April 27, 2024, 9:16 pm

SỬ THI GIỮ ĐẤT (2)

KÌ II. NGƯỜI HÀ NHÌ VÀ LÀNG CHIẾN ĐẤU TRONG KÝ ỨC

Với dân số trên 21 ngàn người, hiện diện tại 63 tỉnh thành phố, dân tộc Hà Nhì với 3 nhóm địa phương là Cồ Chồ, Là Mi và Hà Nhì Đen đã góp thêm một sắc màu văn hóa rực rỡ và giàu giá trị nhân bản trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong kho tàng văn hóa dân gian có thể nói là vô cùng phong phú của dân tộc này, sau một thời gian dài nghiên cứu, các nhà văn hóa học đã xác định rằng, truyên thơ dài  “Phuỳ ca Na ca” (còn được gọi là Xa Nhà Ca)là một sử thi đúng nghĩa. Trước đó, các học giả Trung Quốc cũng đã xếp “Phuỳ ca Na ca” của cộng đồng người Hà Nhì nước mình vào thể loại sử thi với cái tên “Khai thiên lập địa ca”. 

Vùng đất Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật” của người Hà Nhì xưa giờ là nơi đồng bào La Hủ sinh sống

Về Mường Tè nghe “Há pà”

Tùy theo ngôn ngữ và vùng văn hóa cổ sơ của mỗi dân tộc, các nhà nghiên cứu đã cho ra đời các thuật ngữ ghép để chỉ sử thi như: Sử thi – mo để chỉ sử thi của người Mường; Sử thi – khan để chỉ sử thi của người Êđê; Sử thi – hri để chỉ sử thi của người Giarai; Sử thi – ot nrong để chỉ sử thi của người Mơnông; Sử thi – khắp để chỉ sử thi của người Thái; Sử thi – hmon để chỉ sử thi của người Bana; Sử thi – akhar jucar để chỉ sử thi của người Raglai; Sử thi – akayet để chỉ sử thi của người Chăm…Từ hướng đi bản lề trong nghiên cứu văn hóa truyền thống ấy, nhà nghiên cứu Bùi Quốc Khánh đã mạnh dạn gọi sử thi theo cách của người Hà Nhì là “Há pà” bởi đây là thuật ngữ được đồng bào dùng để chỉ hành động hát kể. 

Sẽ không mất quá nhiều thời gian để nghe trọn bộ Há pà  “P’huỳ ca Na ca”  từ đồng bào Hà Nhì ở vùng biên Tây Bắc. Nhóm Hà Nhì Cồ Chồ là chủ nhân của bộ sử thi dài 932 câu thơ với nhiều thể loại khác nhau này. Giai điệu trầm buồn được cất lên giữa sân nhà tràn ngập màu nắng cúc quỳ và nồng ấm đỏ vàng của bức tường trình còn mới. Khi ấy, hung cảnh núi rừng lặng phắc tôn vinh lời hát của người nghệ nhân già. Còn con suối Păng Pơi mùa lũ cũng gìm dòng nước chảy dìu dặt hơn để không làm át lời dân tộc. Thiết tưởng sẽ không thể tìm thấy không gian nào thưởng thức  “P’huỳ ca Na ca” phù hợp hơn ở chính nơi nó được sinh ra.

Dành trọn vẹn nửa đời để nghiên cứu di sản của chính dân tộc mình, nhà nghiên cứu Chu Thùy Liên, cán bộ Ban dân vận tỉnh Điện Biên đã cho ra đời tác phẩm “Xa Nhà Ca (P’huỳ ca Na ca): trường ca dân tộc Hà Nhì” vào năm 2011. Chị nói rằng, thời điểm đó, chị đã rất phân vân không biết nên gọi “vật báu” của dân tộc mình là sử thi hay trường ca. Rốt cuộc, sự dè dặt của phụ nữ đã khiến chị xếp bộ sử thi này vào thể loại Trường ca. Và cho đến nay, sau rất nhiều công trình nghiên cứu được công bố về dân tộc Hà Nhì, vẫn chưa có một văn bản chính thức nào thừa nhận  “P’huỳ ca Na ca” là sử thi.

Nhưng Há pà  “Phuỳ ca Na ca, với sức sống bền bì trong lòng dân tộc Hà Nhì sẽ không vì sự loay hoay tranh cãi của giới nghiên cứu mà trở nên nhỏ bé. Ra đời giữa bối cảnh xã hội của dân tộc này chưa hình thành giai cấp, có nghĩa bộ sử thi này có thể đã có từ hơn 500 năm trước, khi người Di (tổ tiên của dân tộc Hà Nhì) ở Tây Tạng bắt đầu chuyến viễn du về phương Nam và kết thúc khi đến vùng đất đầu nguồn Khó Ma, ngày nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Điều rất lý thú là khi miêu tả về vùng đất mới thuộc cương thổ của nước Đại Việt xưa, sử thi “P’huỳ ca Na ca”chỉ ra rằng, Khó Ma là “nơi có nhiều sản vật”và “uống rượu ngọt không cần phải trộn men, hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã” (trích sử thi).Đối với cánh lính biên phòng, thì việc tìm địa danh Khó Ma chẳng có gì là khó.Đồn trưởng đồn Pa Vệ Sử cho chúng tôi biết địa bàn đồn anh đứng chân chính là vùng đất tổ của cộng đồng Hà Nhì Cồ Chồ trên đất Viêt.Loại cây thần kỳ đó của người Hà Nhì chính là cây báng, móc, cọ… là những loại cây trong lõi có bột, hiện vẫn được người La Hủ trên địa bàn dùng để ăn và nấu rượu.Đồng bào La Hủ cũng cho biết, khi họ đến đất này đã thấy có ruộng bậc thang bị bỏ hoang. Có lẽ sau một thời gian quen khí hậu, hợp thông thổ, người Hà Nhì đã tìm ra những vùng đất mới tốt hơn và di xuống những vùng thấp hơn.

Tác phẩm Xa Nhà Ca của nghệ nhân Pờ Lóng Tơ

Một lịch sử Hà Nhì bằng thơ ca

Đọc toàn văn tác phẩm của nhà nghiên cứu Chu Thùy Liên, người viết bài này nhận thấy, Há pa của người Hà Nhì khá dễ hiểu. Có thể chia thành 3 phần với nội dung chủ đạo. Phần 1 kể về miền đất Na Chô Chô Ứ trù phú, màu mỡ nằm bên dòng sông Ha Sa, nơi bản lớn Hà Nhì gồm bảy nghìn hộ sinh sống hài hòa cùng núi rừng, muông thú. Dòng sông Ha Sa do con rồng cai quản, còn mọi ngả đường đến bản do con voi chúa trấn giữ.

Một ngày kia, bản có một cô gái bị hủi phải thả bè trôi sông, nhưng cô may mắn được rồng cứu chữa và cô trở về bản cùng một chàng trai người Hán cũng được rồng cứu. Hai người nên vợ chồng và đó cũng bắt đầu một quá trình đấu tranh âm thầm giữa người anh của cô gái đại diện cho lý lẽ và những tập tục truyền thống của Hà Nhì và tên em rể người Hán. Dần dần, người Hán đã chiếm hết nhà cửa, đất đai, của cải, hãm hại con voi chúa, đánh tráo cái ống thần của người Hà Nhì. Sau đó, người Hán tiến đánh thôn tính đất đai của người Hà Nhì. Từ đó, bản lớn Hà Nhì tan rã, phần chạy loạn đi đất khác, số khác bị bắt làm nô lệ. 

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tình Lai Châu hiện là người duy nhất trong cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam còn lưu giữ được nguyên vẹn sử thi “P’huỳ ca Na ca”. Ông tự hào nói rằng, dẫu có kết cục bi thảm, song nhiều trường đoạn kể về sự chiến đầu dũng mãnh của người Hà Nhì chống lại người Hán rất hấp dẫn và nhiều lần nhắc đi nhắc lại một mệnh đề như khẳng định quyết tâm giữ đất của người Hà Nhì.Hình ảnh một bản Hà Nhì với hệ thống phòng thủ rất nghiêm ngặt như một làng chiến đấu được gợi tả trong những câu thơ “Có hàng rào đan bằng dây thép/ Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh/ Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép/ Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau.Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn/ Tổ tiên ta thuần phục được nó về/ Để giữ ranh giới Hà Nhì – Hán/ Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn/Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu”.

Cùng với đó là thái độ kiên quyết không nương tay với những kẻ có âm mưu xâm lược đất đai của người Hà Nhì: “Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang/Sẽ đánh cho chết ngay lập tức/ Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc/Đánh cho chân ngựa chổng lên trời/Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất…”  Nhưng dẫu quyết tâm là thế, song người Hà Nhì đã chủ quan, không thấu rõ mưu sâu kế hiểm của kẻ thù, mà gian tế nằm ngay trong bản mình là tên rể người Hán. Để rồi sau khi thất thủ, họ cảm thán mà rằng:Rõ người Hán lắm mưu sâu kế hiểm/Như rái cá lặn dưới đáy vũng sâu/Đấu trí thì Hà Nhì thua Hán/ Cật nứa sắc nhưng vẫn cùn hơn dao/Sức Hà Nhì hơn nhưng mưu Hà Nhì kém

Một yếu tố khác cần nhấn mạnh về Há pa“P’huỳ ca Na ca” là tác phẩm này biểu đạt nhiều thông tin quan trọng về xã hội, truyền thống nông nghiệp và phong tục tập quán của cộng đồng người này. Có thể nhận thấy vào giai đoạn muộn của kỳ cổ sơ, trình độ làm ruộng nước của họ đã rất phát triển với kĩ thuật cấy mạ giống như người Kinh chứ không tra hạt hay gieo xạ như các dân tộc vùng cao khác. Tín ngưỡng của đồng bào cũng chỉ rõ họ kiêng ăn thịt mèo bởi họ quan niệm mèo có họ với hộ nên nếu giết mèo hổ sẽ trả thù, gây họa cho cả bản. Nơi thờ cúng của họ cũng rất rõ ràng “Trong một bản có ba nơi thờ cúng/ Một nơi đó để cúng vào tháng ba/ Ấy là miếu Gà ma trên đỉnh bản/ Làm nơi thờ nữ thần toàn năng/Để có được cuộc sống bình yên/Bản phải mỗi năm một lần cúng

hạnh phúc nhỏ trên bản Hà Nhì

Với những giá trị như vậy, muốn được nghe hát “P’huỳ ca Na ca”, thường phải chờ đến ngày Tết. Nguyên do là cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Hà Nhì cũng phải “làm lý” để xin phép tổ tiên, thần linh trước khi hát. Một mâm cơm trên đó nhất thiết cần có một con gà và hai chén rượu được dâng lên, sau khi khấn vái mời bề trên về ăn thịt, uống rượu và nghe con cháu hát, người chủ lễ đồng thời là người hát sẽ ngân nga từ đầu sử thi. Vừa uống vừa hát, vừa đưa tay ra điệu bộ và diễn nét mặt theo nội dung lời hát, khi mệt, sẽ có người khác đỡ lời để câu hát luôn liền điệu, liền vần.

Còn tôi, sau những giờ mê đắm thưởng thức “P’huỳ ca Na ca”, lại chợt nghĩ về một điều giản dị. Rằng, dân tộc nào cũng vậy, dù nhỏ bé hay hùng mạnh, dù phồn thịnh hay nghèo khó thì đều có một tấm lòng yêu quê hương, đất nước như nhau, và khi đứng trước nguy cơ bị xâm lấn cũng sẽ một lòng đoàn kết chống kẻ thù chung. 54 dân tộc anh em trên đất Việt đều mang tâm thế ấy!

(Kỳ 3: Những áng hùng ca của miền suy tưởng)


Có thể bạn quan tâm