April 29, 2024, 4:34 am

Tình bạn đi qua hai cuộc chiến

Trước khi xuống tàu thủy ra chiến trường, chúng tôi được nghỉ ba ngày. Đêm trước, trong giấc mơ tôi thấy một vị thánh hiện ra tươi cười… Thức dậy, tôi kể cho đồng đội nghe, anh em bảo phải đến với Đức Thánh thần… Tôi mượn xe đạp của anh bạn trợ lý quân lực đi Hải Dương.

Tôi đến Côn Sơn thắp hương trước bàn thờ tiên sinh Nguyễn Trãi, xin Ngài cho tôi bí quyết thông minh để vượt qua những hiểm trở khó khăn. Tôi đến đền Kiếp Bạc thắp hương xin Đức Thánh Trần Hưng Đạo, xin Người cho tôi một sức mạnh để chỉ huy chuyến ra trận toàn thắng.

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh và GS.TS. Trình Quang Phú trong lần gặp Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Năm đó đường 5 là huyết mạch, địch mở chiến dịch “Sấm rền”, đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt “cuống họng” của miền Bắc. Tôi phải vừa đi, vừa tránh máy bay địch. Sau khi lễ xong, tôi đạp xe về Nam Sách để ra quốc lộ 5 về Hải Phòng. Tôi đi giữa các trận địa pháo cao nòng, loại pháo 105 vừa nhả đạn đánh trả máy bay địch còn nồng mùi khói súng. Trời nắng, người mệt, mồ hôi chảy ròng, khát nước. Tôi dừng lại ở một cái lán của các cô dân quân trực chiến, xin nước uống. Ở đây, tôi gặp một chàng trai, đầu đội mũ sắt, chiếc máy ảnh lủng lẳng bên hông, cưỡi mô tô có cờ phòng không cắm ở đầu xe. Tôi hỏi, được biết anh này là phóng viên quân sự trực chiến trên đường 5.

Nghe anh nói tiếng miền Nam, mừng quá, tôi bắt chuyện. Được biết anh quê ở xã An Chấn (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Đúng là người cùng quê rồi! Là dịp hiếm có. Cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết đang sống trên đất Bắc, gặp người cùng quê đã khó, với tôi lại càng khó, bởi chúng tôi làm nhiệm vụ đặc biệt, mênh mông trên biển cả, ít có thời gian trên bờ, lại là nhiệm vụ đặc biệt nên rất hiếm được giao lưu gặp gỡ, nay gặp một người đồng hương có quê rất gần quê tôi nữa thì thật là vui sướng, như gặp người bà con. Người phóng viên đó là Trình Tư Cảnh.

Chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện. Nhà báo Trình Tư Cảnh không quên hỏi tôi về mâm cơm “cúng sống” trước giờ hành trình những chuyến Tàu Không số mà anh ta đã nghe ở đâu đó. Tôi xác nhận là đúng. Anh nghe và tỏ ra rất cảm động, anh nắm chặt tay tôi như trao gởi điều sâu sắc.

Anh kéo tôi vào một quán bên đường, đúng hơn là một túp lều tranh che tạm và “đãi” tôi một bữa. Chúng tôi mỗi người hai chiếc bánh chưng nhỏ, một khúc kẹo dồi đậu phộng, uống một cốc trà xanh, no và vui, khỏe và tỉnh cả người.

Chia tay bịn rịn. Tôi cởi luôn chiếc đồng hồ hiệu Wyles mà đồng đội đã tặng tôi trong chuyến tôi cặp bến đầu tiên ở Cà Mau để tặng lại cho anh phóng viên người đồng hương. Tôi coi đây là món quà gửi lại cho người cùng quê hương trước khi tôi đi làm nhiệm vụ, không biết có trở về được không.

*

52 năm sau, năm 2018, đọc báo có bài viết về một vị giáo sư tiến sĩ là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông - Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh với những việc làm tình nghĩa sâu sắc với quê hương, với đất nước, tôi ngờ ngờ, nhưng chưa dám khẳng định. Chỉ sau khi trò chuyện với mấy nhà báo Phú Yên trẻ, tôi mới biết anh chính là Trình Tư Cảnh mà tôi gặp tại Hải Dương năm xưa. Thì ra, sau đó anh được điều về công tác đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và tổ chức đổi tên và anh mang tên mới là Trình Quang Phú. Anh vừa làm đối ngoại, vừa hoạt động tình báo.

Từ trái sang: GS.TS. Trình Quang Phú và Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh

 

Chúng tôi gặp lại nhau sau nửa thế kỷ xa cách. Cũng từ đấy, chúng tôi thường xuyên gặp nhau mỗi khi anh chị từ TP Hồ Chí Minh về quê Phú Yên. Anh mời tôi tham gia các cuộc giao lưu gặp mặt nhân các sự kiện. Anh mời vợ chồng tôi đi tham quan các di tích quốc gia. Độ lùi thời gian đã làm cho tình bạn, tình anh em, đồng chí của hai người lính chúng tôi ngày càng gắn bó bền chặt.

50 năm trước gặp nhau ở miền Bắc, biết anh, tôi đã rất vui và tự hào vì quê tôi có một nhà báo. Nay gặp lại anh thì anh là một giáo sư tiến sĩ kinh tế được mời làm Viện sĩ Viện Hàn lâm các vấn đề xã hội Nga. Anh là một đại tá tình báo của ngành an ninh. Và từ nhà báo anh trở thành nhà văn, từng nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó có tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng được tái bản đến lần thứ 22, vẫn được độc giả nhiệt tình đón nhận và được Trung ương tặng giải A về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tôi lớn hơn Hai Phú 6 tuổi, Hai Phú coi tôi như một người anh, nhưng với tôi Hai Phú là một người bạn vong niên, bởi tôi tôn trọng trí tuệ và tư chất của anh.

*

Sau giải phóng, tôi có dịp được gặp đồng chí Lê Đức Minh, Chủ tịch Công đoàn giải phóng Phú Yên thời chống Mỹ, trong chống Pháp, anh là người chỉ huy xã đội xã An Chấn. Anh cho biết cậu bé Hai Phú khi đó có tên Trình A là liên lạc cho xã đội, rồi của tỉnh đội. Và năm 1954, trong chiến dịch Ắc lăng, cậu bé 14 tuổi ấy đã được tỉnh đội giao làm trinh sát, giao dẫn đường cho tiểu đoàn chủ lực 375 chúng tôi diệt địch. Thì ra từ những ngày chống Pháp đó, chúng tôi đã rất gần nhau, sát cánh nhau. Năm 1955, cậu liên lạc 15 tuổi ấy được đi tập kết trong đơn vị thiếu sinh quân. Trong những năm ở miền Bắc, anh làm công tác đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, làm trợ lý cho Chủ tịch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau này là Quyền Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội), sát cánh với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó Chủ tịch Nước). Anh từng là tư vấn cho các đồng chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng. Do vậy, anh có điều kiện làm “liên lạc”, cầu nối, giúp cho các đồng chí lãnh đạo Phú Yên. Trong nhiều công trình ở Phú Yên, anh là cái bóng phía sau như: giao Vũng Rô về lại Phú Yên, xin sân bay Đông Tác trở thành sân bay dân dụng và được cải tạo, nâng cấp, rồi nhà máy đường KCP được chuyển từ Thừa Thiên Huế về Phú Yên, rồi cầu Hùng Vương, khu Nam Tuy Hòa…

*

Phú Yên quê tôi đẹp về phong cảnh nhưng du lịch chậm phát triển. Năm 2004, Hai Phú quyết định biến một đồi khô cằn thành khu du lịch, dự án của anh là dự án tiên phong. Anh và gia đình anh đổ bao tâm trí và sức lực, tiền của biến Đồi Thơm vốn toàn cây duối, bàn chải và thơm tàu thành khu du lịch có đẳng cấp 5 sao đầu tiên ở Phú Yên. Anh mời đại sứ các nước, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học về đây nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo bàn các đề tài cho đất nước và bàn phương hướng giúp Phú Yên phát triển cùng các tỉnh bạn. Liên tục mấy năm liền, anh mời các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành ở các bộ, ngành Trung ương về Phú Yên góp ý để Phú Yên phát triển ngành du lịch.

Hai Phú hướng đến một tương lai xa hơn khi anh tổ chức để Hội đồng hương Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh hàng năm vinh danh, khen thưởng học sinh Phú Yên học giỏi, đặc biệt chăm lo các cháu nghèo, con gia đình chính sách. Việc làm ấy đã liên tục 30 năm ròng rã. Năm 2023, số học sinh, sinh viên được vinh danh, nhận học bổng lên con số 400 em, với kinh phí gần cả tỉ đồng. Chưa nói đến tiền huy động để giúp người nghèo, thăm Tết, hỗ trợ khi thiên tai đến cả vài trăm tỉ. Riêng 30 năm lo cho sinh viên Phú Yên cũng lên đến cả một trăm tỉ. Thật là những con số biết nói, những con số nặng tình quê hương.

Hai Phú thành đạt nhưng không bao giờ quên nơi mình cất tiếng khóc chào đời: xã An Chấn, huyện Tuy An. Ông đưa trường học, đưa thư viện về tận thôn xóm, tạo điều kiện cho các cháu thuận tiện đi lại học hành, tiếp thu tri thức tinh hoa của thời đại qua những tủ sách thư viện xã nhà.

Chúng tôi không quên giữa lúc “ai ở đâu ở đó” thì Hai Phú xông pha giữa đại dịch Covid-19, đưa đồng bào Phú Yên bị cơ nhỡ ở TP Hồ Chí Minh về quê. Thật cảm động khi nhìn thấy hình ảnh ông Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên cùng phu nhân mặc áo bảo hộ, mang khẩu trang và kính che mặt chống Covid-19 đứng dưới thời tiết mưa nắng lo cho từng người đồng hương lên xe về quê tránh dịch trong lúc cao điểm đại dịch Covid-19, với con số gần 18.000 đồng bào. Có nhà báo hỏi anh, anh trả lời gọn hơ: Đây là trận chiến, mình là người lính ra trận mà!

Tôi hiểu rằng chất lính Cụ Hồ theo Hai Phú từ tuổi thơ đến khi phơ phơ đầu bạc ở tuổi 80 vẫn là người lính. Tôi xem, nghe mà lòng thấy tự hào và khâm phục. Lặng lẽ âm thầm, bỏ tiền túi công sức lo cho bà con về quê an toàn không một lần tính toán thiệt hơn.

Tôi lại nhớ đến người mẹ miền Nam - mẹ Rìu - ở xã Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu), đã bỏ của dành dụm cùng đi vay mượn được 10 lượng vàng cho Chính phủ mua sắm ghe lưới vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí cho quê hương đánh giặc. Đoàn cựu chiến binh Tàu Không số Phú Yên đi thăm chiến trường xưa đến thăm mẹ. Tôi hỏi mẹ: Số vàng mẹ cho Nhà nước mượn năm xưa đã được trả chưa? Miệng nhai trầu móm mém, mẹ trả lời: Xương máu anh em hy sinh có ai đòi lại, độc lập tự do thống nhất nước nhà là sướng lắm rồi!

Tôi hỏi anh Hai Phú: Số tiền chi phí để đưa bà con đồng hương từ TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch những năm trước, tỉnh đã trả chưa? Anh mỉm cười và nói: Quê hương còn nghèo, giúp được gì thì giúp chứ tính toán làm chi! “Ôi, thật là một nghĩa cử cao đẹp, xứng đáng được tuyên dương!”. Tôi nói điều đó thì Hai Phú đáp: “Làm với quê hương thì không kể thành tích. Đó chỉ là chút tình góp với quê hương”.

Vừa rồi, cuối năm 2023, tôi biết anh Hai Phú được Nhà nước trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tôi mừng cho anh và nghĩ: Những cống hiến của anh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là những chiến công thầm lặng, là sự hy sinh chịu đựng của người làm công tác tình báo. Tôi nghĩ, thời gian trôi qua, rồi sẽ đến lúc viên ngọc vùi trong cát sẽ lộ ra, Nhà nước sẽ xem xét…

*

Tôi được Hai Phú mời dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông tại T78 - Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng (TP Hồ Chí Minh). Bước vào hội trường, tôi choáng ngợp không phải vì không gian nơi tổ chức quá hoành tráng, mà vì khách mời dự quá đông, giáo sư tiến sĩ kể cả nước ngoài gần 70 vị, trong đó có 17 nhà khoa học là các vị tướng lĩnh quân đội, công an.

Tôi ngồi bên GS.TS, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân và được ông cho biết: “Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông do GS.TS Trình Quang Phú làm viện trưởng có rất nhiều công trình khoa học giúp đất nước phát triển và có uy tín trong giới khoa học”. Anh cũng là thành viên nhóm chuyên gia cao cấp do giáo sư Trình Quang Phú làm trưởng nhóm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đến chúc mừng và thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho cá nhân Viện trưởng Trình Quang Phú. Sau nghi thức tôn vinh trang trọng, đồng chí Nguyễn Văn Nên xin phép ra phi trường kịp giờ bay trở lại Hà Nội để họp. Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương cũng từ Hà Nội bay vào dự. Đây là một sự trân trọng và đầy nghĩa tình với trí thức, với Viện phương Đông và với Hai Phú.

Từng là Ủy viên Hội đồng dòng tộc họ Hồ Việt Nam, Chủ tịch Hội dòng tộc họ Hồ tỉnh Phú Yên, tôi thấu hiểu và khâm phục tấm lòng thành kính của GS.TS Trình Quang Phú với dòng tộc họ Trình của anh.

Bằng tâm huyết của một người con trong họ, chính anh đã đi vận động, quy tụ bà con họ tộc quyên góp tiền của, công sức xây dựng đền thờ danh tướng Trình Minh ở xã Hà châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, ngày 25 tháng 10 năm 2017.

Điều mà tôi xúc động khi đi cùng anh nếu có dịp dừng chân nghỉ lại một tỉnh, thành phố nào đó, anh đều tổ chức gặp mặt những người họ Trình đang sinh sống ở đó. Có cuộc gặp ở Hà Nội, nhưng cũng có những người họ Trình từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ… vẫn vượt đường xa tới dự.

Trình Quang Phú là như thế đó!

*

Một lần, anh mời tôi thăm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình. Tôi như được đắm mình trong không gian lịch sử văn hóa, được thắp hương lên bàn thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, được ngồi trên thuyền trải nghiệm khu di tích Tràng An, thăm chùa Bái Đính.

Các vị lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nghe tin Hai Phú về thăm, dù bận việc đã thu xếp tiếp đãi chu đáo, có một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đang công tác ở Hải Phòng, được tin Hai Phú về Ninh Bình đã phóng về để kịp gặp. Thế mới biết tình bạn của Hai Phú với Ninh Bình thật là sâu sắc.

Một lần, anh đưa tôi thăm di tích lịch sử Cao Bằng. Tôi được đến tận hang Cốc Pó, nơi Bác Hồ ở để chỉ đạo cách mạng. Chuyến đi đó, có một người vừa là khách vừa là chủ nhà, đó là anh Hà Ngọc Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trước đó là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, là bạn thân của Hai Phú. Đoàn chúng tôi được tỉnh tiếp đón rất thân tình.

Và mới đây thôi, tháng 11 năm 2023, tôi được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Quân đội mời dự cuộc gặp gỡ với các nhà văn lực lượng vũ trang gồm 100 nhà văn Quân đội và Công an. Nhà văn Trình Quang Phú là đại biểu. Lần đầu tiên tôi diện kiến Hai Phú trong bộ quân phục đại tá với nhiều huân chương, tôi thấy có đến 5 huân chương hạng Nhất các loại. Hôm đó, Hai Phú, nhà văn của đất Phú Yên được đứng cùng trong tốp mấy nhà văn lực lượng vũ trang tiêu biểu được Tổng cục Chính trị biểu dương, đó là Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Nguyễn Đức Mậu, Khổng Minh Zụ, Chu Lai, Trình Quang Phú… Tôi vui và tự hào về anh.

Sau khi gặp các nhà văn quân đội, tôi được mời một bữa cơm, hôm đó bên cạnh mấy nhà văn miền Nam là bốn đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng từng có chức sắc Bộ trưởng là bạn thân của Hai Phú. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng vượt năm mươi cây số về chung vui, không khí rất thân mật, ấm cúng. Ngày hôm sau, chúng tôi lại đi Bắc Kạn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp chúng tôi ngay khi vừa đặt chân đến trụ sở ủy ban, bữa cơm trưa cùng tiếp chúng tôi với Chủ tịch tỉnh có mặt hầu hết lãnh đạo các sở, ban, ngành. Và tối đó, đồng chí Chủ tịch đã vượt năm mươi cây số đường rừng đến hồ Ba Bể chung vui với chúng tôi trong đêm lửa trại. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn hát, chúng tôi hát theo cho đến khi lửa tàn mới về phòng nghỉ. Sáng hôm sau, xe của Văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn đưa chúng tôi đến ranh giới Tuyên Quang. Tuy là ngày nghỉ, nhưng lãnh đạo Tuyên Quang vẫn cử đồng chí Chánh văn phòng đón tiếp niềm nở. Rồi sau đó, bố trí cho đi thăm lán Nà Nưa nơi Bác Hồ chỉ đạo cho đồng chí Võ Nguyên Giáp “Đây là thời cơ lớn, nên dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.

Được Ban quản lý khu di tích ưu tiên đặc biệt, đoàn chúng tôi được vào tận gốc cây đa Tân Trào, được ngồi trên sàn gỗ đình Tân Trào nơi họp Quốc dân đại hội chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Nghe thuyết minh giới thiệu, tôi như uống từng lời, và dù thời gian có hạn, chúng tôi vẫn đến thắp hương nơi thờ 14 vị cách mạng tiền bối rồi xuôi về Thái Nguyên, về nơi thủ đô gió ngàn.

Đi tới đâu, đoàn chúng tôi cũng được các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, và các sở, ban, ngành của tỉnh đón tiếp, tôi mới thấy và nghiệm ra một điều: tình bạn, sức lan tỏa của Hai Phú với lãnh đạo các tỉnh, thành là nồng ấm, chân thành và cởi mở. Tôi bày tỏ điều này với Hai Phú, anh cười: “Anh Mười ơi, nói cho cùng đời chỉ là chữ tình mà thôi”. Câu nói này của Hai Phú làm tôi nhớ đến cuốn sách Còn với non sông một chữ tình của anh viết về các vị tiền bối.

Và tôi hiểu sâu sắc cái ý nghĩa của chữ tình. Chữ tình cho người ta sống với nhau, thương cảm nhau, tiếp sức nhau để làm cho đời, cho nhân loại những điều có ích. Con người có thể rồi phải ra đi nhưng chữ tình thì sẽ còn lại. Chữ tình ở những người lính như hai chúng tôi thì nó càng nồng ấm hơn. Tình bạn giữa chúng tôi đã hơn nửa thế kỷ, 58 năm rồi nhưng không có gì thay đổi mà còn phát triển, đầm ấm, mặn nồng bởi cái gốc bắt nguồn từ tình “người lính”. Sự mất mát của chiến tranh đã làm cho chúng tôi gắn kết lại, dù trải qua bao thăng trầm cuộc sống vẫn đọng lại trong nhau một chữ TÌNH!

Hồ Đắc Thạnh (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thuyền trưởng Tàu Không số đường Hồ Chí Minh trên biển)

Nguồn Văn nghệ số 10/2024


Có thể bạn quan tâm