April 28, 2024, 9:32 am

Thủy cốt. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

 

Trời quằn quện những vệt mây xám như mới vừa quẹt vội nước mắt. Mặt trời đỏ bầm con ngươi nhức, bị không gian độ ẩm cao che phủ thành cái nhìn phán xét. Kiểu này cá đi tránh hết, có chài cũng chẳng ăn thua.

Biết vậy, Trì vẫn kiên nhẫn chống xuồng thêm đoạn nữa, phía trước, chỗ lục bình tụ cá thường quây đông như người họp chợ. Nhìn bầu trời ảm đạm cố lừa anh rằng sẽ đổ mưa bất chợt, cười khẩy như một kẻ tinh ranh, Trì điềm nhiên lướt chiếc xuồng băng qua dòng nước đang mỗi ngày mỗi cạn thêm. Mưa từ lâu đã thành xa xỉ, mùa hạn năm nay dài hơn một nỗi nhớ đằng đẵng.

Phải mà mưa, thì sướng. Đó chỉ là ước ao hão huyền của Trì, in hệt mong muốn má quay về. Không đâu, mà biết tương lai sao được, có thể hạn đứt bất thình lình, mưa ập tới không chừng, khi ông trời mủi lòng nhìn đám con do mình nặn ra thoi thóp thèm nước. Mưa thì có thể. Má về mới là viển vông. Bao nhiêu lâu, chẳng nhớ, có nhớ cũng đâu thay đổi gì, mỗi ngày vẫn như dòng sông chảy, có hối hả tới đâu cũng không tránh khỏi mùa khô kiệt.

Trì giữ thế đứng tấn, vung một miệng chài đẹp, tròn vo lá súng. Làm được điều này, đôi bàn tay anh đã sưng bầm suốt ấu thơ, vì tập luyện và ba đánh. Ông nói, không quăng một miệng chài ra hồn được thì đừng làm dân sông nước. Trì không cự, chỉ bĩu môi, cái môi non nớt đã rách còn sẹo tới giờ bởi cái tát bật máu. Anh im thinh lớn lên, một vết rách trong lòng cũng lớn, cùng ý nghĩ ngày nhỏ nhít đã kịp nhen nhúm, con thà sống với đất. Làm ruộng làm vườn cũng đủ ăn, cần đâu rướn mình đua sông nước.

Một kiểu đánh lừa, như thể, mình cứ sống tốt sẽ gặp lại má. Chèn ơi, đâu có được con – Trì tưởng tượng bà ngoại nói vậy, miệng đỏ lè bỏm bẻm nhai thuốc xỉa – ruộng đồng vẫn gắn với sông ngòi liền khúc ruột, xứ này mình vẫn là dân sông nước con ơi. Rồi ngoại sẽ chỉ ra ngoài kia, nơi mặt sóng được nhắc tới rỉ rả reo ánh bạc dưới nắng, lấp loáng kể chúng đang giữ xương cốt ông ngoại đâu đó trong cái ôm của chúng. Ngoại rười rượi buồn, nhìn sông như nhìn người chủ nợ không dám chào, cun cút ánh nhìn chết nhát.

Minh họa: Đỗ Dũng

Chỉ là tưởng tượng. Ngoại mất trước khi Trì chào đời. Nói như má nói, là cái hồi anh còn nằm co trong ngón chân cái của má. Trì tặc lưỡi, thấy mình nghĩ tào lao quá, chùn gối kéo chài lên. Nước đoạn này còn đục, thành ra giấc mơ có cá chưa chết hẳn, sự lờ mờ luôn có màu của hy vọng. Chài nặng trịch, sông vươn nước giữ lại, đoán chắc mắc chà vướng cây chi rồi. Lột áo, Trì phóng ùm xuống sông, tay chân vươn dài như những con nhái nô dịch ba hay nhậu một mình bên cập mé. Anh định gỡ chài, nhưng giữa dòng nước nhờ nhờ đói phù sa mà thừa rác rến, óng ánh kim loại của một thứ to nặng. Nửa như vẩy cá, nửa như những đồ dùng người ta vất bỏ xuống đáy sông.

Trì lặn sâu, vòng qua vật lạ, kinh ngạc nhìn, đưa tay ôm trọn lấy, đỡ nó cùng cái chài quay lại xuồng. Kì lạ, một con người. Nước da xanh tái, vẩy óng ánh dọc thân, tay và chân đều có màng. Tóc tanh và bầm thẫm màu rong. Nhưng khi vừa rời khỏi nước, cô ta lại y hệt như Trì, như bao con người khác, bình thường. Màng co lại rút vô kẽ ngón, vảy lặn vô da, màu xanh thấm ngược thịt trả lại vàng vọt. Như cách phù sa biến mất khỏi nước hay cách nước bị nhổ khỏi sông. Cô ta chẳng còn dấu vết loài cá.

Ngẩn ngơ trong thời khắc đôi mắt chạm phải làn mi nhắm nghiền kia, Trì hổn hển thở, bắt gặp trí nhớ như một đứa trẻ đi bụi giờ mới dám thập thò về. Là cô ta, lần trước, trong mương vườn. Ùm một cái lặn mất, làm Trì tưởng chỉ là dừa rụng rồi khói mẻ un làm cay mắt sinh ảo giác. Cô ta từ mương ra đây, để làm gì, mà giờ lịm đi như người chết đuối vầy nè.

Trì kề ngực ướt nhẹp nghe, ngại ngần mừng còn thình thịch tim đập, lúng túng bầu vú trần mơn mởn chạm da mặt anh mát rượi. Anh quay đi, lấy áo mình đắp lên che, không dám nhìn xuống chút nào nữa. Thẫn người, đưa tay mân mê không khí, Trì tưởng tượng hai bầu vú vô hình mọc ra từ không khí. Vú má, ngậy sữa, mười tháng anh đã bị cự tuyệt bởi dầu gió và rễ cây nghiền nát đắng lè, để má theo ba đi làm kiếm tiền mua thêm miếng vườn mới. Miếng vườn đó, ngay chỗ xà lan hút cát lén, đã nằm im dưới đáy sông sau vụ sạt. Ba tiếc của đứt ruột, mỗi lần say hay đứng chỗ mé lở, vạch quần đái xuống, chĩa tay chưởi, bắt sông trả lại xương máu cho mình. Không thấy đòi xương máu cho má.

Ba coi đất quý hơn bất cứ thứ gì, rồi tới sông, rồi tới bản thân ông, cũng chẳng buồn khi Trì đứng chót.

*

Những đám mây xứ này có khi từ vạn dặm chảy về, theo dòng trời hợp gió tụ lại đây. Người chẳng khác, trôi giạt, như đám lục bình cứ mải miết phụ thuộc nước, tới khi gặp vật cản. Có thể kêu là bến, có thể gọi là nợ, có thể hoa mỹ nói rằng ở đậu trần gian, trọ hết kiếp này hay không tùy trời định.

Má kể ông bà ngoại Trì người xứ khác, trong cuộc giành đất không thành bị chính em ruột mình phản bội, ông lên ghe bầu quyết định sống đời lục bình không bến. Bà khi đó mang bầu má, nặng trĩu hy vọng đứa con nít luôn là điềm lành, biết đâu ông đổi ý dừng một nơi làm ổ dựng nhà. Đời sông nước linh đinh, con nhỏ đâu dễ coi chừng, thủy thần công bằng không nương tay kể cả sự thơ ngây. Nước hồi đó đầy, sông rộng và đầy trò xiếc nước, giấu trong lòng nó biết bao hài cốt như một kho báu hể hả khoe khoang sự hung tàn.

Nhưng cũng chính sông, màu mỡ và phóng khoáng, cho không cá tôm với phù sa. Sống trên nước, bà Trì đâu cần màu mỡ, lại càng phải lọc bỏ đi, lóng phèn lấy nước trong mà xài. Chỉ cá tôm nặng nợ, ăn từng thớ thịt ngọt rỉa từng cái xương mang ơn từng chút một. Hồi đó, buông chài trĩu kéo gẫy tay, cá ăn không hết, lọc con lớn con ngon. Dư thừa lựa chọn. Chớ bây giờ, thản nhiên kho cạn phả hệ thủy tộc với mớ con cháu chưa tới đầu kim, đủ lùa ba bữa cơm mà không dấy chút đau xót.

Thời gian cũng là dòng chảy, khi cưu mang, khi đùn đẩy, đưa những người cạn đến trú dọc sông nương nhờ giàu có. Họ trả bằng ích kỉ và tham lam, con sông hung hãn bị rứt đi từng mảng thịt bởi vô số lưới mắt kép và cả điện tận diệt bất kì thứ gì bắt được. Và lúa, những vườn cây, tham vọng làm giàu đánh đổi bằng những hóa chất nhân tạo như thứ thức ăn tổng hợp thúc người ta phì nộn, theo những mao mạch dẫn, đổ ra sông. Nước lâm bệnh, thảng thốt khi trời phán, nước không còn nhiều thời gian.

Hồi đó, là cái hồi cá nược hiền hòa lội thành đàn, chớ không phải mãi tới năm mười lăm tuổi lò dò ra bưu điện gửi thư Trì mới biết hình dung in trên con tem nhỏ xíu, kèm dòng chữ đỏ như máu, tuyệt chủng ở Việt Nam. Má kể, những con cá có vú như đàn bà, mê những trận đua, hễ người la “ông nược ơi đua”, chúng sẽ đẩy xuồng vèo vèo vô tới bờ mới thôi. Thật lạ lùng, Trì không hình dung được, sao dáng hình đàn bà mà vui thú đàn ông, hay trong bản năng động vật, chúng sống bằng lý lẽ riêng và trong đôi mắt loài thủy tộc, con người mới chính là kẻ vô lý.

Đàn cá nược mất tích dần, như một vụ bắt cóc thầm lặng, chẳng ai thèm lần theo danh tính thủ phạm. Hiếm hoi khiến chúng quý giá. Má nói, quý giá khiến người ta thèm thuồng. Lòng tham của con người, hay sự tàn ác, có chăng đến từ mong muốn hơn người khác. Bữa đó sương dày, trời lạnh, ông ngoại bắc cà ràng nướng mấy con cá trê nhắm rượu, khà một tiếng ngó đôi cá nược cuối cùng sóng đôi bơi, âm vang trong lưỡi tăm tối, tò mò thịt chúng có vị gì. Ông quăng chài, con cá mê người dại dột tưởng đùa chơi, bị kéo lên xẻ thịt dễ ợt. Đôi mắt nó còn ngơ ngác, không hiểu sao lần chơi này đau đớn quá chừng. Lần chơi không lối thoát, cái đầu như dấu chấm bị ngắt khỏi tấm thân cong lại móc câu, bấu víu niềm tin bạc mệnh. Máu loang đỏ con sông, như chính sông chảy máu. Những khúc xương ám khói, còn dang dở máu thịt khuyết hình răng người quẳng xuống ngỡ ngàng, mắt con cá trợn trừng. Con cá nược còn lại, hình như có bầu, vô vọng lặn ngụp đớp từng mẩu thịt xương cố ráp lại chồng mình. Chút tỉnh táo cuối cùng, hay bẽ bàng chất ngất, nó đâm đầu vô bến nước tự vẫn.

Cả quá trình đó, bà ngoại quỳ mọp, vét hết nước mắt xin tha cho con cá vô tội. Má nói, trán bà móp như đáy chén, dập xuống một tiếng liền đầm đìa máu, chẳng thể đổi được chút xót thương. Ông ngoại no nê, buông tiếng chửi thịt chi dở ẹc, xảm xì, chui vô khoang ghe vì tới giờ cần ngủ. Ông luôn ngủ đúng giờ, bất kể chuyện chi, dẫu trời có sập. Nên má còn một người anh, mộ cũng dưới lòng sông, trở thành vũng máu khi bà ngoại cố lần theo nhịp ngủ của chồng báo rằng mình trở dạ. Ông đã ngủ, tiếng gáy o o đều như tiếng nước, sóng vỗ mạn ghe ì oạp, ngàn năm vẫn vậy, đâu có cần vì một ai mà thay đổi. Bà ngoại nhảy khỏi ghe, vớt xác con cá đem chôn, bỏ đi không thèm từ biệt. Giờ, khúc mộ cá, sông chắc đã ôm về.

Cuối hành trình lăn lộn, khi má đã lớn, bà ngoại thèm một chỗ dừng chân, xin má lấy ba để bà có nắm đất ngả lưng yên ngủ. Một nắm đất thật xa con sông, để cả khi rã cốt, bà cũng không phải gặp lại người đàn ông năm đó. Đất của ba mênh mông, người thanh niên mê làm ăn sắm sửa, bà nhẩm tính, sông không thể nào tìm tới nổi. Má hồn nhiên gật đầu, mê những vườn tược bao la xanh tốt, nghĩ giản đơn người thương cây chắc lòng nhơn hậu, đâu ngờ được mình chẳng qua là một kẻ phụ chăm sóc cây cối được mua về bằng một đám cưới. Mua đứt, nghĩa là, không bao giờ được trả công.

Bà nằm ở mảnh vườn xa nhất, chắc mỗi ngày ngậm đắng nhìn sông bò vô ngày một sâu hơn. Thật kì quặc, sông nuốt đất làm chi, để rồi như một kẻ no căng bụng trương phình, tấm áo nước ngày một ngắn dần. Và mặn, như mồ hôi của tên bạo chúa lười nhác, đã quá chán cho đi.

*

- Mày dám đưa nó đi, tao đập mày què giò! – Ba đập chai rượu, kề phần nhọn vô cổ Trì, lia một đường nhẹ đủ rướm máu.

Nàng tiên cá Trì đưa về bị xích chân, dong đôi mắt ươn ướt lên như cánh buồm cố đón gió, bất lực sụp đổ nhìn về con sông trước nhà. Mai, ba chọn ngày cúng đất, cưới tiên cá làm vợ. Ba nói, nó giống hệt má mày, mày không thấy sao Trì. Anh ừ hử, thì giống, nhưng đã sao, anh cũng từ khuôn ba đúc ra. Chẳng thể thế tạm bất cứ thứ gì dù chung dạng hình, vào một chỗ khuyết, dù khớp in hệt như vốn là của nhau. Bởi nếu được như vậy, những bi kịch như chuyện má bỏ đi đâu có xảy ra.

Trì nhìn tiên cá, nhìn lại tay chân bầm dập của mình, phải chi có màng và thở được dưới nước, anh đã đi từ lâu. Cô ta muốn về sông cũng phải. Đất ở đây thoái hóa rồi, bạc như một cái tát ê chề, cây mấy mùa thất trái. Gieo một giống ngọt chỉ nhận về vị đắng, oái oăm. Chỉ có đi, thật xa, mới là hy vọng. Trong đêm, ánh sáng từ căn nhà của ba con Trì hắt ra mặt sông, u ám như ngọn lửa ma trơi giữa nghĩa địa cô độc. Cũng hợp lý, trong lòng dòng chảy ngoài đó, xương cốt bao thế hệ chất dày, hoặc tan rã hòa thành phù sa, thành nước, cả người và những loài khác. Cả thiện và ác. Cả sự thật và bí mật. Khi con sông dần trong vắt, tất cả đi đâu? Ngấm ngầm điểm đích lãng quên, có lẽ, thi thoảng ba ngẩng dậy giữa giấc mơ, đờ đẫn đôi mắt cố chụp lấy gương mặt thằng con, hỏi đớn đau mày là ai.

Có hai điều, như hai xích khóa chân, trói Trì ở lại xứ này. Một là, ba kêu đi khỏi đây với bàn tay trắng, không chết cũng chịu đời tôi tớ cho người ta để kiếm miếng ăn. Hai là, hy vọng như một liều thuốc độc mang lại tác dụng phụ an thần, Trì mân mê chút dự cảm má sẽ trở về.

Hôm kia, ngày bắt được nàng tiên cá, cũng là ngày Trì bứt một sợi xích. Đất bị nắng nung nứt toát, khúc vườn mé Tây sạt xuống lòng mương cạn sệt xình, chỗ gốc mận đã khô đét, lộ ra mớ xương trắng hếu. Không biết xương người hay xương loài chi, nghe đâu cá nược ngày xưa xương cũng giống như người. Hoặc một nàng tiên cá khác, xui rủi chết héo bị vùi bằng một đám tang ân nghĩa, khi không ai nhận họ hàng. Xác của một người, hay một loài, gần đây hay đã rất lâu trước cả khi bà ngoại nhảy khỏi ghe bầu, không lý do gì phân định được.

Trì chỉ nhớ, ba nói, mày có bỏ đi khắp thế giới cũng không tìm ra má mày. Câu nói không mang màu men rượu, tỉnh bơ, như một nửa sự thật bén ngọt. Trì chưa bao giờ biết lý do má bỏ đi, ngoài ước đoán sự hà khắc của ba và những áp đặt ba ách vào vai bắt má cày mỗi ngày, kể cả trong tinh thần, như một con bò vô ý chí. Như khi, ba vạch ngực má ra vắt sữa, sau khi má để sẩy em Trì trong một lần vác đất bồi lại đám dừa, trước mặt ông già cuối xóm. Đầy một ly cho ông ta, đổi lấy công thức trộn phân thúc cho mận trổ bông sớm.

Không có sự thức tỉnh nào trong những đêm trằn trọc, Trì đơn giản vá tất cả mọi thứ lại, thành một cái mền tạm bợ, đắp hờ lên những suy nghĩ thiếu ý chí của mình. Ở lại đây hay đi, sớm muộn cũng có khác gì. Sông đang đòi lại đất, đòi lại từng thứ nó đã bị cướp đi. Như một bà mẹ điên đòi con, sớm thôi, những mùa sau sẽ ngày càng khốc liệt hơn, cho đến khi cơn giận được trút.

- Cô muốn ra sông bao xa? – Trì hỏi, khệ nệ xách can nước vô, tưới òng ọc lên toàn thân tiên cá. – Hiểu tôi nói không? Tôi sẽ thả cô.

Nước lột bỏ lớp vỏ người, trả lại loài thủy tộc những vẩy, mang và màng nhái. Tay tiên cá lạnh ngắt vươn lên như một cái chồi tìm nắng, riết róng và khao khát:

- Đi xa. Đi xa. Xa lắm. – Đó là tất cả những gì cô ta biết nói. Có hỏi bao nhiêu lần, câu trả lời vẫn nguyên vẹn vậy. Chỉ có vậy.

Trì bứt những mắt xích cuối cùng, ẵm tiên cá lên, bước xuống bến đặt cô vào lòng xuồng. Chiếc xuồng khẽ chòng chành như hỏi, anh đã chắc chắn chưa. Trì cười, cuộc đời có bao giờ chắc chắn đâu, cả việc bà ngoại bỏ đi tới chuyện má bỏ đi, giờ là anh, những cuộc chạy trốn di truyền, đều là không chắc chắn.

*

Ba không đuổi theo. Sông cạn, nước trong như da người ủ bệnh, lờ nhờ xanh, thấy rõ lòng đáy nghèo dinh dưỡng, không đẩy nổi chiếc xuồng trôi nhanh. Trì nghĩ, viên thuốc duy nhất mà sông tự kiếm được, là mưa, biết khi nào mới tới. Sông vẫn chảy, kiên nhẫn, như người bệnh vái tứ phương cố giẫy giụa níu một sợi tóc mành. Xuồng Trì theo dòng sông, không một suy nghĩ định hình, cứ mặc nhiên rong ruổi. Nhịp trôi đều và trầm, nếu thi thoảng không lấy dầm khua khoắng lướt nhanh một đoạn, anh nghĩ chắc mình đã biến thành một bụi lục bình câm lặng.

- Tới đây được chưa? – Trì kéo lá chuối đắp lên tiên cá, nắng khiến mớ lá nhanh chóng khô vàng và bốc mùi cháy.

Tiên cá lắc đầu. Cô ta đã lắc đầu nhiều lần như vậy. Không hiểu bằng cách nào, Trì biết cô ta sẽ mãi lắc đầu nhiều ngày nữa. Thật chua chát, anh ngầm vắt chanh vào những vết thương lòng mình, lẽ ra anh định lấy cô làm cớ cho một sự rời bỏ, nhưng nào ngờ chính cô đang dùng anh như một con cờ thí. Một chuyến xe dài. Hoặc, lạc quan hơn, một sự cộng sinh, cả hai đều đang đi trên hành trình mịt mùng, như hai dây leo không có hàng rào để vịn, ngoài quấn lấy nhau tựa nhờ đâu còn cách khác.

Trì neo xuồng, lên bờ tìm đồ ăn. Dặn dò tiên cá mấy câu, anh đi thẳng tới nhà bà lão trước. Những lời truyền miệng có chân, chúng chạy tới chỗ anh từ mấy năm rồi, thủ thỉ trần thế còn sót lại người già lưu trữ những chuyện xưa cũ. Có khi bà sẽ biết tiên cá cần tới đâu, một mục đích kiếm tìm và chờ đợi khiến anh khấp khởi mừng. Những người già như một pho sách cổ, nếu chịu khó lần giở, một cách tôn trọng, sẽ tìm ra những thứ không ngờ.

*

Truyền thuyết xưa kể lại, nhân ngư vốn là mạch chảy của sông. Theo chu kì nước, trứng nhân ngư được những kênh dẫn đưa vào mương ao để đất ấp lấy. Sự xanh tốt bốn phía cây cối chính là dinh dưỡng cho loài thần thánh. Đến khi đủ ngày, trứng nở, nhân ngư sẽ tìm đường về với sông, bơi ra biển. Khoảnh khắc lớp vỏ nước nứt vỡ, chính là điều diệu kì tạo ra phù sa. Sự quay lại của nhân ngư chính là dòng chảy, những chu kỳ nối tiếp, khiến nước không bao giờ chết đi. Y như con người, máu về tim theo các đường dẫn rồi lại chảy đi. Dừng nghĩa là chết.

Người bệnh, nước cũng bị cái ác bỏ thuốc. Dòng máu chảy trong người bị nghẹn giữa động mạch, gây cơn đột quỵ khiến những nhịp thở đứt phựt như rứt dây nhợ cố bắt con cá nặng. Cuộc kéo co với thần chết, quá rõ ràng bên thắng. Với sông, người lấn đất chia cắt kênh rạch, lấp mất những dòng chảy. Nước bị ứ lại, trứng tiên cá thối rữa ở những chỗ tắc, bể ra thành độc. Và những tiên cá đã nở, ngơ ngác không thấy đường về biển, chết khô trong từng đợt hạn mặn. Người ta quên ơn sông nhanh thì há chi giữ lại một câu chuyện buộc tội mình. Chẳng bao lâu, không ai thấy, không ai biết và chẳng mấy ai nhớ về giống loài thần thoại. Nghề thánh đưa tiên cá về biển cũng chết, như những nghề khác, bị quên lãng bóp bể nát như bóp một cái trứng rỗng bị con người ăn sạch ruột vứt bỏ.

Trì nhớ câu chuyện cổ bà lão kể, nhớ cả nghi lễ mà bà dặn dò, tưởng mình bước một chân vào giấc mơ điên rồ của những người chối bỏ thực tại hà khắc. Bà nói, ngày trước còn có nghề đưa nhân ngư ra biển, một nghề thiêng liêng kén chọn người làm. Đổi lại, tiên cá sẽ cho họ vảy, những cái vảy buông bỏ để hòa thành sóng biển, quý như vàng. Có một truyền thuyết khác nói rằng, tiên cá cho họ một điều ước. Bất cứ điều gì.

Thứ Trì mong muốn nhất, anh đã nhẩm tới mức cắn nát môi mình, giản đơn một chỗ ở. Ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn tốt tươi, đất tơi xốp như ngày xưa, cây lành đâm trái thiện. Anh sẽ ở đó, không cầu điều chi huyền dịu, chờ má quay về. Má luôn ước một điều như vậy, những đồng tiền len lén dành dụm chôn dưới bốn chân giường, một cô Tấm không mơ xiêm y chỉ mong đời an ổn. Cô Tấm của Trì, sẽ về thôi, khi anh biến ước mơ của cô thành sự thật.

Chục thân chuối èo ọt bám lấy nhau bằng ràng buộc lạt, Trì kết bè dựng thêm rạp che bằng cây đủng đỉnh, thắt màn lá dừa nước như một cái kiệu. Anh ẵm tiên cá đặt lên bè, cắm phía ngoài ba cây nhang, mồi lửa khấn. Một bài dài, anh không biết nghĩa, chỉ hiểu đó là những lời được truyền lại. Ngôn ngữ tiên cá, hay ngôn ngữ nước, hay lời của thiên nhiên đang gào thét, chỉ có tiên cá và những người đã khuất hiểu.

Trần truồng ngâm mình giữa sông, như một con cá nược má hay kể, Trì lặn xuyên đáy bè qua phía bên kia, lội quanh ba vòng. Anh tì ngực vô thành bè, quạt nước bằng hai chân, đẩy bè trôi đi. Có lẽ, ngày trước nghi thức này thần diệu hệt như bà lão tấm tức kể, bầy cá nược và những loài thủy tộc sẽ tụ hội đẩy bè. Con người đã ăn sạch chúng, con người phải thay thế chúng. Manh áo đẹp đẽ phủ che giả dối cần được lột sạch, phô ra trần trụi tầm thường, không hơn kém những loài vật khác. Ôi, nghi thức đó, giờ đơn giản như một trò đùa dai thử thách lòng tin, khiến những kẻ mộ đạo đã giết mình bằng chính lòng thành đã từng da diết. Một con người không quần áo cố đẩy cái bè tạm bợ bằng kiểu lội của cá, trong mắt bất kì ai, là một sự kì khôi hay rồ dại. Nhưng nếu nó là chìa khóa mở lại dòng chảy, một cơ hội cứu đất khỏi chết khát, thì dù trăm sự lố lăng, cớ gì không dám thử.

Chiếc bè được đà trôi, cứ vậy về dần cửa biển. Tiên cá nằm trên bè, đã được ướp đủ nước trở lại hình dáng cũ, vẫy bàn tay có màng tạm biệt Trì. Lúc đó, anh lẩm nhẩm lời ước nguyện, quên cả việc vẫy chào lại với cô. Nắng tằng hắng cơn ho hực óng xuống, xuyên qua rạp đủng đỉnh, hay chính tiên cá đang hút lấy ánh sáng, toàn thân rực vàng như sắp phát nổ.

Không một âm thanh, khi sóng ánh sáng lan ra lóa mắt nuốt chửng mọi thứ, Trì chìm vào mê sảng.

*

Trì đứng bên lề cuộc cự cãi, lơ lửng giữa bốn bề sóng sánh ánh sáng. Ba và má, bên mấy gốc mận, đỏ bừng mặt quát tháo nhau như hai diễn viên nhập vai trong một vở kịch với bối cảnh nhỏ xíu, lọt thỏm giữa rổn rảng áng sáng trắng.

Không có âm thanh nào, nhưng Trì hiểu hết, như thể lời hiện ở đầu anh. Như chính anh là người nói và cũng là người trả lời. Má muốn giữ những cây mận đá đường cuối cùng, như từng giữ những cái cây mà dân vườn quyết tâm tận diệt.

Họ không nhìn quá mặt sông, trồng hả hê một loại, tới lúc thất giá lại thi nhau chặt. Cây mang tiếng xấu, lần lượt bị tử hình. Trận trả thù hăng máu, truy cùng tận kẻ sống sót cuối cùng. Ba quý đất, quý cây, nhưng là cây hái ra tiền, tiền mới mua tiếp được đất. Những thứ cây không có giá trị, giữ chỉ ăn hại, bòn rút từng thớ đất quý giá của ba. Hút xương uống tủy của ba. Ba không cho chúng bất cứ thứ gì, một chút cũng không.

Má nhìn Trì, hay nhìn xuyên qua anh, đôi mắt bàng hoàng hiểu mình cũng là một cái cây mấy mùa không đậu trái. Những thứ trái, lớn để bị vắt kiệt, hột lại được gieo thúc ép đòi vụ mới. Cây hút cạn đất, đất bào sạch cây. Và con người, đứng bên lề, túm từng nắm tiền từ cuộc chiến chà đạp ấy. Sông nằm bên, xanh rì cơn bệnh, bất lực ôm lấy những xác cây bị dìm xuống. Sông cố đẩy chúng đi, về miền mới, nơi biết đâu có thể bén rễ mà tiếp tục hành trình giống loài. Thay vì bị xóa sổ, ở đây, già cỗi và xác xơ nhìn người chăm sóc mình giờ oán hận mình.

Má không giữ nổi cây mận đá cuối cùng, gieo mình xuống dòng sông cạn. Sông ôm má vô lòng, thoi thóp đẩy đi, như đưa một thân cây còn hy vọng tìm về miền khác.

*

Trì chống xuồng ngược dòng, tìm đường về lại nhà. Anh mặc trên người bộ áo mưa bện bằng lá chuối khô, giữa cơn nước trắng xóa đổ như tẩy rửa mọi thù địch còn ám khói bám đất trên từng nếp nhăn của đất. Khi tiên cá biến mất, hóa thành sóng biển, mưa đã về.

Giữa cơn mưa một màu trắng như sữa mẹ, đám mây kì quặc hồng đỏ lửng lờ trôi theo xuồng Trì. Những hạt mưa từ nó rớt xuống mang màu sắc khác, nâu như dòng sông thuở trước. Trì lặng lẽ khua dầm, đưa mưa về nhà, nơi anh sẽ gieo một cuộc sống mới.

Không bất kì đâu cả, phải là ở đó. Nơi bà ngoại nằm lại, nơi má đã gặp ba. Nơi Trì chào đời, ba mừng rỡ khóc rát bỏng mắt. Nơi một đêm lạnh buốt, ba lội xuống lòng sông, úp mặt vô con nước cạn hều mà khóc. Sông từ chối sự kết thúc, trả ba về, khi giữa cơn mơ Trì cất tiếng thất thanh, gọi tìm cả ba và má.

 Truyện ngắn dự thi của Phát Dương

Nguồn Văn nghệ số 45/2023


Có thể bạn quan tâm