May 6, 2024, 3:10 am

Tạo dựng nhu cầu hưởng thụ văn hóa để phát triển văn hóa

Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu tiêu thụ của xã hội quyết định và tạo động lực cho một nguồn hàng nào đó phát triển. Sản phẩm văn hóa cũng là những mặt hàng thiết yếu của xã hội. Bởi vậy, trong nhiều biện pháp làm cho văn hóa những năm tới phát triển, không chỉ ngang hàng với kinh tế và chính trị, mà còn giữ vị trí “soi đường cho quốc dân đi”, thì không thể không quan tâm nâng cao nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của công chúng.

Bước ra khỏi chiến tranh, từ một nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Nhà nước cũng như từng người dân phải tập trung lo cho cái ăn, cái mặc, nơi ở, đi lại và phương tiện đi lại... Ngày hôm nay, cả nước ngộ ra là văn hóa không những đã bị suy giảm chức năng “soi đường”, mà nhiều mặt còn lạc hậu. Khi đời sống vật chất tạm thời được giải quyết, tuy với nhiều đẳng cấp khác nhau, thì cơn đói đời sống tinh thần lên tiếng réo gọi. Bởi vì trong hàng trăm định nghĩa về văn hóa thì có một định nghĩa khá được đồng thuận: Văn hóa là thứ phân biệt Con Người với các loại động vật.

 

 

Nhìn lại sự thay da đổi thịt của đất nước gần đây, điều không ai không thấy là những phần thực sự do bàn tay lao động người Việt Nam ta sáng tạo ra, chiếm một phần quá khiêm tốn. Còn thì chủ yếu do tiền, của, phương tiện, kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia, mô hình… đều là từ bên ngoài đưa tới. Một số công trình có ý nghĩa thiêng liêng như tòa nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia… cũng đều nhờ bàn tay tài hoa các chuyên gia nước ngoài. Bộ mặt kiến trúc và quy hoạch đô thị cả nước cũng thiếu hẳn những công trình do bàn tay và trí tuệ của các chuyên gia kiến trúc trong nước. Sản phẩm văn hóa hàng ngày lấp đầy các phương tiện truyền thông hiện đại từ trung ương đến địa phương, thì số lượng cũng như thời lượng, vẫn chủ yếu là hàng ngoại. Nếu trong kinh tế, cả công và nông nghiệp vẫn thường xuyên có cuộc phấn đấu để không rơi vào tình trạng nhập siêu bằng các hàng rào Hiệp định và thuế quan, thì trong lĩnh vực văn hóa, các nhà quản lý từ lâu đã không chỉ cho nhập thoải mái, mà còn tạo điều kiện cho các tập đoàn đa quốc gia về văn hóa ồ ạt vào hoạt động ngay trong nước, để họ thẳng tay cạnh tranh và chèn ép các thực thể văn hóa nhỏ lẻ trong nước. Trong khi Việt Nam là một Nhà nước XHCN, có Đảng lãnh đạo, theo Chủ nghĩa Mac-Lê nin, về chính trị tư tưởng nước ta có những định hướng riêng… nên các sản phẩm văn hóa-thuộc phạm trù tư tưởng-không thể không có những “đường biên” nhất định.

Lại cần khẳng định, đất nước ta gần 100 triệu dân và gần 5 triệu người Việt ở khắp thế giới, là một thị trường tiêu thụ văn hóa lớn. Nếu biết xây dựng một nền công nghiệp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thì không chỉ tạo được một hình ảnh đặc sắc vế đất nước, mà còn là một mũi nhọn về kinh tế, nếu có chiến lược tạo dựng và nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Chính nhu cầu này mới là một chỉ số  quan trọng để xác định Chỉ số Hạnh phúc của một quốc gia.

Lao động sáng tạo văn học-nghệ thuật, cũng như khoa học-kỹ thuật, không phải bao giờ cũng nhẹ nhàng, nhưng nó có đặc điểm là trước hết đem lại niềm khoái cảm lớn cho bản thân người lao động trong quá trình sáng tạo. Quá trình lao động sáng tạo đã là một sự hưởng thụ đầy cảm giác hạnh phúc mà những người bình thường không dễ có và càng không thể hiểu. Đến lượt thành quả sáng tạo của họ mang lại hạnh phúc cho những ai có dịp tiếp cận và được trang bị những kiến thức cần thiết để tiếp cận loại hình văn hóa đó. Những điều này gộp lại, làm nên cái gọi là những thứ bậc của Văn minh. Các nền văn minh đến sau, phải tiếp nhận và biến tất cả những thành quả của tiền nhân thành nguyên liệu để tiếp tục sáng tạo, tái tạo đồng thời với những tác phẩm mới. Nếu bằng lòng với những giá trị xưa cũ và bất lực trong sáng tạo những giá trị mới thì đồng nghĩa với lạc hậu và băng hoại.

Thực tế hiện nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa là vấn đề rất đáng quan tâm. Giá như có một cuộc khảo sát tổng thể để biết các tầng lớp trong xã hội chúng ta đang sử dụng tiền bạc và quỹ thời gian hàng ngày của mình như thế nào? Có bao nhiêu người dùng quỹ thời gian ngoài việc ăn ngủ, lao động… cho việc học thêm, đọc sách, tới nhà hát, rạp chiếu phim, triển lãm, bảo tàng…? Các tầng lớp nhân dân hàng ngày họ có quỹ thời gian để hưởng thụ văn hóa không và loại họ thường lựa chọn là gì? Đặc biệt là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các ngành, các cấp, họ dành bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho hưởng thụ văn hóa? Còn nhớ trong những năm chiến tranh ác liệt, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao vẫn thường gặp gỡ, xem và động viên các văn nghệ sĩ. Ngày 26-3-1965, quân dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 máy bay của Mỹ, anh chiến sĩ phòng không Phan Duy Thảo quê ở Hà Tĩnh đang đóng quân ở Phú Thọ nghe tin đã xúc động viết bài thơ Mừng chiến thắng trời quê. Nhiều tờ báo lớn đã đăng bài thơ ở trang đầu. Trong một phiên họp Bộ chính trị, Bác Hồ đã mời nghệ sĩ Xuân Năm ngâm bài thơ đó cho cả Hội nghị cùng nghe. Một sự kiện nhỏ mà có sức động viên đối với rất nhiều đối tượng.

Ngày nay, mức sống và điều kiện sống được cải thiện. Các phương tiện và chương trình giải trí tràn ngập và thay đổi liên tục. Hiện cả nước ta có hơn 70 Đài truyền hình với hàng trăm kênh phát sóng… thì chủ yếu vẫn là nội dung giải trí. Người thiếu bản lĩnh và không có “bộ lọc” tốt thì rất dễ bị chìm ngập trong thế giới giải trí mênh mông vô bổ. Lại còn hàng trăm nam thanh nữ tú, đa phần là những người của công chúng, thường xuyên có mặt trong các trò chơi trên TV mà tiền thưởng là hàng triệu, thậm chí trăm triệu trong vài chục phút, trong khi người công nhân ngày làm việc hàng chục giờ, thu nhập không chắc đã được vài trăm ngàn đồng. Trong nền kinh tế thị trường, mọi giá trị đều được quy ra… tiền. Rất nhiều sách vở và chương trình khuyến khích “Làm giàu không khó”. Nghĩa là hầu hết các chương trình giải trí đều buộc người xem hướng đến mục đích vật chất. Mà chỉ riêng vật chất, dù giàu có bao nhiêu, cũng không thể làm cho con người có Hạnh phúc. Trong xã hội hiện đại, rất nhiều kiến thức và kỹ năng cần được trang bị và tự trang bị, mới theo kịp yêu cầu của thời đại khoa học, kỹ thuật đang tiến như vũ bão. Tiếp tay, tạo điều kiện cho sự lãng phí thời gian và tiền bạc của xã hội là một mặt tiêu cực của “thời đại 4.0”. Không chủ động có biện pháp hạn chế ở một thời lượng nhất định, nó có nguy cơ làm hỏng một bộ phận giới trẻ không được giáo dục và quản lý chu đáo.

Chính ở đây, nếp sống và truyền thống văn hóa của mỗi gia đình sẽ là môi trường đầu tiên và thường xuyên giúp hình thành thói quen hưởng thụ văn hóa. Ngày xưa, nhiều gia đình có nề nếp, dù ở vùng quê, vẫn dành tiền mua sách báo cho con cháu, như một cách mở rộng kiến thức. Nhờ thế đám học trò nhà quê không hề bị lép vế về kiến thức so với dân đô thị, nếu không muốn nói là có khi con hiểu biết nhiều hơn. Khái niệm “Con nhà nòi” là danh xưng tôn vinh những gia đình có truyền thống về văn hóa và học tập. Tiếc thay, nền giáo dục ngày nay, có chương trình chất đầy các kiến thức, nhưng hình như học trò các cấp không có thì giờ và không có thói quen đọc sách, báo. Đến lúc trưởng thành, làm cán bộ, vẫn không có nhu cầu đọc sách, nhu cầu đi xem các chương trình nghệ thuật, triển lãm, bảo tàng... Xã hội mới mà chúng ta đang xây dựng còn thiếu những thiết chế cần thiết để biến hưởng thụ văn hóa thành một nhu cầu, một tiêu chí, một nếp sống bình thường của mọi người dân.

Trong Chiến lược chấn hưng văn hóa đang được dư luận xã hội quan tâm hiện nay, tôi đặc biệt chú ý việc xây dựng các Trung tâm văn hóa cấp xã, ở đó ngoài các trang bị và phương tiện phục vụ vui chơi, thể thao, hội họp, diễn xướng… thì phải có sách báo, đặc biệt các loại sách báo về kỹ thuật nông nghiệp và ấn phẩm văn học nghệ thuật… Được như vậy thì đó sẽ là nơi lui tới thường xuyên của bà con nông dân và học sinh các cấp. Và đó chính là môi trường lý tưởng để đào luyện thói quen hưởng thụ văn hóa cho người dân. Chính nhu cầu hưởng thụ văn hóa chất lượng cao của 100 triệu dân gồm 54 dân tộc anh em, là động lực quan trọng cho văn hóa Việt Nam phát triển.

Ngô Thảo

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm