April 29, 2024, 3:20 am

Thấy gì ở nghệ thuật… xấu?

Thực ra, có lẽ không có cái được gọi là nghệ thuật xấu. Bởi, đã là nghệ thuật thì phải đẹp, phải tốt, còn ngược lại thì không được coi là nghệ thuật. Tuy vậy, nếu người ta mặc định rằng hễ một người nào đó tạo ra một cái gì gọi là sáng tạo, mặc nhiên anh ta là nghệ sĩ, thì cũng mặc nhiên, những gì nghệ sĩ sáng tạo thì gọi là tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật xấu, hay chính xác là tác phẩm nghệ thuật dở tệ, không phải hoàn toàn chỉ là thứ bỏ đi. Ở khía cạnh nào đó, chúng kể cho ta nghe những câu chuyện nghệ thuật và nghệ sĩ.

Nhiều năm nay, bảo tàng nghệ thuật xấu (Museum of Bad Art) ở nước Mỹ đã thu hút một lượng lớn khán giả đến thăm và chiêm ngưỡng những tác phẩm tưởng không xấu mà…xấu không tưởng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư trên toàn thế giới. Người ta sẽ kinh ngạc, bởi trưng bày ở đây không chỉ tác phẩm của các nghệ sĩ vô danh, hay đang cố gắng thiết lập danh tính trong thế giới nghệ thuật rộng lớn này, mà còn có tác phẩm của những bậc thầy nghệ thuật. Phần lớn tác phẩm ở đây do người của bảo tàng dày công sưu tầm, một phần nhỏ (ít thôi, vì ít nghệ sĩ thực sự có khả năng tự trào) mang đến tặng.

Tác phẩm “Gặp gỡ lần đầu” của Francis Picabia, 1925 - Bảo tàng Moderna, Stockholm

Lẽ dĩ nhiên, bảo tàng nghệ thuật xấu đã phải đương đầu với dư luận, khi người ta có lý để cho rằng thế giới quá chật chội ngay cả cho những điều tốt đẹp, thì không nên nhường chỗ cho những cái tầm thường, những cái bỏ đi. Nhưng bảo tàng cũng có lý của họ, rằng: đôi khi, một số tác phẩm nghệ thuật khủng khiếp này mang đến điều gì đó kích thích tư duy. Ngay cả tác phẩm nghệ thuật xấu cũng có thể mang lại cho chúng ta một trải nghiệm đáng nhớ khi xem, thậm chí khi nó chỉ đơn giản khiến chúng ta đặt câu hỏi làm thế nào để có thể thưởng thức nó và liệu chúng ta có nên thừa nhận hay không. Bảo tàng nghệ thuật xấu là nơi để tôn vinh sự kiên trì của các họa sĩ. “Không phải ai từ ban đầu đã vẽ được những bức tranh đẹp. Để trở nên nổi tiếng, họ cũng phải có nhiều ngày miệt mài, nhiều bức tranh vẽ hỏng để dần hoàn thiện hơn. Và bảo tàng nghệ thuật xấu chính là nơi vinh danh chặng đường gian khổ của những họa sĩ. Ai chẳng phải nếm qua thất bại mới đạt tới thành công”.

Trong một ngành nghệ thuật khác, là điện ảnh, giải thưởng Mâm xôi Vàng cũng đem đến những…tai tiếng cho các nghệ sĩ, từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên và thậm chí là ca khúc trong phim. Giải Mâm xôi Vàng là giải thưởng dành cho phim tồi nhất trong năm của điện ảnh Mỹ và cũng bị chỉ trích vì một số vấn đề. Tuy nhiên, có những trường hợp là một số ngôi sao, ca sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất khác đã được đề cử cho một trong những hạng mục Giải thưởng tệ nhất nhưng họ đã giành được Giải thưởng xuất sắc nhất trong Lễ trao giải Oscar.

Nghệ thuật xấu tốt cho tất cả chúng ta, vì sao?

Chúng ta sẽ nói về nghệ thuật xấu được cố ý tạo ra, và nó thách thức những quan điểm thẩm mỹ đương thời.

 Khái niệm về cái đẹp từ lâu đã trở thành nguyên lý trung tâm của lịch sử nghệ thuật. Ít nhất là trong nghệ thuật cổ điển, cái đẹp được coi là đại diện cho sự thiêng liêng. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 20, nhiều nghệ sĩ đã tìm cách làm việc với nhiều hình thức hội họa “bùng nổ” hơn, những phong cách phá vỡ hình tượng, thách thức hoặc bóp méo nhận thức của chúng ta về thực tế. Chúng là những bức tranh quan tâm nhiều hơn đến sự khiêu khích thẩm mỹ, và như vậy, chúng xấu xí hơn là đẹp.

Với việc từ chối các giá trị được đánh giá cao trong tiêu chuẩn nghệ thuật phương Tây, những bức tranh xấu xí thách thức những giả định của chúng ta về những gì được coi là nghệ thuật “tốt”.

Trên thực tế, bản thân những bức tranh xấu đã tìm thấy một vị trí trong lịch sử nghệ thuật trong cuộc triển lãm năm 1978 tại Bảo tàng Mới có tựa đề “Tranh Xấu”, do người sáng lập bảo tàng, Marcia Tucker, phụ trách.

“Tranh xấu” xuất hiện vào thời điểm thẩm mỹ của họa sĩ đang vượt qua ranh giới của “cái đẹp”. Các nghệ sĩ đã bắt đầu từ chối phong cách cổ điển chuẩn mực trong thế giới nghệ thuật thông qua các phong trào như Nghệ thuật đại chúng và Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Trong các tác phẩm của những nghệ sĩ đó, thẩm mỹ kỳ cục cũng xuất hiện trong nghệ thuật trình diễn và Chủ nghĩa hành động.

Ngày nay, khái niệm “bức tranh xấu” dường như không đủ để định nghĩa tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại. “Ý tưởng về bức tranh xấu không còn thực sự có ý nghĩa nữa, vì hầu hết các bức tranh đương đại sẽ phù hợp với triển lãm tranh xấu, hầu hết các bức tranh đương đại đều phá vỡ quy ước và sở thích theo một cách nào đó.” Chưa hết, ý tưởng về sự xấu xí liên quan đến hội họa vẫn còn ảnh hưởng. Xét cho cùng, toàn xã hội có “mối quan hệ phức tạp” với cái đẹp. “Ý tưởng về vẻ đẹp trong nghệ thuật là một khái niệm khiêu khích, nó có thể được liên kết với chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tinh hoa và những ý tưởng phản động về nghệ thuật.” Do đó, có điều gì đó an ủi về một bức tranh xấu xí - nó có thể nói một cách trung thực hơn về cảm giác của chúng ta và khoảng thời gian chúng ta đang sống.

Mặc dù chúng ta có thể đưa ra giả thuyết về giá trị của một bức tranh xấu xí, nhưng chắc chắn có những nghệ sĩ thực sự đứng sau những tác phẩm này: Những người tạo ra những bức tranh bị dán nhãn là “xấu xí” phản ứng thế nào với định nghĩa này?

 “Bức tranh xấu xí” yêu cầu khán giả xem xét lại sở thích của họ, gợi ý rằng có vẻ đẹp ngay cả trong những bức tranh thoạt nhìn có vẻ xấu xí này.

Vì vậy, tại sao nhiều bức tranh xấu xí lại được yêu thích hiện nay? Người ta cho rằng: “Đó là một khoảng thời gian kỳ lạ. Chúng ta bị bao quanh bởi những thứ thẩm mỹ xấu xí và vô vị.” Nếu tác phẩm của một nghệ sĩ là sự phản ánh những trải nghiệm của họ trong thế giới, thì chắc chắn, tính thẩm mỹ của tác phẩm sẽ phù hợp với thực tế đó. Nói một cách đơn giản, chúng ta đang sống trong thời kỳ xấu xí. Những bức tranh xấu xí có thể cho chúng ta một cách để đương đầu với sự xấu xí này và tìm thấy vẻ đẹp trong đó.

Tóm lại, tạo ra tác phẩm nghệ thuật tồi là môn…nghệ thuật linh động. Nó đang luyện tập cho một loại phản kháng: Tôi có thể không muốn xem nó, nhưng tôi đã học được cách vui mừng khi sống trong một thế giới nghệ thuật tồi.

Ở một khía cạnh nhìn nhận khác về nghệ thuật xấu, người ta cho rằng những “họa sĩ tồi” trong lịch sử nghệ thuật thường có kỹ thuật điêu luyện. Họ đã đưa ra quyết định có ý thức để bỏ qua các tiêu chuẩn về gu thẩm mỹ và phong cách tốt, vốn không phải lúc nào cũng trực quan.

Do đó, dễ hiểu là thể loại “vẽ xấu” thay vì một phong trào gắn kết, nhãn hiệu này đã được áp dụng cho một nhóm nghệ sĩ đa dạng trong suốt thế kỷ 20 và 21. Người phụ trách Eva Badura-Triska đã viết trong một bài tiểu luận cho triển lãm “Bức tranh xấu: Nghệ thuật tốt” tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Vienna, những gì họ chia sẻ là sự từ chối “phục tùng các tiêu chuẩn nghệ thuật”.

Cô ấy tiếp tục coi đây là sự sẵn sàng “phản đối không chỉ các khái niệm và quy tắc học thuật truyền thống, mà còn - và điều này rất quan trọng ở đây - các khái niệm và quy tắc được thiết lập bởi những người tiên phong và chủ nghĩa của thế kỷ XX, những thứ cuối cùng đã trở nên lỗi thời. Những giáo điều quá đà chỉ để thay thế chúng bằng những cái mới.”

Đan Thanh

Nguồn Văn nghệ số 34/2023


Có thể bạn quan tâm