May 3, 2024, 1:10 pm

“Thương tiếc” thời bao cấp?

Vài năm gần đây, ở Hà Nội xuất hiện một chuỗi quán ăn và giải khát mà từ cách tổ chức không gian, cách sắp đặt và các vật dụng đặc trưng, đến trang phục của nhân viên đều thấm đẫm sự gợi nhắc về đất nước một thời chiến tranh và bao cấp, nhất là thời bao cấp. Có những quán ăn hoàn toàn là sự lặp lại mô hình cửa hàng ăn uống thời bao cấp. Có những triển lãm tái hiện đậm đặc hình ảnh đời sống xã hội Việt Nam thời bao cấp.

Có những cuốn sách chỉ nói về thời bao cấp. Đặc biệt, có những chương trình nghệ thuật quy mô lớn, được dàn dựng kỹ lưỡng và được truyền hình trực tiếp, đã lấy thời bao cấp làm chủ đề và tận lực khai thác khía cạnh “thương cảm” mà cái thời ấy có thể gợi lên trong ký ức những người tham gia và những người xem. Chính sự thái quá này buộc người ta phải đặt câu hỏi: Tại sao thời bao cấp lại được các cá nhân, đơn vị làm nghệ thuật trong nước quan tâm đặc biệt đến thế? Và cái bất cập của việc này nằm ở đâu?

Có lẽ, trước hết là bởi thói quen “ôn nghèo kể khổ” như một thuộc tính tâm lý của dân ta. Cá nhân thì ôn thuở hàn vi của riêng mình. Còn cộng đồng, khi tự nhận thấy đã giảm được áp lực của việc phải lo cái ăn cái mặc sát sườn, thì lại có xu hướng muốn ôn lại cái thời đói khổ đến mức “không hiểu vì sao mà đất nước vẫn vượt qua?”. Ôn lại ở đây, dù dưới bất cứ hình thức nào, không chỉ có ý nghĩa là sự hồi tưởng một đoạn quá khứ “cả nước đói khổ”, mà còn là một nỗ lực tái dựng hình ảnh quá khứ, và một cách diễn giải quá khứ theo tinh thần “học xưa để hiểu nay”.

Nếu xét từ tính mục đích của các cá nhân, đơn vị làm nghệ thuật, thì thời bao cấp chắc chắn là chủ đề hấp dẫn và nhận được sự chia sẻ của công chúng khán giả ở mức không hề kém cạnh chủ đề chiến tranh, nếu không muốn nói là còn hơn. Bởi vì, thời bao cấp hiện diện như một “lịch sử gần”, một lịch sử được chứng kiến, trải nghiệm và được bảo lưu trong ký ức của ít nhất là tất cả những ai (còn sống) sinh ra vào những năm 1950, 1960, 1970. Số này, cộng thêm những người thuộc thế hệ muộn hơn nhưng lại có lòng yêu thích tìm hiểu quá khứ - một quá khứ quá đặc biệt - sẽ tạo thành lượng khán giả tiềm năng rất đáng mơ ước của các chương trình khai thác chủ đề thời bao cấp.

Nhưng vấn đề rắc rối là từ các chương trình khai thác chủ đề thời bao cấp kể trên, đã toát lên rất đậm tinh thần “nhớ thương thời bao cấp”, nhớ về một thời “dẫu đói khổ nhưng tràn đầy tình người”… Tôi cho rằng làm được như thế là một nỗ lực rất lớn của những người thực hiện, nhưng vẫn là… chưa đủ nỗ lực. Chưa đủ nỗ lực về nhận thức, hoặc cũng có thể chưa đủ nỗ lực về dũng khí để vượt qua những ràng buộc tư tưởng mà tái hiện, phục dựng, và nói về thời bao cấp một cách trúng/ đúng nhất, trong tính toàn vẹn của nó.

Ở thời điểm này nhìn lại, có lẽ chúng ta cần phải xem thời bao cấp như một sản phẩm lỗi, hỏng, lẽ ra đã không tồn tại trong tiến trình lịch sử xã hội Việt Nam thế kỷ XX. Một mặt, đó là giai đoạn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vừa phải giải quyết, dọn dẹp những hậu quả của đằng đẵng 30 năm chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, lại vừa phải tiếp tục cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, nên khó khăn là đương nhiên. Một mặt khác, quan trọng hơn, đó là giai đoạn mà nền kinh tế tập trung toàn bộ tư liệu sản xuất trong tay Nhà nước, sản xuất thì theo kế hoạch, phân phối thì theo chỉ tiêu, không có thị trường cho hàng hóa và lưu thông, sản phẩm thì bị ngăn sông cấm chợ khắp nơi… đã bộc lộ tất cả những hạn chế, yếu kém, thậm chí là những hậu quả tai hại của nó trong đời sống xã hội. Đói khổ thiếu thốn về cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại là một đặc trưng của thời bao cấp. Nhưng chưa hết, thời bao cấp còn được đặc trưng bằng sự lạc hậu, tẻ nhạt, đơn điệu, khô cứng, giáo điều, trì trệ… về đời sống tinh thần của nhân dân, như là hệ lụy của một cơ chế xã hội đóng kín và duy ý chí. Tóm lại, như nhiều người đã đề cập, thời bao cấp là một sai lầm và công cuộc Đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ cuối năm 1986 chính là sự sửa sai cần thiết.

Thế nhưng, trong các chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp về thời bao cấp, tất cả những điều đó được các diễn giả, khách mời nhớ và kể lại chỉ như những giai thoại thú vị và cảm động, vui vẻ và có pha chút ngậm ngùi mùi mẫn. Nó chỉ như cái nền để làm bật lên những câu chuyện chứng minh cho “một thời dẫu đói khổ nhưng thấm đẫm tình người”. Điều này dễ hiểu, vì tâm lý không nỡ khắc nghiệt với quá khứ của những người đã sống trải. Nhưng từ phía những người thực hiện chương trình, đặt trong yêu cầu nhận diện một “lịch sử gần”, thì đó là một sự tái hiện, phục dựng khá phiến diện. Có muôn vàn ví dụ về sự “thấm đẫm tình người” thời bao cấp được kể ra, thì cũng nên tin rằng đã có muôn vàn phản ví dụ không được nhắc đến. Thử đọc lại bài thơ Nhà chật của Lưu Quang Vũ: “… Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình/ Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông/ Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống/ Phải bỏ hết những gì không cần thiết/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình/ Khoảng không gian của anh và em/ Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác/ Anh không giấu em một nghĩ lo nào được/ Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui/ Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi/ Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/ Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời…”. Chỉ cần bắt chước Michael Riffaterre để đọc bài thơ này theo cấp độ “đọc tìm hiểu”, tức là quy chiếu văn bản ra thế giới bên ngoài, đặt nó trong một bối cảnh đời sống cụ thể để phát hiện ra nghĩa đen, nghĩa mặt chữ của nó theo trật tự tuyến tính, thì đã thấy khó mà nói rằng đây là “một thời dẫu đói khổ nhưng thấm đẫm tình người”. Nhà tập thể chật chội, nên vợ và chồng phải chia sẻ với nhau khoảng không gian sống nhỏ bé, để “cùng khổ cùng vui” trong có vẻn vẹn “mấy thước vuông” ấy. Và xuyên thấm toàn bộ bài thơ này, là một sự bức bối trước cái nỗi chật chội của đời sống, của thời cuộc. Hơn nữa, nếu gạt căn nhà cụ thể của cặp vợ chồng thi sỹ trên đây sang bên để nói tới nhà tập thể như một mô hình kiến trúc nhà ở đặc trưng cho thời bao cấp, thì cũng không thể nói rằng ở đó chỉ có “thấm đẫm tình người”. Thời ấy, các khu nhà tập thể được xây dựng là để phục vụ cho nhu cầu ở của nguồn nhân lực lao động gốc nông thôn đổ về thành thị. Họ về phố sống, tiện thể cũng mang theo toàn bộ cung cách sống ở làng. Cung cách sống ấy có những cái hay, ví như tình chan hòa thân mật, mối quan tâm lo lắng lẫn nhau giữa những người trong họ ngoài làng. Nhưng quan tâm quá thì thành rập rình xét nét, thân mật quá thì ra buông tuồng suồng sã. Rồi sự bừa bãi cẩu thả đến vô trách nhiệm của tinh thần “làm chủ tập thể” nhưng lại cha chung không ai khóc… Tất cả những cái đó biến các khu tập thể thành một phiên bản “làng trong phố”, mà về cơ bản là phá vỡ cấu trúc ổn định của trật tự đô thị. Trùm lên không gian khu tập thể là một đời sống vật chất đói khổ thiếu thốn đủ thứ và một đời sống tinh thần lạc hậu, giáo điều, ngưng trệ… Và nữa: chế độ tem phiếu và cảnh đặt gạch xếp hàng thay người, cửa hàng thực phẩm với những bà những cô mậu dịch viên chảnh chọe, những bữa ăn tươi chui lủi tránh né con mắt và lỗ tai hàng xóm, chủ nghĩa lý lịch với bao cuộc đời người bị trù dập từ lúc đầu xanh đến khi nhắm mắt lìa trần v.v... Những “khốn khổ” ấy là phản đề của sự “thấm đẫm tình người”.

Tóm lại, giả định khán giả của các chương trình về thời bao cấp là những người sinh vào những năm 1980 và sau nữa, không có chút ký ức hay ý niệm nào về thời bao cấp, thì quả là họ đã tiếp nhận từ các chương trình ấy một thời bao cấp được ướp nước hoa hoài niệm về những điều tử tế, thậm chí nên thơ. Họ sẽ chỉ thấy thời bao cấp là thời đáng nhớ và đáng tiếc, chứ không thấy nó còn là thời đáng sợ và không bao giờ có quyền lặp lại. Nó không bao giờ có quyền lặp lại, vì chúng ta đáng được sống một cách tốt hơn thời ấy rất nhiều lần! 

Nhà văn Hoài Nam

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Có thể bạn quan tâm