April 29, 2024, 12:16 am

Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Giữa lòng thành phố đông nghịt người, còi xe inh ỏi, nắng gắt dữ dội như muốn xuyên thủng, xé rách từng lớp áo của người đi đường, tôi kiên nhẫn lách trên xe máy hướng về phía ngoại thành. Nửa tháng rồi tôi chưa về quê thăm mẹ.

Đường vào làng tôi còn một đoạn dài vẫn là đường đất. Mỗi lần đi qua đó bụi bay mù mịt, tạo thành từng mảng trắng đục ngay trước mắt, nghe tiếng chuông chùa kêu “keng…keng…keng” đầu tôi vô thức niệm “A Di Đà Phật!”.

Hơn hai chục năm trước, bố mẹ tôi cưới nhau vào một ngày nắng giữa tháng Năm, có hoa phượng nở đỏ rực, sau đó, họ vay ông bà nội tôi được ít vốn để buôn hoa quả ở chợ đầu mối. Đến khi sinh tôi, họ bận quá, không có thời gian chăm sóc, mới gửi tôi về bà ngoại. Tới năm tôi lên mười họ đón tôi về nhà. Sáu năm sau mẹ sinh em Hùng. Lúc này nhà tôi khá giả rồi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Dạo tôi học cấp ba trên trường huyện, một hai tuần mới về nhà một lần. Mỗi lần về, rất hiếm khi tôi được ăn cơm cùng bố. Mẹ bảo giờ mẹ nghỉ ở nhà chăm em, công việc của bố tăng gấp đôi, không có thời gian về nhà.

Tới một ngày em Hùng tự nhiên sốt cao, chân tay mọc đầy nốt ban đỏ, tiêu chảy mấy ngày không hết. Mẹ  đưa nó lên bệnh viện thành phố làm đủ loại xét nghiệm, chờ suốt từ năm giờ sáng đến gần một giờ chiều mới xong.

Không ngờ thứ mẹ tôi chờ được, là kết luận Hùng bị HIV. Nghe xong điện thoại của mẹ, tôi chạy như bay đến bệnh viện làm xét nghiệm. Lúc trả kết quả, tôi không sao. Mẹ gật đầu, không nói gì, kéo tay tôi ra về. Tôi hiểu mẹ và Hùng đã bị nhiễm HIV, nhưng nhiễm từ đâu, tôi không biết? Cũng không dám hỏi.

Về nhà thấy xe chở hàng của bố đỗ ngoài cổng, tôi giả vờ dẫn em trai sang bà ngoại để bố mẹ nói chuyện riêng với nhau. Bảy giờ tối tôi về, đồ vật trong nhà còn nguyên, không xê dịch, không có mảnh vỡ văng tung toé.

Mẹ gọi tôi vào phòng nói:

- Thằng Hùng và mẹ lây bệnh từ bố.

- Thế bố lây từ đâu?

Tôi hỏi, mẹ không trả lời, ánh mắt thất vọng nhìn lên tấm ảnh cưới treo trên đầu giường. Tôi đoán ra ngay, là bố đã phản bội mẹ. Tôi không đủ can đảm nói lời an ủi, động viên mẹ trong giây phút này. Có lẽ mẹ đang đè nén tất cả cảm xúc trong người, để tiếp nhận một sự thật không thể thật hơn. Chồng phản bội, nhà bốn người, ba người nhiễm HIV. Cuộc đời mẹ từ nay còn gì để hy vọng nữa?

Sau đó bố mẹ tôi chia phòng ra ở. Thời gian đầu mẹ hay tìm cớ gây sự với bố, lâu dần mẹ chỉ lẳng lặng làm việc riêng của mình. Có lần tôi khuyên mẹ: “HIV bây giờ không còn là căn bệnh nguy hiểm, chỉ cần mẹ đi kiểm tra ARV thường xuyên và tuân theo điều trị của bác sĩ thì vẫn có thể sinh hoạt như người bình thường.” “Mẹ thà bị ung thư còn hơn HIV.”

Giọng mẹ nhẹ tênh nhưng chẳng khác gì mũi kim nhọn hoắt đâm thẳng vào da thịt tôi. Tự nhiên lúc đó tôi lại hận bố thay mẹ, hận lắm, hận đến nỗi mỗi lần định về nhà ăn cơm, tôi đều gọi điện hỏi mẹ “bố có nhà không?”, nếu không có nhà tôi mới về.

Học đại học xong, tôi ra trường đi làm được hai năm thì việc làm ăn nhà tôi ngày càng sa sút, bố bán cả miếng đất trên huyện để bù lỗ. Mẹ gầy sọp đi, người còn ba sáu cân, da thịt bắt đầu xuất hiện tổn thương do nhiễm trùng cơ hội. Bệnh của mẹ chuyển sang giai đoạn AIDS, vì không chịu đi khám cũng không uống thuốc.

Tôi khóc lóc khuyên can thế nào cũng không được, thậm chí còn ủng hộ mẹ ly hôn nhưng mẹ không đồng ý.

Bố bảo tôi:

- Mẹ mày ác lắm!

- Biết mẹ ác, sao bố không ly hôn?

Tôi hỏi. Bố lắc đầu, cười:

- Là bố có lỗi với mẹ mày trước, muốn trả thù thì cứ trả thù đi!

- Bố phát hiện mình bị bệnh từ khi nào?

Bố đủng đỉnh đáp:

- Không nhớ rõ.

Suy nghĩ của hai người họ tôi không hiểu, một người lựa chọn cách trả thù tàn nhẫn với bản thân nhất, còn người kia biết rõ mọi chuyện lại không phản kháng. Sự chịu đựng của bố tôi, chưa hẳn đã xuất phát từ tình yêu thương mẹ, bởi nếu thật lòng yêu thương ông ấy đã không phản bội. Có thể vì bố cảm thấy áy náy khi mẹ đang phải gánh một phần hậu quả cho việc làm sai trái của mình.

Cơ thể mẹ tôi yếu dần theo thời gian, hệ thống miễn dịch suy giảm, những nốt mụn nước xuất hiện ngày một nhiều. Ban đầu chỉ tập trung mọc ở bả vai và lưng, nhưng dần dần lan khắp tay chân. Người mẹ đỏ lựng, mụn nước vỡ tạo thành những vết loét xung quanh bám đầy mủ trắng, máu tươi trộn lẫn vào da thịt bắt đầu bốc mùi hôi, hàng xóm sang thăm ai can đảm lắm mới dám nhìn. Mẹ không chịu đi bệnh viện khám, bố thuê bác sĩ về mẹ kiên quyết từ chối.

Lần nào về nhà tôi cũng khóc xin mẹ để bác sĩ tiêm giảm đau hay morphin cũng được. Chẳng phải mấy người ung thư giai đoạn cuối vẫn hay tiêm morphin đó sao?

Mẹ thều thào đứt quãng:

- Không cần tiêm…để đấy…cho ông ta nhìn.

Tôi đau đớn gào thét trong lòng, rốt cuộc thứ gì đã khiến mẹ tôi rơi vào thảm cảnh này? Là căn bệnh thế kỉ? Là tình yêu nửa vời của bố? Hay sự cố chấp đến điên dại của mẹ?

Tôi không trả lời được, mẹ cũng chưa chắc biết câu trả lời…

*

Nhà tôi ngay đầu làng, rất dễ tìm. Về đến cổng, thấy bố đang ngồi góc sân giặt quần áo cho mẹ, tôi tắt máy xuống xe, chào bố một tiếng rồi ngồi xổm xuống kéo chậu quần áo bố đang giặt dở về phía mình. Bố vội cản lại:

- Để bố giặt nốt cho, con vào nhà đi!

Tôi đứng dậy quay người bước vào trong, sau lưng nghe văng vẳng giọng nói chán chường của bố:

-  Trưa nay bà ấy lại không ăn cơm.

Chân tôi khựng lại chờ bố nói hết câu mới đi vào phòng mẹ. Trên chiếc giường mét tám rộng thênh thang, mẹ tôi nằm co quắp ngay mép ngoài để thừa một khoảng trống phía trong. Cạnh đó chiếc quạt điện cơ kêu ù ù, quay đi quay lại không ngừng.

Nửa tháng không gặp, mặt mẹ tôi tái mét, hai cánh môi khô khốc bám đầy mảng tế bào chết đang bong dở, vết thương trên người ngày một nhiều. Tôi nén tiếng thở dài, bước lại gần gọi:

- Mẹ ơi!

Hai mắt mẹ khẽ mở, không nói gì.

- Mẹ ăn cháo nhé, bố bảo trưa nay mẹ lại không ăn!

Giống như rất nhiều lần trước đây, mẹ lắc đầu. Tự nhiên tôi thấy khó chịu, bực bội, xen lẫn cả xót thương. Tôi không chiều theo ý mẹ như mọi khi mà quay người xuống bếp múc một ít cháo mang lên.

Đúng lúc bố từ ngoài sân đi vào, ông ấy đỡ bát cháo trong tay tôi, kéo chiếc ghế nhựa ngồi gần mẹ, xúc thìa cháo đầu tiên. Mẹ hằn học liếc một cái sắc lẹm. Bố đã quá quen với chuyện này nên không quan tâm, đẩy thìa cháo đến gần miệng mẹ hơn. Mẹ bực bội giơ tay hất thẳng thìa cháo đi, làm cháo văng tung toé khắp giường. Khuôn mặt bố giữ nguyên biểu cảm, xúc thìa cháo thứ hai, tay còn lại giữ chặt tay mẹ.

Lúc mẹ há miệng ngậm thìa cháo, tôi cứ nghĩ bà ấy chịu ăn rồi. Vài giây sau, mẹ ngớn cao cổ nhổ thìa cháo vào thẳng mặt bố. Cả cháo, cả nước bọt của mẹ bám đầy mặt bố tôi. Ông ấy tức giận đập bát cháo xuống sàn nhà kêu “choang” một tiếng, tai tôi ù đặc đi, một mảng tối đen từ đâu đổ ập xuống trước mắt tôi, vây hãm tâm trí tôi, tạo nên khoảng trống khổng lồ vừa âm u vừa vô hình ngăn cản tôi tiến về phía bố mẹ, chỉ có tiếng chuông chùa kêu “keng…keng…keng” không ngừng hiện hữu trong đầu tôi.

Bỗng mặt mẹ tôi nhăn lại, co hai chân áp sát vào bụng, người cuộn tròn. Cơn đau kéo đến một cách bất ngờ, không cho bà thời gian chuẩn bị. Bà lăn lộn, quằn quại nhưng không hé răng kêu nửa lời, hai bên thái dương gân xanh nổi lên dày cộm. Mẹ tôi lợi dụng những cơn đau để trả thù chồng, chúng nó cũng sẵn sàng cùng mẹ chơi ván bài mạo hiểm. Mặt mẹ tôi chuyển từ xanh mét sang trắng bạch, trắng như tờ giấy. Mắt nhìn chồng chằm chằm không một tia hối hận, miệng đã hơi méo đi nhưng vẫn cố chấp nở nụ cười thoả mãn, khác hẳn với tâm trạng của những người đã đặt một chân vào cửa tử.

Tôi cảm giác mẹ đang “thưởng thức nỗi đau” theo ý riêng của mình chứ không phải “chịu đựng” như người ta. Có khi đây chính là thời khắc mẹ tôi chờ đợi bấy lâu. Mẹ giày vò hành hạ thân xác mẹ cũng là tra tấn giày vò tâm trí bố, thân xác mẹ bê bết tanh tưởi bao nhiêu bố sẽ áy náy tuyệt vọng bấy nhiêu.

Mắt bố tôi đỏ ngầu, quỳ sụp xuống những mảnh bát vỡ. Máu từ đầu gối ông ấy bắt đầu túa ra ngoài, hoà chung cùng màu trắng ngà của cháo, loang lổ một khoảng dưới sàn nhà. Cả căn phòng rộng hai tám mét vuông phảng phất mùi máu tanh, mùi thơm của cháo, thêm cả mùi thịt băm nấu nhừ. Giọng bố khàn đặc:

- Xin cô…tha cho tôi…đừng hành hạ nhau nữa…tôi biết rồi, tại tôi, tại tôi hết…được chưa?

Hai chữ “được chưa” bố nói rất to, tôi cảm nhận rõ sự bất lực không còn lời nào để diễn tả của bố. Chưa bao giờ tôi thấy căn phòng ngủ của mẹ đáng sợ như lúc này, nó vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Từ lúc bệnh của mẹ chuyển sang giai đoạn AIDS đến nay gần nửa năm, mọi sinh hoạt đều do bố tôi lo. Ông ấy đang cố hết sức để đền tội. Phải chi bây giờ có một điều ước, nhất định tôi sẽ ước thời gian quay trở lại, để cầu xin bố ly hôn mẹ trước khi có ý định phản bội bà ấy.

Cơn đau vừa qua, trán mẹ tôi ướt đẫm mồ hôi, người nhầy nhụa chẳng còn mấy chỗ lành lặn, bố vẫn quỳ dưới đất. Hùng đi học về, việc đầu tiên nó làm là chạy vào phòng gọi mẹ. Nghe tiếng gọi loáng thoáng ngoài sân, bố tôi bám vào thành giường đứng dậy, hai đầu gối bê bết máu, sợ Hùng nhìn thấy nên bố lấy bừa chiếc áo của mẹ lau đi.

Mẹ tôi nằm yên, chân tay thẳng đuột, nghe tiếng Hùng cũng cố mở mắt nhìn. Hùng kể vài chuyện ở lớp cho mẹ nghe rồi xin bố đi chơi đá bóng. Bố gật đầu đồng ý xong đi ra phòng khách tự tìm cồn và băng y tế sát trùng vết thương. Tôi mượn bố đôi găng tay cao su, dọn dẹp phòng mẹ. Mẹ không cho tôi động vào người, sợ lây bệnh, dù tôi đã sử dụng biện pháp phòng tránh.

Băng bó xong vết thương, bố bê chậu nước hơi âm ấm vào lau người thay quần áo cho mẹ, tiện thay luôn cả chăn chiếu vì lúc nãy bị đổ cháo ra. Lần này mẹ không phản kháng, không trừng mắt thách thức, để bố muốn làm gì thì làm. Tôi đoán do mẹ mệt rồi, không đủ sức nữa. Tối nay tôi ngủ ở nhà vì mai được nghỉ phép. Cả đêm tôi cứ thấp thỏm xuống phòng mẹ, nghe tiếng ngáy khe khẽ, mẹ tôi ngủ rất ngon.

Sáng hôm sau tôi dậy đưa Hùng đi ăn sáng rồi đến trường luôn. Nó ngồi sau xe, vòng tay ôm chặt bụng tôi bảo tôi mua thêm cho hộp sữa milô. Tôi gật đầu không dám quay lại nhìn em trai mình, vì thương, vì thấy áy náy mặc dù bệnh của nó chẳng liên quan gì đến tôi. Không biết sau này Hùng lớn hiểu rõ ngọn ngành mọi chuyện, có chọn cách trả thù bố tàn nhẫn như mẹ không? Nếu có thì bố tôi biết phải làm sao? Tôi sợ không dám nghĩ tiếp, lẳng lặng lái xe đi.

Lúc về bố tôi đang cho mẹ ăn cháo, nồi cháo bố hầm trên bếp từ năm giờ sáng. Mẹ yên lặng ăn. Ăn xong, bố lau miệng cho mẹ, chỉnh quạt xuống số thấp nhất, thấy lồng quạt bảo vệ bám lớp bụi mỏng, bố cầm chiếc khăn cũ cuối giường lau đi lau lại vài lần, sau đó mang bát cháo còn thừa mấy thìa ra ngoài. Bố đi đâu ánh mắt mẹ nhìn theo đó, nhìn rất lâu, cho tới khi không nhìn thấy bố nữa mẹ quay sang tôi thì thầm hỏi:

- Phượng năm nay nở chưa?

Tôi trả lời:

- Nở rồi mẹ.

Ngoài sân đàn chim sẻ hót gọi bầy trên cành cây hồng xiêm, nắng chiếu qua khung cửa sổ tạo hai vệt vàng dài thẳng tắp như đặt thước kẻ trên giường mẹ, tôi định kéo rèm vào, mẹ lắc đầu tỏ ý không cần. Sau đó mẹ từ từ nhắm hai mắt lại, không có bất cứ phản ứng gì. Tôi nghe tiếng chuông chùa ở làng bên vọng sang, vẫn là ba hồi chuông quen thuộc “keng… keng… keng” và môi mẹ mấp máy:

- A… Di… Đà… Phật…

Truyện ngắn dự thi của An Chinh

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Có thể bạn quan tâm