May 3, 2024, 5:34 am

Tinh thần Nhật Bản

Chúng tôi đến Nhật Bản vào một ngày cuối tháng Tư, hoa Anh đào đã tàn, lâu lâu mới thấy một hai cây còn sót lại nở hoa trắng đan xen trong màu lá xanh non.

Nhật Bản là xứ sở của hoa Anh đào, khi mùa xuân đến, tiết trời còn lạnh, khắp mọi miền, từ thành thị đến đồng quê, đặc biệt là ven các sườn núi, các điểm thu hút khách du lịch rực sáng một màu hoa Anh đào. Loại cây thân giống như cây đào của ta, trổ bông đơm đầy cả tán cây, cũng là lúc lá rụng hết, chỉ còn hoa và hoa. Tưởng như đất trời trải một dải lụa trắng phớt hồng sang trọng.

Thành phố Osaka nằm bên vịnh Osaka ở phía Nam Nhật Bản, không có mặt bằng rộng rãi để xây dựng sân bay. Một phương án táo bạo đã được vạch ra: Đào đất lấp biển, để có mặt bằng xây sân bay. Thật là kỳ vĩ, khi người ta đóng hàng ngàn cây cọc bê tông cốt thép xuống độ sâu 60m dưới đáy biển, tạo thành vòng tròn 11 cây số đê bao, để có mặt bằng rộng 511 ha, phải đổ hơn 180 triệu mét khối cát lấp biển thành hòn đảo nhân tạo nổi trên biển bao la. Quả là một công trình vĩ đại! Vậy là sân bay Kansai có thể xem như một kỳ quan của thế giới do con người tạo ra.

Gần thành phố Osaka có cảng Kobe, là cảng biển lớn nhất Nhật Bản. Đến thành phố này muốn thưởng thức món thịt bò Kobe cũng khó tìm, nếu không phải thổ địa. Cả Nhật Bản chỉ có 3000 con bò nuôi ở tỉnh Hyogo, trực thuộc Kobe, ngoài ra không có con bò Kobe nào được nuôi trên thế giới. Bò Kobe được chọn với những tiêu chuẩn khắt khe từ bò Tajima. Bò cũng không được xuất cảng nguyên con, thịt có mã số riêng, để phân biệt được miếng thịt ấy đến từ con bò nào. Nó tỉ mỹ, khoa học từ khâu chọn giống đến chăn nuôi, như là nghệ thuật, là tín ngưỡng. Khi đưa vào giết mổ trọng lượng bò không quá 470 kg. Nhờ thế thịt bò Kobe “Hương vị ngọt thơm, tan ra đầu lưỡi” khi thưởng thức, làm thực khách đã ăn một lần sẽ không bao giờ quên.

 

Khách du lịch trước cửa chùa Thanh Thủy

 

Nhưng ấn tượng nhất là ngay cảng Kobe có nhà triển lãm động đất. Tòa nhà cao 8 tầng, kiến trúc hiện đại, mặt tiền ghi thời khắc mà trận động đất lịch sử đã diễn ra: 5: 46 AM,1995, 7,3 magnitude.  Mọi người còn nhớ, 5 giờ 46 phút ngày 17 tháng 1 năm 1995, một trận động đất 7,3 độ Richter đã làm rung chuyển đất nước Nhật Bản, cơn động đất mạnh đến nỗi phá sập gần 2/3 thành phố Kobe, làm cho khoảng 4.600 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng hơn 100 tỉ USD. Chúng tôi được giới thiệu rất tỉ mỉ về trận động đất kinh hoàng đó, đặc biệt là được vào phòng chiếu phim 3 D, chứng kiến cảnh động đất được tái diễn. Cảnh các tòa nhà bị rung lắc rồi sụp đổ. Cảnh các đoàn tàu đang băng băng trên đường ray bị lật nhào, cảnh người chết, lửa cháy như hỏa diệm sơn... Chỉ chứng kiến trên phim ảnh mà tim tôi đập loạn nhịp. Thế rồi cảnh người Nhật tương thân tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua hoạn nạn rất nhân văn, cảm động. Nhật nằm trên 4 mảng kiến tạo của vỏ trái đất, khi các mảng kiến tạo này va chạm nhau... tạo ra động đất. Một năm Nhật Bản xảy ra đến cả ngàn trận động đất, sóng thần, núi lửa... (Mấy hôm sau ở khách sạn Hakone Grenn, buổi tối chúng tôi bỗng nghe trong phòng vật rơi loảng xoảng, không biết rằng đó là một trận động đất nhỏ). Tuy nhiên người Nhật Bản rất kiên cường, họ bình tỉnh vượt qua thảm họa, dũng cảm lao động, kiến taọ, khắc phục thiên tai.

Chúng tôi có ba ngày ở thành phố Kyoto, thuê hẳn một ngôi nhà theo kiểu Homestay. Chủ nhà cho khách thuê và khách tự quản lí hoàn toàn căn nhà trong thời gian tá túc. Đây cũng là hình thức quảng bá về phong cách nhà ở, văn hóa điểm đến. Nhà hai tầng, rộng chừng 150m vuông, đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, máy giặt, lò vi sóng, wifi... Qua ba ngày chúng tôi trả nhà, cứ thế đóng cửa và ra đi, không gặp chủ nhà mà chủ nhà cũng không thấy mặt khách. Ba ngày ở đây chúng tôi không phải đăng ký tạm trú, cũng không thấy chính quyền hỏi han gì. Chúng tôi đi tham quan rừng trúc Arashiyama, thăm chùa vàng Kinkakuji, nhưng ấn tượng là chùa Kiyomizu- dera (Thanh Thủy) và khu phố cổ Sanneizaka. Ngôi chùa rất linh thiêng, nằm trên lưng chừng núi, có cảnh đẹp tuyệt vời. Mùa này hoa Anh đào đã tàn, cây đang trổ lộc non làm không gian xanh mướt mắt. Những người đi viếng chùa thường mặc Kimono. Tôi ngạc nhiên khi tấm bảng ghi bằng 3 thứ tiếng, Anh, Hoa, Việt trước cửa tiệm: “Tiếng Việt, ok”, nghĩa là ở đây có nhân viên người Việt phục vụ. Quả là người Việt mình đi du lịch Nhật Bản rất đông, tháng 4 vừa rồi, theo thống kê của Nhật, người Việt đến Nhật nhiều  nhất thế giới. Mấy hôm sau tôi không còn ngạc nhiên khi vào nhà hàng, khách sạn đều gặp người Việt. Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 10 năm 2022, số người Việt Nam đang làm việc tại nước này lên đến hơn 462 ngàn người, đông nhất thế giới.

Mỗi ngày có hàng vạn người đến viếng chùa Thanh Thủy, có ngày có cả triệu người, nhưng không tìm đâu ra thùng rác. Thế mà khắp nơi đều sạch sẽ…

Đến Nhật khách thường thích đến thăm núi Phú Sĩ, cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Tây Nam. Núi cao 3776 m, xe chở chúng tôi lên đến tầng 5, cao 2300 m, nhìn xuống dưới, thấy mây trắng bồng bềnh, có cảm giác như đang ngồi trên máy bay. Trời rất lạnh, đỉnh núi tuyết phủ trắng, tưởng chỉ vài trăm bước chân là có thể sờ tay vào tuyết. Khoảng cách còn lại ấy là 1476 m, người Nhật thừa khả năng làm đường hay cáp treo lên đỉnh núi nhưng họ không làm. Họ muốn dành khoảng cách còn lại cho những người thích leo núi. Về mùa tuyết đã tan, đường mòn đi lên đỉnh núi khô ráo, mỗi ngày có hàng ngàn người “tay gậy tay bị” leo lên đỉnh núi, vui như đi hội, đó là môn thể thao ưa chuộng cho những ai thích khám phá đỉnh núi cao nhất Nhật Bản và thứ bảy trên thế giới, cũng như tự khám phá khả năng chính mình. Những người leo núi thường xuất phát từ ngày hôm trước, lên đến đỉnh núi thì trời vừa tối, họ nghỉ đêm trên đỉnh núi để sáng dậy sớm ngắm mặt trời nhô lên từ đường chân trời. Đối với người Nhật, từ ngàn xưa, núi Phú Sĩ gắn với niềm tin tâm linh, bằng chứng là dưới chân núi còn lại rất nhiều đền chùa cổ kính linh thiêng. Núi Phú Sĩ đã từng phun nham thạch lần gần nhất  năm 1707, ngày nay một số nơi lưng chừng núi vẫn còn thấy khói trắng bốc lên nghi ngút, mùi lưu huỳnh nồng nặc. Từ trong lòng núi chảy ra những dòng suối nước nóng, cuốn hút khách thập phương đến ngâm mình, rất có lợi cho sức khỏe. Đã có nhà hàng dùng nước nóng này luộc trứng, trứng chín vỏ chuyển sang màu đen. Đồn rằng ăn trứng gà này rất may mắn.

Chúng tôi có một đêm ngủ trong khách sạn Hakone Grenn nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Khách sạn ở Nhật nói chung phòng thường nhỏ, nhưng đầy đủ tiện nghi, rất sạch sẽ. Bạn sẽ hài lòng từ lúc bước vào khách sạn, được nhân viên khách sạn đẩy xe chở hành lí của khách vào phòng đón tiếp. Nhân viên cúi rạp mình chào khách với nụ cười niềm nở trên môi. Ở Nhật có văn hóa “coi khách hàng như người tình đầu đời của mình” bởi vậy mọi dịch vụ với khách hàng được thể hiện ân cần, chu đáo và trung tín đến khó tin.

 

Một cảnh trên tàu điện ngầm Nhật Bản

 

Nhiều người biết giao thông bên Nhật đi bên trái. Xe máy từ 125 phân khối trở lên được đi vào đường cao tốc và được đèo thêm một người. Người đi xe đạp và xe máy dưới 125 phân khối đều phải đội mũ bảo hiểm, không được đèo thêm người. Xe đạp được đi trên vỉa hè. Người Nhật vốn giản dị, chú trọng vào công năng của xe chứ không cần phô trương nên họ chuộng xe hơi loại rẻ tiền, tiện lợi; vừa chở người lại chở được nhiều hàng hóa. Giá xe lại rẻ (chừng trăm đến hai trăm triệu đồng Việt Nam) mà đóng thuế, đóng kiểm định... chỉ bằng 1/3 xe sang. Xe loại này gắn biển vàng, thấy chạy rất nhiều trên đường, kể cả thủ đô Tokyo. Loại xe nhập khẩu của Âu - Mỹ đang “tuyệt chủng” ở Nhật vì dân Nhật ít dùng, bởi thuế cao, lại tốn xăng. Từ nhà cửa đến xe cộ ở đây chỉ nho nhỏ, vừa đủ dùng, vừa tiết kiệm chi phí vừa tốt cho môi trường, họ không chú trọng vào bóng bẩy. Đường phố ở bên này rất  thông thoáng bởi người đi lại bằng tàu điện ngầm dưới lòng đất. Chỉ khi bạn đến nhà ga tàu điện ngầm mới thấy tấp nập người đi lại. Rất ít khi thấy cảnh sát, cảnh sát giao thông không trang bị “ngầu” như ở ta, họ thường đi xe đạp để tuần tra. Còn hướng dẫn xe ở các điểm du lịch chỉ thấy người già về hưu, tình nguyện làm thêm vì ở nhà buồn quá. Tàu cao tốc ở Nhật đi về rất đúng giờ. Đúng giờ đến nỗi một công ty đường sắt lớn nhất Nhật Bản đã phải họp báo xin lỗi công chúng vì để cho tàu chạy sớm 15 giây. Tàu điện của họ êm đến mức, tôi nhìn thấy một cô gái ngồi dùng cái que khá nhọn chuốt lại hàng mi của mình, cứ sợ nhỡ tàu dừng đột ngột que nhọn sẽ chọc vào mắt cô. Nhưng tôi chỉ lo bò trắng răng. (Phụ nữ bên Nhật rất chú trọng làm đẹp đôi mắt). Đi trên đường, gặp phụ nữ Nhật thấy hầu hết đều mang khẩu trang, thói quen này có từ trước khi dịch Covid -2019 xảy ra. Ta chỉ nhìn thấy đôi mắt họ, theo logic điền tiếp của trí tưởng tượng, đôi mắt đẹp thế kia, hẳn phần còn lại (bị che bởi khẩu trang) cũng đẹp lắm!

 Anh Nguyễn Thanh Sơn, hướng dẫn viên du lịch cho biết. Hai vợ chồng anh không muốn nhập quốc tịch Nhật dù có đủ tiêu chuẩn, bởi anh yêu nước Việt, muốn giữ quốc tịch Việt Nam. (Vì nước Nhật không cho hai quốc tịch). Dù vậy anh chị vẫn được hưởng mọi đãi ngộ như người Nhật. Chính phủ trợ cấp sinh con là 500 ngàn Yên/ cháu. (Theo tỉ giá trước đây khoảng 100 triệu đồng Việt Nam và tỉ giá hiện tại khoảng 90 triệu đồng). Hàng tháng được trợ cấp 15 ngàn Yên cho đến khi cháu hết 3 tuổi. Cháu đi học cấp một đến cấp hai được nhà nước hỗ trợ tiền học phí. Mọi tiêu chuẩn khám chữa bệnh, cháu đều được ưu tiên như trẻ em Nhật. Nước Nhật đang báo động về dân số già. Bởi vậy Nhật khuyến khích các cặp vợ chồng sinh càng nhiều con càng tốt.

Người Nhật luôn giữ chữ tín trong kinh doanh.  Anh Trần Minh Tâm, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Nhật cho biết: “Chuyến tàu ở Hokaido trên đảo phía bắc Nhật Bản vận hành chỉ để chở một hành khách duy nhất là cô học sinh cấp hai đến trường. Chuyến tàu chỉ được công ty đường sắt cho ngừng khi cô bé chuyển trường lên học cấp ba và không cần dùng chuyến tàu này nữa”.

Dân Nhật ít nhậu nhẹt, cà phê, giết thời gian như ở ta. Họ lúc nào cũng vội. Họ dành thời gian cho học tập, làm việc. Một trong sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản là tinh thần làm việc hết mình cho đất nước gọi là tinh thần Omotenashi.  Đó là tinh thần dịch vụ Nhật Bản, là lòng hiếu khách, cao hơn là tinh thần phục vụ khách hàng mà trong đó thấm nhuần nét văn hóa tinh thần Nhật Bản, chính nó là linh hồn của ngành dịch vụ Nhật Bản. Tinh thần đó được thể hiện qua lòng biết ơn khách hàng của người bán, lời chào, lời xin lỗi, nụ cười... Tinh thần đó được thể hiện qua cách làm việc đúng hẹn, đúng giờ, chính xác, an toàn trong quá trình cung cấp dịch vụ. Sở dĩ họ thực hiện được bởi ảnh hưởng của nền giáo dục thật tốt và bài bản trong nhà trường và gia đình từ lúc còn bé... cộng với môi trường xã hội mà họ đang sống. Tinh thần đó còn thể hiện cao hơn là  sự “xả thân”, sự “hi sinh”  để làm tốt vai trò của mình. Như vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân trong thảm họa động đất sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản năm 2011, để làm mát các lò phản ứng, nhiều kỹ thuật viên đã tình nguyện ở lại, hi sinh mạng sống của mình để giải nguy cho đất nước.

Từ một nước nghèo vì trải qua chiến tranh tàn phá, luôn bị thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần... lại ít tài nguyên, nhưng với văn hóa Nhật Bản, tinh thần sáng tạo tuyệt vời của người Nhật Bản, đã đưa xứ sở “mặt trời mọc” thành đất nước phát triển vào bậc nhất trên thế giới.

_______

Tài liệu tham khảo: “Omotenashi- Tinh thần dịch vụ Nhật Bản (Cẩm nang giao tiếp kinh doanh với người Nhật)”-  Thạc sĩ Trần Minh Tâm, NXB Thanh niên, 2020.

Bút ký của Nguyễn Trường

Nguồn Văn nghệ số 25/2023


Có thể bạn quan tâm