May 2, 2024, 11:39 am

“Thánh Địa” của mù sương nhiệt đới

Trên lãnh thổ Việt Nam có hai vùng đất có địa khí hậu biệt dị đặc sắc là xứ Panduranga (Phan Rang - Ninh Thuận) và xứ B’lao (Bảo Lộc - Lâm Đồng).

Một nơi ở bên đại dương, miền duyên hải, đầy cát, cháy bỏng, khắc nghiệt, còn một nơi lùi sâu vào lục địa, miền cao nguyên, đất đỏ bazan, đầy màu xanh và mát lành (khác hoàn toàn với cái “lạnh ồn ào” như trường hợp Đà Lạt, Sa Pa); nơi nhiều nắng nhất nước và nơi nhiều mưa nhất nước. Xứ thừa độ khô nóng với xứ thừa độ ẩm. Như hai cực “Đực - Cái” vốn là bản tính phồn thực lộ thiên lừng lững của thiên nhiên mà đặc trưng ở đó cứ như là một sự hiển thị đại diện để con người nhìn thấy đủ chân dung bản chất trời đất, vũ trụ cùng linh hồn miền xứ.

Bút ký dưới đây sẽ kể câu chuyện về cái phần “Cái” đó, bởi cái phần “Đực” Panduranga kia người ta đã kể lâu nay nhiều rồi.

Chim rừng bỏ lại sương sầu rục phương ”

(Lời kẻ hát rong trong rừng, Krajan Bri)

Ngồi Thiền trong sớm mai ở B’lao

Ở đây, mỗi khi tan sương là vỡ ra B’lao, vỡ ra một xứ sở, một vùng núi rừng xa xưa, cao nguyên Mạ huyền ảo buổi nào giữa rừng rậm nhiệt đới của chín mươi năm trước, và vỡ ra một thành phố cao nguyên nữa, Bảo Lộc.

Ối à, cái thứ sắc trắng nhào với chút xám làm nên màu tuyết đục của thiên nhiên vung ra mặt đất gầy, làm B’lao ngửa nghiêng vào mỗi bình minh.

*

Chiều hôm trước có mưa thể nào hôm sau sương cũng lên, và rê ra vài ngày mù sa xứ sở. Tôi đã ném mình vào B’lao như thế đó. Tôi đã thấy sương của buổi mai hôm trước khác buổi mai hôm sau. Sương của mùa khô thoảng chợt và sương của mùa mưa ê hề. Sương của bình minh khác khói nước của chiều tà. Sương của lúc hợp bầy khác sương ở những khắc chia ly. Sương ở những dải đồi Kohinda khác sương của chỗ Đại Lào. Sương trong hồ Đồng Nai khác sương ở hồ Mai Thành. Sương dưới chân núi Da Briam khác sương ở thung lũng Dam Rông. Sương ở trảng trũng bao la Tân Hóa khác sương ở Dốc Ánh Mai. Sương ở xóm đạo Lộc Phát khác sương ở giáo xứ Thánh Tâm. Sương qua Lộc Thắng, sương lấn Lộc An, sương vào Lộc Thành, rồi định cư dầm dề ở đó. Có cả những làng người mới di cư từ Tây Nam Bộ sống ẩn dưới những chân đồi phủ lên đầy sương đó. Có những đám trẻ phương xa đi phượt dựng lều trên đồi thâu đêm để chờ sương mai lên ngắm. Có những ngôi Chùa mới mọc, tên còn chưa có mà đã nổi tiếng vì nơi đó bỗng dưng thành vị trí đắc địa du thám về với sương chứ không phải về tuệ giác siêu ích cho tha nhân là Phật pháp, vì người ta trông được nhiều sương lạ. Dày đặc thung lũng là dày đặc những lũng sương, biển sương. Đồi này nối đồi kia là bể sương nọ nối biển sương kia. Sương trên đồi trà khác sương ở rẫy cà phê. Sương trong vườn sầu riêng khác sương trên vườn cam. Sương trên đỉnh Nhà thờ khác sương trên mái Nhà chùa. Sương đi vào không gian, sinh cảnh nào thì sương mang dáng vóc, nhan sắc đó thôi.

Có lúc sương vạm vỡ, có lúc sương gầy nhom; có lúc sương tàn bạo và có lúc sương nhân từ. Có lúc sương thăng hoa, và có lúc sương chán nản. Sương như kẻ lắm tham cầu, tất bật. Rồi nó như kẻ thất nghiệp. Có hôm sương rất “thơ” và có hôm sương rất “ác”. “Thơ” là khi sương vừa đủ mơ màng, “ác” là khi sương không còn cho một mức nhìn nào, vài mét cách mà người yêu người không nhìn thấy được nhau. Có thể sương đang nhớ người yêu; có thể sương đang chán người tình. Cũng có kỳ độ sương bỏ B’lao đi_ là những ngày nắng nóng dài thượt hoặc mưa dầm liên miên, và có lúc sương trở về_ là những ngày có đủ nắng mưa, đầu ngày và cuối ngày. Sương như đứa con gái hoang của cao nguyên Mạa với rừng núi đã chết. Sương như nước mắt của những đứa con trai Mạa xả ra vì không còn rừng để lang thang. Sương như mỹ lệ của núi khóc cho những cánh rừng đã thành ma núi, quỉ dại. Mưa nhiều, ẩm cao, đổ xuống, không gì ngậm hút thì thành sương thôi, không gì che đậy thì phơi ra vậy. Phơi cho tái tê xứ sở. Phơi cho rực rỡ cỏ cây. Phơi cho nức nở hành giả này. Cùng với mây trời, mặt đất, gió nước, thảo mộc, nắng mưa, sông ngòi, làng mạc, hàng phố, sương là một thứ thân thương luôn bên cạnh con người. Nó là một hiện tượng tự nhiên thường hằng, là vật chất, bỗng sừng sững trở thành một thứ tinh thần lớn lao nào đó trong nhân tâm. Làm sao không quyện với mù sương. Trò chơi của thiên nhiên, hơi nước, làm nên hồn cốt cao nguyên này.

Làm sao thoát khỏi mù sương B’lao đây.

*

Thân tâm tôi đã lỏng ra trong bao mùa sương về đây nương náu. Rạng rỡ xót xa là nó làm biến mất thân phận của một hành giả lạc loài kiêu bạc ở một miền xứ lạ. Tôi đã lơ lửng bởi hơi nước lịm buồn kia. Những buổi sáng tôi chạy như đi tìm tình nhân theo trục đường Trần Phú với mắt nhìn dõi qua hở khe giữa những khối nhà vọng xuống thung lũng Nam Phương để nhìn sương ở đó. Tôi thốc tháo bước chân trên những ngọn đồi ở Khu Sáu để nhìn những làn sương mỏng đầu tiên liếm qua những đọt trà của dân cày ở hướng Bắc. Tôi cuống cuồng sợ sương ở thung lũng ngã ba Đại Bình kéo nhau hết xuống suối Minh Rồng ở hướng Đông. Tôi sợ vuột mất bữa tiệc sương bày ra trên vách núi Đại Bình ở hướng Nam cho dù những buổi sáng ấy áo quần tả tơi vì ẩm ướt sớm. Tôi muốn nuốt cho trọn những dải sương nghèo la đà hai bên bờ suối Đại Lào ở hướng Tây. Tôi muốn tát cho cạn muôn ngàn bể sương ở Lộc Thành, nhưng không thể vì dời những ngọn đồi bát úp kia đi là bất khả.

Và có những ban mai tôi từng bước, từng bước lặng thầm trên đồi Hà Giang, quẩn quanh với sương ở đó thôi, mặc cho sương những chỗ khác đẹp đến thế nào. Chạy nhanh, để thấy sương. Bước chậm, là để nghe sương. Có cái ghế đá trong vườn của một người B’lao tốt bụng ở xứ ấy đã cho tôi được ngồi bao phen một mình đối diện với sương khuya và tập tành lắng nghe sâu những gì trong Tứ Diệu Đế của Phật pháp về tự tình tỉnh thức, giải thoát khỏi cõi phàm phu thế gian ta bà. Và có bữa thời thiền đến sũng ướt cả người mà vẫn không thấy lạnh, chẳng muốn phải vào trong. Tôi được nhúng sương. Tôi nhận ra cái ấm của sương giá. Cả thân tôi êm ái. Cả hồn tôi mát mẻ và nó như đi được rất xa, chạm vào tính hư vô của bất cứ vật chất nào trong trời đất. Có lần tôi đã khóc. Tôi thấy tôi có thể tan được. Tôi ước giá mình được là giọt sương, hiện lên và rã đi thật nhanh, để thân xác này khỏi chịu án đời bởi tiếp xúc với con người cùng những mong cầu thế tục, trôi lăn với ăn uống, mua sắm, kim tiền, tranh đua, danh vọng, hư vinh, nhà cửa, gia đình, hôn nhân. Giàu có, xa hoa, hoặc uy danh mà làm gì để cho thế nhân tránh ra, nể phục hay khiếp sợ. Loài người chăm lo cưng chiều phần thân xác của mình hơn phần tinh thần. Như thể giống loài này chỉ có mục tiêu ấy. Tôi từng bị mắc dính vào, với họ kéo tôi đi.

Chắc chắn thế nhân sẽ chọn bữa tiệc sáng món phở bò hơn món sương mai, và nghĩ ly cà phê thượng đẳng là ly cà phê trong khung kính xa hoa trên tòa cao ốc chót vót nào ấy ở Sài Gòn, Hà Nội chứ không phải rót nhẹ chút mù sa B’lao mỏng manh thế này.

*

Cũng có những mùa tưng hửng với sương B’lao, nhà của bao người quen trên những lối sương đó, chẳng buồn bước vào. Tôi thấy cả thân phận họ trước sương, vũ trụ này, như thân phận mình. Con người là gì đâu, cứ nhìn sương phủ lên những nghĩa địa len lỏi khu dân cư nội đô hay cõi chết bên rìa ngoại ô. Những bụi tàn nằm dưới đất đó, từng trông thấy sương khi còn sống, ra đi, và giờ còn ảo hơn cả sương. Tôi quả thực không rõ khi bệnh tật cận kề sinh tử thì thân tâm của những kẻ sống trên ngai vàng, dinh điện, biệt thự, tòa cao ốc có khác gì những người sống trong căn nhà ổ chuột hay xó chợ nhạt nhòa sương kia. Luật chơi của tạo hóa dành cho con người luôn có “tổng bằng không” mà loài tôi nhiều khi nghĩ nó “khác không”, là khi thăng tiến, thành đạt, thành tựu. Tôi đang còn hiện hữu phút giây này, nhưng ngắm sương là tôi đang chuẩn bị cho ngày ly tan với dương gian. Có gì mà phải sợ buổi ra đi, người bản địa Jrai, Banarh ở cực bắc của Tây Nguyên chẳng phải đã có nhận thức minh triết lạ lùng và quan trọng khi cho rằng con người hình thành từ giọt sương và kết thúc sinh tồn bằng thể phách này đó thôi. Con người là một phần trò chơi của vũ trụ mà ngỡ mình là chủ chơi. Là lúc tôi thấy mình côi cút trước sương quá.

Tôi học làm người lành từ sương. Tôi muốn sương hãm tôi lại những thèm thuồng và cơn hăng máu. Cầu cho ly cà phê sáng đẫm sương B’lao xua đi ám khí lý tính của “hiện đại”, “văn minh”. Tôi nhắc tôi cơ thể gắng chịu áp lực từ thiên nhiên để được buốt lạnh hơn.

Người B’lao hiền hơn người ở các tỉnh thành khác, không biết có phải nhờ sương không, là có yếu tố từ khí hậu, thời tiết ôn hòa, mát lành. Hay là chính nhờ hơi thở bác ái và tuệ giác từ Nhà thờ, Nhà chùa nhiều cộng vào nó, sương, thì cũng khó lý giải rõ.

*

Những tháng ngày B’lao nó đậm dần, đậm cái tha thiết xứ sở lạ từ bên trong. Hư vinh đã tệ hơn những cơn ngủ vùi, ngủ nướng, lại còn tệ hơn lời mời mọc của sương mai. Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, Paris, Tokyo, Roma... càng trở nên vô nghĩa, vì hấp lực không đủ với tôi. Cái nơi thiên hạ lướt qua, cái ốc đảo mù sương B’lao đã là tuyệt xứ. Giờ thì trong tôi, sương B’lao đã đẩy phăng sương Đà Lạt. Cái dòng dõi sương mù liu hiu bí ẩn ồn ào trong rừng thông Đà Lạt ở cao nguyên Langbian giờ không thể bằng dòng dõi sương tưng bừng, lột trần ra giữa trời đất, đều đặn cõi xứ như sương cao nguyên B’lao. Sương Đà Lạt xa hoa đã quá son phấn trong một trăm năm qua, dù chẳng ăn nhằm gì với sương B’lao. Cái thứ sương nghèo thầm lặng B’lao nó sang trọng trong cái nghèo và tần tảo thuần nông, không nhiễm du lịch, bèn ra nó trong, nó quí. Nơi nào du lịch nơi đó trở nên nổi tiếng, bất cứ thứ gì ở đó. Như hai cô gái xinh đẹp ngang nhau, nhưng cô nào trong thế giới phù hoa danh gia vọng tộc thì người đời dõi mắt nhìn theo so với cô nàng rực rỡ con nhà nghèo ở miền thái ấp, xó núi, xóm chài. Lạ thay, thế mà người B’lao chưa bao giờ gọi nơi mình ở là “Xứ sở sương mù”, dù sự thực nó là nơi nhiều mưa, ẩm, và lắm mù sương nhất ở cái quốc gia bên bờ biển Đông này. Bởi thế mà trà B’Lao ngon nhất nước. Trên trái đất này, ở đâu trà ngon mà xứ đấy không phải xứ sương mù, và trà ngon ngọt bao giờ chẳng là trà phải sinh trưởng trong sương, ngậm lấy mù sương.          

*

Tôi muốn mình là đứa trẻ, để nghịch sương, phá phách sương. Thế thì tôi chạy, tôi quần, tôi đứng, tôi ngồi, tôi vọng, tôi ứa nó ra bằng chữ, tôi phun nó ra bằng ngôn từ. Nhởn nhơ, không đèo mang. Là chọn dại, chọn sương, cái cuối cùng, cái hư vô như ánh sáng tư tưởng người bản địa Tây Nguyên buổi nào mà.                                                

Lúc này, thấy cái gì đó mong manh bên trong mình. Cảm nhận có nhiều dưỡng khí. Đây đó thật mà rỗng, chân mà mộng, thưa vắng mà thanh ấm. Cảm giác chẳng bao giờ định dạng, tâm hồn rất lang thang. Miền an trú. Vạn vật ở đây thứ gì cũng “gợi”, gợi lên, gợi về, gợi đi, gợi đến; gợi ly, gợi hợp, gợi cận, gợi viễn. Màu xanh phủ quanh năm trên những ngọn đồi. Trà, cà phê, dâu tằm, hay những vườn măng cụt, sầu riêng, bơ nó không biết nói, chỉ biết làm lạ xứ sở. Thì cũng như những giáo đường, Nhà Chùa dày đặc kia, nhô lên trên màu xanh ấy, Phúc âm và Bát nhã tâm kinh giao hòa bãng lãng. Cứ như mông muội không có ở nơi này. Cứ như tần tảo và chua cay không có ở nơi này.

Không định dạng nữa đi, cho vỡ toang, vỡ loang sự dịu êm, mềm mại. Cho bước chân mòn thẫm này chết bởi sự thanh lành, giữa thời buổi lai láng hỗn mang cơ cầu.

Không còn cánh rừng nào nữa mà vẫn thiết tha xanh. Đồi núi cho dù bị lột da để thay lớp thịt mới thì cái dư ba sơn cước vẫn lãng đãng trên trời xứ và đâu đó trong từng thớ đất, cỏ cây mới, nhân tâm. Cao nguyên Mạa B’lao thoáng ra từ kỳ độ đó, dù sắc tộc sơn nguyên Mạa chủ nhân xứ sở đã tản mát, lùi xa tít mờ. Từ ấy cao nguyên Mạa thành cao nguyên sương, cứ như đây là “Thủ phủ” của sương. Cao nguyên rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt nhất hạng hôm nào. Tặng phẩm thừa tự nổi trội nhất của xứ đại ngàn một thuở là sương. Những ban mai, cả cái thành phố bé con chìm trong mù sương. Những đồi vườn trà lượn sóng lờ mờ trong khói nước đục. Tiếng chuông từ những Nhà thờ cố len qua sương mà tìm đến tai giáo dân trong các giáo xứ. Nghĩa là thứ thanh âm ấy tắm sương, được thanh tẩy trước khi lay thức đức tin, gọi ơn, chào đón tín đồ. B’lao như nồi hơi khổng lồ, tha thướt, bãng lãng, sôi, dịch chuyển, chạy nhảy, múa ca, mà có khi đến tám giờ rưỡi sáng hơi nước ấy vẫn chưa bay hết về trời. Nơi chốn nào trên đất nước này, địa cầu này  cũng có sương, nhưng B’lao cứ như là “Thánh địa của mù sương” vậy cà. Xứ sở sương của miền nhiệt đới Nam bán cầu, chứ không phải sương kiểu Anh Quốc, Bắc Âu, hay Tây Tạng... kia.

Tôi trốn vào mù sương.

Mây kia trốn vào sương mù.

Nhìn sương nuốt trọn đỉnh núi Da Briam, và cái thung lũng khổng lồ Nam Phương mà thương cho mặt đất bé bỏng. 

B’lao lộng gió, lộng mưa, lộng nắng, lộng tự nhiên hẻo vẳng, và lộng nghèo nàn.    

Tôi có lạc loài trong cõi nhân gian không, tôi chẳng biết nữa rồi. 

Nghe sương đồng nội rơi trên núi/ Nghe dáng chiều đi lọt dưới khe”, cô gái nào đó đã làm thơ về B’lao.

*

Chiều nay trời lại có mưa. Sớm mai, mùi sương sẽ khác.

Bút ký của Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm