May 2, 2024, 8:27 pm

Thanh Hóa hôm nay

Thanh Hóa hôm nay đang từng ngày phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, với khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX được triển khai trong tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong tình hình đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhận dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức. Tranh thủ tối đa những điều kiện thuận lợi, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Các mặt y tế, văn hóa, giáo dục, luôn được chú trọng đầu tư, quan tâm phát triển với mục tiêu nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa được đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2023 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mặc dù trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng kinh tế vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Hoạt động đầu tư công được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Việc bố trí vốn đầu tư được thực hiện tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng, hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư được chú trọng, quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước được mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực hơn. Giai đoạn 2021 – 2023, thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký là 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh lớn nhất cả nước.

 

  Ảnh tư liệu: Một góc thành phố Thanh Hóa hôm nay.

 

Về thực hiện 8 Chương trình trọng tâm, trong đó Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đang thực hiện với nhiều thành quả đáng ghi nhận. Dự kiến đến năm 2025, toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình xây dựng nông thôn mới ờ Thanh Hóa sẽ hoàn thành. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế. Tập trung tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình, chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ được xây dựng và nhân rộng. Đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đi vào chiều sâu, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp có những bước phát triển cơ bản: Từ năm 2021 đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp khác đã thu hút được 69 dự án đầu tư trực tiếp (Trong đó có 19 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 15.868 tỷ đồng và 168 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn đạt 33,1%, Khu công nghiệp Lễ Môn đạt 100%, Khu công nghiệp Hoàng Long (giai đoạn) đạt 100%, Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga đạt 94,1%, Khu công nghiệp Bỉm sơn đạt 66,1%... Một số dự án quy mô lớn, trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tác động lớn đến hệ sinh thái phát triển kinh tế chung của tỉnh; Chương trình phát triển du lịch cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Lượng khách du lịch tăng bình quân 17,8%/ năm, xếp thứ 5 cả nước, doanh thu tăng bình quân 32,5%/năm, xếp thứ 4 cả nước. Nhiều dự án hạ tầng du lịch quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ở biển Sầm Sơn, biển Hải Tiến, một số dự án trùng tu, bảo tồn di tích đã hoàn thành, sản phẩm dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hình thành một số sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ du lịch mới đưa vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch Sầm Sơn). Tour du lịch Đảo Mê (tại thị xã Nghi Sơn), tour du lịch đảo Nẹ, dù lượn (khu du lịch Hải Tiến)… Đã đem đến cho du lịch Thanh Hóa những sắc màu dịch vụ phục vụ du khách đa dạng, chất lượng; Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục với các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 85,1%, vượt mục tiêu đến năm 2025 (mục tiêu 81%). Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được quan tâm, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ đạt chuẩn đạt 94,9%. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố; Chương trình nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đều đạt cao so với kế hoạch và cao hơn so với bình quân chung của cả nước, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng từ tỉnh đến cấp xã. Thành lập mới nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa ngoài công lập với cơ sỏ vật chất, trang thiết bị hiện đại. Công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho tuyến huyện và phát triển bệnh viện vệ tinh được đẩy mạnh, các ứng dụng đã được đưa vào thành công với nhiều kỹ thuật hiện đại mới tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; Chương trình về nâng cao chất lượng văn hóa như xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa cùng với bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm phát triển; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các hạng mục như điện, đường, trường, trạm. Đời sống nhân dân khu vực miền núi từng bước được nâng cao thông qua các chương trình, mục tiêu phát triển khu vực miền núi Thanh Hóa; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng đã đạt nhiều kết quả trong thời gian qua.

Mặc dù vậy, so với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh Thanh Hóa cũng nhìn nhận một số mặt còn tồn tại, hạn chế như năng suất lao động xã hội còn thấp so với bình quân chung của cả nước, vẫn còn dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Dịch vụ giá trị gia tăng cao phát triển chưa đủ mạnh, sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của nhu cầu du khách, xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng hóa gia công, sản phẩm thô giá trị thấp.

Phát huy những thành quả đã đạt được, cùng với việc nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, củng cố, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất. Quyết tâm,  trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, tính kịp thời, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ các cấp, các nghành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phái Bắc của Tổ quốc, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Lan Anh


Có thể bạn quan tâm