April 29, 2024, 1:27 am

Sự nhất quán và đa dạng tâm hồn trong bản sắc thơ

 

Trong cuộc đời người làm thơ, cái làm nên sự nghiệp của anh ta, cái mà anh ta suốt đời trăn trở, tìm tòi, cái mà luôn luôn thôi thúc, kêu gọi ở phía trước đầy sức khêu gợi cuốn hút, cái mà vừa bồi đắp nên đời sống tâm hồn trong sự vô tận của dòng đời, cái mà hiện diện khuôn mặt thơ không lẫn với bất cứ ai, nhưng lại đồng điệu với nhịp rung của bao tâm hồn khác trong sự cảm thông lớn, cái vừa là sự dằn vặt đau khổ của người viết nhưng lại là niềm vui sướng trong sự tái tạo của bản thân người sáng tạo, in đậm dấu vết cá thể hóa hiệp thực được phản ánh: đó là bản sắc thơ, hoặc ở mức độ cao hơn là người viết tạo ra một vũ-trụ-thơ.

 

ảnh internet

 

Bao giờ cũng vậy, đối với người mới viết, cái ham muốn đi trên đường bao giờ cũng đáng yêu; anh ta muốn thu nhận tất cả những gì nhặt được trên đường; và chặng đường dù dài mấy, đối với anh ta bao giờ cũng "ngắn". Và người bạn đường đối với người mới viết thật cần thiết bao nhiêu (nhất là đối với người đi trước đã vấp ngã, đã từng trải) giúp cho anh ta rút ngắn trước những sai lầm trong khi nhận đường. Và rồi vẫn không tránh khỏi, chỉ có một mình anh ta sau khi đã vấp ngã, vô vọng trong khi viết, tự nhận thức ra chính mình, đó chính là chặng đầu tiên anh ta tự nhận thấy trong hành trang quá ít ỏi của mình để mà trang bị thêm, tự bồi đắp thêm, vứt bỏ những dấu hiệu ảnh hưởng người khác quá rõ rệt, tự tin ở mình hơn và bằng tài năng mà vững bước trên chặng đường dài sáng tạo gian khổ mà không bị ảo tưởng hoặc ngộ nhận vì mình đã chọn nhầm đường.

Có nhiều lúc, bởi vì hiện thực cuộc sống ùa vào người làm thơ như những dòng thác mạnh, mà người viết quá ngợp trong cái hiện thực bề bộn, hoặc không đủ khả năng để chuyển hóa cái hiện thực ngoài đời ấy trong tâm hồn, trên trang viết nên chỉ dừng lại ở những giá trị phản ánh cái hiện thực bề nổi, không nhận thức được cái bản chất sâu xa của sự vật, cái hiện thực đã được tái tạo qua người viết, đã được khái quát hóa để tạo nên những tác phẩm có sức sống lâu bền hơn trong tâm trí bạn đọc. Ấy là chưa kể, có những người làm thơ vì những sự nổi danh "hão", không bền lòng trong lao động nghệ thuật cật lực và gian khổ, tạo ra những bài thơ dở, những cuốn thơ dãi ra những chữ chết trên mặt giấy thì làm sao mà "bám" được vào tâm trí bạn đọc, và càng xa mới trở thành người bạn đường, người hướng dẫn vừa tri âm, vừa đồng điệu ấy (nói theo các cụ dậy là đừng "bắt bóng theo ma" theo kiểu đó). Theo tôi hiểu, cũng không ít những nhà thơ nổi tiếng một thời đã từng là thần tượng có sức toả sáng, có sức "lây nhiễm" đối với không khí bạn viết, kể cả bạn đọc từng tin cậy một thời, mà bây giờ chỉ là những bóng mờ của vinh quang đã qua, mà đôi khi họ cắt nghĩa là do khách quan mang lại mà quên đi không nhận ra cái bất lực của chính mình, cái bất lực được che đậy một cách dễ thương để tự đánh lừa, tự "an ủi" mình bởi vì quá nệ vào cái "tài" thơ mà không nuôi cái "chí" của người viết, quá nệ vào sự chuộng lạ của ngôn từ mà quên đi cái hiện thực vốn thường xuyên biến đổi được chuyển hóa thông qua tâm hồn người viết mà ngữ ngôn chỉ là phương tiện cần thiết để biểu đạt cái nội dung ấy. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: "Thơ cần có ích - Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi". Cái ý thức công dân, cái tự ý thức của tâm hồn người viết, cái điểm đặt ấy trước hiện thực đời sống bao giờ cũng nhắc gọi người làm thơ luôn đòi hỏi ở chính mình phải sống và viết với ý thức trách nhiệm cao nhất mà hiện thực đời sống đòi hỏi ở mỗi trang viết, chỉ có như vậy người làm thơ mới sống trọn vẹn trước trang giấy của mình. Nhiều khi nghĩ lại về mình và bạn bè cùng trang lứa, bao giờ tôi cũng mong muốn (nhưng thực ra không cái gì mình mong muốn cũng thực hiện được cả đâu) là có được một bản sắc thơ được định hình rõ rệt trong sự biến đổi chung của đời sống có sức lay thức trong bạn đọc, vừa tạo ra cái sự nhất quán trong tâm hồn người viết và đa dạng trong hình thức biểu hiện.

Cái nhất quán trong tâm hồn người viết chỉ thực sự được tạo ra trong khi sống cũng như khi viết của người làm thơ. Người viết bao giờ cũng phải sống trung thực với chính mình, với lý tưởng mà mình theo đuổi, không sống hờ hững, buông xuôi mà sống hết lòng với đời sống mà mình đang sống, một đời sống không ít những khó khăn, gian khổ, nhiều khi nghĩ đến nản lòng, nhưng bản chất của đời sống ấy thực sự ý nghĩa, thực sự tin cậy, thực sự cho mình chất men say của sáng tạo mà lao động không ngừng, đóng góp phần nhỏ nhoi của mình tác động vào hiện thực ấy. Ấy thế mà khi cầm bút, nhiều khi chữ cứ trượt khỏi tay mình, những ý tưởng đẹp đẽ và sống động tan biến, không để lại một dư vang nào trên trang giấy. Tôi rất tâm niệm câu trả lời của nhà thơ Tây Ban Nha G.Lorca: “Viết và viết không ngừng. Viết và giúp đỡ những ai cần thiết được giúp đỡ. Viết với tinh thần chống lại chính bản thân mình”. Sự đáng sợ nhất vẫn lại là cái chính mình nhàm chán, trơn lì: cái sức ì nhiều khi làm cho ta thỏa mãn một cách đáng ghét. Chỉ khi nào mình tự ý thức được mình và vượt lên trên mình, chính lúc đó mình mới thấy được niềm vui của sự sáng tạo. Sự hoàn thiện bản sắc thơ, hay cao hơn, tạo ra vũ-trụ- thơ của các nhà thơ lớp trước đáng để cho chúng ta cần phải suy nghĩ: một Tố Hữu băn khoăn đi tìm chân lý, suốt đời vì lý tưởng cộng sản, con người hành động gắn liền với thơ khăng khít hữu cơ. Một Xuân Diệu thi sĩ của mê đắm tình ái. Một Huy Cận với cảm quan vũ trụ. Một Chế Lan Viên với tâm trạng day trở về thân phận dân tộc, hoặc trên nữa, một thi hào Nguyễn Du với nỗi cảm thông lớn đối với mọi kiếp người trong xã hội phong kiến, nhất là đối với thân phận người phụ nữ... Cái thái độ và sự quan tâm đến hiện thực đến trở thành ám ảnh, kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn với một giọng điệu riêng không thể lẫn được đã tạo được một vệt sáng chính yếu trong đời sống tinh thần của người viết, tạo nên một bản sắc thơ rõ rệt: nó xâu chuỗi các tác phẩm của nhà thơ làm nên bộ mặt tinh thần của tác giả, đặng đóng góp cho nền thơ chung của dân tộc thêm phong phú, đa dạng. Vả lại, khi nhìn lại thế hệ của mình và chính mình, tôi không khỏi giật mình và lo ngại: cái quan tâm chính của anh trước hiện thực là ở chỗ nào? Thơ anh hiện diện trước đời sống đang biến đổi là ở đâu? Khả năng chuyển hóa cái hiện thực sôi động trong tâm hồn người viết đã đạt được đến độ chưa? Hay là thơ anh cứ dãi ra, trải ra, chỗ nào cũng đụng đến mà như cửa hàng bày ra những mặt hàng tầm tầm chỉ thoáng qua trong mắt bạn đọc, chứ nói chi đến sự đi vào được tâm trí bạn đọc mà dãi bày tâm sự của chính mình. “Thơ nghĩ chưa ra già đã tới”, cái nghiệp thơ đáng sợ ấy, cả đời anh đã đánh cược vào nó mà chỉ mong có được một chút xíu giá trị anh cũng khó đạt được, cả cuộc đời anh cứ qua đi, chẳng níu giữ được, khi giật mình nghĩ lại thì, chao ôi, đã quá muộn. Và lúc đó chỉ tự trách mình đã chọn nhầm hướng đi. Khả năng lựa chọn dám dấn thân vào con đường văn học đầy gian khổ, chẳng có gì bảo đảm ấy đòi hỏi phải có một bản lĩnh của người viết trên cơ sở của sự tự ý thức được mình và có tính định hướng rõ nét, không ảo tưởng cũng không quá tự ti, cái nghề chênh vênh giữa vinh quang và vực thẳm mà lại luôn cuốn hút đầy sức kêu gọi ở phía trước, bao giờ cũng nhắc nhở tôi ý thức trách nhiệm trước đời sống mà viết với thái độ lao động nghiêm túc và khoa học để mong có đóng góp được một chút giá trị nào đó trong đời sống văn học. Cái hạnh phúc lớn nhất là tôi được sống và viết trọn vẹn trong đời sống cũng như trên trang giấy là diễn đạt được cái khát vọng vươn tới của tâm hồn bình dị, lòng biết ơn đời sống nhiều tầng vỉa đã mang lại cho thơ mình cái sắc thái riêng ấy. Đó là nét quan tâm thường xuyên của tôi đối với đời sống, và nếu may mắn mà hình thành được một bản sắc thơ thì lẽ đó là điều tôi hằng mong mỏi và chờ đợi trên từng dòng thơ, trên từng trang viết.

NguyễnThanh Kim

Tham luận tại tọa đàm " Từ bản lĩnh đến bản sắc"


Có thể bạn quan tâm