May 3, 2024, 10:15 pm

THANH TÂM TUYỀN: “Bài thơ hay là cái chết cuối cùng”

Được xem là thủ lĩnh của nhóm Sáng Tạo trong thi ca miền Nam, chủ trương cách tân thơ của Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) tạo được tiếng vang, nhưng cũng đã có không ít người phản đối.

Phản đối chung chính là sự thoát ly cách diễn đạt bằng vần điệu của thơ ca truyền thống (bao gồm cả Thơ Mới giai đoạn 1932-1945). Chưa nói đến quan niệm thơ trong những phát biểu của Thanh Tâm Tuyền, ở phạm vi bài viết này, xin được đề cập đến những quan niệm thơ qua thực tế sáng tác của ông giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam lúc ấy. Để thấy rằng, thực chất, cách tân thơ của Thanh Tâm Tuyền, theo ông, vẫn không có gì xa lạ.

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)

Cách tân thơ của Thanh Tâm Tuyền vẫn khởi xuất từ thơ ca truyền thống, có mới chăng là ông chỉ muốn tìm cách chuyển tải mới để thơ đời hơn và thoát bớt mỹ từ hơn so với Thơ Mới trước đây. Ông muốn thơ thoát ra khỏi những hơi thở vuốt ve của dĩ vãng, của những bi lụy tình, ít chất “diễm thi” (love poem) hơn để đến với hiện thực trần trụi mang hơi thở cuộc đời. Vượt qua những bài thơ mà nhân vật chính thường là những “tình nhân” để thay vào đó là những con người bình thường với những nghề nghiệp bình thường. Từ những cái bình thường ấy, ông tạo mối liên tưởng về thơ, đưa ra những quan niệm thơ riêng. Đây là “người tài xế mặc áo đen” trên “chiếc xe hàng vắng” khách:

Người tài xế mặc áo đen

chiếc xe hàng vắng

mưa xứ nắng buồn dậy muộn

tình nhân thở dĩ vãng vuốt ve

(Một bài thơ).

Làm tài xế mà vắng khách, chỉ có một mình trên chiếc xe không, trên quãng đường dài và vắng thì rõ ràng là quá cô độc và buồn. Nhưng nỗi cô đơn ở đây hoàn toàn khác xa với nỗi buồn trong Thơ Mới. Cái cô độc một mình trên hành trình thơ cũng giống như nỗi cô độc của người lái xe vắng khách chạy giữa đường trường, hết xuống rồi lên, hết ghé rồi sang; một thân một mình mải miết ruổi dong trên khắp cùng Nam Bắc: Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng/ hay sang Bắc Ninh/ Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Dầu Một/ Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình. Ông ví nỗi cô độc của người tài xế giống như một người uống rượu. Say rồi vẫn tự “rót rượu mà uống” để ta tự làm vui ta trên suốt dặm hành trình. Và nỗi cô đơn của thơ cũng vậy: Như kẻ say rót rượu lấy mà uống/ Cho vui thêm cuộc hành trình. Theo Thanh Tâm Tuyền, cái sự đơn độc một mình trên đường vắng ấy chính là hành trình của một nhà thơ: (Đúng rồi những người thù ghét thơ của tôi ơi)/ Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc (Trời sẫm).

Dù nói rằng “Tôi không còn cô độc” (hay “cái tôi” thơ không còn cô độc), nhưng kỳ thực, Thanh Tâm Tuyền luôn quan niệm: Cô độc chính là cội nguồn sáng tạo của thi ca! Những “hội xuân” dù đông đảo hay “chật hẹp” cũng chỉ làm hồn thơ thêm “vướng víu”: hôm qua mùa đông tôi cô đơn/ khi mọi người khép cửa đốt lửa sưởi tâm hồn/ dù chẳng được mời/ tôi trở dậy/ hội xuân nào chật hẹp/ hồn tôi không vướng víu bao nhiêu. Người ta đón mời thi sĩ vào cùng dự “hội xuân” có cả một dàn “hợp xướng cúi chào”: Hỡi người ngoài nghĩa địa/ tôi thay mặt đón mời/ hội xuân luôn ngỏ cửa/ Hợp xướng/ Chúng tôi cúi chào/ người đến trái tim ngửa bàn tay; nhưng chàng thi sĩ đã chối từ, chấp nhận “đừng ai gọi tôi là thi sĩ” cũng được; cho dù, tôi có phải chết trong cô đơn cũng cam lòng và xin được chết trong tư thế tự do tột cùng của sự sáng tạo: Tôi đã chết nghẹn ngào/ ôm tình yêu tự do chật ngực/ tôi chết và chối từ/ đừng ai gọi tôi là thi sĩ. Hãy để yên “tôi ngủ ngoài nghĩa địa một mình” cùng với những linh hồn cô độc. Chính sự cô-độc-tự-do của nhà thơ bên cạnh những người “cùng cô độc” sẽ làm nên nỗi đau đích thực, làm nên thi sĩ:

Hỡi người thi sĩ đau cô độc

tôi khắc tặng người tấm bia

Ở đây ngủ một người muôn đời

thi sĩ

(Tôi không còn cô độc).

Một số tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền

Ông tuyên ngôn rất “thẳng thắn” ý thức cách tân thơ của mình là: không đa đa cũng chẳng hề siêu thực mà chỉ là tiếng nói “khởi từ ca dao sang tự do” thôi: không đa đa siêu thực/ thẳng thắn/ khởi từ ca dao sang tự do (Một bài thơ). Nhưng ta cũng từng biết, Thanh Tâm Tuyền là một người luôn tự tương phản với chính mình để tự phủ định mình. Vì thế, dù tuyên bố “không đa đa siêu thực”, nhưng sáng tác của ông lại là sự tổng hòa một cách nhuần nhuyễn các trào lưu, trường phái sáng tác của phương Tây quyện hòa trong hồn ca dao dân tộc. Điều ông quan tâm nhất chính là việc biến các trường phái thơ ấy nhập vào hồn cốt ca dao một cách tự nhiên, và con đường cách tân chính là đi từ cách viết vần điệu của ca dao sang cách viết phòng khoáng của thơ tự do. Cho nên, tinh thần cách tân, “Sáng tạo” của nhóm thơ do ông chủ trương vẫn xuất phát từ những “từ ngữ yêu thương, hiền như lá cỏ” của lời ăn tiếng nói cha ông; của “thời cô đơn tuổi dại” tuổi học trò mỗi dịp hè về quê đùa giỡn, “nghịch ngợm” giữa “bãi hoang, triền dốc, dòng sông”: Sáng tạo lấy từ ngữ yêu đương, hiền như lá cỏ, anh tìm tới thời cô đơn tuổi dại. Biết bao nhiêu quen thuộc lúc mai kia nghỉ hè, chạy nhảy giữa bãi hoang, triền dốc núi, ngó xuống dòng sông yêu như nghịch ngợm. Thanh Tâm Tuyền đã đem tất cả những kỷ niệm tuổi thơ nơi thôn dã xâu thành những màu sắc tượng trưng “màu xanh ôm bóng trắng” bằng “sợi chỉ thần tiên” siêu thực để “nối liền những vụn ngọc bỏ quên ngày cũ thành một lời ca lập dị trẻ con. Cái “lời ca lập dị trẻ con” ấy kết thành “chuỗi ngọc muôn màu” từ “những mảnh đi tan nát” để cho những chia lìa, đổ vỡ, nát tan kia không phải bỏ ta đi mà trở thành quà tặng của “những-chưa-từ-biệt”: Chuỗi ngọc muôn màu, những mảnh đi tan nát mang tặng em là những-chưa-từ-biệt (Mặt trời tìm thấy). Vâng, cái cách nói “những mảnh đi tan nát”, “những-chưa-từ-biệt” chính là “lời ca lập dị” của cách tân thơ được làm nên chính bởi Thanh Tâm Tuyền.

Rồi đây nữa, vẫn là cái “hàng dậu” trong ca dao đó thôi, nhưng ai hỏi ta bên hàng dậu bằng những chủ nghĩa siêu phàm, nào lãng mạn, lập thể, dã thú hay đa đa… thì cũng mặc. Chỉ biết, bên “hàng dậu” ấy, Thanh Tâm Tuyền vẫn chỉ khe khẽ trưng bày những “cây nhà lá vườn” bằng những “cử chỉ trữ tình tinh khiết”; thơ nhẹ nhàng, trong veo như những “bước đi chim sẻ” trên mái “ngói nâu” thăm thẳm mắt ai nâu:

ai hỏi anh ngoài hàng dậu

lãng mạn lập thể siêu thực

dã thú đa đa

tôi mở những trái cây vườn nhà

cử chỉ trữ tình tinh khiết

những bước đi văn nghệ chim sẻ

mùa ngói nâu dựng vực mắt nâu

 (Chim).

Có lẽ, cái sự cách tân của thơ ông, chính là ở cách nói như văn xuôi cùng liên tưởng lạ đầy biểu tượng của hai câu cuối ở trên. Hồn nhiên như thế, ông trở thành “thi sĩ ca dao”, cho thơ buông nhè nhẹ những nhát cuốc xới lên ruộng đồng như xới lần tà áo mỏng trên thân thể để khai thác, thâm canh trên cánh đồng thơ: Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng. Rồi những hình ảnh chân mộc với “mưa về ngủ trên mái rạ”, bên cửa biển, bên bến sông, bên quán rượu quê… rồi cùng bè bạn hứng mưa, thân thương, gần gũi giữa “đêm hiền lành”, nhìn “giọt mưa đẹp như mắt ngủ”, tâm hồn sáng trong như một “cánh đồng chưa khai phá”. Cách tân ở đây chính là lối thơ tự do không câu nệ vần vè cùng tư duy tượng trưng, siêu thực mới lạ này: “nghe mưa trên vừng trán vô tư”, mưa thấm vào “giác quan”, từ đó mở ra những lối mới, những ngõ lạ để đi vào chiếm lĩnh hồn người: Tôi sẽ mời anh về nghe mưa trên vừng trán vô tư, giác quan mở những ngõ lạ xuống linh hồn. Chúng ta ngủ ngoài mưa như mơ ngủ. Thoát khỏi cái cũ, thực chất là thơ đi từ ca dao trên cánh đồng làng “ra thành thị”. Xưa, thơ gắn với hoa cỏ đồng làng; đến thị thành, thơ biết thêm “màu hoa dã thú một hơi thở tự do” để làm phong phú thêm cho muôn màu hoa cỏ mà thôi:

Một ngày, tôi theo anh ra thành thị

để chọn một màu hoa dã thú

một hơi thở tự do.

Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao

(Mưa ngủ).

Hơi thở ca dao vẫn bám riết thơ Thanh Tâm Tuyền. Vẫn còn đó “hội làng”, vẫn “trèo lên cây bưởi”, vẫn “đám cưới mùa xuân”… Chỉ có khác là cách chuyển từ “thơ điệu ngâm” sang “thơ điệu nói” cùng lối tư duy của hai câu cuối: sao chưa dừng lại em ơi/ trong kia làng mở hội/ em vào vườn trèo lên cây bưởi/ mời mọi người dự đám cưới đôi ta/ mùa xuân làm bà mối/ người yêu nắm cánh tay/ hình ảnh ngoài trời ngỡ vỡ con ngươi/ chúng tôi chạy trên mùa xuân (Người yêu).

Bên cạnh sự cô độc tuyệt đối khi làm thơ, Thanh Tâm Tuyền còn quan niệm, cõi thơ của mỗi nhà thơ là vùng đất mà ở đó, nhà thơ tự do tuyệt đối cùng tất cả “quyền uy” của một người làm thơ với “luật lệ” cai trị riêng, ai bước vào “lãnh thổ” ấy buộc “phải thần phục” tự do mọi mặt của nhà thơ. Và lúc đó, người đọc cũng được quyền hoàn toàn tự do tiếp nhận nó hoặc có thể tự do “ném cuốn sách ra cửa sổ” nếu không muốn tiếp nhận:       

Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy

bởi vì người vào trong đất đai của tôi

người hoàn toàn tự do

để cai trị tôi có những luật lệ

tinh thần mà người phải thần phục

nếu người muốn nhập lãnh thổ

người hoàn toàn tự do

và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ

(Ở đây tôi là vị hoàng đế).

Trong Tạp chí Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền (tháng 11/1973), nhà nghiên cứu Lê Huy Oanh cũng đã từng thú nhận như thế: “trước đó tôi đã quẳng tập thơ qua cửa sổ, rồi lại nhặt lên, trân trối nhìn nó một hồi lâu trước khi từ từ, rất từ từ ấp nó vào ngực”. Nói về cách tân thơ của Thanh Tâm Tuyền, nhà phê bình Đặng Tiến cho rằng: “Thơ xưa đem tư tưởng ra “diễn ca”, còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới” (Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Talawas 4/4/2006).

Lấy cô đơn, sự tự do tuyệt đối làm cơ sở xuất phát của thi ca, Thanh Tâm Tuyền quan niệm, sức sống của thơ không phải được làm nên bởi những hào quang ngụy tạo hay những thêu dệt về tên tuổi của nhà thơ, mà chính là tác phẩm của nhà thơ ấy: hoàn thành bao nhiêu tác phẩm/ chỉ để sau rốt kết luận một lời/ anh hãy từ biệt mọi người bằng tác phẩm của anh (Định nghĩa một bài thơ hay). Một nhà thơ muốn đổi mới thơ mình thì phải luôn thèm “giết” chính mình, “bóp cổ” chính mình. Nghĩa là phải luôn là “phủ định của phủ định” thơ mình để mình được “phục sinh”: 

tôi thèm giết tôi

loài sát nhân muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

thanh tâm tuyền

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh

(Phục sinh).

Ở đây, chúng ta nhận ra, Thanh Tâm Tuyền đã đến gần với quan niệm thơ của Oetavio Paz: “Để hoàn thành tác phẩm của Nietzsche, hãy phủ định chúng càng mạnh càng tốt. Ở cuối con đường, cuộc chơi đang đợi chúng ta: một viễn cảnh hội hè, sự hoàn thiện của tác phẩm, sự hiện thân sống động của nó trong khoảnh khắc và cả sự tan hủy của nó” (Oetavio Paz - Bàn về thơ, hieutn1979.wordpress.com). Chính vì vậy, Thanh Tâm Tuyền rút ra “Định nghĩa một bài thơ hay” đại ý như sau: “một câu thơ hay” không phải bởi sự hoa mỹ của ngôn từ hay bằng chủ nghĩa này, trào lưu nọ, mà “câu thơ hay” phải  “tự nhiên như lời nói” và “bài thơ hay là cái chết cuối cùng”:

một câu thơ hay tự nhiên như lời nói

bài thơ hay là cái chết cuối cùng

(Định nghĩa một bài thơ hay).

Oetavio Paz cũng từng quan niệm: “thi ca là khoảnh khắc ngừng lại của thời gian. Thời gian ngừng lại, hay nói đúng hơn: thời gian đã chết. Nhưng đó là một cái chết màu nhiệm, chết để hoá thân thành thi ca” (trích theo Ngô Tự Lập, Thơ là cái chết của thời gian, chungta.com). Tự “bóp cổ” mình để được “chết”, chết để chính mình được “phục sinh”. Cho nên: “bài thơ hay là cái chết cuối cùng”.

_________

(Nguồn thơ trích dẫn: Tôi không còn cô độc, Người Việt xuất bản,1956 và Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy, Sáng Tạo xuất bản, Sài Gòn, 1964).

Mai Bá ấn

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2023


Có thể bạn quan tâm