April 27, 2024, 5:44 pm

Thêm một khoảng trống trong làng Văn xuôi văn học Việt Nam hiện đại

 

Nhà văn Hồ Phương, cây đại thụ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nằm xuống để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong khoảng trời văn xuôi văn học Việt Nam hiện đại.
Sinh thời, ông được cánh lính nhà văn trẻ rất trân trọng, quý mến. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn thường đến cơ quan vừa cho thỏa nỗi nhớ ngôi nhà mình từng gây dựng với tư cách là một trong những người anh đi trước, vừa trò chuyện mang tính chỉ dẫn anh em mới vào nghề về hướng viết, cách viết...

Nhà văn Hồ Phương

Tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930, Hồ Phương trưởng thành từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, từng trực tiếp tham gia chiến dịch bảo vệ Thủ đô Hà Nội (12-1946), sau này là nhiều chiến dịch lớn trong đội hình Đại đoàn 308 như Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1953-1954)... 17 tuổi, Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội. Năm 1949, ông phụ trách tờ báo Quân Tiên Phong. Là một trong những người tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957), ông từng giữ chức Phó tổng biên tập. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Hồ Phương tiêu biểu cho thế hệ nhà văn-chiến sĩ đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, vừa cầm bút vừa cầm súng, sớm hình thành phong cách giàu có chất sống và đậm đà tinh thần nhân văn.

Với truyện ngắn đầu tay có tên “Lưỡi mác xung kích” (1948), Hồ Phương được đánh giá là nhà văn trẻ triển vọng. Tiếp theo là “Thư nhà” (truyện, 1948), “Những tiếng súng đầu tiên” (tiểu thuyết, 1955), “Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” (truyện, 1956), “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” (truyện, 1957), “Cỏ non” (1959), trong đó “Thư nhà” và “Cỏ non” sớm ghi dấu ấn vào lịch sử văn xuôi hiện đại trước năm 1960. Sau đó, với “Xóm mới” (truyện ngắn, 1963), “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” (truyện ngắn, 1965), “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (ký sự, 1966), “Kan Lịch” (tiểu thuyết, 1967), “Khi có một mặt trời” (truyện ký, 1972), “Những tầm cao” (tiểu thuyết 2 tập, 1975)... là những tác phẩm phản ánh trung thực cuộc sống anh hùng của nhân dân ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau năm 1975, Hồ Phương tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội với các tiểu thuyết “Biển gọi” (1980), “Bình minh” (1981), “Mặt trời ấm sáng” (1985), “Cánh đồng phía Tây” (1994), “Yêu tinh” (2001), “Ngàn dâu” (2002), “Những cánh rừng lá đỏ” (2005). Riêng tiểu thuyết “Cha và con” (2007) rẽ sang mạch khác, dựng lại chân dung cụ Nguyễn Sinh Sắc và thời trai trẻ của Bác Hồ. Ông được Quân đội phong quân hàm Thiếu tướng (1990), vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước (2001), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2012). Ông từng làm Tổng biên tập Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa III).

Tang lễ nhà văn Hồ Phương diễn ra sáng thứ Hai, ngày 8.1.2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu lúc 8 giờ 30 cùng ngày, an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

VN


Có thể bạn quan tâm