May 2, 2024, 2:38 pm

Tản mạn phong tục TẾT…

Ngày xưa, khi còn nhỏ, hễ mỗi lần nghe radio xướng lên câu ca dao: “Cu kêu 3 tiếng cu kêu/ Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè”, thì lòng cứ nôn nao, thầm đếm từng ngày, mong cho mau đến...

Tết, để được mặc quần áo mới và nhận tiền lì xì! Lớn lên một chút, nghe Ban nhạc tấu hài danh tiếng AVT hát bản Du Xuân với những ca từ: “Tết nhất làm chi? Ai bày Tết nhất làm chi? Lo quần, lo áo, lo đi chạy tiền...”, lại thường cám cảnh cha, mẹ ngày đêm vất vả, xuôi ngược, kiếm tiến để lo “Ba ngày Tết” cho gia đình...

Đôi khi lại tự hỏi “Tết là gì?” Sao lại phải lo lắng và hao tốn nhiều công sức, tiền bạc cho Tết như vậy? Vẫn biết, Tết là một trong những phong tục, tập quán từ ngàn đời xưa truyền lại cho dân tộc, cứ “Xưa bày, nay vẽ”, theo đó mà làm và thực hiện.

Theo sách Phong tục tập quán của người Việt, Tết là cách nói tắt của “Tết Nguyên đán” hay “Tết âm lịch”, “Tết cổ truyền”, hoặc đơn giản là “Tết ta”... Âm tiết của chữ “Tết” vốn xuất phát từ tiếng Hán cổ, chỉ ý nghĩa của Tiết, tức Thời tiết phân chia theo Lịch mặt trăng hay còn gọi là Nông lịch. Tết Nguyên đán có nghĩa là sơ khai, buổi đầu của một năm theo âm lịch, tức ngày mồng 1, tháng Giêng âm lịch, so với lịch Tây (Dương lịch), thường trễ hơn một tháng hoặc hơn. Tết còn mang ý nghĩa, hoàn thành một năm (được mùa, thu hoạch...), và khởi đầu cho một năm mới, cầy cấy, gieo trồng, sung túc và an lạc hơn. Ngoài ra, theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, còn cho rằng, Tết là dịp để Lập đàn tế lễ đất trời, cầu cho mưa thuận, gió hòa, muôn dân an lạc, thái bình của các bậc quân vương. Và ngày mồng 1 cũng là ngày quan trọng nhất, trăm quan phải vào triều chính chầu vua...

Chính vì Tết là ngày lễ truyền thống quan trọng và khởi đầu của một năm mới, và cũng được dùng để tính tuổi cho từng con người, nên rất được các bậc trưởng thượng, lớn tuổi nhắc nhở con cháu, tuân theo những tập tục mà người đi trước đã truyền lại, và tùy theo địa phương, vùng miền (Bắc, Trung, Nam) mà có những khác biệt, song cơ bản đều giống nhau ở việc tổ chức, tôn thờ và cả kiêng kỵ. Do vậy, cứ vào dịp cuối năm, khoảng trước ngày 23 tháng Chạp, tức ngày đưa ông Táo, chừng hơn tuần lễ, nửa tháng, thì nhà nhà lo chuẩn bị sơn sửa, tu bổ nơi thờ tự, nhà cửa, vườn tược cho thật tươm tất, mới mẻ và sạch sẽ, cùng sắm sửa lương thực, vật phẩm, áo quần để chuẩn bị cho 3 ngày Tết, nhưng thực chất là cho hết ngày mồng Bảy, tức lễ Hạ nêu, nhà giàu có, có khi còn ăn Tết cho đến hết tháng Giêng (Tháng Giêng là tháng ăn chơi). Chỉ khổ cho những nhà nghèo khó, con đông, chạy ăn từng bữa, nội chuyện lo cho mỗi đứa con một bộ áo quần mới cũng đủ... mướt mồ hôi và bở cả hơi tai rồi! Nói chi là rượu, thịt, trà, bánh mứt, phong bao lì xì này kia cho có với người ta và để nở mày, nở mặt?...

Trở lại chuyện phong tục tập quán trong những ngày Tết, như đã nói ở trên, tùy địa phương, vùng miền, mà có những sự thay đổi khác biệt, song, những điều thuộc về tâm linh hay kiêng kỵ, thì cơ bản vẫn theo các phong tục đã có từ bao đời nay, cơ bản như sau: Trước hết, đó là tục Cúng giao thừa, hay còn gọi là lễ Trừ tịch, được bắt đầu vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới (từ giờ Tý mở đầu ngày mùng 1 Tết).

Thông thường, bàn cúng Giao thừa được chia làm 2 mâm: một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng Trời Đất ở khoảng sân trước nhà. Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là nhằm khấn vái cùng đất trời, đưa tiễn năm cũ, đón chào năm mới bình an và thịnh vượng, thêm nhiều may mắn, xóa bỏ những điều xui rủi, cũng như kính báo lên tổ tiên, gia tộc, xin xóa bỏ những lỗi lầm, hiềm khích, gia đình hòa thuận, đoàn kết, tống cựu nghinh tân, rước tổ tiên, ông bà những vị tiền nhân khuất mặt, cùng về ăn Tết và độ trì cho con cháu, gặp lành, tránh dữ... Thường mâm cúng giao thừa đơn giản chỉ gồm có bánh, mứt, rượu, trà, nên hầu như gia đình nào, theo tôn giáo nào cũng đều thực hiện.

Tiếp theo là tục Xuất hành, sau lễ cúng giao thừa, tùy theo tuổi tác của chủ nhà, người ta sẽ chọn hướng để xuất hành đầu năm, mong gặp những điều may mắn, hanh thông cho cả năm. Có người lại chọn xuất hành vào buổi sáng sớm mồng 1 Tết. Xuất hành, lại thường kèm theo với tục Đi lễ chùa, hoặc nhà thờ, một hình thức tín ngưỡng, cũng nhằm xin xóa bỏ hết những điều không may trong năm cũ để cầu xin tài, lộc và sức khỏe cho năm mới, thường được các bậc trưởng thượng, cao tuổi thực hành, và ngày càng được lớp trẻ, nam thanh, nữ tú làm theo với ước mong được gặp duyên số tốt lành trong ngày đầu năm mới.

Tục lệ thứ tư và năm là Hương lộcHái lộc, tức là khi đến đình, chùa, miếu mạo, hoặc nhà thờ, đốt hương (nhang) cầu khấn, đồng thời xin một nén hương cầm tay để rước lộc, gọi là Hương lộc, hay hái một chiếc lá, một nhánh cây nhỏ, gọi là Hái lộc, nhưng cần đặc biệt chú ý, là tránh hái những nhánh lá héo, úa, hay có gai nhọn, vì đó là điềm xấu, rước sự xui xẻo vào thân. Điều quan trọng hơn là không vì hái lộc mà tàn phá cây cối, khiến mất vẽ mỹ quan, cảnh đẹp của cây lá, nhất là ở đền chùa, hay ở công viên, nhiều người đến viếng.

Vào sáng mồng 1, phần đông gia đình đều thức dậy sớm, ăn mặc đồ mới, quây quần bên nhau, cùng thực hiện phong tục Chúc Tết, chan hòa đầm ấm, trong không khí đầu xuân mới. Đây là lúc, lũ trẻ con mong đợi nhất. Cha mẹ, anh chị, người lớn sẽ Mừng tuổi con cháu trong gia đình, hay còn gọi là Lì xì, với phong bao thường là màu đỏ, trong có đựng những đồng xu, hay tờ giấy bạc mới tinh. Trước đây, người lớn lì xì cho trẻ con, nhưng hiện nay, nhiều nơi, con cháu đã trưởng thành, đi làm, lại mừng tuổi và lì xì ngược lại cho ông bà, cha mẹ, thể hiện ý nghĩa cao đẹp của đạo lý Uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của các bậc bề trên.

Cùng với tục chúc Tết và lì xì là tục Xông đất hay còn gọi là Xông nhà, tức đón chào một vị khách ngẫu nhiên đầu tiên đến thăm và chúc Tết gia đình. Người ta tin rằng, nếu người Xông đất hạp tuổi cùng với chủ nhà, hay người “nhẹ vía”, mau mắn, nhanh lẹ, đến xông đất sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho gia đình, và ngược lại sẽ mang những xui rủi cho gia chủ, cho nên, người ta hay tính toán, chọn trước người có thể xông đất cho mình mà “đặt hàng” cho ngày đầu năm mới, âu cũng là chuyện cầu âu, may rủi...! Kể cả phong tục Mua muối, mua mía đầu năm, thường thấy ở miền Bắc, tượng trưng cho việc mua sự ngọt ngào, may mắn hay mặn mà nhưng ít thấy ở Nam bộ.

Cuối cùng là tục kiêng cữ La rầy, chửi mắng hay nói gở vào những ngày đầu năm mới, kể cả việc con cái lỡ làm sai, hay chưa nghe lời, cũng đều được xí xóa cho qua, hay “ghi nợ” để qua mồng mới tính, vì không ai muốn những chuyện la mắng hay đánh đập con cháu trong những ngày Tết, làm xui xẻo cho cả năm!

Bên bình trà độc ẩm ngày xuân, hay rôm rả “Trà tam, rượu tứ” cùng bằng hữu trong mấy ngày Tết, tản mạn, lan man từng phong tục quê mình, từng ăn sâu vào tiềm thức một thuở, cho dù thời gian có làm phôi pha đi ít nhiều, song cũng mãi thương, mãi nhớ những cái Tết Việt đầm ấm hoặc có lúc nghèo khó ở quê nhà...

Trần Hoàng Vy

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm