) chứ không phải cầu sông Thames.

Đúng hẹn, tôi đến trạm y tế đại sứ quán. Với những lao động muốn ra nước ngoài làm việc như tôi, đây chính là Pulserat – cây cầu cuối cùng bắc qua địa ngục cho phép lên thiên đường. Mặc dù đã gần đích đến nhất, trước mắt tôi vẫn là những khuôn mặt âu lo không khác gì những khuôn mặt ở phòng tiếp nhận đơn xin cấp thị thực. Hai bác sĩ mặc áo blu trắng xuất hiện, một người rất trẻ, một người là công dân nước tôi. “Sao ai trông cũng như mất sổ gạo thế? Không cần phải lo lắng quá đâu! Tôi sẽ không xét nghiệm máu, nước tiểu hay phân của các bạn. Tôi chỉ chụp ngực thôi”, bác sĩ là công dân nước tôi nói vui vẻ. Tôi cố gượng cười hùa theo, nhưng những người khác thì không. Ai cũng chỉ muốn thông qua thủ tục này càng sớm càng tốt. “Cái mà người Anh sợ nhất là bệnh lao. Họ đã thành công loại bỏ căn bệnh này khỏi toàn quốc từ nhiều năm trước và bây giờ rất thận trọng trong việc kiểm soát nguồn gốc. Vì thế, các bạn phải có kết quả xét nghiệm xác minh không bị bệnh lao thì mới được nhập cảnh”, bác sĩ trẻ giải thích.

Chúng tôi được dẫn sang phòng xếp bàn ghế như lớp học. Bác sĩ trẻ bước đến cạnh tấm bảng màu trắng gắn trên tường, vẽ nguệch ngoạc mấy nét bằng bút dạ màu đỏ và nói, “Đây chính là vi khuẩn lao, Mycobacterium tuberculosis. Nó được nhà khoa học Robert Koch phát hiện. Tôi chắc chắn, nhiều người trong số các bạn đã nghe nói đến căn bệnh này…”. Chúng tôi chăm chú ngồi nghe như học sinh.

“Vi khuẩn lao rất lẳng lặng. Nó âm thầm xâm nhập vào cơ thể người, đi đến phổi và ngủ yên ở đó, không gây triệu chứng hay bệnh tật gì. Chỉ khi cơ thể bị tổn thương, nó mới thức dậy và hung hăng tàn phá, thông qua đường mũi hoặc miệng mà phát tán ra ngoài, lây lan sang người khác. Trước tiên, chúng tôi sẽ chụp X-quang ngực của các bạn, kiểm tra xem có vi khuẩn lao ngủ trong phổi không. Xin đừng lo lắng! Chỉ khi thấy dấu hiệu đáng nghi, chúng tôi mới yêu cầu các bạn xét nghiệm đờm. Nếu chúng tôi không kiểm tra thấy gì trong đờm thì dù trong phổi của các bạn có vi khuẩn lao thật đi chăng nữa, các bạn vẫn được cấp thị thực thôi”, anh ta đùa. Tuy sự hài hước ấy có khiến bầu không khí nhẹ đi một chút, nhưng không làm nỗi bất an trong chúng tôi biến mất. Từng người một, chúng tôi bước vào phòng chụp X-quang, nghiêm túc đưa ngực tới máy chụp. Chuyên viên chụp X-quang yêu cầu chúng tôi phải nín thở, nên người nào chụp xong cũng thở dốc. Tôi được hẹn 2 ngày sau quay lại nhận kết quả.

Suốt 2 ngày, tôi ru rú trong nhà vì sợ gặp người khác và bị hỏi mua vé chưa, khi nào thì đi Anh… Không có việc gì làm, tôi lướt web tìm hiểu về bệnh lao và ngủ gục vì mỏi mắt. Trong giấc mơ, tôi thấy con vi khuẩn được bác sĩ vẽ nguệch ngoạc bằng bút dạ đỏ ngoe nguẩy quanh mình.

Đến hẹn, tôi tới trạm y tế đại sứ quán lấy kết quả. Bác sĩ dẫn tôi vào phòng, cho xem tấm chụp X-quang và chỉ vào một chỗ mờ. “Anh thấy chứ, 2 cái như hình chiếc lá kia là phổi của anh và mảng tối mờ mờ này khiến tôi lo ngại. Tôi không dám khẳng định đó là vi khuẩn lao, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng này”, ông nói. Tôi đổ mồ hôi hột. Thu hết can đảm, tôi lên tiếng, “Thưa bác sĩ, tôi đã tra cứu về các triệu chứng của bệnh lao trên mạng internet. Tôi chưa từng bị đổ mồ hôi trộm, sốt, chán ăn… như trên đó nói”.

“Không sai”, bác sĩ trả lời. “Nếu anh có những triệu chứng này, tôi đã có thể khẳng định rồi. Chúng ta chỉ là không thể loại trừ khả năng mà thôi. Xin hãy nhớ, tôi không chẩn đoán anh bị mắc bệnh lao. Tôi chỉ nói, anh cần phải làm thêm xét nghiệm khác, cụ thể là xét nghiệm đờm, để biết chắc chắn”.

“Vậy, tôi chỉ cần xét nghiệm đờm nữa là được có đúng không ạ”, tôi lắp bắp hỏi lại.

“Vâng. Nói thật với anh, giám đốc ở chỗ này là người Anh. Ông ta gắt gao lắm, nên tôi cũng không thể dễ dãi cho dân mình được. Tôi cũng cần giữ chân công việc mà. Lỡ tôi châm chước cho anh rồi bị phát hiện, tôi sẽ bị sa thải mất. Thôi, anh cũng đừng quá lo lắng! Ngày mai, hãy quay lại và cho chúng tôi mẫu đờm. Anh sẽ phải cấp mẫu đờm 3 ngày liên tiếp đấy. Hãy đến vào sáng sớm và nhớ đừng ăn sáng”, bác sĩ hướng dẫn cho tôi bằng giọng lạc quan.

Tôi ra về. Dù bác sĩ đã nói, kết quả X-quang không hề khẳng định tôi bị bệnh lao, tôi vẫn không thể vứt hận ý với con vi khuẩn lao. Chẳng lẽ nó hết chỗ rồi hay sao, mà lại chui vào phổi tôi mà ngủ? Thay vì được ngắm bờ sông Thames, tôi có thể phải ghé viện điều dưỡng bệnh lao cũng nên. Mà hình như, bây giờ chẳng còn viện điều dưỡng bệnh lao nào hết thì phải. Tôi chợt nhớ bài đồng dao rất xưa, hát về bệnh lao. Nó có nội dung rằng, mắc bệnh lao là hết cứu. Vào cái thời hoàng kim của bệnh lao, viện điều dưỡng toàn nằm trên núi cao, to đẹp lộng lẫy. Nhiều nhà văn nổi tiếng như Voltaire, Anton Chekhov, Keats… đã chết ở đó. Hình như cả Quaid-i-Azam, lãnh tụ lừng danh nhất Nam Á một thời cũng thế. Trong phần lớn phim bi của điện ảnh Bangla, nam – nữ chính đều ho ra máu vì lao rồi tắt thở. Tôi nhớ rất rõ cảnh cuối của phim Meghe Dhaka Taara, nữ chính Supriya Choudhury đã ngã khuỵu vì lao. Trước khi chết, cô ấy đã than, “Chúa ơi, con cũng muốn sống!”.

Thứ duy nhất an ủi tôi lúc này là viện điều dưỡng bệnh lao mà Supriya đã sống những ngày cuối đời rất xinh đẹp. Nếu cũng mắc bệnh, chí ít tôi cũng được điều dưỡng ở nơi sơn thủy hữu tình ngang thế. Ngày nay, bệnh lao là bệnh chữa được. Có lẽ, tôi sẽ không bị chết như nhà văn Chekhov, chỉ là phải bỏ lỡ kế hoạch thăm Cung điện Buckingham (Anh).

Tôi không dám nói với mẹ về khả năng bị mắc bệnh lao, chỉ bảo cần làm thêm vài xét nghiệm nữa. Nhưng, khi gọi điện cho bạn thân là Faruk, tôi sụp đổ hoàn toàn. “Faruk ơi, tao xong đời rồi. Tao đã bị bệnh lao”.

“Mày đùa đấy à? Thời nay có ai lại bị bệnh lao”, Faruk phá ra cười.

“Mày có biết mỗi năm, thế giới có bao nhiêu người chết vì bệnh lao không? 300.000 người. Có gì để đảm bảo, tao không phải một trong số đó?”.

“Thật không? Bác sĩ đã chẩn đoán mày bị bệnh lao hả?”, Faruk bắt đầu lo lắng.

“Không, nhưng họ nghi ngờ. Giờ họ đòi kiểm tra đờm”.

“Chúng nó cố tình làm quá lên đấy”, Faruk mắng lớn. “Chúng nó muốn ngăn cản dân mình sang bên đó, nên nhiêu khê đủ điều. Cái lũ khốn khiếp, chúng nó dẫm đạp đất nước ta bao nhiêu năm thì được, nhưng lại không cho chúng ta đặt chân lên nước nó. Mày có biết, chúng nó có tất thảy các loại mánh khóe để trục xuất người nhập cư không? Đừng có lo! Mày cứ đến và khạc đờm cho tao. Chúng nó sẽ chẳng kiểm tra ra cái gì đâu mà sợ”.

Ngày hôm sau, tôi đến trạm y tế đại sứ quán và được dẫn tới một phòng khác. Trong phòng, lại là những gương mặt đầy bất an. Từ phòng bên cạnh, những tiếng ho, khạc đủ kiểu vẳng ra. Đến lượt, tôi phập phồng bước vào. Một y tá luống tuổi đưa cho tôi chiếc hộp nhỏ và nói, “Hãy hít một hơi thật sâu, sau đó khạc thật mạnh và nhổ đờm vào đây”. Tôi làm theo hướng dẫn, nhưng không khạc được ra đờm. Y tá cau mặt, nhắc tôi khạc mạnh hơn. Tôi cố khạc mạnh nhất, nhưng vẫn không ra đờm. Đột nhiên, một bác sĩ người da trắng bước vào. Nhìn dáng vẻ bỗng dưng nhiệt tình của bà y tá, tôi đoán bác sĩ này chính là giám đốc bệnh viện. Trước sự quan sát của người này, bà ta đập vào lưng tôi liên tiếp. Tôi khom người, cố khạc bằng ra đờm và chỉ được có một xíu. Bác sĩ da trắng dời đi. Bà y tá cầm hộp đựng đờm của tôi, giơ lên và nói, “Có mỗi một tẹo thế này thì xét với nghiệm gì. Ngày mai, anh phải cố ho ra nhiều hơn đấy. Nhớ nhịn ăn trước khi đến!”.

Tôi bước ra ngoài, lồng ngực đau tức tối vì cố khạc quá nhiều. Trong đầu tôi, câu hát của ông nội về cầu sông Thames lại văng vẳng. Người ta cần có máu nóng trong trái tim để đến được đây, còn tôi lại cần lôi đờm ra khỏi lồng ngực. “Hay là mình bỏ quách vụ đi Anh cho rồi”, tôi nghĩ, nhưng không dám làm.

Ngày hôm sau, tôi có mặt ở trạm y tế đại sứ quán với cái bụng rỗng. Như hôm trước, bà y tá lại đưa chiếc hộp nhỏ. Tôi lễ phép nhận lấy, cong lưng mà khạc, nhổ chất dịch trào ra trong miệng vào rồi đưa lại. “Đây là nước dãi mà. Anh không phân biệt được đâu là đờm còn đâu là dãi à?”, bà ta gắt gỏng. Tôi phải xin lỗi và khạc lại. “Hít sâu, khạc từ trong ngực ra”, bà ta chỉ dẫn. Tôi làm theo và vẫn thất bại.

“Anh xin loại thị thực nào”, bà ta đột ngột hỏi.

“Thị thực lao động ạ”.

“Mấy năm?”.

“Ba năm”.

“Tốt quá! Nếu không phát hiện vi khuẩn lao, tôi sẽ chúc mừng cho anh. Thật ra, tôi không thể đi Anh nên hễ có ai đi được, tôi đều rất mừng cho họ. Hôm qua, anh đã thấy giám đốc của trạm rồi đúng không? Ông ấy tên là Martin, cực kỳ khó tính. Nếu nộp hộp không đủ đờm, tôi có khả năng bị đuổi việc. Tôi biết, anh phải ho khạc cũng không dễ dàng gì. Thôi, xem như chúng ta vì đồng bào đi! Anh hãy cố khạc mạnh hơn chút nữa xem thế nào”.

Những lời của bà ấy làm tôi cảm động khôn xiết và nỗ lực khạc bằng toàn bộ sức mạnh. Tôi có cảm giác, mình đang trong cuộc chiến tranh toàn diện với đờm. Nếu cơ thể người gồm 14 tầng và mỗi tầng có 10 dòng kênh thì tôi đang cố gắng kết hợp 140 dòng kênh thành một con sông, ép nó đổ ra đờm.

Ngày thứ 3, tôi bất ngờ thuận lợi khạc ra cả đống đờm. Bà y tá vui như nông dân được mùa, “Nếu lấy được thị thực, anh ở luôn bên đó đi nhé, đừng có về lại cái đất nước như chốn khỉ ho cò gáy này nữa. Chỉ cần anh kiên quyết bám trụ ở Anh, cho dù thị thực có hết hạn cũng còn đầy các mánh khóe khác”.

Tôi phải đợi thêm 2 ngày nữa mới có kết quả xét nghiệm đờm. Nếu thật sự bị bệnh lao, tôi chỉ có thể giống như cặp câu thơ của thi nhân nào đó, “Tâm trí có thể chu du bất cứ đâu. Chỉ con mắt vẫn ở yên một chỗ, ngắm lá mít rụng”.

Khi tới trạm y tế lần cuối, tôi đã đi với tâm lý sẵn sàng nhận kết quả bị bệnh lao. Bác sĩ bảo tôi hãy ngồi đợi và rời khỏi phòng. Trong khi tôi đang lạc giữa những suy nghĩ tiêu cực, ông ta quay lại và buông 2 câu nói như dội nước lạnh. “Không có bằng chứng nào về vi khuẩn lao trong đờm của anh. Anh có thể đến Anh quốc rồi”. Tôi không biết nên bày ra phản ứng như thế nào. “Chúng tôi sẽ cấp cho anh giấy xác nhận. Tuy nhiên, anh vẫn phải mang theo phim chụp X-quang, vì có thể họ sẽ đòi xem khi xuống máy bay. Đừng quên mang theo phim chụp của anh đấy, cũng đừng nhét trong hành lý, vì có khả năng bị yêu cầu xuất trình ngay tại phòng nhập cảnh. Thôi, giờ anh về được rồi! Chúc may mắn nhé!”, bác sĩ nói.

Phim chụp X-quang là tấm nhựa rất lớn. Không thể nhét nó vào trong túi xách, tôi đành kẹp vào nách. Nội trong ngày, tôi đặt vé máy bay, mua chiếc áo khoác dày màu xanh, sắp xếp tài liệu đi công tác và mở tiệc chia tay. Hôm khởi hành, tôi gửi hành lý và sẵn sàng lên máy bay. Vì bận cầm cả phim chụp X-quang như lời khuyên lẫn hộ chiếu và túi xách tay, tôi không thể vẫy tay tạm biệt bạn bè và người thân đi tiễn.

Trên máy bay, tôi muốn nhét tấm X-quang vào khoang hành lý, nhưng nó lại không vừa, nên đành ép nó vào ngực và ngồi xuống ghế. Máy bay cất cánh, tôi vừa buồn vừa vui ngắm mây qua cửa sổ. Phim chụp X-quang nằm yên trong lòng tôi, chứng kiến tôi ưu tư về nước Anh, về quê hương, về những ngày sau này… “Xin hỏi, ngài ăn chay hay ăn mặn ạ”, nữ tiếp viên hàng không lên tiếng hỏi. Nụ cười xinh đẹp của cô như xoa dịu những lo nghĩ trong lòng tôi. Tôi mỉm cười, chọn món thịt, đặt tấm X-quang xuống chân và thưởng thức bữa ăn ngon lành. No bụng, tôi ngủ say. Khi tôi mở mắt dậy, máy bay đã đang hạ cánh xuống Sân bay Heathrow (London, Anh).

Trước cửa nhập cảnh, tôi đường hoàng cầm phim X-quang đứng chờ. Xung quanh tôi, mọi thứ đều gọn gàng và sạch sẽ. Nhìn người qua lại chỉ toàn là người da trắng, tôi bỗng có chút lo ngại về màu da của mình, đảo mắt tìm người có sắc da tương tự. Thật may, trong 2 nhân viên quầy nhập cư có 1 người là phụ nữ da đen. Chắc cô ấy sẽ có thiện cảm với người da ngăm như tôi, không quá khó khăn trong lúc kiểm tra hồ sơ. Ôm chặt phim chụp X-quang trên tay, tôi nhích dần lên theo hàng người đứng chờ. Đột ngột, tôi nhớ tới lời cảnh giác của một đồng nghiệp đã nhiều lần công tác nước ngoài. “Nếu thấy nhân viên bàn nhập cư là nữ, đừng có đứng vào hàng đó. Theo kinh nghiệm của tôi, sĩ quan nữ là khó tính nhất, sĩ quan nữ da màu lại càng khó tính hơn”, anh ấy nói. Tôi nuốt khan. Rất có thể, cô ta sẽ giơ tấm phim của tôi lên và phán, “Nhìn đi, đây chính là vi khuẩn lao. Máy móc xét nghiệm ở nước anh cổ lỗ sĩ đến mức nào mà lại không phát hiện ra hả? Chúng tôi không thể cho phép anh nhập cảnh”. Nếu không qua cửa nhập cảnh, tôi buộc phải lên lại máy bay và trở về Bangladesh. Tôi có nên bỏ hàng này và chuyển sang hàng bên cạnh, nơi nhân viên ngồi quầy và nam sĩ quan người da trắng không? Chân tôi nhúc nhích, tim thì đập nhanh như chạy đua trong lồng ngực. Mới tơ mơ sáng mà Sân bay Heathrow đã đông khủng khiếp. Nữ sĩ quan da đen gần như không ngẩng đầu lên, tay liên tiếp đóng dấu lên hộ chiếu. Tôi quan sát cô ta không chớp mắt, để ý cả những hành khách khác và thấy không có ai cầm phim chụp X-quang như mình. Lẽ nào, chỉ có mỗi mình tôi là có lá phổi khả nghi? Đến lượt, tôi chìa hộ chiếu và các giấy tờ khác. Thấy tôi đặt cả tấm phim X-quang ngoại cỡ lên bàn, cô ta yêu cầu lấy nó ra. Tôi lại ôm tấm X-quang trước ngực, chờ bị hỏi tới. Cô ta vừa kiểm tra giấy tờ của tôi vừa kín đáo ngáp, sau đó đóng dấu vào hộ chiếu mà không ngẩng lên nhìn tôi lần nào. Tôi nhận lại hộ chiếu và ngập ngừng không biết nên đi hay chưa. Cô ta nhăn mày, hất mặt như thể bảo tôi đi nhanh đi và gọi người kế tiếp bước lên. Tôi lập cập gom hết giấy tờ của mình lại, cố gắng tự trấn tĩnh và chầm chậm bước về phía băng chuyền hành lý.

Dù đã ra khỏi sân bay, tôi vẫn hoang mang không rõ mình đã nhập cảnh thành công chưa? Xung quanh tôi, ai nấy đều hối hả, máy móc thì nhộn nhịp. Trời đã sáng hẳn. Tôi mặc chiếc áo khoác dày màu xanh mua ở chợ Banga Bazaar, đứng bên cạnh vali, một tay xách túi xách tay và một tay vẫn cầm tấm X-quang. Sao không có ai kiểm tra nó lấy một lần? Lẽ nào, chỉ giấy xác nhận không bị bệnh lao là đủ? Có phải, tấm X-quang này là thừa thãi? Nó chỉ đơn giản là sự cẩn thận thái quá từ phía nước tôi. Hay là nhân viên bàn nhập cư đã quên mất phải kiểm tra cả nó? Có khi nào, Anh quốc còn có trạm kiểm tra bệnh lao chuyên biệt không? Có thể nào, ngay khi tôi bước chân vào nội thành London, cảnh sát tuần tra sẽ xuất hiện và yêu cầu tôi xuất trình phim chụp X-quang phổi?

Kẹp tấm X-quang khổng lồ dưới nách, tôi ngập ngừng cất bước, hướng tới thành phố bên bờ sông Thames.

Truyện ngắn của Shahaduz Zaman (Bangladesh)

Vũ Thị Huế

Dịch theo Wordswithoutborders.org

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm