May 2, 2024, 7:44 pm

Thư gửi mẹ trước giờ ra trận

Trên chuyến tàu lên biên giới phía bắc tháng 3/1979, bạn bè ai cũng có phần việc của họ, không nhờ vả ai để viết giùm thư được, anh quyết định báo tin về nhà theo cách của mình. “Lá thư” ấy không có một ký tự nào nhưng vẫn đến được với mẹ anh. Đó là bức thư kỳ lạ nhất của một người lính trong cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược 45 năm trước.

Anh Nguyễn Rê vừa thoát ra từ rừng cỏ. Ảnh: Phạm Đương

Anh tên là Nguyễn Rê, còn có một tên nữa là Nguyễn Quang, người cùng làng với tôi, nay là xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Năm 16 tuổi (1974), anh Rê gia nhập du kích xã để tham gia “chống Mỹ cứu nước”, 18 tuổi, anh lại lên đường vào bộ đội tham gia giải phóng Campuchia rồi quay ngược ra biên giới phía bắc chống quân Trung Quốc xâm lược. Hai lần ra trận trước hai kẻ thù khác nhau nhưng anh Rê vẫn là người mù chữ. Chiếc áo hôm mẹ tiễn anh lên đường vào bộ đội (1976) được anh ném xuống đường tàu thay lá thư báo tin cho mẹ ngày anh lên biên giới phía bắc.

Có lần tôi hỏi ông Năm Nhuận, từng làm Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Hà trong chiến tranh chống Mỹ: “Anh Rê không biết chữ mà sao các anh không dạy chữ cho ảnh, để ảnh mù chữ từ chống Mỹ sang chống Trung Quốc vậy?”. Ông Năm Nhuận chậm rãi kể: “Hồi ấy, ngày nào cũng chạy càn, kiếm cái củ mì bỏ vào bụng đã khó, nói gì dạy chữ! Dẫn nó (tức anh Rê)  lên núi, đặt lại cho nó cái tên mới là Quang, bày cho nó cách sử dụng súng AR15 và AK thành thạo là “duyệt” luôn vào “biên chế du kích”. Thời ấy chỉ cần bóp cò và ngắm đầu ruồi nòng súng sao cho trúng mục tiêu chứ đâu cần chữ!”.

Anh Rê sinh năm 1958 nhưng được ghi trong lý lịch là người từng tham gia “đánh Mỹ”, kể cũng khó tin thật. Làng Hà Nhai của tôi thuộc vùng “xôi đậu”, tức ban ngày lính quốc gia kiểm soát, ban đêm quân giải phóng có thể về “thăm nhà” bình thường. Vì vậy, hễ thấy thằng nhóc nào “nhổ giò” (dậy thì) là mấy ông giải phóng về dẫn đi lúc nào không biết. Năm 1974, anh Rê 16 tuổi, đang “nhổ giò” nên việc anh “tham gia chống Mỹ” là chuyện đương nhiên, dù chỉ “chống” có mấy tháng thì chiến tranh kết thúc.

Còn nhớ, vào một đêm cuối hè của năm 1974, nhiều thanh niên trong làng có lệnh triệu tập lên trường thôn, ngôi trường tiểu học chỉ dạy đến hai lớp 1 và 2, để nghe cán bộ “ở trên về” phổ biến một số chủ trương của cách mạng liên quan đến việc “diệt ác trừ gian”. Nói cho có vẻ “chính trị” như vậy chứ thực chất là gom số thiếu niên “sắp thành người lớn” lại rồi dẫn lên núi, cho học tập chính trị dăm ba hôm “quán triệt” tư tưởng, sau đó là nghe “phát động tinh thần yêu nước, xung phong vào bộ đội” để giải phóng miền Nam. Là vùng đất “ngày quốc gia, đêm cộng sản”, quê tôi bị chà đi xát lại không biết bao lần chung quanh câu chuyện bắt lính như thế, không theo phía bên này thì cũng ngã về phía bên kia. Thành ra, trong làng gần như chỉ còn phụ nữ và người già. Việc một thiếu niên nào đó trong làng bỗng dưng “mất tích” trong đêm là biết mấy ông giải phóng trên rừng về dẫn đi rồi. Anh Rê cũng nằm trong diện “mất tích “ đột ngột như vậy. Không biết chữ, lại mới ngấp nghé tuổi thanh niên, Rê không được vào bộ đội mà chỉ được làm du kích xã. Đây như một trạm dừng chân, đợi vài năm sau, khi đã sử dụng thành thạo các loại súng tiểu liên, khi đã thành một chàng trai vạm vỡ, dạn dày trận mạc- dù là đánh đấm theo kiểu du kích, thì sẽ gia nhập bộ đội chủ lực mấy hồi. Một tuần sau ngày “nhảy núi” vào du kích, Rê có mặt ở làng vào một buổi chiều chập choạng. Đám trẻ con chúng tôi kém Rê vài ba tuổi, nhìn anh bằng đôi mắt ngưỡng mộ lẫn thèm thuồng. Suốt ngày Rê cầm roi bám đít trâu, nay vác khẩu AK, dù khi khoác vào, mũi súng suýt chấm đất, nhưng oai phết.

Nghe người ta nói hôm “quán triệt tư tưởng”, rằng làm trai thời đất nước có giặc thì phải lên đường đuổi giặc ngoại xâm. Thế là xung phong đăng ký, chẳng toan tính gì. Với anh Rê, việc cầm súng cũng như cầm cuốc cầm cày. Vậy nên khi hết giặc, anh lại trở về quê và tiếp tục... bám đuôi trâu như trước khi anh “nhảy núi”. Mẹ anh, bà Xê, là người phụ nữ nhân hậu, mỗi tội quá nghèo. Nghèo đến mức, cái chữ của bà cũng “nghèo” nốt. Bà cứ theo thứ tự A, B, C mà đặt tên cho con. Có lẽ bà muốn “xóa mù” cho mình vào tên của từng đứa con chăng? Thấy bà đặt tên theo mẫu tự như thế, những người có máu hài hước trong làng bảo rằng bà sẽ đẻ đến khi không còn chữ cái để đặt tên cho con thì mới thôi. Nhưng cũng chỉ đẻ đến anh Rê thì chồng chết. Tổng cộng 6 đứa, Rê là con út.

Trong chiến tranh, 16 tuổi đi du kích thì được nhưng khi hòa bình, 17 tuổi sẽ không được đi bộ đội vì chưa đủ tuổi. Năm 1975, Rê 17 tuổi, đội du kích của xã thì đã giải tán mà lính chính quy thì không đủ “chuẩn” để lên đường. Lãnh đạo xã cũng đã có ý để Rê đi học bổ túc văn hóa nhưng nạp cái chữ vào đầu lúc này với anh còn khó hơn lên … trời. Thế là Rê trở về làng tiếp tục bám đuôi trâu chứ không theo đường binh nghiệp. Nhưng rồi “đời lính” một lần nữa đã gọi tên anh. Mùa hè năm 1976, Rê đúng 18 tuổi, anh nhập ngũ. Lần này thì bước lên “cầu vinh quang” và làm lính chủ lực hẳn hoi chứ không còn “nhảy núi” trong đêm như hai năm trước.

Thời ấy, ban tuyển quân không quá chú trọng đến “trình độ học vấn” nên Rê là người duy nhất của làng lên đường làm nghĩa vụ quân sự mà không biết chữ nào. Suốt 6 năm con trai tại ngũ, bà Xê mẹ anh cũng là người duy nhất trong làng không nhận được thư con. Đúng ra là bà chỉ một lần nhận thư con nhưng đó là lá thư vô cùng đặc biệt lúc anh Rê trên đường chuyển quân ra bắc vào tháng 3 năm 1979.

*

Ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia tiến quân vào giải phóng Phnom Penh. Áo của những người lính trận còn lấm lem bùn đất chiến hào, súng AK của họ chưa kịp khóa nấc an toàn, thì bất ngờ 6 tỉnh biên giới phía bắc nước nhà chìm trong khói súng. Những sư đoàn, binh đoàn chủ lực lại vội vã hành quân lên biên giới. Một bộ phận chuyển quân bằng không vận, số còn lại đi bằng tàu lửa. Anh Rê cùng đồng đội lên tàu tại ga Diêu Trì, tỉnh Nghĩa Bình (nay thuộc Bình Định).

“Từ bên Campuchia về theo đường 19 bằng xe quân sự, chạy xuyên đêm. Nghe thủ trưởng bảo ra biên giới phía bắc đánh Trung Quốc nhưng chẳng có cách gì để báo tin cho mẹ mình cả. Suốt 3 năm từ 1976 cho đến lúc đó, mình chẳng nhờ ai viết thư hết vì nghĩ sắp ra lính rồi. Nhưng lần này lên biên giới phía bắc, đánh nhau to nên phải nhờ ai đó viết giúp mấy dòng gửi mẹ. Cũng định vậy nhưng phần thì đi xe xuyên đêm, phần thì mỗi người một việc nên chả nhờ ai được. Cuối cùng mình đã quyết định…”, anh Rê nhớ lại thời điểm anh cùng đồng đội về tập kết tại ga Diêu Trì và đưa ra “quyết định” kỳ lạ nhất trong đời lính của mình.

Làng tôi nằm dọc theo đường tàu chừng 3 cây số. Nhiều buổi sáng cuối xuân đầu hạ của năm 1979, những người phụ nữ đi làm đồng sớm của làng vẫn thường bắt gặp những lá thư không có bì, không tem, ai cũng có thể xem được. Nội dung sơ sài, chữ viết nguệch ngoạc, có lẽ người viết thư ghi vội trên ba lô, trên thành tàu. “Cha mẹ kính yêu! Con và các bạn trên đường lên biên giới phía bắc rồi...”, “Em và con yêu thương! Khi em nhận được thư này thì anh cùng đồng đội đang ở mặt trận Lạng Sơn…”… Cuối những bức thư ấy, bao giờ cũng có câu này: “Bà con cô bác nào nhận được thư này, nhờ chuyển giùm đến địa chỉ….”. Đó là những lá thư không thể cô đọng hơn mà người lính gửi về gia đình trong những năm chiến tranh biên giới.

Nghe người làng kháo nhau là dạo này dọc đường tàu, bộ đội hay thả thư xuống nhờ người chuyển hộ, bà Xê rất chăm ra đồng sớm. Gặp ai nhặt lá thư nào bà cũng thăm hỏi xem có thư thằng Rê của bà không, dù bà biết, con trai bà chưa từng biết chữ. Rồi lá thư mà bà mong ước hằng đêm ấy cũng đã đến với bà trong một buổi sáng, sương mù còn giăng kín đường tàu...

Như mọi buổi sáng, những người đàn bà trong làng lại ra đồng sớm. Những lá thư dọc đường tàu lại xuất hiện. Bất chợt bà Xê cúi nhặt một chiếc áo cũ. Thoáng thấy nó nằm lăn lóc bên vệ cỏ, bà đã nhận ra ngay. Đó là chiếc áo mà bà đã gói ghém bỏ vào túi xách của con trai hôm tiễn anh Rê ra trận 3 năm trước đó. Với người mẹ ấy, hình như mùi mồ hôi quen thuộc của đứa con trai 18 tuổi năm nào vẫn còn vương vất trong chiếc áo này. Bà Xê ôm chiếc áo trong lòng như ôm đứa con mà bà hằng mong thư nó kể từ khi biên giới phía bắc rền vang tiếng súng.

Hôm ở ga Diêu Trì, trong lúc chẳng nhờ ai viết thư hộ để gửi mẹ mình, anh Rê quyết định lôi trong đáy ba lô chiếc áo cũ để khi tàu chạy ngang qua làng mình, anh sẽ vất nó xuống báo tin cho mẹ mình biết là con trai bà đã lên biên giới phía bắc. Và mẹ anh đã nhận ra “thông điệp” có một không hai ấy từ một chiếc áo cũ của đứa con trai…

Tôi về làng, gặp Rê vừa lúc anh thoát ra từ rừng cỏ, lưng áo đẫm mồ hôi. Trông anh hom hem quá. “Anh có còn giữ “lá thư” gửi mẹ anh 40 năm trước chứ?”. Anh cười móm mém: “Mẹ mình trước khi mất có đề nghị được đem chiếc áo ấy theo nên nó cũng đi cùng cụ hơn chục năm rồi”.

Giọng anh Rê như lạc trong tiếng rít của đoàn tàu đang chạy qua làng. Đã nhiều chục năm rồi, bao nhiêu đoàn tàu đã chạy ngang qua làng tôi như thế. Không một bức thư nào được ném xuống như 45 năm trước.

Tôi nhủ thầm, lạy trời, đừng bao giờ có những bức thư như thế nữa!

Bút ký của Phạm Đương

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm