May 2, 2024, 9:39 am

Sức hấp dẫn của du lịch xứ Thanh

Trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển rõ nét nhờ vào việc tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó việc khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa hương sắc bốn mùa. Quá trình năng động, mạnh mẽ vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc thay đổi diện mạo du lịch xứ Thanh được hết sức chú trọng trong việc đẩy mạnh kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước kết hợp với các hoạt động quảng bá du lịch Thanh Hóa, các hoạt động xúc tiến gắn với đại sứ du lịch Thanh Hóa năm 2023, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí về khảo sát, kết nối các tour tuyến. Sản phẩm du lịch trong thời gian qua đã tạo ra thương hiệu địa danh du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế ở xứ Thanh.

Cảnh đẹp Sầm Sơn  Ảnh: Tư liệu

Với vị trí địa lý trọng yếu và bề dày lịch sử văn hóa đã đem lại cho tỉnh Thanh Hóa hệ thống tài nguyên tự nhiên và thiên nhiên phong phú đa dạng. Những tài nguyên đó là nguồn lực quan trọng có thể đầu tư, khai thác những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng của xứ Thanh. Tại thành phố Sầm Sơn, các đồng chí lãnh đạo thành phố cho biết: Với mục tiêu đón được 7,2 triệu lượt khách, những tháng đầu năm, thành phố Sầm Sơn đã tổ chức thành công các chương trình, lễ hội truyền thống của thành phố như: Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước (ngày mùng 5-7/3), lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái (ngày 8-9/4) với nhiều các chương trình ấm thực phong phú mang hương vị đặc trưng biển và phong cách phục vụ các dịch vụ tận tình với du khách khi họ về với biển Sầm Sơn. Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giày và  đăng cai tổ chức liên hoan văn hóa, nghệ thuật và tuyên truyền cổ động cũng được diễn ra sôi động…

Theo thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Trong 10 tháng của năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đón 11.891.000 lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022 và đạt 99,2% kế hoạch năm 2023. Trong đó, một số di tích lịch sử đã trở thành điểm đến du lịch thu hút khá đông khách du lịch như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, thành Nhà Hồ ( huyện Vĩnh Lộc), Khu du lịch sinh thái cộng đồng  suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước), Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu… Các sản phẩm du lịch sinh thái,  cộng đồng (nghỉ dưỡng, trải nghiệm gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, các hoạt đồng tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên) tại các khu có giá trị như: Vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (huyện Quan Hóa), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước) được du khách đón nhận và đánh giá cao. Các tour du lịch đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn,… (thị xã Nghi Sơn); Khu du lịch đảo Nẹ, dù lượn (khu du lịch biển Hải Tiến). Các loại hình sản phẩm du lịch này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề  đang từng bước được hình thành, bước đầu góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu và trải nghiệm khám phá vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh. Để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh hơn nữa,  quý  4/2023, Thanh Hóa sẽ đưa vào hoạt động dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, đồng thời triển khai đề án phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Với tài nguyên du lịch thiên nhiên đặc sắc, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn đã và đang đầu tư dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, các sản phẩm du lịch Thanh Hóa ngày càng được hình thành rõ nét, đặc biệt sản phẩm du lịch biển có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc thiết lập lại trật tự, kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ tại một số khu du lịch trọng điểm: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, … Cho đến việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn và việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch đặc sắc đã đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa.

Du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít thách thức, trở ngại mà ngành du lịch Thanh Hóa phải đối mặt, vượt qua bằng các giải pháp tập trung phát triển các nghành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế, có giá trị cao. Đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, đa dạng sản phẩm. Phát triển các tour du lịch mới phù hợp với từng phân đoạn thị trường và nhu cầu của du khách. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, kết nối các khu, các điểm du lịch với các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trước mắt cần khai thác hiệu quả cảng hàng không Thọ Xuân, thu hút mở rộng thêm các tuyến vận tải, có như vậy thì ngành du lịch Thanh Hóa mới có thể trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước trong tương lai gần./.

Linh Nga

 


Có thể bạn quan tâm