May 5, 2024, 10:17 am

Tìm giải pháp để quản trị tòa soạn số

Chiều 7-12, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên thứ hai “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp” trong khuôn khổ Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Tại hội thảo, các tham luận, thảo luận giữa các chuyên gia công nghệ, nhà báo, nhà nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ các vấn đề: Vẫn tiếp tục đề cao nội dung; nâng cao năng lực của người làm báo; sử dụng công cụ đo đếm, phân tích công chúng; lựa chọn công nghệ phù hợp với thực tiễn cơ quan báo chí; không nên quá lạm dụng, trông chờ vào quá nhiều ứng dụng được cung cấp tràn lan mà cần nghiên cứu lựa chọn và tốt nhất là tự phát triển ứng dụng…

Hội thảo là nơi chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra phương hướng thay đổi để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí

Cụ thể, các đồng nghiệp quốc tế đến từ ASEAN cho rằng, xu hướng chuyển đổi số là tất yếu; đồng thời đánh giá cao các xu hướng chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam ngày càng nhanh, toàn diện; quản trị tòa soạn số ở Việt Nam hiện đại. Qua đó, nâng cao chất lượng nội dung, sức cuốn hút, hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Ông Khieu Kola, Chủ tịch Hội Nhà báo Campuchia cho biết: "Hội thảo là nơi để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm và những cách giúp chúng ta thay đổi để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí. Chúng ta sẽ phải kết hợp giữa ba nhà đó là nhà báo, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Chúng ta cần phải đào tạo người trẻ trong lĩnh vực báo chí. Chúng ta cũng cần chú trọng đến công nghệ, không có công nghệ chúng ta không có được tiến bộ trong cuộc sống, kinh tế xã hội khó phát triển. Vì thế báo chí cũng sẽ phải chú trọng vào công nghệ. Nhờ công nghệ, khu vực Đông Nam Á sẽ kết nối được với nhau để cùng phát triển và giữ được ổn định".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan nhấn mạnh: "Các đơn vị truyền thông của chúng tôi ở Thái Lan đang nỗ lực thay đổi để bắt kịp với chuyển đổi số trong báo chí truyền thông, quản trị tòa soạn (newsroom). Chúng tôi đã có được nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là khi phải đối mặt với sự nổi lên của truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhất là chúng tôi cũng phải điều chỉnh để tìm kiếm lợi nhuận, nguồn thu từ mạng xã hội. Trong quá trình đó, chúng tôi không chỉ phải đối mặt với các vấn đề liên quan công nghệ mà còn phải thay đổi chiến lược marketing liên quan tới nội dung. Ví dụ, khi làm một nội dung nào đó, chúng tôi phải làm sao để có thể đưa tin được trên nhiều nền tảng khác nhau vì mỗi nền tảng đó đều mang lại nguồn thu cho cơ quan truyền thông".

Nhà báo Wu Rui Ming, Nhật báo Shin min (Singapore) đánh giá về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo: "Về việc sử dụng AI trong báo chí, đây là câu chuyện chúng ta vẫn còn đang tiếp tục bàn luận. Tuy nhiên, chúng ta có thể ứng dụng AI theo 2 nội dung sau: Vận hành và hiệu đính. Về vận hành, AI giúp chúng ta đơn giản hoá và giảm bớt khối lượng công việc. Về công tác hiệu đính, AI giúp chúng ta hiểu rõ độc giả cần gì và chúng ta sẽ làm gì, trình bày như thế nào để sản phẩm của mình đến được với độc giả theo cách họ muốn. Chúng tôi tận dụng không gian mạng thông qua các hoạt động như tăng cường livestream, sáng tạo thêm nhiều nội dung video clip và vươn ra tiếp cận cộng đồng bạn đọc lớn hơn trên thế giới thay vì chỉ phục vụ bạn đọc trong nước. Đây là một vài trong số những hoạt động chúng tôi đã làm trong quá trình chuyển đổi số trong thời gian vừa qua".

Như vậy, với các ý kiến, tham luận được trình bày, Hội thảo đã góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức chuyển đổi số của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

MN


Có thể bạn quan tâm