May 3, 2024, 6:27 pm

Tay máy khác người…

Nửa đời làm nghề

Đã đoạt hơn 100 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và Quốc tế. Là người Việt Nam duy nhất và đầu tiên 11 năm đoạt giải cuộc thi hàng đầu châu Âu:  Px3 - Parisr (Pháp). 11 năm liền đoạt giải IPA (Mỹ). 5 năm giải International Color Awards (Los Angeles - Mỹ). 3 năm giải nhiếp ảnh hàng đầu Cộng hòa Czech. 4 năm giải toàn Pollux Annual Awards (Anh). 4 lần giải MIFA (Rusian, Nga). Bằng danh dự của Arts show photography (Mỹ). 3 lần vào chung kết, 2 bằng danh dự cuộc thi sáng tạo Quốc tế London (LICC- Anh)… Nhiều bức ảnh của anh xuất hiện trên các sách ảnh của Italia, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, New Zealand, Pháp, Croatia, Bungari.

Hai phỏng vấn riêng của tạp chí ảnh Anh, Mỹ.

Tham gia Ban giám khảo nhiều cuộc thi ảnh Quốc gia, Báo chí toàn quốc, Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc, Thi ảnh lý tưởng, Liên hoan nhiếp ảnh Trẻ, Vẻ đẹp Việt Nam, Khoảnh khắc vàng (Thông Tấn xã Việt Nam).

Đã xuất bản 8 cuốn sách, trong đó có 2 cuốn sách ảnh: Mẹ tôi, Đạo và đời. 6 cuốn khác là phê bình và tiểu luận về nhiếp ảnh và phim điện ảnh.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Việt Văn

Tại sao?

Tựu chung đời chỉ có hai câu hỏi: Thế nàoTại sao.

Chỉ có thể tìm câu trả lời xác đáng ở con người anh, ở nội lực, năng lực của bản thân tác giả, sau đó là những người thân thiết ruột thịt.

Thân phụ anh, nhà nghiên cứu sân khấu Trần Việt Ngữ - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đã mất). Vốn theo đạo công giáo, nhưng đi bộ đội, là sĩ quan, chuyển ngành nên thực tế cũng không còn theo đạo. Thân mẫu anh, Lê Thị Đức Hạnh, theo đạo Phật, học giỏi toán, nhưng sức khỏe yếu không thể học lên được, xin vào Viện Văn học làm công tác tư liệu. Nhờ chịu khó đọc, ghi chép, chịu học, tự học, học tại chức mà trở thành Phó Tiến sĩ, Phó Giáo sư nhờ có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao. Hai người kết hôn ngày 17/1/1965. Sinh được hai anh em trai: Văn Việt (1965), Việt Văn (1971). Bạn cha đùa: “Tên ba bố con mà có 4 từ!”

Đấy là một gia đình yêu thương, gắn bó, đùm bọc giữa thời bao cấp khốn khó và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ phải đi sơ tán suốt. Bố sơ tán một nơi. Mẹ nơi khác. Phiếu “thịt trẻ em” (TR) chẳng bao giờ là đủ cho Văn Việt. Một đận, sốt cao. Thấy hai mẹ con gầy tong teo, Bệnh viện cho hộp sữa bò đặc. Nhưng nó không chịu ăn sữa bò, chỉ bú mẹ. Mà mẹ thì quá ít sữa. Lại ăn gì cũng nôn. Bế con ra cổng, thấy một người xách nải chuối thăm người ốm, đành muối mặt xin một quả cho con!

Mẹ có thai. Thể trạng đã yếu. Gần đến ngày sinh. Mọi người bảo phải về Bệnh viện C (Bệnh viện Phụ sản Trung ương bây giờ) chứ không thể sinh ở bệnh viện tỉnh nơi sơ tán được. Quả thật yếu quá, mẹ không có sức rặn đẻ. Buộc phải dùng máy hút... Lấy được thằng bé, da đã tím tái, không khóc được, phải dốc ngược, phát mấy cái vào mông mới oe, oe chào đời. Không biết có phải vì thế mà cứ quấy khóc suốt. Khóc dạ đề là đêm mới khóc. Đằng này ngằn ngặt khóc cả đêm lẫn ngày mấy tháng liền.

Được cái, khác anh, em cứ bú sữa bò tì tì nên cũng hay ăn chóng lớn, và thông minh hóm hỉnh. Bà bảo “Có cái bánh phần cháu lại quên mất. Già hay quên quá!” - “Thế lúc còn non, bà có hay quên không?”. Nghịch điện (110V) bị giật. - “Sao không có mồm mà nó cắn đau thế hả bố?”. Sang nhà bác tìm bố, không thấy cứ thế đi bộ từ Mai Hắc Đế về Phù Đổng Thiên Vương. Cả nhà tìm loạn lên, báo Công an. Về nhà thấy con đành ra Công an báo đã tìm được. Đỗ thủ khoa vào Đại học Văn hóa Hà Nội. Mò mẫm học anh trai chụp ảnh. Sau này có theo mấy hợp học ngắn hạn do các chuyên gia nước ngoài dạy ở Hà Nội. Xin vào báo Hoa Học Trò. Cũng được việc, nhưng không nhẽ cả đời chỉ lấy trẻ em làm đối tượng phục vụ. Liền đến báo Lao động xin ông Lý Sinh Sự (nhà báo Trần Đức Chính), Phó Tổng Biên tập, thử việc. Thế là từ năm 1996 làm việc đến giờ. Sau 4 năm, lần đầu tiên (năm 2000, được giải Ba ảnh toàn quốc với bức Niềm tin chiến thắng...

Say nghề, hành nghề bằng cái đầu và con tim yêu đời

Thế nên Việt Văn không thích chụp ảnh phong cảnh, ảnh tĩnh, sắp đặt. Đi nhiều nước bằng tiền túi. Nhưng không phải để du lịch mà là khám phá mọi khía cạnh của đời sống con người. Anh phụ trách mảng ảnh trên báo Lao động. Thỉnh thoảng lại thấy một trang, hai trang trên Lao động cuối tuần của anh kèm bài viết ngắn nhằm nhấn thêm cho bạn đọc hiểu ý tưởng khi mình bấm máy. Anh cũng viết tản văn ngắn trên trang cá nhân khá đặc sắc, đầy suy ngẫm về con người. Tất nhiên còn viết nhiều bài phê bình phim điện ảnh thể hiện tay nghề chuyên môn cao nên mới được mời vào Hội đồng duyệt phim điện ảnh (chứ không phải phim truyền hình) Quốc gia chứ!

Chỉ nhắc qua tên 11 triển lãm cá nhân cũng cho thấy tác giả đầu tư vào cả nội dung thể hiện và cách thể hiện bằng cả ngôn ngữ nhiếp ảnh và ngôn ngữ văn chương như thế nào: Hà Nội, động và tĩnh, Tồn tại hay không tồn tại, Mầu mặt trời, Đạo và đời v.v …

Nhiếp ảnh là nghệ thuật thị giác khi tác giả chọn đối tượng, bố cục, góc nhìn, ánh sáng để chỉ trong khoảnh khắc bấm máy nên Việt Văn hay chụp cận cảnh nhằm đặc tả con người trong đời sống thường nhật. Để có hai lần triển lãm chủ đề “Tướng trận thời bình”, có lần phải đến nhà nhân vật từ 5h, cùng chạy bộ tập thể dục, ăn xôi sáng để nắm bắt cái thần thái, cốt cách, mới chớp được giây bấm máy liên tục. Nhờ thế mới được tấm ảnh ưng ý nhất. Nhờ thế tác phẩm mới chạm được vào cảm xúc người xem.

Việc gì cũng thế, cách quan trọng hơn cái nhiều lắm. Cũng bấm máy về con người trong đời thường, nhưng vì sao anh gặt hái được nhiều thành công hơn nhiều bạn nghề khác! Chắc hẳn anh phải đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn, chọn lọc cân nhắc nhiều hơn. Ví như chụp bộ ảnh về mẹ mình. Cả triệu tay cầm máy thì có triệu lẻ một người chụp mẹ. Nhưng chỉ bộ ảnh Việt Văn với 27 tấm được mời trưng bày tại triển lãm cá nhân ở Liên hoan ảnh Quốc tế Hy Lạp (năm 2017). Trước đó đã được nhận bằng danh dự ở Mỹ, Anh, Ý, Hunggari. Chắc không phải vì mẹ anh  là người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất, học hàm học vị hơn người mà vì những tấm ảnh ấy chạm được vào xúc cảm các nhà nhiếp ảnh cự phách và công chúng các nước ấy. Họ nhìn thấy qua một người phụ nữ cụ thể cuộc đời của một phụ nữ đại thể. Mà cái đại thể, cụ thể Việt Nam này vừa là người MẸ - MẸ VIỆT NAM nhất, người PHỤ NỮ - PHỤ NỮ VIỆT NAM nhất vừa là CON NGƯỜI - NGƯỜI nhất…

Nguyễn Bắc Sơn 

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm