May 4, 2024, 12:44 am

Tiếng cười Nguyễn Phan Hách

Tôi đã có dịp thử viết theo lối kí họa Nguyễn Phan Hách, nhưng phải nói thật, còn lâu mới thể hiện được một phần nhỏ chân dung của ông.

Khó nhất là mô tả, giải mã cảm xúc của ông khi ông cười. Nếu mỗi người đều để lại cho xung quanh một nét riêng để nhận dạng, thì với Nguyễn Phan Hách đó chắc chắn là tiếng cười. Ông cười rất to, sảng khoái trong mọi cảnh ngộ. Tiếng cười của ông không lẫn với bất cứ ai. Người cười như vậy - tiếng cười bật ra rất mạnh, đủ sức át đi mọi thứ tạp nhạp gây bực mình - thường thông minh, phớt đời, biết rõ mọi thứ.

Nhưng bí ẩn nhất lại ở chỗ: Tưởng thế mà không phải thế. Nói rõ ra là không thể dựa vào tiếng cười của Nguyễn Phan Hách để đoán tâm trạng ông. Rất nhiều lúc ông buồn, chán, thất vọng, cáu giận… nhưng tiếng cười vẫn chỉ một cung bậc cảm xúc và luôn ở mức âm lượng lớn.

Nó khiến người khác cũng muốn phớt đời theo.

Nhà văn Nguyễn Phan Hách

Tôi quen Nguyễn Phan Hách khi Trường Viết văn tổ chức Hội thảo về công tác biên tập, nhân có lớp Bồi dưỡng các biên tập viên báo chí, xuất bản trong cả nước, do Bộ Văn hóa lúc đó tổ chức tại trường. Ông Hách trực tiếp biên tập ba cuốn sách đình đám: Thân phận của tình yêu, Bến không chồng  Mảnh đất lắm người nhiều ma. Về sau cả ba cuốn đều được giải thưởng trong cùng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế, khi ông xuất hiện trong hội nghị, nhiều người dồn sự ngưỡng mộ về phía ông. Có thể ông Hách chả coi thành tích đó là thứ gì ghê gớm, nhưng chắc chắn ông cũng thấy có chút hãnh diện. Và nói như ngôn ngữ của giới trẻ lúc ấy, là “hơi khệnh!”

Ông Hách đọc một tham luận ngắn, liên tục dừng lại để giải thích với cử tọa những chỗ mà ông nghĩ họ không hiểu, nội dung nói về muôn vàn sự trớ trêu của công việc biên tập sách, bằng thứ giọng tự tin và hài hước. Nhiều người cười ngả nghiêng khi ông kể về những chuyện bếp núc của nghề biên tập. Theo ông, chả ngon ăn chút nào. Ngon ăn, dễ kiếm tiền thì cánh biên tập đã chả lép vế như hiện nay. Đọc mờ cả mắt ra có khi còn ăn mắng. Chả hạn, gặp mấy cụ “lớn” mà lơ mơ sơ suất, các cụ chửi cho sấp mặt. Còn mấy ông trẻ đang nghĩ mình sắp bay lên cung trăng, thì sửa một chữ, một ý của họ cũng chả dễ dàng gì. Ông lấy ngay cuốn Thân phận của tình yêu đang nổi tiếng, làm ví dụ. Lúc đầu đọc cũng nhiều “sạn” lắm. (Sạn mà ông Hách nói chủ yếu là những chỗ hóc về mặt tư tưởng, quan điểm). Cơ man là “sạn”. Nhiều chỗ ghê chết đi được! Ông bảo rằng, để tên Nỗi buồn chiến tranh là vừa ý tác giả và ông thấy hợp với nội dung của cuốn sách nhất, nhưng cái tên ấy “vấp” lắm. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm cơ mà, sao lại Nỗi buồn chiến tranh? Chiến tranh nào? Cái tên Thân phận của tình yêu nó trung tính, mập mờ dễ cãi hơn”. Ông kể mình phải vừa thuyết phục vừa “dọa” tác giả mãi, anh ta mới chấp nhận.

- Gớm, dễ mà ra được sách suôn sẻ đấy - Ông kéo dài giọng, kiểu như người cay nghiệt, nhưng mặt thì giãn ra vì thích chí. Trong khi mọi người há hốc mồm chờ ông kể tiếp, thì ông lặng đi nhìn họ và buông một câu:

- Nguy hiểm bỏ cha chứ báu gì…

Rồi cười phá lên. Cả hội trường ngả nghiêng cười theo. Chờ tất cả cười xong, ông mới tiếp tục:

- “Vấp” nhiều chỗ lắm các anh các chị ạ, không dễ dàng tí nào đâu. Giờ thành cuốn sách, được giải to, ầm ĩ cả trong và ngoài nước, thì mọi người chỉ khen tác giả, chứ có biết đâu biên tập viên khổ sở, cũng thức đêm thức hôm, chưa kể còn nơm nớp sợ. Để nó ngon nghẻ như mọi người đang thấy, mất nhiều công lắm. Phải nặn óc tìm từ thay thế, rồi còn che chắn ba bề bốn bên…

Ai từng nghe ông Hách nói chuyện, sẽ thấy sự biểu cảm đặc sắc của ông khi trình bày vấn đề nào đó. Chuyện vui thì ông chưa nói đã cười. Chuyện nghiêm trọng thì ông hạ giọng, mặt nghiêm trang, nhưng nói xong thì cũng cười phá lên, chẳng hạn như chuyện ông đang kể về biên tập cuốn Thân phận của tình yêu.

Tham luận của ông Nguyễn Phan Hách sau đó được in trong cuốn Kỉ yếu biên tập của Trường Viết văn Nguyễn Du, như một bài “đinh”. Nhận sách do tôi đem tận nơi, ông lật lật xem bài của mình, lướt qua một lát rồi đặt lên giá sách, tuy buông một câu chua xót: “Chả ma nào quan tâm đâu cậu ạ” nhưng người từ ngoài cổng Nhà xuất bản cũng có thể nghe thấy tiếng cười của ông.

Ở đời đúng là chả ai biết trước được chuyện gì sẽ đến: Vòng vo một hồi, cuối cùng tôi lại trở thành cấp dưới trực tiếp của ông Hách.

Dù chúng tôi nhanh chóng “cùng cạ” với nhau trong nhiều công việc của Nhà xuất bản, nhưng ông chỉ thực sự thân thiết và “hết nghi ngờ” tôi sau lần tôi “cứu” ông một “pha” nguy hiểm nhãn tiền.

Lần ấy, cầm tập bản thảo trong tay, ông cười cười bảo tôi:

- Mụ tác giả này là bạn tớ, đanh đá có hạng. Mụ chuyên dựa thế các quan chức nên không đùa được với mụ. Nhưng mà cóc có tài hớ hớ. Tài hiếm lắm, cậu công nhận không. Mụ toàn viết những chuyện văn chả ra văn, báo chả ra báo. Nhưng thôi kệ mụ. Cậu cầm về đọc nhanh cho tôi, sáng mai đem qua tôi kí cấp giấy phép cho mụ ấy.

Tôi bèn nhét tập bản thảo vào cặp, ngay trước mặt ông Hách, định bụng tối về sẽ đọc, vì nó cũng mỏng. Sau đó tôi về phòng làm việc của mình. Một lát sau, cảm thấy dặn tôi thế chưa đủ nói lên mức độ không quan trọng của bản thảo khiến phải soi kĩ mất thời gian, ông Hách sang phòng tôi nhưng đứng ngoài cửa, bảo:

- Con mụ này khỏi phải lo, cậu chỉ cần lướt qua, cố giúp tôi trong đêm nay nhé. Hẹn mụ ấy rồi, mụ ấy mà nổi tam bành thì cũng mệt ra phết đấy.

Ông Hách làm mặt nghiêm trọng, nhưng chưa hết câu đã bật ra tiếng cười quen thuộc.

Sáng hôm sau, cầm bản thảo trong tay, tôi vào phòng ông Hách, đặt lên bàn ông:

- Em đọc từng chữ, đánh dấu hai chỗ, sếp cần phải xem kĩ trước khi đưa ra quyết định, kẻo lại bảo chú nó xỏ lá.

- Có vấn đề gì không?

Tôi đáp tỉnh bơ:

- Chả có quái gì quan trọng. Chỉ là nếu để nguyên hai chỗ đó mà cho xuất bản, thì bác Hách xuống làm biên tập với chú nó.

Tôi nói pha chút đùa cợt, nhưng ông Hách đang pha trà bèn bỏ đó, chạy lại lật hai chỗ tôi đánh dấu, đọc đi đọc lại đến lần thứ hai. Bỗng ông ngẩng lên nhìn tôi, giọng xúc động:

- Cảm ơn chú mày. Hú vía! Mẹ kiếp, đúng là để nguyên hai đoạn đó thì khỏi phải giải trình. Vấn đề cực kỳ nhạy cảm đấy.

Cảm thấy thế chưa thể hiện đủ sự “biết ơn” với tôi, ông cầm cánh tay tôi lắc lắc:

- Quá nguy hiểm Duy Anh ạ, may mà chú đọc kĩ, chứ cứ làm theo lời tôi thì nguy to.

Ngừng một lát, vẫn nhìn tôi đăm đăm, ông nói lớn:

- Tiên sư cái con mụ này, tự dưng lại hung hăng máu anh hùng rơm chọc tổ kiến lửa thế.

Sau này còn nhiều lần ông nhắc lại câu “Cậu cứu tớ một bàn thua trông thấy”, mỗi khi hai anh em có dịp ngồi với nhau, luôn kèm theo tiếng cười giòn giã.

Cho đến khi xảy ra sự cố cuốn tiểu thuyết Đi tìm nhân vật của tôi bị cấm phát hành.

Lúc đầu ai đó muốn làm rất to chuyện, thậm chí, như lời kể của một viên trung tướng công an sau này thành bạn của tôi, rằng ba bốn ngành đã nghiêm túc bàn đến việc bắt tác giả vì quá “hỗn”, không coi ai ra gì. Nói thẳng ra, nếu vào phút chót mà ông Nguyễn Khoa Điềm, lúc ấy là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa không “ghé qua” phát biểu vài phút có tính chất “chỉ đạo”, trong đó ông khẳng định tôi là một người tốt, một người đàng hoàng, một nhà văn có tư tưởng, có nhân cách và nhất là có tấm lòng lớn với đất nước, thì không biết giờ này tôi đang ở đâu! Sau phát biểu ngắn của ông Nguyễn Khoa Điềm, mọi quyết định về tôi đổi ngược lại một trăm tám mươi độ! Từ chỗ tập trung bàn chuyện phải có hình thức “trừng trị” thích đáng để tiện thể răn đe kẻ khác, hội nghị nhanh chóng chuyển sang bàn việc tìm cách “động viên” tôi. Cuối cùng cấp trên giao cho Hội Nhà văn cử người tiếp cận tôi, với định hướng cố gắng đừng để các “thế lực thù địch” lôi kéo tác giả vào quỹ đạo của họ!

Nguyễn Phan Hách được mời dự cuộc họp thứ hai, do Hội Nhà văn chủ trì và nghiễm nhiên là thành phần chính. Từ cuộc họp trở về, ông thân mật kéo tôi vào phòng, kể qua loa về nội dung cuộc họp, coi như đã truyền đạt tinh thần của cấp trên cho tôi. Ông bảo tôi rằng, trong hội nghị có người nghi tôi lợi dụng tổ chức in lậu cuốn sách để bán kiếm lợi.

- Họ nghi cậu thế đấy, nhưng tớ bảo - ông kéo dài giọng - Các vị chẳng hiểu gì về thằng Tạ Duy Anh cả. Nó có quan tâm đến tiền đâu! Tôi biết chính xác là nó lấy nhuận bút bằng sách, được đúng 100 cuốn. Các vị tin tôi đi.

Ông Hách nói rồi cười ầm lên và vừa cười vừa nói tiếp: “Thế là tôi cũng góp phần cứu anh một bàn đấy nhé”.

Nhưng kỉ niệm gắn với tiếng cười đặc sắc của Nguyễn Phan Hách, là câu chuyện tôi xin chuyển công tác từ Trường Viết văn Nguyễn Du về Nhà xuất bản Hội nhà văn. Nó thực sự là một câu chuyện bi hài không chỉ của riêng tôi nhưng không thể nói là không thú vị.

Khi đó nhà thơ Hữu Thỉnh vừa trúng chức Chủ tịch Hội nhà văn. Giữ đúng lời hứa hơn một năm trước, ông làm mọi cách để đưa tôi về làm việc tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà thơ Ngô Văn Phú, người từ chối tôi thẳng thừng, thì sau đại hội phải nghỉ quản lý do quá tuổi. Ông Nguyễn Phan Hách được cử giữ chức quyền giám đốc. Nhà thơ Hữu Thỉnh trước đó, trong lần gặp nhau tại một hội nghị gì đó, ghé tai bảo nhỏ với tôi: “Chú chuẩn bị về Nhà xuất bản nhé. Ông Hách sẽ là người kí quyết định nhận chú, yên tâm đi”.

Nhưng tôi cứ chờ mãi mà chả thấy chuyện xin về Nhà xuất bản của tôi có thêm tiến triển gì. Ở trường Viết văn, dù tôi giữ bí mật tuyệt đối, cũng đã có người nhìn tôi bằng ánh mắt nghi hoặc. Sau này thì tôi mới biết, chuyện về Nhà xuất bản của tôi gặp vô số cản trở mà những người quan tâm đến tôi, đầu tiên phải kể đến Hữu Thỉnh, không nỡ nói và không nỡ nói hết cho tôi biết.

Sau khi lọt đến tai tôi một vài tin đồn khó chịu, tôi bèn rủ nhà thơ Lê Mạnh Tuấn xuống tận nhà Hữu Thỉnh ở Thanh Xuân, quyết hỏi ông một lần cho “ra nhẽ”. Chúng tôi hẹn trước với Hữu Thỉnh và được ông nhận lời tiếp. Vì thế, khi con gái ông trả lời tỉnh bơ rằng “bố cháu đi vắng” thì từ cửa sổ, Hữu Thỉnh vội thò đầu ra dùng tay vẫy chúng tôi rối rít. Chiều hôm đó Hữu Thỉnh dành riêng thời gian cho chúng tôi, như lời ông nói. Ông để nguyên quần áo mặc ở nhà, ngồi xếp bằng ngay trên nền. Có vài chén rượu vào, nghe tôi nói móc máy xa xôi về tin đồn, Hữu Thỉnh nổi cáu, bảo tôi hồ đồ, toàn nghe linh tinh, nói linh tinh, làm tổn thương người khác. Sau đó, khi thấy tôi tỏ vẻ ân hận, ông thay đổi thái độ, chuyển từ cáu giận sang cảm thông, bảo tôi ngồi mà nghe ông nói chuyện trực tiếp với Nguyễn Phan Hách. Tôi bèn nhắc nhỏ Hữu Thỉnh phải nói khéo thế nào đó, kẻo ông Hách lại nghĩ là tôi giục lãnh đạo Hội cậy thế cấp trên ép ông ấy, sau này về làm việc với nhau sẽ khó ra. Hữu Thỉnh đang bấm máy, vừa áp ống nghe lên tai, vừa cau mặt bảo tôi: “Cái thằng này, cứ tưởng chỉ mình mày là thông minh. Mày không phải dạy đĩ vén váy”.

Hữu Thỉnh: “A lô”… ông Hách tiếp máy. Đầu tiên Hữu Thỉnh hỏi về chức bí thư chi bộ sắp tới của Nhà xuất bản. Sau đó, như tiện thể, Hữu Thỉnh hỏi về việc của tôi.

- À, thế còn việc của thằng Anh đến đâu rồi ông Hách nhỉ?

 Tiếng ông Hách vọng ra ngoài ống nghe:

- Việc đó để anh quyết.

Hữu Thỉnh như biết trước câu trả lời của ông Hách, nói luôn: 

- Thế tôi quyết nhé. Ngày mai ông làm quyết định nhận nó đi, tôi ký.

Hôm sau tôi đến Nhà xuất bản, ông Hách chủ động bảo tôi chờ thêm vài hôm, để bộ phận hành chính họ làm thủ tục. Rồi ông vừa rót nước cho tôi, vừa cười cười nhìn tôi bảo:

- Anh về đây thì Nhà xuất bản có thêm cây bút cứng cựa làm biên tập, chỉ có mạnh lên. Nhưng mà - ông hạ giọng - Chú mày vừa vừa thôi nhé. Tớ nghe người ta nói cậu chả sợ ai.

Tôi cũng nói bằng giọng đùa đùa:

- Chắc chắn sợ bác Nguyễn Phan Hách…

- Cứt, tớ biết thừa…

Ông Hách trả lời rất nhanh và cười rung cả ghế. Bỗng dưng tôi cũng không kìm được, phá lên cười. Tiếng cười của tôi to không kém tiếng cười của ông, khiến nhiều người đi qua đều có ý dừng lại xem chuyện gì đang xảy ra với hai gã cuồng.       

Tạ Duy Anh

Nguồn Văn nghệ số 52/2023


Có thể bạn quan tâm