May 5, 2024, 1:24 pm

Tạo đột phá trong phát triển Văn hóa, nghệ thuật

 

Hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa đã được khởi động với chủ đề "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử".  Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 54/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Từ đó tạo đột phá cho phát triển Văn hóa, nghệ thuật.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ VHTT&DL

Theo Thông báo số 54/TB-VPCP ngày 23/2/2023, trên cơ sở Đề án số 01/ĐA-BCSĐ ngày 02/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) và báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 6012-CV/VPTW ngày 06/2/2023.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung trọng tâm về "Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam" và "Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới".

Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam với chủ đề "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử", bảo đảm tính chính luận, chất lượng nghệ thuật, giàu cảm xúc, lan tỏa mạnh mẽ vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Phim tài liệu, tổ chức Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Phim tài liệu sẽ tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam"; quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Chỉ đạo hoạt động kỷ niệm tại các địa phương: Tọa đàm, hội thảo khoa học, triển lãm nghệ thuật, nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu về Đề cương... Qua đó, làm rõ khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam".

Tổ chức tiết kiệm, thiết thực

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương căn cứ nội dung Đề án số 01/ĐA-BCSĐ ngày 2/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ động, khẩn trương tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" với các hình thức đa dạng, phù hợp đảm bảo tính kế thừa, đổi mới, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, hướng tới nhiều đối tượng, có sức lan tỏa sâu rộng.

Bộ Thông tin và Truyền thông theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, tuyên truyền trên báo chí - xuất bản, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở về sự kiện; chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường thời lượng phát sóng, phát thanh tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đài Truyền hình Việt Nam chuẩn bị tốt các điều kiện để truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" (thời gian dự kiến vào tối ngày 28/02/2023) và phát sóng Phim tài liệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện vào khung giờ phù hợp, ý nghĩa trong dịp kỷ niệm.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành tại địa phương tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" theo yêu cầu tại Đề án số 01/ĐA-BCSĐ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), một số bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2023-2030 (Chương trình tổng thể), sáng 22/2. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã nghe Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo mục tiêu tổng quát của Chương trình tổng thể là chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển văn hóa ở Trung ương và địa phương tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.

Cụ thể, chương trình tổng thể đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp lớn. Đó là nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân, giáo dục đạo đức, lối sống. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy bền vững di sản văn hóa vật thể và vật thể truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, không gian văn hóa sáng tạo. Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; xây dựng, quảng bá các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng. Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phát triển văn hóa số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sản phẩm kết tinh của trí tuệ

Làm sâu sắc hơn "Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn Lịch sử" là  những yêu cầu cấp thiết trong chương trình tổng thể chấn hưng phát triển văn hóa đã được các bộ, ngành liên quan đã chuẩn bị nội dung  trong suốt 1 năm qua; đồng thời xem xét, hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Do đó, coomng tác  chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, theo đúng quy trình, thủ tục là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế, xã hội.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo vấn đề phát triển văn hoá, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL khẩn trương tiến hành rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện, những vấn đề cấp bách, những nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), để đưa vào Chương trình tổng thể, bảo đảm không không trùng lặp, chồng chéo, có mục tiêu, dự án cụ thể cho đến năm 2025; phải là một phần của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu "Quan trọng nhất là phải thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển văn hoá, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới"

Ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng phát triển văn hóa phải gắn với con người, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng, làng xã; thúc đẩy yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo… đồng thời, định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận trên tinh thần "văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hoá". Đây cũng là gợi ý đề ngành Văn hóa nói riêng các ngành chức năng liên quan hướng đến xây dựng văn hóa trong xã hội số là lĩnh vực vẫn còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng . Do đó, cần phải chuẩn bị những điều kiện, con người, cơ sở vật chất để ngay từ thời điểm hiện tại,  đẩy mạnh số hóa các di tích, di sản văn hoá, lịch sử. Đồng thời cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số . 

Cũng tại buổi làm việc, nhắc lại câu nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Bác Hồ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nghiên cứu cơ bản về văn hóa phải đi trước, làm cơ sở nâng cao nhận thức về văn hóa trong mọi lĩnh vực, mọi giai tầng của xã hội; trả lời câu hỏi về vai trò của văn hóa như thế nào để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng…

Đức Minh


Có thể bạn quan tâm