April 28, 2024, 12:55 am

Thơ là nghệ thuật chưng cất của ngôn từ*

Thi sĩ Chế Lan Viên hiện vẫn còn là bí mật của thời đại chúng ta và trong thế kỷ 20 ông là người theo đuổi nhiều nhất suy nghĩ về thơ và nghệ thuật làm thơ. Có lần ông viết:

Đã đốt lửa lên phải thắp sáng một cái gì

       … Bài thơ anh làm, anh làm nửa mà thôi

Còn một nửa để mùa thu làm lấy.

Lần khác ông tâm sự:

Câu thơ nằm ở giữa bể sóng không yên

Và hạt muối chói ngời

Giữa hai mặt đối lập và thống nhất kia chuếnh choáng.

Lại có lần khi viết về Long Thành cầm giả ca, Chế Lan Viên nhắn nhủ :

Bao nhiêu người cho cô vàng chỉ người ấy cho sự im lặng và giọt lệ.

     Điều mà Chế Lan Viên gọi là đốt lửa lên thắp sáng một cái gì, một nửa bài thơ để mùa Thu làm lấy, Thơ nằm ở giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời cũng như sự im lặng và giọt lệ của Nguyễn Du đã tặng người hát rong ở Long Thành trong thơ ấy, tôi muốn gọi tên tất cả những điều đó bằng tên gọi Khoảng lặng của thi ca như là một thi pháp đặc trưng của thi ca. Xưa và nay.

Thi ca khác với văn xuôi mà có người gọi là bánh đúc bày sàng; Tiểu thuyết, truyện ngắn thường kể câu chuyện càng chi tiết bao nhiêu càng tốt và đương nhiên là những chi tiết chọn lọc. Thi ca không phải là câu chuyện kể có đầu có đuôi, thậm chí cũng không thật  câu nệ tính chính xác của sự kiện như là mơ hồ trong câu thơ: Mai chị lấy chồng, ở mãi Giang Đông, dưới làn mây trắng, cách mấy con sông… Không ai hỏi Hàn Mặc Tử chị ông lấy chồng ở làng xã nào. Chả thế mà Âu Dương Tu (1) nói rằng: Làm thơ mà tự mình chú thích xuất xứ, người xưa không hề làm thơ mà phải chờ chú thích đã không phải là loại thơ hay. Đã có lúc thời thế kỷ 20, có người cổ xúy cho việc đưa nhiều chi tiết thực tế vào thơ đã không được nhiều người làm thơ ủng hộ. Chủ trương đó cũng không mang lại mấy thành tựu cho thơ. Thi ca, đặc biệt là thi ca lãng mạn không chủ trương phải tuần tự kể hết sự việc cũng như giãi bày hết cảm xúc, giảng giải, thuyết giáo ý tưởng thơ mà biết dừng lại để suy tưởng thơ nối tiếp, để siêu thực nối dài hiện thực, để cái ngẫu nhiên phô diễn cái tất nhiên, để rung lên những ý tưởng và cảm xúc thẩm mỹ, để thi ca vang vọng đến những miền bất tận của ý nghĩa, để chân ảo chan hòa mở rộng các dòng thơ, để thi ca có những khoảng lặng kì lạ cho sự nối dài của ý tưởng và cái đẹp. Không gì buồn bằng đọc xong một bài thơ thì mọi việc đã xong xuôi hẳn, thế gian chẳng cần nghĩ ngợi một điều gì. Khoảng lặng chính là nơi để thi ca cất tiếng nói không thành lời của mình cho thời đại và lịch sử những tượng đài tư tưởng và thẩm mĩ, là nơi gặp gỡ của người làm thơ với độc giả bước theo lịch trình bất tận của thời gian. Bởi thế thơ là nghệ thuật chưng cất kỳ diệu nhất dùng cái phi lý để hiện hình cái có lý trong khoảng lặng rộng hơn chính tác phẩm thơ. Nó chăng dây giữa cái bất biến và cái khả biến để chỉ ra sự trường tồn những giá trị chân chính của con người.

Thơ Phương Đông từ cổ xưa coi ý tại ngôn ngoại là một trong những đặc trưng lớn nhất của phép làm thơ. Lê Quý Đôn (2) trong Kiến Văn tiểu lụcVân Đài loại ngữ không chỉ một lần nhấn mạnh điều đó. Vân Đài loại ngữ nói làm thơ có lục chí. Hai trong sáu yêu cầu cơ bản đó là: Chí cận nhi ý viễn . Nghĩa là việc rất gần mà ý xa. Và Chí khổ nhi vô tích (3) nghĩa là: rất khắc khổ mà không hình tích. Khi bàn về thơ Phương Đông, Lê Quý Đôn nhiệt thành ca ngợi ý tưởng này. Ông trích lời của Tô Đông Pha (4), người đã viết nên câu thơ kỳ lạ để lại một khoảng lặng dài hơn một nghìn năm nay Sao cứ biệt ly thì trăng lại tròn bằng câu nói sau đây: ý hết mà lời dừng là cái lời rất mực trong thiên hạ, lời dừng mà ý không tả hết lại càng hay tuyệt (5). Trong Kiến Văn tiểu lục, Lê Quý Đôn rất tâm đắc với câu trả lời “Thế nào là ý Phật” của một thiền sư cho vua Lê Dụ Tông (1679—1734) rằng chim nhạn bay trên không bóng nhạn in dưới nước, Nhạn không có ý để dấu vết lại, nước không có ý giữ bóng nhạn lại làm gì (6). Nhạn và nước đâu có lên tiếng về ý tưởng của mình. Đó cũng là một cách diễn tả khác về khoảng lặng trong thơ.

Liên quan đến khoảng lặng trong thơ với truyền thống tự sự của thi ca Phương Đông. Vân Đài loại ngữ đã đề cập đến thách thức và bản lĩnh của việc sử dụng thi pháp tự sự trong thơ. Làm thơ mà không sự việc thì khó lắm. Sử dụng sự việc nhiều quá cũng khó lắm. Không sử dụng sự việc thì khó lập ý. Sử dụng nhiều quá thì khó đưa lời (7). Nhận xét này như là một góc nhìn khi bình giá thi ca trung đại và hiện đại Việt Nam. Truyện nôm khuyết danh thế kỷ 18 như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa v.v… là mảng văn học có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, người ta nói rằng truyện nôm khuyết danh chú ý nhiều đến diễn biến câu chuyện có đầu có cuối, ít chú ý đến dư ba của ý tưởng và cảm xúc làm nên những khoảng lặng trong thơ cộng với không thật dụng công trong việc chau chuốt hình tượng và cảm xúc như Truyện Kiều nên đã hạn chế sức lan tỏa văn chương của thể loại này. Thế kỷ 20 được mùa trường ca. Xu hướng kết cấu của nhiều trường ca hiện đại như Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái  v.v đã không dựa vào câu chuyện cụ thể mà dựa vào trường cảm xúc và ý tưởng chủ đạo, tránh được kể lể câu chuyện mà nói như Văn Tâm Diêu Long trong thiên 16 và 18 về sử truyện và sử loại là đã chọn được cái chốt chỉ dài 1 tấc mà đóng mở được cả cửa lớn, tạo nên những khoảng lặng cần thiết của hình tượng và cảm xúc… mang lại cho thể loại này những tác phẩm thơ có tầm vóc. Một số trường ca tiếp nối việc dựa vào câu chuyện như Bài ca chim Chơrao của Thu Bồn đã không quá câu nệ vào kể chuyện, liệt kê sự việc… mà có những điểm lặng để cảm xúc và ý tưởng lắng đọng làm cho trường ca có sức liên tưởng và lôi cuốn.

Cùng với trường ca, Thơ văn xuôi cũng là một con đường mở rộng diện bao quát của thơ và câu thơ. Tuy nhiên, ít có bài thơ và tập thơ văn xuôi có thành tựu, mặc dù thơ văn xuôi hoàn toàn không cần dựa vào một cốt chuyện cụ thể để phải bị ràng buộc việc kể chuyện. Sở dĩ chưa thành công vì một trong nhiều nguyên nhân là một số tác phẩm thơ văn xuôi để tràn ra nhiều mảng cảm xúc, bình giá về nhiều sự kiện, không tiết chế để cảm xúc xô về nhiều phía làm cho chủ đề bị pha loãng ít có khoảng lặng để dư ba về ý tưởng và cảm xúc, khiến cho người đọc đôi khi mệt mỏi, không còn khoảng trống cần thiết cùng nghĩ cùng cảm với nhà thơ. Có người nói nhà thơ sợ thế giới cộng sinh không hiểu mình nên cố gắng giãi bày làm cho mặt trống thơ trùng xuống nên thiếu tiếng vang xa. Thơ văn xuôi nên chăng cần chiêm nghiệm tính nghiêm cẩn của một bài thơ ngũ ngôn 8 câu, cả thảy chỉ có 40 chữ nhưng phải như bốn chục người hiền, trong đó vướng phải một người lái buôn là không được (8).

Có lẽ con đường để tìm đến khoảng lặng trong thơ đã được thể thơ ngắn nhất thế giới – Thơ Haiku đặt nhiều kỳ vọng. Thơ Haiku trong tiếng Nhật bản chỉ có 3 dòng, 17 âm tiết. Trong khi một chữ Nhật có nhiều âm tiết. Cho nên kết cấu 5 – 7 – 5 âm tiết thì số chữ còn ít hơn. Bài thơ nổi tiếng Con ếch chỉ có 10 chữ 3 dòng 3 – 4 – 3. Thơ Haiku tạo ra khoảng lặng của thi ca để làm nên tương tác giữa người đọc với thi sỹ. Cái quyết định của Thơ Haiku là ý tưởng sâu sắc chìm trong 3 dòng thơ ngắn. Điều mà Chế Lan Viên gọi là phải thắp sáng một cái gì. Thơ Haiku của Việt Nam là một thử nghiệm nhưng thành tựu thu được còn hạn chế. Một số bài thơ ý tưởng chưa rõ rệt, có khi lại chưa sâu sắc, thậm chí đôi khi rơi xuống tầm thường. Lục bát 16 chữ vì tiếng Việt là tiếng một, một chữ một âm tiết nên so với Haiku còn ít hơn một âm tiết mà ý tưởng thật sâu sắc, nhạc điệu thật đằm thắm.

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

         Nếu chuyển hai câu thơ 6-8 này sang Haiku quả là một công việc không phải dễ dàng.

         Con đường đi tìm và tạo lập khoảng lặng trong thơ có lẽ trước tiên thơ phải có ý tưởng sâu sắc chứa đựng một triết lý nhân sinh mang đậm tính dân tộc và tính toàn nhân loại. Người làm thơ không phải bằng con đường giảng giải triết lý đó bằng lời giống như nhà triết học mà thông qua hình tượng và cảm xúc chọn lọc để làm sáng lên triết lý và ý tưởng. Cái khoảng lặng của thi ca chính là ở chỗ đó. Và phải chăng đó chính là bản lĩnh của một nhà thơ?

Người ta nói rằng thời đại AI, người máy với trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ hay. Tôi không dám chắc điều đó. Nhưng có lẽ phải trông cậy nhà thơ để thiết kế con chíp. Một trong những con chíp đó là khoảng lặng của thi ca. Bản lĩnh của người làm thơ không phải chỉ ở tầm cao tư tưởng và khái quát nghệ thuật mà cùng với việc đó biết loại bỏ những chữ những câu thừa làm nên những tác phẩm thơ có dư ba. Sâu sắc về ý tưởng. Bay bổng về cảm xúc. Khi kết thúc bài thơ người đọc thấy ngân lên những làn sóng của siêu thực để trang thơ rộng hơn cuộc đời của chính nó. Người đọc bâng khuâng nhận ra rằng một bài thơ nhỏ thôi lại có một thế giới nhân sinh đang mở ra để con người trào lên những băn khoăn, khổ đau và ước vọng của cuộc đời vốn dĩ không phải thật giản đơn này. Để ít ra như Nguyễn Du than thở sau 200 năm hoặc lâu hơn nữa bài thơ làm ra còn đồng vọng với người đọc mặc dù cuộc đời đã đổi thay rồi. Hình tượng và cảm xúc thơ tự thân nó rộng hơn ý tưởng của người làm thơ là như vậy.

       Cách đây hơn một nghìn năm, một thiền sư nước Việt đã viết

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (9)

       Nghĩa là:

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai.

       Nhành mai ấy đã để lại một khoảng lặng thi ca từ thế kỷ 11 đến bây giờ. Hiện vẫn còn đang nở trước cửa hoàng thành Hà Nội. Cái khoảng lặng ấy dù cách xa ngàn vạn dặm thời gian vẫn làm nên sự bất ngờ với người đọc bình thản nhất.

Khuất Bình Nguyên

* Tên bài viết do Văn nghệ đặt

Tham luận tại Tọa đàm Thơ, từ " Bản lĩnh đến bản sắc " nhà th

----------------------------------

Chú thích

(1) Âu Dương Tu (1007-1072) nhà thơ nổi tiếng đời Tống – Trung Quốc. Người cổ xúy cho thể văn thi thoại

(2) Lê Quý Đôn (1726 – 1784): Nhà bách khoa, nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến

(3) Lê Quý Đôn – Vân Đài loại ngữ  NXB Văn hóa Thông tin – 2006 – Trang 249.

(4) Tô Đông Pha (1037 – 1101) Nhà thơ nổi tiếng đời Tống – Trung Quốc

(5) Lê Quý Đôn – Vân Đài loại ngữ - trang 238

(6) Lê Quý Đôn – Kiến Văn tiểu lục  NXB Văn hóa Thông tin – 2007 – trang 476

(7) Vân Đài loại ngữ - trang 238

(8) Viên mai Tùy viên thi thoại – NXB Giáo dục  - 1999 trang 26

(9) Câu thơ nằm trong bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư  (1052- 1096)  

 


Có thể bạn quan tâm