April 28, 2024, 3:25 am

Sự gặp gỡ giữa hai bài thơ xuân Việt Nam và Nhật Bản

Cao Bá Quát (1809(?)-1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội).

Ông mất trong cuộc khởi nghĩa chống chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Cao Bá Quát là một nhà thơ tài hoa và và bản lĩnh. Đương thời, Cao Bá Quát tề danh cùng với Nguyễn Văn Siêu được người đời xưng tụng là “Thần Siêu Thánh Quát”. Thơ văn Cao Bá Quát bộc lộ sự bất hòa sâu sắc và thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến triều Nguyễn trì trệ; thể hiện khát vọng đổi mới xã hội. Thơ ông mới mẻ, phóng khoáng, chú trọng tình cảm tự nhiên của con người, đương thời rất được ngưỡng mộ.

Ma-su-ô Ba-sô (1644-1694) xuất thân trong một gia đình võ sĩ đạo Sa-mu-rai bình thường ở thành phố U-ê-nô. Ông có cuộc đời lận đận, lên chín tuổi phải hầu hạ cho gia đình một lãnh chúa. Khoảng năm 28 tuổi ông chuyển đến Ê đô (nay là Tô-ki-ô) sinh sống và làm thơ Hai-cư với bút hiệu Ba sô (Ba tiêu). Thơ hai-cư của Ba-sô thấm đẫm tinh thần Thiền Tông. Bằng nhãn quan của một Thiền nhân ông đã cố gắng cô đọng ý nghĩa của thế giới vào một kiểu thơ thật đơn giản, nhỏ gọn (17 âm tiết). Trân trọng và hòa mình vào thiên nhiên, ông đã phát hiện ra mối giao hòa giữa con người và tạo vật, “vạn vật nhất thể”. Từ đó những vần thơ hai-cư đã được được dệt nên bằng những hình ảnh thiên nhiên dung dị mà sức gợi thật lớn lao.

Hai con người ở hai thời đại khác nhau, hai đất nước khác nhau. Một người là Thiền nhân, một người là nhà Nho. Ấy thế mà họ lại có sự đồng điệu, sự đồng cảm đến kì lạ trong hai thi phẩm cùng viết về mùa xuân:

Bài Du Tây Hồ (Kì II) của Cao Bá Quát:

Phiên âm

Điên đảo xuân thâm bất tự tri

Tây Hồ chân cá thị Tây Thi,

Doanh doanh thúy đại ba bình hậu

Khúc khúc quần y thảo lục thì

Dịch nghĩa

Lòng xuân nghiêng ngã không tự cầm giữ nổi

Tây hồ quả thật là một nàng Tây Thi

Vẻ mày nở nang là khi lớp sóng mới lặng

Dây lưng uốn éo là lúc ngọn cỏ đương xanh

 

Dịch thơ

Nghiêng ngả lòng xuân lả lơi chi?

Tây Hồ cũng thể một Tây Thi.

Sóng êm mày lượn cùng chung vẻ

Cỏ lướt tà bay có khác gì.

(Nguyễn Văn Tú  dịch)

 

Bài thơ Hai-cư của Ba-Sô:

Kisagata ya

Ame ni seishi ga

Nebu no hana

 

Dịch thơ

Vịnh Kigasata

như nàng Tây Thi ngủ

trong mưa và trong hoa

(Nhật Chiêu dịch)

Thơ ca trung đại khi muốn miêu tả vẻ đẹp của con người thường lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực. Nó phản ánh tư duy “vạn vật nhất thể” của con người trung đại. Đó là cái nhìn bao trùm thế giới quan trung đại: Con người và thiên nhiên chưa được nhìn nhận trong mối quan hệ khách thể và chủ thể. Con người có mối liên hệ, gắn bó bền chặt với thiên nhiên. Thiên nhiên luôn là một “hình mẫu lí tưởng” để con người soi chiếu vào đó. Thế nên để miêu tả vẻ đẹp nhân cách của con người quân tử có tiết tháo cứng cỏi người trung đại dùng hình ảnh cây tùng: “Một mình lạt thưở ba đông” (Tùng - Nguyễn Trãi), miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ thì “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” rồi “làn thu thủy nét xuân sơn” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Phải đến thời hiện đại khi con người bắt đầu có cái nhìn khách thể với thiên nhiên thì ta mới có những câu thơ như: “Rặng liễu điều hiu đứng chịu tang – Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu). Chúng ta xem đấy là những câu thơ thanh tân đã thoát khỏi vòng cương tỏa của tư duy thơ trung đại, lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực trong khi miêu tả thiên nhiên. Thế nhưng trước đó rất lâu với đôi mắt của trân trọng vẻ đẹp con người, Ba-sô và Cao Bá Quát đã xem vẻ đẹp con người là chuẩn mực để thiên nhiên phải soi chiếu vào.

Với Cao Bá Quát khi ngoạn cảnh Hồ Tây, trước vẻ đẹp mĩ lệ của cảnh hồ trong tiết xuân ông đã phải thốt lên “Tây Hồ quả thật là một nàng Tây Thi”. Tây Hồ đã được miêu tả trong cái nhìn đối sánh với vẻ đẹp của Tây Thi(1), một trong “Tứ đại mĩ nhân” của Trung Quốc thời cổ trung đại(2).  Đây là cái nhìn mới mẻ xét trong hệ quy chiếu của thi pháp trung đại. Từng lớp sóng trên mặt Tây Hồ trong tiết xuân được Cao Chu Thần ví như nét mài của nàng Tây Thi diễm kiều trên bến Trữ La xưa “Vẻ mày nở nang là khi lớp sóng mới lặng”. Cách ví von này xuất phát trên sự liên tưởng từ hình ảnh ước lệ của văn chương cổ. Ngày xưa khi miêu tả đôi mắt của người con gái đẹp người ta thường ví với mặt hồ thu, sóng hồ thu:

Làn thu thủy nét xuân sơn

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Áng đào kiểm đâm bông não chúng,

Khóe thu ba rợn sóng khuynh thành

(Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

Trong tiết xuân cỏ tươi mơn mởn quanh hồ. Vẻ đẹp ấy đã được Cao Bá Quát so sánh với dây thắt lưng của nàng Tây Thi “Dây lưng uốn éo là lúc ngọn cỏ đương xanh”. Nguyễn Bính, một thi sĩ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới cũng có cách liên tưởng khá tương đồng với câu thơ trên.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh,

Tôi đợi người yêu đến tự tình.

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy,

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

(Mùa xuân xanh)

Ba-sô trước đó hơn thế kỉ, khi miêu tả vịnh Kigasata đã so sánh vẻ đẹp của vịnh Kigasata như nàng Tây Thi đang ngủ. Tuy nhiên nếu như nàng Tây Thi trong thơ Cao Bá Quát có điều kiện phô diễn hết vẻ đẹp mĩ lệ thì nàng Tây Thi trong thơ Hai-cư của Ba sô chỉ được phác họa bằng vài nét thanh sơ. Tuy nhiên nàng Tây Thi trong thơ của Ba-sô vẫn đẹp. Đó là vẻ đẹp hòa quyện trong cảnh sắc của đất trời mùa xuân:

Vịnh Kigasata

như nàng Tây Thi ngủ

trong mưa và trong hoa

Để cực tả vẻ phẳng lặng của vịnh Kigasata, Ba sô đã có cái nhìn so sánh thật độc đáo: Vịnh Kigasata như nàng Tây Thi ngủ. Sự cộng hưởng của những hình ảnh động (mưa, hoa rơi) cũng đã tạo nên hiệu quả thẩm mĩ độc đáo. Vịnh Kigasata trong màn mưa giăng giăng cùng hoa ven hồ rơi lã tả tạo nên bức tranh lộng lẫy của thiên nhiên được nhìn qua lăng kính của một tâm hồn luôn có khát vọng hòa mình vào thiên nhiên của Thiền nhân Ba-sô. Như vậy chúng ta thấy trong trường hợp này vẻ đẹp của con người đã trở thành kiểu mẩu để thiên nhiên soi chiếu. Viết đến đây tôi lại nhớ đến một lời nhận xét vui của Majakovski:

Nhà thơ cổ điển viết: chiếc xe ô tô buýt

 nặng nề như đám mây đen

Nhà thơ hiện đại viết: đám mây đen

như chiếc ô tô buýt(3)

Những điều trùng hợp ngẫu nhiên về cái nhìn thế giới như thế của hai nhà thơ ở hai đất nước thiết tưởng không nhiều, hơn thế nữa cái nhìn này lại rất “hiện đại”. Phải chăng đó là sự đồng điệu của những tâm hồn dào dạt trước thiên nhiên và cái nhìn trìu mến trân trọng trước những giá trị đẹp của con người?

_________

1. Tây Thi, tên là Thi Di Quang  là con một người kiếm củi họ Thi, nàng dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kỵ), thuộc nước Việt cổ. Trữ La có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, vậy nên gọi là Tây Thi. Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn. Khi nàng giặt áo bên bờ sông, bóng nàng soi trên mặt nước sông trong suốt làm nàng thêm xinh đẹp. Cá nhìn thấy nàng, say mê đến quên cả bơi, dần dần lặn xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng xưng tụng nàng là “Tây Thi Trầm Ngư”.

2. Tứ đại mỹ nhân là: Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quí Phi

3. Chuyển dẫn Văn học gần và… xa, NXB Giáo dục 2006.

Trầm Thanh Tuấn

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm