April 27, 2024, 8:54 pm

Thế vững năm Rồng

Sớm nay mặt trời thức dậy cùng với những làn gió nồng nàn, ấm áp. Gió mới. Những ngọn gió mang hương thơm của đồng nội, của hoa trái, của xạc xào cây lá, của màn mưa giăng mắc từ năm tháng xa xôi… Bỗng nhớ những câu thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm/ Mấy cành xanh, dăm bảy sắc yêu yêu/ Thế là xuân, tôi không hỏi chi nhiều...

Thế là xuân. Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của dân tộc và mùa xuân của lòng người. Câu chuyện của một người lính cũ - nhà sử học - sớm nay gợi lên những  hình ảnh sống động về những mùa xuân đất nước trong thế kỷ XX.  Mùa xuân Canh Ngọ, 1930, Đảng ta ra đời, “như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ”. Mùa xuân Tân Tỵ 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, ngọn lửa sáng từ hang Pác Bó. Xuân Bính Tuất 1946, mùa xuân đầu tiên của nước Việt Nam mới, sau hơn 80 năm nô lệ, lẽ ra phải vui mừng, nhưng thế nước bấy giờ như “nghìn cân treo sợi tóc”. Rồi tiếp nối những mùa xuân  chiến đấu, dựng xây với biết bao gian khổ, hi sinh trên dải đất thiêng liêng bên bờ sóng. Cho đến mùa xuân Ất Mão 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải.

Từ mùa xuân toàn thắng đến nay, gần nửa thế kỷ đã đi qua. Gần nửa thế kỷ là biết bao thăng trầm lịch sử, không chỉ trên đất nước này mà khắp năm châu, bốn biển. Không có chiến thắng nào là vĩnh cửu. Không có niềm vui nào là tuyệt đối. Không có kinh nghiệm nào đến một cách dễ dàng, nếu không muốn nói là nhiều khi phải trả giá bằng những sai lầm, thất bại. Các cụ nhà ta nói mộc mạc, rằng trên đời này có cái gì bền vững mãi đâu. Gần 40 năm Đổi mới đã mang lại những mùa gặt lớn, tạo dựng nên dáng hình đất nước trong thời đại mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế đang ở đỉnh cao của sự phát triển. Cho đến Giáp Thìn 2024 này, một câu hỏi thường hằng lại vang lên: Xuân nay có gì mới?

Trả lời câu hỏi này tùy lứa tuổi, tri thức, kinh nghiệm sống và cả cảm xúc cá nhân. Lớp người cao tuổi từng qua trận mạc nghĩ về cái mới với những liên hệ, những so sánh xuyên thế kỷ, cái mới phù hợp quy luật vận động, phát triển và cái mới ngoài quy luật. Người lính chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, có phần lạc quan: Cái mới Giáp Thìn sẽ là vượt qua Vũ môn, Cá Chép hóa Rồng. Đời ông và đồng đội đã nhiều lần chứng kiến sự “vượt qua” ấy, có khi sau trận đánh bom cày đạn xới vụn tơi đất đá, không hiểu sao mình còn sống. Rồi vào  đầu những năm 90 thế kỷ XX, khi Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã từng mảng mà ta vẫn “vượt qua” trận động đất chính trị ấy. Ông cắt nghĩa, cái gì hợp quy luật thì nó tồn tại. Tồn tại và có thể bật tung xiềng xích, hất tung tảng đá đè trên ngực. Còn nếu không sẽ là chủ quan, duy ý chí. Cách mạng không phải lúc nào cũng là ngày hội lớn. Cách mạng có lúc tiến, lúc thoái, lúc vui, lúc buồn, nhưng Cách mạng là “Huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm như tên một cuốn sách của nhà văn Mỹ Stephen Crane...

Có gì mới xuân nay? Với lớp trẻ, lớp công dân toàn cầu, thì họ cảm nhận cái mới theo cách riêng của mình. Cái mới là cái ở phía trước, không dễ dàng nắm bắt. Có điều, cái mới đến ngay trong nhịp sống say mê, hạnh phúc, mong muốn được chia sẻ, không bằng lòng với cái đã có, không làm gì vội vàng mà không có sự chuẩn bị. Cái mới trong nghĩ suy, mới cả trong niềm hi vọng, bởi hi vọng là sao Mai, hi vọng là sức sống.

Thật ra thì nhiều cái mới đã đến rồi, có thể không hoàn toàn là “mới”, nhưng nó là sự tích lũy, khẳng định thêm. Có thể là sự hệ thống, tổng kết lại, nâng tầm tư duy, đột phá trong hành động. Đó chính là cái-mới-sáng-tạo. Năm 2024 và những năm tiếp theo, những gì đang chờ phía trước? Con đường đi tới có nhiều thời cơ nhưng thách thức là vô cùng lớn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo. Đường đi gian khó thường là con đường lắm dốc nhiều đèo, đường đến đỉnh cao. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, còn nhiều hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn. Không chỉ lo khắc phục hậu quả của thiên tai, địch họa, mà còn lo xử lý, dọn dẹp những đổ vỡ, rác rưởi của nạn tham nhũng, tiêu cực.

Công cuộc “đốt lò” trong những năm qua đã góp phần cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng, tiêu cực, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đã giảm, hay nói cách khác là dưới cũng “ấm” dần lên. Thế nhưng, mức độ tham nhũng, hậu quả tham nhũng thì khủng khiếp quá! Nhìn lại mấy vụ án lớn như AVG, Việt Á, vụ án ở Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… mà thấy kinh hoàng về sự tham lam, trí trá vô hạn độ của những kẻ bất lương. Dã man nhất, kinh hoàng nhất là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch. Trong vòng bốn năm, Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền của Ngân hàng SCB, chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng. “Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” có tới hơn 1.000 doanh nghiệp, chia làm bốn nhóm chính, trong đó có “nhóm các công ty ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty tại nước ngoài. Các đàn em thân tín của Lan làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được trả lương cao ngất ngưởng nửa tỷ đồng/tháng.

Giá như giảm lợi ích nhóm, đặc quyền đặc lợi, “bầy sâu” tham nhũng bớt đi? Giá như tình trạng “hát nhép” trong dàn đồng ca lãnh đạo tập thể bớt đi? Và nhiều thứ giá như khác, khiến lòng dân không yên, niềm tin của Dân với Đảng giảm sút, khiến cho điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội bị thu hẹp. Nhưng, với sự bình tĩnh, khách quan đánh giá tình hình, chúng ta vẫn có thể thấy những thành tựu đạt được sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là tiền đề rất quan trọng. Theo con mắt của các chuyên gia kinh tế nước ngoài thì, Việt Nam có thể trở thành con Rồng châu Á trong mươi năm nữa. Một bài viết trên trang Diễn đàn Đông Á nhận định, các chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở cửa thương mại tự do được đánh giá rất tích cực với hệ thống thương mại toàn cầu. Vẫn biết, để trở thành Hổ, thành Rồng thì phải nhanh chóng bứt phá trong lĩnh vực công nghệ cao và mất cả thập niên để vươn lên; trước hết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo thêm nhiều chuyên gia trình độ cao.

*

Muốn đi xa phải đi cùng bè bạn. Toàn cầu hóa không cho ai và không bỏ mặc ai một mình một chợ. Việt Nam đã tạo dựng chiều sâu trong quan hệ với các nước, từng bước mở cửa đón gió lành, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới, từng bước hội nhập quốc tế trên cơ sở lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm.

Một đất nước nhỏ bé, hàng nghìn năm bị thực dân, phong kiến đô hộ, nay đất nước của huyền thoại con Rồng, cháu Tiên đã sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chợt nhớ câu nói của Winston Churchill (1874-1965), người hai lần giữ cương vị Thủ tướng Vương quốc Anh: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Còn Bác Hồ của chúng ta với một chiêm cảm lớn, trong bài nói chuyện về công tác đối ngoại tại Bắc Bộ phủ ngày 9/10/1945 đã đúc kết: “Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai ?...”. 

Ngày nay, quan hệ quốc tế đang chuyển sang một giai đoạn mới, với đặc điểm nổi bật là cạnh tranh giữa các nước lớn. Đây là một trong những nhân tố quan trọng định hình cục diện thế giới, chi phối sâu rộng nhất tới việc điều chỉnh chính sách của các nước. Trong một thế giới đầy biến động như thế, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, chọn sự công bằng, công lý và lẽ phải.

Thế vững năm Rồng được tạo dựng từ truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, từ sức mạnh Dân tộc và Thời đại. Chúng ta đón nhận xu thế phát triển của loài người trong kỷ nguyên số một cách nhanh chóng. Và trí khôn của nhân loại được thẩm thấu qua cái màng lọc là truyền thống, là văn hóa dân tộc. Không phải từ sức mạnh thần bí nào, mà đấy chính là nội lực, là bản lĩnh Việt Nam.

Hải Đường

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm