April 27, 2024, 1:14 pm

Tiểu thuyết và cuộc sống

      Đọc bài “Tiểu thuyết Việt Nam năm 2023, nhìn lướt từ một góc” của nhà văn Hoài Nam, in trên Thời báo Văn học Nghệ thuật số Tết Giáp Thìn 2024, tôi chia sẻ nỗi niềm của anh khi anh nói: “Trách nhiệm của nhà văn thể hiện ở mối bận tâm, sự lo lắng của họ trước những vấn đề xã hội quan thiết. Nhưng còn phải hơn thế nữa: trách nhiệm của nhà văn viết tiểu thuyết là phải làm sao để để cuốn tiểu thuyết mình viết ra được thực sự là tiểu thuyết, chứ không phải chỉ là truyện kể một lần rồi xong. Nghĩa là cuốn tiểu thuyết ấy luôn buộc người ta phải nghĩ đến sự bất toàn, mong manh của thế giới, của lịch sử, và cái định mệnh đầy những khiếm khuyết của tồn tại con người”. Tôi cũng cùng suy nghĩ với nhà văn Dương Hướng, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội nhà văn Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Lao động cuối tuần đầu năm nay anh đã khẳng định: “Với văn chương, dưới mọi lớp vỏ chữ nghĩa phải là thân phận con người”.

Nhà lý luận phê bình, dịch giả Lê Bá Thự

     Hiện nay, ở nước ta, chuyện uống rượu, nghiện rượu và cai rượu đang là vấn đề thời sự nóng bỏng, khi ở khắp mọi nơi, trên mọi nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, người tham gia giao thông phải nói không với rượu, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho mình, cho mọi người và để khỏi bị cảnh sát giao thông phạt vì dính nồng độ cồn. Thiết nghĩ, uống rượu, nghiện rượu và cai rượu là chuyện rất gần gũi và quen thuộc với chúng ta trong đời thường, nhưng lại chưa có mấy nhà văn bỏ công khai thác đề tài này đến nơi đến chốn. Nếu tôi không nhầm thì tại Việt Nam ta “thơ say” có, “truyện ngắn say” cũng có (Chí Phèo - Nam Cao)  nhưng “tiểu thuyết say” thì chưa. Viết bài này, tôi hy vọng, một ngày không xa, các tiểu thuyết gia Việt Nam sẽ cho trình làng một thiên tiểu thuyết hay về rượu, khoả lấp chỗ trống về đề tài này trong làng tiểu thuyết Việt Nam.

     Tại Ba Lan, nhà văn Jerzy Pilch đã đi tiên phong, đã mạnh dạn khai thác đề tài rượu rất thành công. Nhà văn nhìn thẳng vào sự thật của cuộc sống và của chính mình, để xây dựng một thiên tiểu thuyết để đời, giàu sức thuyết phục, được mệnh danh là tiểu thuyết trị liệu. Dưới cánh Thiên thần Rượu, cuốn tiểu thuyết được tặng  Giải thưởng Nike (Nữ thần chiến thắng), giải thưởng văn học hàng năm danh giá nhất Ba Lan, được bạn đọc Ba Lan và thế giới vô cùng mến mộ, đã khẳng định giá trị của tác phẩm và tài năng của nhà văn này. Tại sao sao lại được như vậy ? Dưới đây là câu trả lời :

      Jurus, nhân vật chính của tiểu thuyết, cũng là nhân vật dẫn chuyện, là một nhà văn, một con nghiện -  nghiện rượu. Nhà văn „sâu rượu” này tổng cộng đã có tới mười tám lần đến cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện rượu. Cứ sau mỗi lần ra viện Jurus lại tái nghiện, lại say xỉn, lại bất tỉnh, và khi tỉnh dậy lại thấy mình đang ở Trung tâm cai nghiện rượu. Đến nỗi bác sĩ Granada, Giám đốc Trung tâm, không muốn nhận Jurus nữa, vì ông bất lực, cho rằng anh ta không chịu cai rượu, không thể cai rượu, lại còn bướng bĩnh, cãi lấy được - thưa bác sĩ, làm gì có chuyện sống lâu và hạnh phúc mà lại không uống rượu nào?

     Đa phần các tình tiết của tiểu thuyết diễn ra tại Trung tâm cai nghiện rượu, nơi, ngoài viêc sử dụng dược phẩm, người ta còn sử dụng các liệu pháp trị bệnh, trong đó trị liệu tâm lý có vai trò cực kỳ quan trọng. Tại đây các học viên - bệnh nhân cai nghiện, hàng ngày có nhiệm vụ phải viết nhật ký cảm xúc, thực chất là những lời tự thú, tự phê về nghiện rượu, rồi đem đọc cho nhau nghe; phải lên lớp nghe giảng bài về tác hại của rượu, phải trả lời các bài trắc nghiệm, phải đối thoại trị liệu với các nữ nhân viên trị liệu, phải tham gia các cuộc họp kiểm điểm công việc thường nhật, mỗi ngày, trước khi đi ngủ phải đo nồng độ cồn bằng cách thổi vào máy thử; tuyệt nhiên không được cất giấu, sử dụng bất kỳ thứ gì có liên quan đến rượu, cồn, dù đó là nước hoa, nước khử mùi. Nghiêm ngặt đến mức các nữ nhân viên trị liệu phải thường xuyên kiểm tra tủ cá nhân của bệnh nhân-học viên cai nghiện, để tìm xem, có cồn giấu trong tuýp thuốc đánh răng, rượu trắng giấu trong vỏ chai sampôn, thuốc ngủ giấu dưới chăn, gối hay không.

      Và đây là vị Thiên thần Rượu trên trời cao mà Jurus say khướt tôn sùng: „Hỡi cha nhà trời của con, hỡi cha say của con, hỡi cha say của cha say của con, hỡi tất cả các cụ tổ say của con, hỡi tất các bậc tiền bối say của con, hỡi tất cả những người không máu mủ ruột rà tin vào định mệnh của tôi, các vị có nhìn thấy, các vị có nom thấy chòm sao Thiên thần Rượu ở chỗ nào không, tất cả các vị đã sinh ra và đã qua đời trong ánh vàng-xanh của vị thiên thần này đó - các vị hãy chào đón thiên thần này đi”. ”Trong đêm đen tôi thấy rõ mồn một tất cả các ngôi sao xác định thiên thần này: bảy ngôi sao xác định dáng hình chao đảo của ngài, ba ngôi sao xác định cái đầu đang cúi xuống, bốn ngôi sao xác định cái gáy và chiếc mũ trồi ra của ngài, năm ngôi sao sáng vẽ cánh tay giơ lên cao của ngài, mười ngôi sao xác định đôi cánh thiên thần của ngài, mười ngôi sao khác, bốc lửa như màu rượu cam, tạo thành cái chai áp vào miệng khát rượu của thiên thần, miệng thiên thần được xác định bằng một ngôi sao đen ngòm. Bên dưới bàn chân của thiên thần: các chòm sao Nhân Mã, Thủy Xà và Thiên Bình, bên phải: chòm sao Sư tử, chòm sao Bò tót và Trinh nữ, bên trái: chòm sao Thiên cầm, và bên trên chòm sao này: đen ngòm đến vô cùng tận”.    

     Gia đình nhà văn Jurus là gia đình uống rượu truyền đời. Ông nội Stary Kubica, một điền chủ, khuynh gia bại sản vì nghiện rượu, phải bán con ngựa cái Fuchs yêu quý, thứ của nả có giá cuối cùng còn lại trong nhà. Jurus tâm sự với nàng Alberta Lulai: Anh uống rượu vì anh theo di truyền. Các cụ tổ nhà anh, tất cả đều uống rượu. Ông nội, ông ngoại anh uống rượu, bố anh uống rượu và mẹ anh cũng uống rượu. Anh không có chị, cũng chẳng có anh, nhưng anh dám chắc: nếu trên đời này có các chị của anh và các anh của anh thì có lẽ tất cả các chị của anh đều uống rượu, tất cả các anh của anh cũng đều uống rượu. Jurus là con nghiện, nghiện nặng, rượu đã ngấm vào máu thịt, cho nên đối với nhà văn này, cai rượu hầu như là chuyện viển vông, vô vọng. Mười tám lần cai rượu bất thành tại trung tâm chứng tỏ điều này. Đã có lúc anh bi quan tính rằng, với lượng rượu khổng lồ mà anh đã đổ vào trong bụng mình trong vòng hai chục năm qua, thì chỉ còn thiếu năm chai rượu nữa thôi là đủ lượng độc tố để thần chết lôi anh về nơi chín suối, thậm chí không cần đến năm mà chỉ cần ba chai. Nhưng mối tình, được gọi là tình yêu cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay của anh, với nữ “nhà thơ” Alberta Lulai, người đàn bà mặc váy màu vàng, sau này là áo màu đen, đã cứu nhà văn thoát khỏi vũng bùn nghiện ngập: Anh đi tìm tình yêu trước khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng anh lại tìm được tình yêu ban cho anh sự sống… Em đến với anh vào thời khắc khi anh đặt dấu chấm hết lên đời mình… Đã có lúc anh muốn tự tử vì không bỏ rượu được…Khi anh nói, anh bỏ rượu vì Em là anh nói thật lòng. Khi anh nói anh bỏ rượu vì chúng ta, là anh nói thật lòng. Vì không có Em thì chẳng có anh, không có chúng ta thì chẳng có anh. Từ “anh” của anh không còn là số ít nữa rồi. Có lẽ tác giả của Dưới cánh Thiên thần Rượu muốn cho thấy sức mạnh của tình yêu, cái có thể biến điều không thể thành có thể. Sẽ không ngoa chút nào nếu nói, Alberta Lulai là bậc cứu tinh của Jurus. Nhờ có nàng mà Jurus đã tỉnh mộng, chọn đúng đường và làm được điều thoạt tiên tưởng chừng không tưởng. Anh khoe với ông nội của mình: Chứng nghiện rượu của chúng ta, thủ phạm đã giết ông, đang tách rời khỏi cháu, như da rắn đang tách rời khỏi thân rắn lột. Ông nội ơi, cháu thắng lợi rồi, cháu chia sẻ cùng ông thắng lợi này của cháu, cháu đang viết về ông, cháu đang viết về cháu, chẳng những để chứng tỏ rằng thiên tiểu thuyết thứ thiệt về cai nghiện rượu này không kết thúc bằng cái chết, trái lại, nó đang kết thúc bằng sự sống....

     Người ta nói, trong tiểu thuyết Dưới cánh Thiên thần Rượu, tác giả là nhân vật chính, nhân vật chính là tác giả. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Jerzy Pilch nói rằng, ông chẳng xa lạ gì chuyện nghiện rượu. Phải chăng ông muốn viết tiểu thuyết thể loại tự sự (hay tự truyện), như là một liệu pháp cai nghiện cho bản thân mình? Trong văn học, sự thật mà không phải là sự thật, không phải là sự thật mà lại là sự thật, là chuyện thường tình. Khi bắt tay vào viết thiên tiểu thuyết này, Jerzy Pilch định xây dựng một „tác phẩm súng lục”, một „tác phẩm tối hậu thư”, cho nên ông mới tuyên bố: „tôi viết rồi tôi chết”. Ấy vậy mà thiên tiểu thuyết đã kết thúc rất có hậu, khiến người đọc lấy làm mừng, mừng cho nhân vật chính Jurus, mừng cho tác giả Jerzy Pilch. Kết thúc “có hậu” này cũng chính là nét riêng, là sự khác biệt giữa tiểu thuyết Dưới cánh Thiên thần Rượu và các cuốn tiểu thuyết khác viết về đề tài rượu, khi kết cục thường bi đát. Cho nên, tiểu thuyết Dưới cánh Thiên thần Rượu khiến người ta nghĩ tới một chức năng mới của văn học, chức năng chữa trị. Một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng văn học là một liệu pháp? Hoặc: Phải chăng có Bộ môn tiểu thuyết trị liệu?

 

              Lê Bá Thự

( Tham luận tại Hội thảo - Tọa đàm" Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới đất nước")

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm