April 27, 2024, 4:33 pm

Thuở rừng non. Truyện ngắn dự thi của Văn Thành

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Tôi sẽ trở lại bản Nà Pang. Tất nhiên như thế. Không gì cản ngăn được việc một người già tìm về chốn xưa, nhất là nơi đã cưu mang tuổi thơ của mình. Việc chính đáng dường ấy tưởng dễ dàng, nhưng với tôi cũng thật khó khăn, Không hẳn vì chuyện tiền nong, nhưng bởi trách nhiệm thường ngày cứ lôi cuốn mãi. Tôi đã hứa với lòng mình, đã nói cả với bạn bè nhiều lần thế. Đúng như người xưa đúc kết rằng nói trước việc khó thành. Mãi tới hôm nay tôi mới bước chân tới cửa chiếc xe khách ngược lên miền Tây Bắc.

Thở phào sung sướng. Tôi quăng đồ đoàn vào cốp xe, ngả mình trên chiếc ghế đệm êm ái, đoạn nghĩ rằng chỉ ngày mai là đến. Chỉ ngày mai tức là hơn chục tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ đến cái nơi tôi đã đợi, đã ngóng... gần hết một cuộc đời. Nỗi niềm của Nà Pang bấy lâu luôn đè nặng trái tim tôi với bao kỉ niệm ngọt ngào chen lẫn đắng cay, buồn tủi. Nơi tôi đến là một vùng rừng heo hút, núi cao vực thẳm...Có suối Nậm Pang, Nậm Be, Nậm Chăng chảy quanh mấy bản nhỏ của người Thái trắng.  Nơi cùng trời cuối đất ấy bị bao bọc bởi các cánh rừng nguyên sinh quanh năm mù sương không một dấu chân người. Tuổi trẻ của tôi gắn liền với căn nhà sàn ngay đầu bản, nơi ấy xưa có tấm bìa gỗ viết dòng chữ in bằng sơn trắng: “Trường cấp 1 Nà Pang”.

Minh họa: Tô Chiêm

Hồi trẻ, tôi cùng nhóm thanh niên theo tiếng gọi cùng đi xây dựng miền Tây. Gia đình tôi rất nghèo, mẹ đã đồng ý cho tôi ra đi. Thực ra cũng để bớt một miệng ăn trong một gia đình đông con. Tôi tuy ít tuổi nhưng cũng có sức khoẻ, can đảm lại thừa óc phiêu lưu nên được đi xa với tôi là một niềm ao ước.Và như người ta thường nói: Cầu được, ước thấy. Sau một chuyến đi dài, chúng tôi được đưa đến một Nông trường quốc doanh. Nghe nói đây là một sư đoàn bộ đội chủ lực. Sau chiến dịch Điện Biên được trên cho ở lại, chuyển sang làm kinh tế cũng vừa bảo vệ miền Tây Bắc. Nông trường này nằm giữa thung lũng màu mỡ với những cánh đồng cỏ bao la, bên những dòng suối trong và mát. Nhiệm vụ của Nông trường là vừa trồng chè, cà phê và chăn nuôi gia súc. Thời gian đầu được nhà nước cấp cho lương thực như quân đội. Dần dà, những người lính về xuôi đem theo gia đình, vợ con lên đây lập nghiệp. Sau này, cuộc khai phá đất hoang thành đồi chè, cà phê... giữa vùng rừng xanh núi đỏ hoang vu với vô vàn khó khăn. Nhiều người đã nản chí. Họ lũ lượt bỏ về quê hương bản quán chứ quyết không chịu biến thành những người đồng rừng nhọ nhĩnh, thiếu thốn mọi bề. Khi này lực lượng lao động thiếu trầm trọng, các đơn vị nông trường sẵn sàng thu nhận những người bản xứ, người miền xuôi, nên đoàn chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu. Mọi người chỉ cần làm một lá đơn xin vào lao động thì được cho làm hợp đồng, sau sáu tháng sẽ xét tuyển vào làm công nhân nhà nước. Trường hợp tôi tuy chưa đủ tuổi, nên mới đầu cơ quan không nhận. May có người cùng quê bảo lãnh nên đâu vào đấy cả. Tôi được xếp vào làm phụ cho bếp ăn tập thể, được hưởng một nửa xuất lương cho đến khi xét tuyển chính thức.  Ít lâu sau cơ quan chuyển tôi sang đội chăn nuôi trâu bò cung cấp sức kéo cho Nông trường. Bao mộng ước của tôi ban đầu về viễn cảnh như trong phim giờ đành xếp lại. Giờ đây, Sáng sáng, tôi đến bếp ăn nhận suất ăn và lùa trâu bò ra những đồi cỏ mênh mông... Tây Bắc đẹp cách kì diệu với dãy Hoàng Liên Sơn cao vút, với rừng bạt ngàn, suối nước trong vắt. Những người dân tộc thiểu số bản địa ở đây hiền lành, chất phác... tôi nguôi dần đi sự mặc cảm cùng nỗi nhớ nhà.

Vào một ngày động rừng. Muông thú trên núi, trong rừng nối nhau chạy xuống bản cùng nương rẫy. Trên trời chim bay từng đàn như những đám mây... Từ trong chòi, tôi nghe tiếng trâu bò gầm vang chạy thình thịch. Có hổ! Tôi nghe có ai thét lên thế, và quả nhiên thấy trên bạt cỏ có vết máu. Hổ trong rừng đã vồ một con bê của chúng tôi tha đi mất. Tôi lùa vội đàn trâu bò vào chuồng rồi quên cả nguy hiểm, cầm con dao dò theo vết máu quyết tìm cho bằng được con bê. Tôi biết mình phải giữ gìn tài sản của nhà nước giao cho. Lúc ấy trời nổi cơn giông, sấm chớp ầm ầm. Tôi quên cả nguy hiểm cứ chạy dọc, chạy ngang thầm nghĩ nếu gặp hổ thì cứ hét lên, đốt lửa là nó chạy...mà không biết rằng trời sắp đổ mưa. Những cơn mưa ở Tây Bắc rất khủng khiếp. Nước từ trời trút xuống. Sấm chớp đỏ rực, xanh lè nổ ầm ầm rung trời chuyển đất.  Nước suối dâng lên, cuồn cuộn chảy băng băng, chỉ một lát sau đã ngập trắng một vùng. Thiếu kinh nghiệm đi rừng, tôi không thể quay lại đường cũ rồi mất dần phương hướng. Trong cơn bất lực và sợ hãi, tôi đành men theo dòng suối lũ luồn rừng mà đi. Đến chiều tối thì bỗng gặp một căn nhà sàn trên bạt đất rộng ven rừng. Nhìn thấy tôi, những người trong nhà liền chạy ra. Họ có bốn người, hai nam, hai nữ ăn vận như người Thái nhưng nói tiếng Kinh. Suốt ngày nhịn đói dầm mưa, leo rừng vượt suối lũ, lúc tôi bước lên cầu thang vào nhà thì hoa mắt chóng mặt lảo đảo. Thấy vậy mọi người xô đến vừa hỏi vừa đưa vào ngồi bên bếp lửa. Nhìn tôi, biết là công nhân nông trường lạc rừng, họ cuống quýt lấy quần áo khô cho tôi mặc. Sờ vào trán tôi, một người vui vẻ nói: “Cậu bị cảm lạnh rồi, nhưng cứ yên chí, uống viên thuốc, ăn một bát cháo lá nốt là khỏi liền. Mai nước rút chúng tớ đưa về”.  Sau này tôi biết đó là trường học duy nhất của xã nằm đầu bản Nà Pang, cách đội Nông trường của tôi gần hai mươi cây số. Trường hiện có bốn người, ngoài Thầy Khoa hiệu trưởng, còn thày Thảo nom như thư sinh. Có hai cô giáo người Thái là cô Ẻn và cô Sa. Cô Ẻn đã lớn tuổi, cô Sa cũng cỡ tuổi tôi. Tôi được một phen hú vía, vừa thoát chết lại gặp ngay ân nhân cho ăn, cho mặc. Tôi nhắm mắt thầm cảm ơn trời.

Hôm sau vẫn mưa như trút, nước lũ ngang trời. Tôi đành phải ở lại, nghe nói phải vài ngày nữa nước rút mới về nhà được. Tôi hết nằm lại ngồi, lo cho đàn bò ở vùng thấp dễ bị nước cuốn đi. Đêm qua, tôi nằm trong chăn ấm mà sao vẫn nghe trong tiếng sấm sét ầm ầm như văng vẳng tiếng những người trong tổ gào thét gọi tên tôi.

Nhìn thấy tôi buồn thiu như thế, Hai thầy giáo kéo tôi ra hiên nhà, lân la hỏi chuyện. Thầy giáo tên Thảo bất ngờ hỏi tôi “Cậu có biết chữ không”. “Có”... Thảo reo lên “Thế à?”. Anh lôi tôi vào ngồi trong văn phòng, cầm một chồng sách đến bảo tôi đọc, viết và làm vài phép tính. Tôi làm được, anh vừa ý lắm. Sau thấy hai anh thì thầm to nhỏ với nhau, vẻ phấn khởi ra mặt. Chiều đến, sau bữa cơm, anh Khoa và anh Thảo tức là thầy hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường mời tôi ra ghế ngồi, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của tôi rồi thầy Khoa nói. “Cậu đến đây cũng may cho cậu lại may cho trường vì ở đây học sinh khá đông, lại đang thiếu giáo viên dạy”. Hai thầy nói trình độ của tôi gọi là tạm được, nếu được hướng dẫn ít ngày là có thể lên lớp dạy trẻ được. Hai thầy hỏi tôi có muốn theo nghề dạy học không. Chỉ cần muốn là thày hiệu trưởng sẽ ra Nông trường xin phép chuyển tôi vào đây phụ dạy, và đề nghị cơ quan cấp trên tiếp nhận, để sau này có dịp sẽ cho đi học tiếp.

Tôi hoảng quá, nói rằng mình chỉ là học sinh, viết đọc chưa thạo sao dám đi dạy học. “Cho em nghỉ nhờ, mai mưa tạnh xin hai anh cho em về đội Nông trường nhé”. Anh Khoa lặng yên trong khi anh Thảo ra sức thuyết phục tôi, nào là vinh dự, rồi tuổi trẻ phải góp phần xây dựng vùng cao... khi biết tôi không ở lại, hai người lặng lẽ quay mặt đi buồn lắm. Đêm ấy, tôi cũng không sao ngủ được vì bị câu chuyện ban sáng ám ảnh. Nhớ lại từ lúc tôi lê bước đến đây, các anh chị chăm sóc như thể người ruột thịt gặp nạn. Họ dành cho tôi đồ ăn uống ngon nhất, chăn đắp, áo quần, thuốc men... khi còn chưa biết tôi là người thế nào. Nhưng điều làm tôi cảm động nhất là ngôi trường chỉ có một căn nhà sàn lợp nứa đơn sơ, tuềnh toàng giữa rừng. Tài sản chả có gì ngoài một bao gạo, một rổ sắn cùng vài cái nồi niêu sứt mẻ. Gọi là lớp học cũng chỉ có vài tấm bìa gỗ tồi tàn ghép thành bàn ghế, nơi dành cho học sinh đến học. Vậy mà họ sống vui vẻ, rất hồn nhiên làm tôi vô cùng cảm mến. Nghĩ đến đây tôi mủi lòng thở dài... Sáng hôm sau tôi gặp hai thầy và đồng ý ở lại với điều kiện được cơ quan đội Nông trường cho phép.

Ít ngày sau, thầy Khoa dẫn tôi ra lớp làm quen với học trò. Tôi bỗng run lên bần bật khi đứng trước một lũ trẻ con chừng đôi chục đứa, lớn có, bé có đã ngồi sẵn ở hai hàng ghế giữa nhà sàn. Thầy Khoa đứng lên ổn định trật tự, sau trịnh trọng nói: “Đây là thầy Văn mới được chuyển về trường ta, các em vỗ tay nào”. Sau tràng vỗ tay bôm bốp, mặt tôi nóng ran, tuy vậy tôi trấn tĩnh nhớ lại lời thầy Khoa dặn đi, dặn lại đêm qua: Cứ tỉnh bơ đi mày ạ. Quả nhiên tôi đứng phắt dậy tiến ra giữa lớp học, hít một hơi dài và nói: “Anh chào các em”.

Sau này nhớ lại, tôi vừa xấu hổ, vừa buồn cười vì không ngờ mình lại làm được cái việc tày trời như thế. Không rõ cái mái tóc thầy Thảo mới cắt ra sao, bộ quần xanh công nhân và chiếc sơ mi trắng cộc tay của Thầy Khoa mới cho kèm theo đôi dép cao su trông tôi thế nào mà cả lớp ồ lên. Tôi bất ngờ vì trẻ con ở bản nói tiếng Kinh giỏi thế. Chúng tranh nhau hỏi: “Thầy xinh quá, trắng quá, hiền quá...đã có vợ chưa? Thầy hát một bài đi nào”. Riêng khoản hát thì tôi không ngại. Nhìn lại thấy thầy Khoa gật đầu đồng ý, tôi hắng giọng rồi ngửa mặt lên trời, ồ ồ hát luôn bài hát của học sinh miền xuôi mà tôi đã thuộc lòng: “Trường em ven làng, hàng cây xanh đỏ hoa quanh trường, nơi mến thương là đây, nơi có thầy có bạn...”. Lần này thì không chỉ cánh học trò mà cả thầy Khoa cùng các phụ huynh đưa con đến học ngồi dự cũng vỗ tay khen, thầy hát hay quá.

Ngày đầu tiên tôi làm thầy giáo như thế. Những ngày sau đó, tôi được hai thầy đưa đi vào các bản lân cận làm quen với các gia đình học trò. Ít ngày sau thầy Khoa, thầy Thảo đi dạy bổ túc ở các bản xa mấy ngày mới về. Công việc ở trường được phân công: Lớp học sinh nhỏ học tiếng và đọc chữ do cô Ẻn, cô Sa phụ trách. Tôi được thầy Khoa giao cho phụ trách lớp học sinh lớn. Lớp này gồm hơn chục cô cậu tuổi từ mười đến mười lăm tuổi đã đọc và viết khá thạo, tôi trông chúng làm toán và viết chính tả. Những ngày đầu tiên, các trò vui lắm rủ nhau đi học rất đều. Nhưng sau này, khi vắng thầy Khoa, chúng đến thưa dần, có buổi chỉ có dăm đứa, ăn mặc nhếnh nhác, tóc tai bù xù, đi tay không đến lớp. Có đứa đi học địu cả em đến, em khóc thì đem em vào giường thầy giáo nằm ru em, rồi cùng em ngủ khì đến trưa. Mấy ngày liền chúng chỉ đến đòi tôi dạy hát, sau ngồi chơi không chịu chép, đọc bài. Hỏi bài thì chúng kêu khó và cười nói “quên hết rồi”. Có thể chúng nhận ra tôi không nói được tiếng Thái nên trêu thầy bằng cách nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, tiếng Lào khiến tôi vừa xấu hổ, tức lộn ruột nhưng cũng chỉ biết cười trừ. Nhận thấy điều ấy, các thầy cô bàn với nhau cùng giúp tôi. Theo đó thầy Khoa dạy tôi về đọc, lên lớp và soạn giáo án. Thầy Thảo dạy tôi cách viết chữ cho đẹp, chuẩn. Cô Ẻn, cô Sa dạy tôi tiếng và phong tục người Thái, Lào. Để không phụ công của mọi người, tôi lao vào học không biết nghỉ. Ngày trông học trò trên lớp. Tối đến dưới ánh đèn dầu tôi mới học cách làm thầy. Mãi sau này tôi được biết thầy Khoa, thầy Thảo quê ở Thái Bình và cả hai đang học sư phạm dở dang đã cùng nhau làm đơn xung phong lên xây dựng miền Tây, được trên cử về Nà Pang mấy năm nay. Đời sống rất thiếu thốn, mỗi năm họ chỉ nhận được đôi lá thư nhà.

Ở trường Nà Pang hồi ấy cô Ẻn là cao tuổi nhất. Cô vừa đẹp người, lại khéo léo. Chồng cô là bộ đội biên phòng đóng quân ngay gần nhà. Mẹ con cô ở với gia đình nhà chồng trong một căn nhà sàn lớn giữa bản. Với chúng tôi, cô như người chị cả. Ngoài cô Ẻn, ba chúng tôi rặt trai tân, gái tân. Thầy Khoa 28 tuổi, nghe nói có vợ sắp cưới ở dưới quê, thầy Thảo xấp xỉ tuổi thầy Khoa, nghe nói đang yêu một cô diễn viên xinh đẹp ở đoàn Văn công ngoài tỉnh. Nói thế nhưng cũng chưa ai gặp. Cô Sa người trong bản vừa mới xin hợp đồng. Cô này da đen, lại cao nghều. Sa rất ít nói và như tôi nghĩ thì cô ta không có duyên. Từ khi tôi đến trường, thái độ của cô với tôi khá lạnh nhạt. Đã đôi lần tôi hỏi chuyện cho thân mật nhưng cô đều tìm cách lảng tránh. Không như cô Ẻn, thỉnh thoảng lại mặc áo hoa, áo trắng như người Kinh, cô Sa của chúng tôi suốt năm đầu đội khăn vuông, váy quây cũ, áo cóm cũ và luôn đi chân đất tới trường, có hôm nhìn thấy cô đến lớp, trên môi vẫn còn dính mấy hạt muối vừng. “Tính nó thế”, cô Ẻn bảo vậy. Riêng tôi tuy trẻ nhưng cũng tạm biết cách giao tiếp với mọi người, đặc biệt là cánh phụ nữ người dân tộc. Mẹ tôi nói: “Cứ tránh xa ra, nó mà cho một lá bùa thì chẳng biết đường về nhà đâu con ơi”. 

Mỗi sáng đến, thầy Khoa ra cổng trường gõ một hồi kẻng thật dài. Cùng lúc cô Ẻn đặt một nồi cháo ngô, một nồi xôi sắn đựng vào chiếc giỏ mây gọi là cống khẩu. Cô Sa đun một nồi nước gạo rang làm nước uống. Đó là bữa ăn trong ngày của thầy cô và cả học trò. Tất cả tiêu chuẩn gạo, tiền lương ít ỏi của các thầy cô đều được cô Ẻn quản lý chi dùng. Khi thiếu, cô Ẻn lại về lấy của nhà mang sang, nên đời sống của chúng tôi tạm đầy đủ. Chúng tôi cùng đổi phiếu vải thành quần áo chàm như hệt các thanh niên Thái, thứ vải phổ thông này vừa rẻ, lại bền.

Những ngày đầu háo hức qua nhanh. Giờ đây, chiều đến tôi bơ vơ giữa ngôi nhà sàn của trường vắng tanh. Tôi lủi thủi một mình cầm giỏ ra suối mò cá, hái rau... Tối đến lại một mình ngồi bên đống lửa rồi đi ngủ. Dạo này tôi hay ngồi nghĩ gần, nghĩ xa. Nhớ đội Nông trường, nhớ mẹ và các em ở tận quê, đã từ lâu chẳng có tin tức gì... Nhìn đi nhìn lại chỉ thấy mình đơn độc giữa nơi chim kêu vượn hót. Bạt ngàn rừng xanh sương trắng giăng suốt ngày đêm...Giờ tôi mới thấy mình sống trong cô đơn.

Một hôm tôi gặp lão Sênh nhà ở cuối bản. Lão Sênh là một người đàn ông béo tốt, da đỏ hây hây như người thành phố. Nhìn thấy tôi thất thểu ngoài suối, lão cười hề hề rủ tôi sang nhà lão chơi xem con chim trĩ lão mới bẫy được. Lão mời bằng được tôi vào nhà, rót một bát rượu ra mời tôi uống và kể chuyện. “Mày là thày giáo à, cứ sang đây chơi với tao cho vui”. Lão Sênh nói tiếng Kinh không chê được. Chuyện lão Sênh kể vừa hóm vừa hay, thỉnh thoảng lão lại dậy cho dăm câu tiếng Thái làm tôi vô cùng thích thú. Nghe nói vợ lão Sênh trẻ và rất đẹp, người Lào. Hiện giờ cô ta đang ở bên kia sông Nậm Mu, thỉnh thoảng mới về đây. Lão Sênh không làm nương nhưng nhà lão lại khá giả trong bản. Là người khéo tay, lão có nghề đan giỏ mây và lồng chim bán cho người trong bản. Ngoài ra lão vẫn đi ngựa ra cửa hàng huyện, mua muối rồi gùi sang Lào đổi lấy thịt trâu hun khói về ăn, ai mua thì cũng bán. Từ khi gặp được lão Sênh, thỉnh thoảng tôi lại lội suối sang chơi. Một lần lão hỏi đại để dậy học thì được bao nhiêu tiền. Tôi thành thực bảo ít lắm. Lão giơ ra một đồng bạc trắng và nói nếu mua được thứ này mà theo lão đem sang Lào bán thì “Chả mấy chốc mà giàu đâu. Có tiền nhiều thì muốn bao nhiêu gái đẹp cũng có nhé”. Nghe lão nói ngon ngọt thế, máu phiêu lưu bỗng nổi lên, tôi nghĩ bụng nhất định sẽ đi theo lão một chuyến xem sao. Có hôm uống rượu xong, tôi thấy lão ngậm cái tẩu hơ vào đèn rồi hít một cái. “Thầy giáo thử một hơi đi, nhựa cây thôi mà”. Thấy hay hay, tôi ghé mồm rít một hơi thật dài, chả thấy có vị gì. Nhưng từ đấy cứ tối đến, tôi lại bỏ trường lần mò sang nhà lão để uống rượu và thỉnh thoảng lại ghé mồm rít tí thuốc nhựa cây ấy.

Một tối, thầy Khoa đi bản về không thấy tôi ở nhà, rồi bắt gặp tôi rượu say loạng choạng ngoài bờ suối. Thầy lôi tôi về trường hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện. Mặt thầy đanh lại rồi tái mét khi biết tôi đã cùng lão Sênh hút thuốc phiện và uống rượu. Tưởng thầy sẽ vả vào mặt, hay chửi mắng tôi một trận. Nhưng không. Thầy ngồi yên với vẻ mặt đau đớn, khốn khổ tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Thầy bảo rằng thế là hết. “Thằng Văn, mày phá tan cái nhà trường này rồi...”. Cuối cùng thầy bảo ngay ngày mai tôi phải thu dọn quần áo để thầy đưa về trả lại đội Nông trường. “Vâng ạ”, tôi cúi đầu. Thầy ôm ngực ho sù sụ rồi trở về giường ngủ. Tôi biết mấy ngày nay thầy đang ốm. Đêm ấy, tôi nằm vật vã không ngủ được xấu hổ, lo sợ và ân hận. Nghĩ đến việc Nông trường chắc chắn sẽ đuổi tôi về quê. Đời tôi sẽ ra sao, vác cái mặt này về quê thì mẹ tôi cùng lũ em tôi khổ nhục biết chừng nào.Tôi nghĩ đến sáng mai sẽ bằng mọi giá xin thầy Khoa cho ở lại.

Nhưng ngày hôm sau lại xảy ra chuyện thầy Thảo trên đường đi bị ngã phải nằm lại ở bản. Hai mẹ con cô Ẻn ốm đang cấp cứu ở bệnh viện Nông trường. Vài ngày sau, thầy Khoa có giấy triệu tập về tận Mường Than họp chuyên môn. Công việc dạy học ở trường chỉ còn tôi và cô Sa. Trước lúc đi, thầy Khoa gọi tôi lại giao nghiêm nghị bảo: “Cậu biết phải làm gì rồi đấy! Cậu thay tôi phụ trách trường, biết chưa?”. “Thưa thầy vâng ạ” tôi vội vàng nói như sợ thầy đổi ý.

Những ngày này tôi làm việc như quên cả thời gian. Sáng sớm khi sương còn mù mịt tôi đã dậy nhóm bếp đun nước và lau sạch nhà cửa, bàn ghế để chuẩn bị đón học trò. Đến giờ, tôi đánh một hồi kẻng thật dài. Sau lại cùng cô Sa nấu cháo, luộc ngô cho học trò ăn trưa, khi mọi việc hoàn tất cũng vừa đúng lúc các học trò kéo nhau đến lớp. Chiều tan học, tôi đưa học trò qua suối rồi mới quay về trường. Tối đến, tôi vùi đầu vào đọc sách. Ghi ghi, chép chép, chuẩn bị bài mới... Mọi việc nghe ra ổn cả. Những ngày ấy, Sa như cảm tình với tôi hơn. Có hôm cô còn khen: “Chịu khó quá nhỉ”... Dĩ nhiên là từ dạo ấy, tôi không bao giờ bước chân sang nhà lão Sênh nữa. Hình như lão cũng không có ở nhà. Thấy có người nói thời gian này lão bỗng rấp lá tươi trước cửa cấm người vào. Người lại nói lão đã bơi qua sông Nậm Mu sang đất Lào ở, vì vợ con lão sống cả bên ấy.

Khi mẹ con cô Ẻn khoẻ mạnh ra viện thì thầy Thảo cũng chống gậy lom khom về tới trường. Mấy ngày sau, thầy Khoa từ huyện về. Thầy nhờ hẳn một chuyến ngựa thồ lặc lè những sách vở, nhu yếu phẩm cho trường cùng quà bánh của phòng giáo dục gửi lên. Tối ấy, nhà trường nấu bữa cơm thịt để liên hoan. Trong bữa ăn, thầy Khoa đứng lên khen ngợi tôi và cô Sa đã có rất nhiều cố gắng trong công việc duy trì học tập. Thầy Khoa cũng vui vẻ thông báo trên sắp điều thêm hai cô giáo trẻ về đây và năm tới trường sẽ mở thêm lớp học. Những ngày này trường vui như mở hội. Căn nhà sàn như sáng lên bởi những dòng khẩu hiệu dán trên hiên nhà. Khuôn viên được phát cỏ, quanh trường có hàng rào mới, nhất là con đường dẫn vào trường vốn lầy lội nay được kè bằng đá cho thật rộng, thật đẹp...vì năm học mới đã đến gần.

Vậy mà một ngày, tôi đang ở ngoài bản thì có tin gọi về trường gấp. Tới nơi, tôi ngạc nhiên thấy mọi người đều có mặt trong phòng thầy Khoa. Tất cả như chờ đợi tôi với vẻ mặt nghiêm trọng khác thường. Trong tay thầy Khoa là hai tờ giấy đóng triện đỏ “Khẩn”. Theo đó tôi và thầy Khoa có quyết định ngay chiều nay sẽ lên đường nhập ngũ. Không khí trong nhà sàn im lặng như tờ. Sự việc quá bất ngờ khiến chúng tôi thực sự bàng hoàng. Dường như cô Ẻn và cô Sa bật khóc. Nhưng bằng giọng nói điềm tĩnh của thầy hiệu trưởng. Thầy Khoa đọc tờ giấy quyết định xong liền có lời nhắc nhở chúng tôi. Thầy nêu rõ trách nhiệm của tuổi trẻ khi đất nước đang chiến tranh. Sau đó, thầy bàn giao cho thầy Thảo phụ trách trường, cô Ẻn, cô Sa nhận các việc còn lại.

Bữa cơm chia tay khá tươm tất do cô Ẻn, cô Sa chuẩn bị sẵn được bày ra. Nhưng năm người chúng tôi chỉ ngồi nhìn nhau, nước mắt đầm đìa.

Giờ phút chia tay cũng đến. Chúng tôi bắt tay, ôm nhau, cố nói lời chúc nhau thật vui vẻ. Chả hiểu sao, lúc ấy Sa bỗng trở thành con người khác. Từ nãy đến giờ, tôi thấy cô vẫn sụt sịt vừa cúi đầu vừa lau nước mắt. Nhưng khi tôi vừa khoác túi dết lên vai thì Sa bỗng thốt lên gọi tên tôi “Văn ơi...” rồi oà khóc. Mặt tái nhợt, cô lao mình lại phía tôi bằng cặp mắt đỏ hoe trước cái nhìn sửng sốt của mọi người. Cô ào tới, vuốt má tôi rồi bất ngờ kéo tôi lại cách quyết liệt. Cô hôn lên má, lên mắt, lên tóc tôi... Sa nói những câu gì đó tôi không nghe rõ, chỉ nhớ mang máng rằng từ nay Sa sẽ rất nhớ tôi. Năm ấy tôi mười tám tuổi.

Sau này khi đã là người lính Trường Sơn, những kí ức tuổi trẻ của tôi ở ngôi trường bé nhỏ đầu bản Nà Pang cùng khuôn mặt các đồng nghiệp hằng đêm vẫn hiện về trong giấc ngủ suốt thời chiến tranh. Tôi mơ thấy bản, thấy suối, thấy khuôn mặt các học trò. Tôi mơ thấy tôi thuở dại khờ đã đến với mẹ miền Tây, người mẹ khó nghèo đói cơm nhạt muối. Mẹ miền Tây cưu mang tôi. Mẹ miền Tây dang tay che chắn, xót thương tôi. Mẹ miền Tây nhất mực dạy dỗ tôi thành một con người.

Về cái hôn của Sa thì sau này tôi đã hiểu đó chưa phải là cái hôn của tình yêu. Đó chỉ là món quà quý giá mà đồng nghiệp tặng cho tôi trước lúc lên đường. Trong một bài thơ tôi đã gọi cái hôn ấy là nụ ngọt, “Em trao tôi nụ ngọt thuở rừng non”.

Truyện ngắn dự thi của Văn Thành

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm