April 29, 2024, 6:23 am

Sông Gianh quê tôi

Từ khi biết đi cho tới khi phải ngồi một chỗ, tôi đã qua hơn một trăm con sông lớn nhỏ, từ Sông Hồng hùng vĩ 510 km đến sông Vàm Nao ở An Giang bé tí chỉ 6,5km. Yêu nhất sông Gianh, nhớ nhất vẫn sông Gianh. Chỉ vì đó là dòng sông quê tôi.

Sông Gianh nguồn từ núi Phucopi trên biên giới Việt-Lào phía Tây Quảng Bình, chảy qua 160 km, lòng sông không đều, thượng nguồn hẹp chừng 60-70m, càng về xuôi càng rộng, hợp lưu bốn con sông: Rào Nậỵ, Rào Trổ, Rào Nan, Rào Son gặp nhau ở Cửa Hác là nơi rộng nhất gần 1000m. Làng tôi ở bờ bắc nơi ấy, cách bờ sông chỉ vài trăm mét. 

Một khúc sông Gianh

 

Sông Gianh có nhiều tên: Linh Giang, Bố Chính, Thanh Hà, Thọ Linh, Trường Giang. Trừ tên Trường Giang là tên người ta hay gọi các con sông lớn - dài, các tên còn lại đều xuất phát từ nơi sông Gianh đi qua. Thọ Linh là tên cổ nhất, có từ đời Đông Tấn (317-420), thời này có huyện Thọ Linh ở bắc Sông Gianh, tên sông Thọ Linh từ tên huyện Thọ Linh mà ra. Cũng như tên sông Bố Chánh từ tên châu Bố Chánh mà ra. Để cho gọn (và nên thơ), người ta gọi là sông Linh. Tên chữ là Linh Giang. Về sau để khỏi nhầm với sông Linh Giang xứ Huế, tức sông Hương, Linh Giang của huyện Thọ Linh đã đổi thành Đại Linh Giang vì so với sông Hương thì sông Gianh dài rộng hơn nhiều. 

Sử nhà Nguyễn luôn viết: “Sông Đại Linh tục gọi là Sông Gianh”. Chưa rõ vì sao có tên “sông Gianh”. Cũng không rõ tên “sông Gianh” có từ thời nào. Không tìm thấy tên Sông Gianh trong các sách từ thế kỷ 19 trở về trước, một phần vì chữ “Gianh” âm nôm không viết được bằng Hán tự. Đa số cho rằng tên sông Gianh có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, khi nó trở thành dòng sông ranh giới. E rằng không phải. Nhiều người cho rằng sông này xưa hai bờ sông có nhiều cỏ tranh, từ khúc Lệ Sơn lên Mai Hóa ngút ngàn cỏ tranh, nên có tên sông Gianh (sông cỏ tranh). Người Bắc phát âm “cỏ tranh” là “cỏ gianh”. Chẳng biết có đúng thế không?

Sông Gianh là con sông hùng vĩ, chẳng kém gì sông Mã, sông Hồng. Nó bắt đầu từ khe Nước Rụng dưới chân dãy núi Giăng Màn. Tương truyền từ đỉnh Giăng Màn cao 2.017m vô số giọt nước trời rơi xuống khe nước nên gọi là khe Nước Rụng. Từ đây khởi nguồn cho sông Gianh, vượt qua 70 dặm về Mai Hóa với hai trăm thác nước và lèn đá. Những lèn đá dốc đứng hai bờ, bị nước sông xói mòn tạo ra muôn hình vạn trạng đẹp như tranh thủy mạc. Lèn Bút giống ngòi bút đâm thẳng lên trời, lèn Voi giống voi phủ phục, lèn Bảng giống chiếc bảng vĩ đại dựng giữa cao xanh, kì thú vô cùng. 

Sông Gianh là con sông duy nhất ở nước ta chỉ chảy trong tỉnh, không qua các tỉnh hay khu vực khác. Sông chảy xiết, gặp các nguồn sông từ thượng nguồn như Rào Son, Rào Trổ, Rào Nan... và bao nhiêu rào nhỏ khác đã làm dòng chảy đổi hướng xoay một vòng trước khi trở về Biển Đông, tạo ra những cù lao xinh đẹp dễ thương, dễ nhớ gọi là cồn. Ấy là Cồn Dắm, Cồn Ngựa, Cồn Quan, Cồn Niệt (hay Cồn Cưởi)... Gần làng Phan Long của tôi, bên phải là Cồn Sẻ làng đạo hiền hòa; bên trái là Cồn Két làng nuôi cua nuôi dê. Cả hai làng đều gái đẹp nức tiếng. 

Ngày nay ai cũng bảo sông Gianh là xứ nghèo. Đúng vậy, nhưng trước thế kỷ XVI đó là nơi giàu có. Không tin đọc Ô Châu Cận Lục thì biết. Xứ trù phú tốt tươi, sơn thủy hữu tình, người dân hiền lành chân chất đã đón hầu hết các tài danh kiệt hiệt bậc nhất khắp đất nước. Từ Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nguyên Hãn... tới Lê Quí Đôn, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhậm, Cao Bá Quát... Các làng Xuân Kiều, An Bài (Thuận Bài), Phù Lỗ (Phù Ninh - Quảng Thanh) là nơi vua chúa hai xứ Bắc Hà, Nam Hà thường làm nơi hành tại, tức là nơi vua chúa nghỉ lại khi tuần thú hoặc chinh chiến. Làng Phù Lỗ nhiều lần vừa đón vua Lê chúa Trịnh vừa đón chúa Nguyễn, quả là “sự lạ”. Đại Nam thực lục chép: “Bính Thân, năm thứ 8 (1656), trước Chúa (Nguyễn Phúc Thái) nghe quân ta luôn luôn thắng trận, tự cầm quân ra xã Phù Lỗ châu Bắc Bố Chính muốn tiếp ứng (...). Tân Sửu, năm thứ 14 (1661), Trịnh Tạc lại dẫn vua Lê (Lê Thần Tông) đi đến Phù Lỗ…”.

Vua chúa hay đến trú tại làng Phù Lỗ vì xung quanh làng này là những làng nước ngọt, rượu ngon, gái đẹp. Chính làng Phù Lỗ cũng là làng gái đẹp, con gái làng này đều có gương mặt Đức Mẹ, ai cũng tài nấu nướng. Trước mặt làng Phù Lỗ, cách chừng ba cây số là làng tôi nổi tiếng rượu ngon, sau làng tôi là làng Tượng Sơn có giếng Ngọc Sao, nước ngọt nghìn năm không đổi. Vua chúa về sông Gianh nhất định uống nước Ngọc Sao, không uống nước nào khác. Sau lưng làng Phù Lỗ là làng Lệ Sơn gái đẹp đời đời. Từ khi tri châu Bố Chính là tướng Nguyễn Khắc Kham về đây lập làng, khoảng 1618-1620, gái đẹp nối nhau hết đời này đến đời khác, đến nay vẫn là làng có gái đẹp nhất vùng Sông Gianh. 

Những bậc kiệt hiệt đến và đi để lại cho miền sông Gianh những tài danh. Quảng Bình có bát danh hương (8 làng nổi tiếng) thì sông Gianh có đến 4 làng: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa. Đại Nam nhất thống chí chép: “Bốn xã Sơn, Hà, Cảnh, Thổ đời nào cũng có người khoa giáp”. Vì khai canh lập ấp tập trung vào thời Lê Trung Hưng, nên người sông Gianh tham gia khoa cử chủ yếu từ đời Lê Anh Tông trở đi, hầu hết từ thời Nhà Nguyễn. Cả tỉnh Quảng Bình có 319 tiến sĩ và cử nhân, thì sông Gianh có 152 người, chiếm gần một nửa. Đặc biệt, Trạng Nguyên đầu tiên và duy nhất của Quảng Bình là người sông Gianh. Đó là cụ Trương Xán vào năm 1256 đời Trần Thái Tông. Thủ khoa (giải nguyên) thi hương đầu tiên và duy nhất của Quảng Bình cũng là người sông Gianh, đó là Nguyễn Hàm Ninh. Ấy là chưa kể bên kia sông có “trạng thơ” Lưu Trọng Lư cùng hai con Lưu Trọng Văn và Lưu Trọng Ninh đều là những tên tuổi văn nhân Việt Nam hiện đại. 

Câu ca xưa: “Khi mô hết cát Mỹ Hòa/ sông Gianh hết nác (nước), La Hà hết quan”. La Hà có 5 tiến sĩ, 1 phó bảng và 31 cử nhân. Sách Quảng Bình non nước và lịch sử chép: “Dưới triều vua Tự Đức năm thứ tư (1851) trong khoa thi hội Tân Hợi, cả tỉnh Quảng Bình chỉ có 3 vị tiến sĩ mà Quảng Trạch chiếm cả ba, trong đó La Hà đã chiếm hai vị, hai vị ấy lại là hai thầy trò cùng thi một lần... Ba vị tiến sĩ ấy là Nguyễn Quốc Thành làng Lộc Điền (Quảng Thanh) và hai thầy trò Phạm Nhật Tân, Trần Văn Hệ làng La Hà…”.  

Trong bát danh hương của Quảng Bình, đặc sắc nhất là làng Lệ Sơn, vừa là làng gái đẹp nức tiếng vừa là làng học trứ danh. Có lẽ Lệ Sơn là làng duy nhất nước Nam phổ cập được Hán tự. Người làng Lệ Sơn gần như ai cũng học chữ Hán. Đó là các sách Tam Thiên Tự, Tam Tự Kinh và Minh Tâm Bảo Giám... ai cũng biết viết những giấy tờ đơn giản bằng chữ Hán. Làng này thách cưới không phải voi chín ngà gà chín cựa mà thách bằng... câu đối, xuống lễ hạ điền không phải các tiên chỉ làng mà những cặp đôi trai tài gái sắc... Rõ là ngôi làng có một không hai. 

Dọc đôi bờ sông Gianh còn có thể kể thêm: Làng Thanh Thủy (Tiến Hóa) “có hai ngài trứ danh”, đầu làng là tiến sĩ Lê Trực, một lãnh binh Cần Vương nổi tiếng, cuối làng tiến sĩ Phạm Duy Đôn. Làng Vĩnh Lộc có dòng họ Đinh Lễ-Đinh Liệt, mà một chi nhánh đã chuyển vào khai canh lập ấp từ đời Lê Thánh Tông (1460-1479). Làng Lũ Phong nổi tiếng “võ Lũ”, sinh ra dòng họ Phạm với 5 đời công hầu võ tướng. Làng Thuận Bài có vị khai khẩn là Trần Đạt, thuộc dòng vua Trần Duệ Tông, vì trốn nhà Hồ mà vào náu châu Bố Chính, sau ra giúp Lê Lợi đánh nhà Minh, được Lê Thái Tổ phong tước Quốc công… 

Đó là sông Gianh văn hiến, còn sông Gianh lịch sử nữa. Riêng lịch sử sông Gianh không chỉ nghìn năm. Tháng 2-2040 là kỷ niệm 2000 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, dân Sông Gianh thuộc quận Nhật Nam vác giáo mác theo Hai Bà đánh giặc Đông Hán. Chuyện này xin kể dịp khác…

Nguyễn Quang Lập

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm