April 28, 2024, 7:02 am

Tác giả bài thơ trong sách giáo khoa bày cách "chinh phục" tâm hồn trẻ em

 

Nhà thơ Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi, có hàng chục tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Nhà thơ Bảo Ngọc (Nguyễn Thị Bích Ngọc) hiện đang là một nhà báo, đồng thời hoạt động tại Hội Nhà văn Việt Nam với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi.

Với nhiều năm sáng tác các tác phẩm cho trẻ em, nhà thơ Bảo Ngọc đã có dịp đưa hàng chục tác phẩm của mình, chủ yếu là thơ, vào trong ba bộ sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Bài thơ “Ngôi nhà thiên nhiên” của tác giả Bảo Ngọc trong sách tiếng Việt lớp 5, tập 2, thuộc bộ sách “Cánh diều” (Ảnh: SGK).

Là một nhà thơ, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, chị Ngọc tự nhận bản thân là một “đứa trẻ lớn tuổi”. Chị luôn đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ để đón nhận, lắng nghe, đồng cảm.

Tuy nhiên, với riêng những tác phẩm được đặt hàng để đưa vào sách giáo khoa, sự cẩn trọng của tác giả trong việc chọn lọc ngôn từ càng phải cao hơn bình thường. Tác phẩm phải viết làm sao để các em dễ cảm nhận, yêu thích trước những sự gợi mở, liên tưởng. 

“Để “chinh phục” được các em, tôi nghĩ rằng tác giả phải hiểu được cả tâm hồn trẻ, phải nói được ngôn ngữ của trẻ, từ đó mới “chạm” được tới những rung cảm trong tâm hồn của các em và được các em đón nhận”, chị Ngọc chia sẻ. 

Trong suốt quá trình sáng tác văn học, thơ ca thiếu nhi, không ít lần những tác phẩm của chị “chạm” được tới độc giả. Những cái ôm, những lời yêu thương từ những độc giả nhí được chị truyền cảm hứng văn học luôn là những trải nghiệm đẹp với chị.

Sau những cuộc gặp gỡ như vậy, chị Ngọc thấu hiểu: “Tác phẩm văn học là nhịp cầu để nhà văn đến với bạn đọc. Qua đó, chúng ta tự nhủ mình phải sống tử tế, đẹp hơn mỗi ngày”.

Bên cạnh đó, các tác phẩm được lựa chọn vào trong sách giáo khoa đòi hỏi phải giữ được vẻ đẹp của tiếng Việt. Theo tác giả, tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, là mạch nguồn sống, điều gắn kết mỗi con người với quê hương của mình.

“Sách giáo khoa là nơi mỗi đứa trẻ được học tiếng mẹ, hiểu vẻ đẹp của tiếng mẹ, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn mình, trở thành người tử tế hơn mỗi ngày. Từ đó, tôi tự nhắc nhở mình viết không phải chỉ để tác phẩm của mình tiếp tục được chọn mà còn để góp phần giữ gìn, tiếp nối mạch sống của tiếng mẹ trong tâm hồn trẻ”, nhà thơ cho hay.

 

Nhà thơ Bảo Ngọc (Nguyễn Thị Bích Ngọc) là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi chụp ảnh cùng độc giả (Ảnh: NVCC).

 

Trong quá trình tìm kiếm những tác phẩm phù hợp cho sách giáo khoa lớp 5, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên bộ sách “Cánh diều” đề xuất Hội đồng Văn học Thiếu nhi giới thiệu một số tác phẩm dựa trên các chủ đề: trẻ em như búp trên cành, nghề nào cũng quý, chung sức chung lòng, vì cuộc sống bình yên, người công dân,…

Trong đó, bài thơ “Ngôi nhà thiên nhiên” thuộc chủ đề “Người công dân”.

“Ngôi nhà thiên nhiên” là một sáng tác lấy cảm hứng từ khoảng thời gian thơ ấu của chị Ngọc nơi đồng quê, khi nhớ về những ngày đi chân trần trên cỏ, lội dưới bùn, tắm dưới sông.

Nhưng đến giờ, khi về quê, tất cả những điều ấy không còn, chị tiếc cho những đứa trẻ ngày nay không còn được thấy ngôi nhà thiên nhiên quanh mình.

Chị Ngọc cho hay, ngôi nhà thiên nhiên là những gì tuổi thơ chị may mắn có được và muốn lưu giữ cho các em học sinh, gửi lại ký ức tuổi thơ xanh mát của chính mình.

Đồng thời, nữ nhà thơ cũng muốn gửi tới các em học sinh lời mời gọi tha thiết về việc gieo những mầm xanh, bảo vệ thiên nhiên.

“Tôi muốn các em thấy rằng, thế giới mà các em đang có, đã từng đẹp đẽ và sẽ tiếp tục đẹp nhờ vào tình yêu và trách nhiệm của mỗi người. Tuy nhiên, nếu chỉ nói về trách nhiệm, thông điệp và bài thơ sẽ trở nên khiên cưỡng.

Khi các em đủ tình yêu, với bất kể điều gì, các em sẽ có trách nhiệm với tình yêu ấy. Với tôi, điều gì được bắt nguồn từ trái tim sẽ ở lại trong trái tim để nhắc nhở ta sống thật đẹp với cuộc đời này”, chị Ngọc chia sẻ. 

Chia sẻ về thông điệp của bài thơ, tác giả hy vọng mỗi người đọc sẽ tìm được một lời giải đáp cho riêng mình. Nữ nhà thơ cho rằng, một tác phẩm có thể sống được trong lòng người đọc không chỉ ở thông điệp của tác giả gửi gắm mà còn ở sự đồng cảm, tiếp nhận đầy sáng tạo của người đọc. 

Đinh Phương Nhung

Nguồn Dantri


Có thể bạn quan tâm