April 27, 2024, 2:11 pm

Thăm Thư viện tưởng niệm Karl Marx ở London

 

Cùng với ngôi mộ ông ở nghĩa trang Highgate, Thư viện tưởng niệm Marx ở Clerkenwell là hai địa điểm được nhiều người viếng thăm nhất trong số những nơi gắn bó và lưu giữ dấu ấn của người sáng lập chủ nghĩa Cộng sản ở London.

Năm 1933, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Karl Marx (1933), một cuộc họp giữa đại diện các đoàn viên công đoàn, các nhà xã hội kỳ cựu thuộc Đảng Lao động và Đảng Cộng sản Anh, cùng đại diện của Phòng Nghiên cứu Lao động và Công ty xuất bản Martin Lawrence, đã đưa ra ý tưởng lập một cơ sở nhằm tưởng nhớ vị lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

Tác giả bài viết  trước cổng MML (trên) & Phòng chính của MML (Ảnh: VXQ)

 

Trong bối cảnh năm đó chính quyền Đức quốc xã đang thực hiện chiến dịch đốt sách ở Đức, cuộc họp đã quyết định rằng cách tưởng nhớ Karl Marx thích hợp nhất là lập một Thư viện để lưu giữ, truyền bá tư tưởng và học thuyết của ông. Vì vậy, Thư viện Tưởng niệm Marx (tên đầy đủ là Thư viện Tưởng niệm Marx & Trường học cho Người lao động (Marx Memorial Library & Workers' School, viết tắt là MML) đã ra đời.

MML nằm trong một ngôi nhà cổ được xếp hạng là di tích lịch sử hạng II của Vương quốc Anh, tọa lạc ở số 37a Clerkenwell Green, Lonđon. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1738, từng là trường học từ thiện cho con của các nghệ sĩ nghèo người Welsh ở khu vực Clerkenwell trong suốt 83 năm trước đó, nhưng vào năm 1987 nó đã được tu bổ lại khang trang hơn như hiện trạng ngày nay.

Kế thừa truyền thống của ngôi nhà, kể từ khi được thành lập đến nay, MML vẫn duy trì tôn chỉ từ thiện, hoạt động dựa vào nguồn tài trợ thiện nguyện của các nhà hảo tâm và đóng góp của các thành viên tự nguyện gia nhập (lệ phí hiện giờ là mỗi hội viên 20 bảng một năm). Ngoài ra MML kêu gọi mọi người trở thành giám hộ viên với việc đóng góp ít nhất 250 bảng mỗi năm.

Ngôi nhà của MML đó cũng từng là trung tâm lịch sử cấp tiến của khu Clerkenwell trong nhiều thế kỷ. Chính tại tòa nhà này đã diễn ra các cuộc họp của Hiệp hội Công nhân Quốc tế và các bài giảng của Karl Marx. Vào cuối thế kỷ 19, đây là nơi Nhà xuất bản thế kỷ 20 (Twentieth Century Press), xuất bản báo Công lý (Justice), nhiều sách và tờ rơi cấp tiến, cổ vũ chủ nghĩa xã hội, mà các bản gốc hiện vẫn còn được lưu giữ ở đây.

Sau đó, ngôi nhà đã trở thành trụ sở của đảng Marxist đầu tiên ở Anh, Liên đoàn Dân chủ Xã hội (SDF), tiền thân của Đảng Cộng sản Anh, vào năm 1920. Hiện trong ngôi nhà này còn lưu giữ toàn bộ các số báo Daily Worker (nay là The Morning Star) của đảng này cũng như một số tư liệu của SDF.

Đặc biệt, trong tòa nhà có một căn phòng mà V.I. Lê Nin từng làm việc vào năm 1902 và năm 1903. Tại đây ông biên tập tạp chí cách mạng bí mật Tia lửa (Iskra) của những người Bolsevik để chuyển về Nga. Căn phòng nhỏ đó vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay và mở cửa phục vụ cho du khách thăm quan.

 

Bức tranh tường trong phòng chính của MML (Nguồn: MML)

 

Điểm nhấn của MML là bức tranh tường kích thước 20x10ft do họa sĩ Jack Hastings (1901-1990), sau này là Bá tước xứ Huntingdon (được gọi là 'Bá tước Đỏ') vẽ năm 1934 trong phòng chính ở tầng 1. Bức tranh có tiêu đề: 'Người lao động của tương lai đang dọn dẹp sự hỗn loạn của chủ nghĩa tư bản'. Bức tranh từng bị che lấp sau giá sách trong một thời gian dài và chỉ được lộ diện vào năm 1991.

Cùng với bức tranh tường, trong phòng chính còn có tượng bán thân V.I. Lê Nin của Lawrence Bradshaw, tác giả của bức tượng bán thân Karl Marx trên tấm bia mộ của ông ở nghĩa trang Highgate. Ngoài ra còn có tượng của Sylvia Pankhurst, nhà văn Anh, người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh vì nữ quyền. Thật bất ngờ là ngoài hành lang, phía trên cửa vào phòng đọc nằm đối diện với phòng làm việc chính treo một tấm ảnh chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phòng đọc của Thư viện phục vụ bạn đọc tại chỗ vào các ngày từ thứ Ba đến thứ Năm với điều kiện phải đăng ký trước. Vào trưa thứ Hai hàng tuần, thư viện tổ chức tham quan tòa nhà có người hướng dẫn với lệ phí 3 bảng cho trẻ em và 5 bảng cho người lớn. Vào tháng 10 năm 2023, kỷ niệm 90 năm thành lập, MML bổ sung thêm các chuyến tham quan vào các ngày thứ Năm hàng tuần. Để được khám phá tòa nhà, bạn phải đăng ký và mua vé trước online.

Phía sau của tòa nhà là một sân tưởng niệm các nhân viên truyền thông thiệt mạng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít thế kỷ 20, từ Nội chiến ở Tây Ban Nha năm 1936 -1939 đến chiến tranh Thế giới Thứ hai ở châu Âu năm 1941 -1945.

MML không chỉ là một Thư viện theo cách hiểu truyền thống mà là một cơ sở lưu trữ và giáo dục về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội và phong trào công nhân. MML hiện đang lưu giữ hơn 60.000 cuốn sách, áp phích, tờ rơi, tranh ảnh và tạp chí khoa học về chủ nghĩa Marx, lịch sử phong trào giai cấp công nhân, công đoàn, phong trào chống chủ nghĩa phát xít và các chiến dịch đấu tranh vì hòa bình và bình đẳng giới.

 

Ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh (trái) & Áo khoác da của G. Dimitrov trong MML (Ảnh: VXQ)

 

Danh mục nguồn tài liệu này đã được số hóa và có thể tìm thấy trên ngân hàng dữ liệu của Thư viện từ bất cứ đâu. Sau khi đã trở về Helsinki, tôi thử gõ từ “Hồ Chí Minh” vào ô tìm kiếm của Thư viện thì thấy có 50 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các tác giả khác viết về Hồ Chí Minh hiện có ở đây.

Cùng với việc lưu giữ và phục vụ những tư liệu của quá khứ, MML còn xuất bản một số ấn phẩm về những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa Marx. Đáng chú ý nhất là tạp chí Lý thuyết & Đấu tranh (Theory & Struggle) liên kết với Nhà xuất bản Đại học Liverpool được xuất bản từ năm 1934 đến nay. Tạp chí được xuất bản hàng năm, với các bài viết về các cuộc tranh luận diễn ra trong giới Marxist cũng như những nghiên cứu đáng chú ý về các phong trào lao động, các phong trào vì bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc và vì hòa bình ở Anh cũng như trên thế giới.

Hầu như hàng tháng MML đều tổ chức các khóa học, các buổi nói chuyện tại chỗ và online miễn phí cho những ai quan tâm đến tư tưởng của Karl Marx. Chẳng hạn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2024 có Hội thảo “Lê Nin ở Anh”, Ra mắt và giới thiệu sách “Chủ nghĩa tư bản tân tự do toàn cầu và các lựa chọn thay thế: từ dân chủ xã hội đến chủ nghĩa tư bản nhà nước”, các khóa học trực tuyến về: Chủ nghĩa tư bản, Khủng hoảng & Chủ nghĩa đế quốc, Các bài giảng về lịch sử phong trào lao động Anh 1780-1990.

Ngoài ra, vào những năm kỷ niệm các sự kiện lớn, MML đều tổ chức các hội thảo khoa học và hoạt động kỷ niệm. Chẳng hạn năm 2017, nhân 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, MML đã tổ chức Hội thảo về V.I. Lê Nin và mối liên hệ của người sáng lập nhà nước Xô Viết với London và tòa nhà MML, nơi có căn phòng ông biên tập tờ báo bí mật Iskra.

Còn năm nay (2024), kỷ niệm 100 năm ngày mất của V.I. Lê Nin, MML phát động quyên góp tiền nhằm phục chế chiếc áo khoác da của Georgi Dimitrov (1882-1949), nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản. Đây là chiếc áo mà G. Dimitrov đã cho Tổng bí thư đảng Cộng sản Anh Harry Pollitt (1890-1960) mượn để mặc trong lễ tang của Lê Nin. Chiếc áo này sau đó được chuyển cho Sam Lesser (1915-2010), thành viên của đảng Cộng sản Anh tham gia Lữ đoàn Quốc tế trong thời kỳ nội chiến Tây Ban Nha, sau đó là phóng viên của báo Daily Worker, tiền thân của Morning Stars. Chiếc áo được gia đình Lesser tặng lại cho MML sau khi ông qua đời.

Tháng 1.2024 nhân dừng chân ở London, sau khi đến thăm mộ Karl Marx, tôi cũng đã ghé qua Thư viện tưởng nhớ ông. Mặc dù 11:00 Thư viện mới mở cửa phục vụ và phải đặt giờ trước, song sau khi nghe tôi nói tôi từ Việt Nam đến, Matt Dunne - cán bộ lưu trữ tình nguyện của MML đã vui lòng tiếp và dẫn tôi đi thăm Thư viện ngay khi anh vừa đến. Anh cho biết nhiều đoàn khách nước ngoài đã từng đến đây, trong đó có một số đoàn từ Việt Nam.

 

Helsinki tháng 2/2024

Võ Xuân Quế

 



​ 


Có thể bạn quan tâm