May 11, 2024, 1:24 pm

Thế còn tội “hủy hoại niềm tin”?

Con người ta sống và tồn tại nhờ thức ăn, nước uống và không khí. Nhưng ngoài các yếu tố để duy trì được cuộc sống ấy, người ta phải có niềm tin. Niềm tin để người ta vượt qua mọi trở ngại để sống tiếp. Người chiến sĩ ra trận với niềm tin chiến thắng thì mới có thể chiến thắng. Ngược lại nếu ra trận mà tim đập chân run thì cầm chắc phần bại trận.

Kể cả trong y học cũng đã chứng minh khi con người có niềm tin thì cơ thể sẽ sinh ra năng lượng tích cực kích hoạt sức đề kháng của cơ thể chống đỡ bệnh tật. Có nhiều người lo lắng quá mức cho sức khỏe của mình rồi tự kỷ ám thị tưởng tượng ra những bệnh tật trong cơ thể mình, thế là tự dưng có bệnh thật. Ngược lại, người có bệnh thực sự nhưng nhờ có niềm tin vào thầy vào thuốc thì bệnh nhanh lùi. Đây là vấn đề khoa học. Không phải ngẫu nhiên các nhà ngoại cảm, các thầy mo thầy cúng đã lợi dụng tâm lý này của người bệnh để hành nghề và họ đã chữa khỏi bệnh cho không ít người…

Vậy thì, nếu mất niềm tin vào thầy vào thuốc, người bệnh sẽ suy sụp để bệnh nhẹ chuyển thành nặng, bệnh nặng thì chóng cạn kiệt sức lực dẫn đến tử vong rất nhanh. Dạo nọ, ở quê tôi có một anh bị ung thư. Trái với mọi người phải chạy đôn chạy đáo đi tìm thầy tìm thuốc chữa trị thì anh này dửng dưng như không. Hằng ngày anh ta ngồi chễm chệ trên ghế ở cuối nhà, mồm ò í e cử nhạc đám ma và bắt hai đứa con trai (đứa lớn 11 tuổi và đứa bé 9 tuổi) phủ phục, bái lạy, đọc điếu văn… Anh bảo phải tập cho chúng làm lễ tế bố. Chứ lúc bố chết mà các con cứ đứng như phỗng, hoặc lóng cóng ngọng nghịu thì họ hàng làng xóm lại chửi thằng bố không biết dạy con.

Họ hàng làng xóm thăm hỏi động viên, khuyên bảo anh đi chữa bệnh, nhưng anh dứt khoát không chịu. Đằng nào cũng chết, để tiền chạy chữa cho con ăn học. Bố mẹ hai bên và vợ con động viên kiên trì bằng mọi lý lẽ, mãi rồi anh cũng nghe ra, thôi không hành hạ hai đứa con nữa và đồng ý chữa bệnh. Đang sắp xếp chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với bệnh tật bằng các loại thuốc đặc trị thì nổ ra chuyện bộ Y tế nhập thuốc ung thư giả. Vậy là anh ta kiên quyết không chữa chạy gì nữa. “Đấy tôi nói có sai đâu. Gần trăm nghìn đồng một viên thuốc. Một hộp thuốc mấy triệu bạc mà vẫn chết!”

Từ chỗ tuyệt vong, được gia đình người thân giúp đỡ thì bệnh nhân đã hy vọng… nhưng rồi nhanh chóng trở lại tuyệt vọng vì không tin thầy tin thuốc. Sau đó anh ấy không nói gì nữa, không giao tiếp với ai. Luẩn quẩn trong nhà như cái bóng, suốt ngày buồn bã và tuyệt vọng. Hơn năm sau thì ra đi. Người vợ vật vã kêu khóc sao chúng nó ác thế!

Đây là câu chuyện có thật, nguyên mẫu một truyện ngắn của tôi đã được đăng báo.

Khủng khiếp và tang tóc! Hệ lụy và đớn đau…

“Cùn” như anh chàng kia hơi hiếm. Nhưng đa số người bị bệnh ung thư ai cũng muốn sống. Họ và gia đình cố chạy vạy để mua thuốc điều trị nhằm kéo dài sự sống. Họ nhịn ăn nhịn mặc, thậm chí có gia đình còn bắt con cái nghỉ học, họ vét đến đồng tiền cuối cùng, vay nợ lãi cắt cổ, nhiều gia đình bán cả nhà cả đất lấy tiền mua thuốc. Khi biết mua phải thuốc ung thư giả thì tất cả bệnh nhân đều suy sụp và nhanh chóng ra đi. Sự ra đi nhanh chóng vì hụt hẫng, vì mất lòng tin. Không phải chỉ một vài người, một vài gia đình mà hàng ngàn người và hàng ngàn gia đình…

Bệnh nhân chết trong tức tưởi vì họ đã bị cướp mất niềm hy vọng sống. Nếu có thể nói gì thì người ta chỉ có thể cầu mong những kẻ gian dối lừa lọc bị quả báo. Với những người còn sống đều tin rằng pháp luật sẽ trừng trị thích đáng những kẻ làm bậy trục lợi trên sinh mạng con người. Tất cả đều tin tưởng vào sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước mà Tổng Bí thư đã phát động. Và mọi người kỳ vọng vào sự công minh của pháp luật khi nghe tin Trương Quốc Cường, Thứ trưởng bộ Y tế, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Dược bộ Y tế, kẻ ký giấy nhập thuốc giả chữa ung thư (H-Capita), sắp phải hầu tòa. Tất cả đều tin rằng những kẻ lừa đảo gây nghiệp ác chắc chắn sẽ phải bị trừng phạt đích đáng.

Thế mà người đã ký nhập 9.300 hộp thuốc giả, biết là thuốc giả mà vẫn ký, đã bán ra hơn 6000 hộp cho các bệnh viện sử dụng điều trị cho bệnh nhân… chỉ bị tòa xử 4 năm tù giam. Mức án thấp hơn nhiều so với một bị cáo bị xử 7 năm tù giam vì tội danh ăn cướp 1 con vịt (nặng 3kg, trị giá 174.000VNĐ) mà TAND huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã tuyên!

Đến đây thì cần phải nói thêm: Người viết bài nay không muốn ai phải tử hình, không muốn ai phải đi tù. Nhưng pháp luật phải công minh. Từ sự công minh của pháp luật sẽ có ý chí thượng tôn pháp luật. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập nghiễng, nhưng hãy cứ so sánh cái cấp độ nguy hiểm của hai tội danh để bàn cho thấu nhẽ: Bị cáo Khang ở huyện Châu Thành trên đây, đang uống rượu nhưng thiếu mồi nên đi trộm cướp một con vịt. Dù là hành động bột phát trong cơn say vẫn là có tội. Nhưng tài sản ấy bị trộm cướp ấy không đáng kể. Hơn nữa chỉ ảnh hưởng tới một gia đình chủ đàn vịt. Và chắc cũng không vì một con vịt bị mất cắp ấy mà chủ nhà phải nghèo đi đến mức phá sản. Trong khi đó, bị cáo Trương Quốc Cường ký nhập 9300 hộp thuốc giả. Lưu hành hơn 6000 hộp. Mỗi hộp thuốc theo giá bán 75 USD (khoảng 2 triệu đồng tiền Việt). Như vậy chắc chắn có mấy ngàn bệnh nhân đã dùng thuốc ấy. Và không dưới một phần ba trong số ấy có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi đã phải vét đến đồng tiền cuối cùng để chữa bệnh. Còn nữa: không ít bệnh nhân suy sụp để dẫn đến cái chết trong tuyệt vọng. Nếu bệnh nhân với số tiền đã bỏ ra được chữa bằng thuốc thật, thuốc tốt thì họ có thể được sống hoặc ít nhất cũng kéo dài sự sống thêm một thời gian. Với thuốc giả, Cường đã tước đi quyền được sống và quyền hy vọng sống của rất nhiều người. Liệu có phải là gián tiếp can tội giết người hàng loạt? Hành động của bị cáo Khang là bột phát. Còn Trương Quốc Cường khi ký nhập thuốc giả đã được cảnh báo từ nhà chức trách Canada rằng nước họ không hề có cái công ty nào như trong nhãn mác. Phía Canada cũng đề nghị hợp tác để đấu tranh với hành vi gian lận. Chưa hết: khi bên Bộ Công an điều tra cảnh báo về tình trạng xuất xứ nguồn gốc của thuốc thì ông ta vẫn lờ đi cho tiếp tục lưu hành.

Rõ ràng Trương Quốc Cường cố tình làm sai. Có động cơ làm sai. Làm sai có tổ chức. Hành động của Cường mang tính chất xã hội rất nghiêm trọng. Nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Bộ Y tế, xói mòn lòng tin với những quan chức trong bộ máy Nhà nước ở cấp cao nhất. Đây là sự nguy hiểm cho thể chế. Nếu tội của bị cáo Khang chỉ ảnh hưởng trật tự trị an của vài gia đình thì tội của Cường gấp cả ngàn lần vì không chỉ gián tiếp giết người hàng loạt mà còn làm mất lòng tin của toàn xã hội kéo theo rất rất nhiều hệ lụy phức tạp.

Với bản án chỉ 4 năm tù giam thì Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã làm dư luận xôn xao, ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của công dân với nền tư pháp của Nhà nước ta. Liệu có ai so sánh và đặt vấn đề: Có phải đang tồn tại hai hệ thống Viện kiểm sát, hai hệ thống Tòa án: một để xét xử quan chức và một để xét xử dân thường?

Tôi không dám suy diễn tiếp. Nhưng khi viết đến những dòng này bỗng dưng lại băn khoăn đây là một vụ án nóng xét xử quan chức với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Lâu nay có khá nhiều các quan chức của các ngành được xử với tội danh ấy. Và thực tế như một vị Bộ trưởng đã từng tuyên bố nếu “Tham nhũng 5 tỷ chỉ là tham nhũng vặt” thì các vụ án tham nhũng lớn, số tiền của bị tham nhũng sẽ rất khủng khiếp. Đó là chỉ nói về những thiệt hại vật chất. Nhưng còn lòng tin của người dân với hệ thống y tế (trong vụ Trương Quốc Cường) và các vụ việc ở ở ngành khác thì luận như thế nào? Xử ra sao? Chưa thấy các phiên tòa nói đến! Hơn nữa với bản án rất nhẹ nhàng, rất ưu ái như trên thì lòng tin của nhân dân với hệ thống tư pháp liệu có bị hao hụt, đổ vỡ?

Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm phòng chống tham nhũng một cách tích cực, mạnh mẽ, nhưng số quan chức mắc khuyết điểm không hề dừng lại. Càng ngày càng có thêm nhiều đại án. Phải chăng các mức án đưa ra với quan chức chưa đủ sức răn đe dẫn đến họ coi thường pháp luật. Nếu có như thế thì đó là lỗi của cơ quan tư pháp, lỗi của những người ngồi cầm cân xét xử. Vì vậy muốn đủ sức răn đe để mọi quan chức không dám phạm pháp thì bên cạnh những thiệt hại về vật chất mà họ gây ra còn phải truy tố về việc họ đã trực tiếp làm mất lòng tin của nhân dân đối với những người thay mặt Đảng, Nhà nước đang điều hành công việc ở các cấp trong đó có cả những người làm công tác xét xử.

Đấu tranh với tội phạm thu hồi các giá trị vật chất về cho nhân dân là rất quý. Nhưng lấy lại lòng tin cho nhân dân để mọi người có ý thức thượng tôn pháp luật là việc cần phải làm. Có như vậy mới vững bền thể chế, mới nước mạnh dân giàu; xã hội thật sự công bằng, dân chủ văn minh!

Nguồn Văn nghệ số 28/2022


Có thể bạn quan tâm