April 27, 2024, 1:25 pm

Tọa đàm “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới của đất nước”

​Sáng ngày 23/3/2024, Thời báo Văn học Nghệ thuật đã tổ chức buổi giao lưu – toạ đàm với chủ đề “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới của đất nước”, tại tỉnh Hòa Bình

Tọa đàm có nhiệm vụ phân tích, đánh giá những thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam trong hiện thực đổi mới đất nước. Qua đó thấy được sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, góp phần làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, nhà văn với đời sống. Kết quả của tọa đàm sẽ góp phần lan tỏa tình yêu với tiểu thuyết, lan tỏa những giá trị tích cực của Cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ I (2023-2025) do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức.

Tới dự buổi giao lưu – toạ đàm có các nhà văn, nhà LLPB Bùi Việt Thắng; nhà văn Nguyễn Trọng Tân; nhà thơ, nhà LLPB Phạm Đình Ân; nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự; nhà văn Nguyễn Bắc Sơn; nhà văn Lê Hoài Nam; nhà nghiên cứu, phê bình văn học Bích Thu; nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Kiều Bích Hậu… Về phía Ban tổ chức Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất do Thời báo Văn học, nghệ thuật phát động, có nhà văn nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập, Trưởng Ban tổ chức; nhà báo Đỗ Quảng… cùng đông đảo cán bộ, nhân viên của Thời báo.

Tại toạ đàm, các nhà văn, nhà lý luận phê bình đã trình bày tham luận khẳng định, tiểu thuyết là mảnh đất màu mỡ, nơi các nhà văn thỏa sức sáng tạo với vô vàn tư liệu sáng tác trong bức tranh của hiện thực rộng lớn. Cùng với sự thay đổi diện mạo của đất nước, sự thay đổi trong các quan niệm về giá trị và bản chất nghệ thuật cũng là nhân tố quan trọng tạo nên những chuyển biến có tính chất bước ngoặt của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi và nhà văn, nhà LLPB Bùi Việt Thắng - Đại diện Ban Sơ khảo cuộc thi

 

 Trong tham luận của mình, nhà văn Nguyễn Trọng Tân, Lê Hoài Nam,  Võ Thị Xuân Hà, đã khẳng định tầm quan trọng của tiểu thuyết trong dòng chảy văn học. Song có một thực trạng buồn và đáng lưu ý là, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, đã và đang xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” cùng những biểu hiện “bắt chước, lai căng”... trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật, ảnh hưởng đến giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người đọc, người xem; không động viên, khuyến khích được những văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị văn học nghệ thuật chân chính.

Các nhà văn, nhà lý luận phê bình tham dự buổi giao lưu - toạ đàm

 

Bàn về độ dài của tiểu thuyết, theo nhà văn Bích Thu, hiện nay xuất hiện một số tiểu thuyết được tác giả viết hơi dài, khiến cho tác phẩm đôi khi bị miên man, làm người đọc khó hình dung cốt truyện chính. Bà đề nghị các tác giả nên đọc kỹ lại tác phẩm của mình, có sự tiết chế, điều chỉnh, không nên ôm đồm quá nhiều và hãy tập trung nói những cái đáng nói.

Đồng quan điểm với nhà văn Bích Thu, nhà văn Kiều Bích Hậu cho biết, đã xuất hiện những hình thức tiểu thuyết hoàn toàn mới, chỉ khoảng vài nghìn chữ, tương đương khoảng 50 trang sách.  Thậm chí là" truyện ngắn trong Tiểu thuyết", trong đó tác giả thể hiện ra mỗi một chương là một truyện ngắn độc lập, người đọc có thể chọn đọc một chương bất kỳ nào đó và có thể hài lòng vì nó là một truyện ngắn độc lập. Và khi xuất bản, khi xếp cạnh nhau thì các chương lại là một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh. Nhà văn Kiều Bích Hậu cũng cho biết,  trên văn đàn đã xuất hiện khá nhiều nhà văn nước ngoài dựng phim trên tác phẩm tiểu thuyết của họ và một số còn thực hiện làm phim từ truyện ngắn. Theo nhà văn Kiều Bích Hậu, sự nối dài các tác phẩm như vậy là một cách để tác phẩm văn học được chuyển hóa, lan tỏa rộng hơn nữa.

Cũng tại tọa đàm, các nhà văn, nhà phê bình còn nghe nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, cha đẻ cuốn tiểu thuyết Luật đời và Cha con, chia sẻ những ý kiến hết sức tâm huyết của mình về tiểu thuyết. Nghe  dịch giả Lê Bá Thự bày tỏ quan điểm về đề tài của tiểu thuyết cần gắn với đời sống đương đại. Ông cũng hy vọng một ngày không xa, các tiểu thuyết gia Việt Nam sẽ cho trình làng một thiên tiểu thuyết hay về rượu nhằm khoả lấp chỗ trống về đề tài này trong làng tiểu thuyết Việt Nam”…

Đề cập đến khoảng trống trong đề tài tiểu thuyết, không chỉ có "Rượu"  nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng trong tham luận của mình cho biết, đã và đang thiếu tác phẩm viết về " tam nông". Đây là đề tài xuất hiện ngay sau hoà bình (1954) ở miền Bắc. Văn học về đề tài “tam nông” đã phủ sóng trên văn đàn đương thời với nhiều tác phẩm “gây bão” như Thôn Bầu thắc mắc của Sao Mai, Sắp cưới của Vũ Bão, Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương… Tiếp sau là những tác phẩm viết về đời sống nông thôn mới trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa như Cái sân gạch của Đào Vũ, Tầm nhìn xa, Người trở về của Nguyễn Khải, Bão biển của Chu Văn… Tới thực trạng hiện nay của văn chương, sự “lép vế” của văn học (nhất là mảng văn xuôi) viết về “Tam nông” đang trong tư thế “phòng thủ”,... nên rất cần có kế hoạch “hạ phóng” (đưa, động viên, tổ chức) nhà văn đi xuống/ về cơ sở sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong cả nước (63 tỉnh, thành). Ưu tiên đầu tư chiều sâu sáng tác, dành các giải thưởng uy tín cho văn học về “tam nông”, đây là công việc của Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Cần một cuộc ra quân đồng bộ, hùng hậu, bền bỉ để kích cầu năng lượng sáng tác có thể đang ngủ quên trong các nhà văn với rất nhiều lý do khách quan, chủ quan.….

Khép lại tọa đàm, những tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà văn, nhà lý luận phê bình đã tiếp thêm động lực cho những tác giả đã và đang có ý định tham dự cuộc thi tiểu thuyết của Thời báo Văn học nghệ thuật. Đồng thời góp phần lan tỏa tình yêu với tiểu thuyết, cũng như khẳng định những giá trị tích cực của thể loại văn học được ví như " đại bác" của nền văn học Việt Nam hiện nay.

Nhà báo Đỗ Quảng tặng sách cho KTS Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng và đầu tư TPI, người đã tài trợ toàn bộ cho buổi giao lưu - toạ đàm này.

Việt Thắng


Có thể bạn quan tâm