May 13, 2024, 3:08 am

Siết chặt việc quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá

 

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

“Để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động toàn cầu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, giảm 30% tỷ lệ người hút thuốc lá vào năm 2025, các quốc gia thành viên cần phải thực hiện đầy đủ giải pháp WHO MPOWER, tập trung đặc biệt vào giới trẻ và trẻ vị thành niên.”

 

Tiến sĩ Thaksaphon Thamarangsi

Giám đốc, Ban Phòng chống Bệnh không lây nhiễm và Sức khỏe môi trường, Tổ chức Y tế thế giới, Văn phòng Khu vực Đông Nam Á

Phòng chống tác hại thuốc lá thực sự là một thách thức đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Khu vực Đông Nam Á, nơi có 246 triệu người hút thuốc và 290 triệu người sử dụng thuốc lá không khói. Ba thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (Indonesia, Myanmar và Thái Lan) cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á theo phân loại vùng của WHO. Ấn Độ, một trong những nước thành viên của khu vực WHO Đông Nam Á, sẽ đăng cai kỳ họp  lần thứ VII của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phòng chống tác hại thuốc lá trong tháng 11 năm 2016. Điều này sẽ tạo ra một nền tảng thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên thúc đẩy chương trình phòng chống tác hại thuốc lá toàn diện ở tất cả các khía cạnh.

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên đã tăng lên đáng kể ở Bhutan, Myanmar và Nepal. Cứ 10 học sinh sinh viên thì có 1 người ở độ tuổi từ 13-15 hút thuốc lá tại nhiều quốc gia thành viên của chúng tôi như Maldives, Indonesia, Thái Lan và Timor-Leste. Khoảng 3/4 số người hút thuốc ở tuổi vị thành niên hút thuốc khi trưởng thành. Đây thực sự là mối quan ngại lớn. Xu hướng gia tăng việc sử dụng thuốc lá điện tử, shisha (ống hít) và các hình thức mới khác của thuốc lá không khói có thể đảo ngược những thành tựu đã đạt được trước đó trong phòng chống tác hại thuốc lá.  Để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động phòng chống các bệnh không lây nhiễm toàn cầu, giảm 30% tỷ lệ người hút thuốc lá đến năm 2025, thì các quốc gia thành viên cần phải thực hiện đầy đủ giải pháp WHO MPOWER tập trung vào giới trẻ và dân số ở độ tuổi vị thành niên.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng chúng tôi vẫn phải kể đến các thành tựu đã đạt được. Tháng 09 năm 2015, các nước thành viên của WHO khu vực Đông Nam Á đã nhất trí thông qua Tuyên bố Dili về việc đẩy mạnh thực hiện Công ước khung về phòng chống tác hại thuốc lá của WHO và khẳng định lại những cam kết mạnh mẽ của họ. Hầu hết các quốc gia thành viên của chúng tôi bao gồm Myanmar và Thái Lan đã đưa ra các lệnh cấm toàn diện về quảng cáo và khuyến mãi thuốc lá. Myanmar đã tăng kích cỡ cảnh báo trên bao bì thuốc lá đến 75% kể từ tháng 9 năm 2016. Tất cả những thành quả tích cực này là kết quả của việc cam kết mạnh mẽ và nỗ lực rất lớn của chính phủ các nước, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác, bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự như Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc hành trình dài và có quy mô tập thể của chúng tôi đối với cuộc chiến chống nạn dịch thuốc lá.

Tôi rất mong rằng Kỳ họp lần thứ VII sắp diễn ra của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của WHO về Phòng chống tác hại thuốc lá sẽ tạo thêm động lực cần thiết cho các nỗ lực phòng chống tác hại thuốc lá của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự, hướng tới đạt được các mục tiêu toàn cầu và khu vực giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2025 như đề ra trong kế hoạch hành động toàn cầu và khu vực của WHO về Phòng chống và Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2013-2020.

 

THỰC HÀNH TỐT: THÁI LAN LẬP MỐC VỀ QUY ĐỊNH TRƯNG BÀY

Thái Lan là nước đầu tiên trong khu vực ASEAN thực hiện  lệnh cấm hoàn toàn trưng bày các sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán lẻ, có hiệu lực từ ngày 25/09/2005.

Brunei có cấm trưng bày ở các điểm bán lẻ vào năm 2010 theo quy định cấm quảng cáo thuốc lá và trưng bày các sản phẩm thuốc lá được coi là một phương thức quảng cáo.

Singapore sẽ thi hành lệnh cấm trưng bày bao thuốc lá tại điểm bán lẻ từ ngày 01/08/2017 nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc của những người không hút thuốc đặc biệt là các đối tượng thanh thiếu niên với các ảnh hưởng của quảng cáo  thuốc lá, cũng như khuyến khích người hút thuốc lá cố gắng bỏ thuốc lá bằng cách giảm thiểu động lực mua thuốc lá.

* Quảng cáo bằng phương tiện công nghệ thông tin được thực hiện theo quy định của các trang web thương hiệu sản phẩm thuốc lá, áp dụng xác minh độ tuổi để hạn chế truy cập cho những người từ 18 (mười tám) tuổi trở lên.

GIẢI PHÁP CỦA DOANH NGHIỆP: PMI, BAT VÀ JTI CRS TẠI KHU VỰC ASEAN

Để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và bảo vệ doanh nghiệp khỏi tai tiếng về sản phẩm thuốc lá độc hại, PMI đã tiến hành nhiều hoạt động Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tại khu vực ASEAN. Indonesia (5.994.850 USD) và Philippines (1.876.676 USD) là hai quốc gia mà PMI đầu tư nhiều tiền nhất vào các hoạt động CSR trong năm 2015. Cả hai nước đều là những thị trường thuốc lá quan trọng cho PMI vì PMI chiếm giữ 36% thị phần ở Indonesia và 79% thị phần ở Philippines.

“Trách nhiệm của một tổ chức đối với các ảnh hưởng của các quyết định và hoạt động của tổ chức đó đối với xã hội và môi trường, thông qua các hành động minh bạch và có đạo đức góp phần cho sự phát triển bền vững, y tế và phúc lợi xã hội; xem xét mong đợi của các bên liên quan; tuân thủ theo pháp luật và phù hợp với chuẩn mực quốc tế về hành vi; và được lồng ghép trong tổ chức và được thực hành trong các mỗi quan hệ.”

Các hoạt động‘CSR’ liên quan đến Ngành công nghiệp thuốc lá không tương thích và không đáp ứng tiêu chuẩn do nó vi phạm Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới FCTC và các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế được chấp nhận rộng rãi.

 

BẢO VỆ THẾ HỆ TƯƠNG LAI

Trẻ em và thanh thiếu niên luôn là mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá trong thị trường tiêu thụ thuốc lá nói chung và được xem là một nguồn khách hàng mới. Ngành công nghiệp thuốc lá cần những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc để thay thế những người hút thuốc lớn tuổi hoặc những người đã bỏ thuốc hoặc những người đã chết vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Trung bình, hầu hết người hút thuốc bắt đầu hút thuốc trước tuổi 20. Thanh thiếu niên hút thuốc vẫn là nơi bắt đầu của nạn dịch. Thanh thiếu niên là đối tượng rất dễ tiếp nhận tiếp thị thuốc lá.

Ngành công nghiệp thuốc lá tiếp tục sử dụng những cách thức tiếp thị mới lạ với bao bì hấp dẫn và hương vị mới để thu hút những người hút thuốc trẻ tuổi và những đối tượng lần đầu hút thuốc, lôi kéo họ đến với sản phẩm gây chết người này và gây nghiện cho họ. Những người hút thuốc là thanh thiếu niên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là một thị trường tiềm năng rất lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá trong tương lai. Ở khu vực ASEAN, thuốc lá hương vị bạc hà và các hương vị khác không được kiểm soát và phổ biến rộng rãi trên thị trường. Tính sẵn có và tiện lợi của việc bán thuốc lá điếu lẻ là chìa khóa để lôi kéo những người hút thuốc trẻ tuổi có thể thử hút mà không cần phải mua nguyên một gói. Năm nước ở khu vực ASEAN đã có quy định việc bán thuốc lá điếu lẻ bao gồm Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar và Singapore.

Sự xuất hiện mới và trên quy mô rộng của một loạt các sản phẩm có chứa nicotin thay thế như hệ thống phân phối nicotin điện tử hoặc huốc lá điện tử với hương vị khiến cho nó trở nên hấp dẫn hơn với giới trẻ. Hiện nay, có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc. Các công ty thuốc lá đa quốc gia đang mở rộng kinh doanh vào việc phân phối các sản phẩm chứa nicotin không phải thuốc lá này. Nhiều nước đã cấm bán thuốc lá điện tử, bao gồm cả bốn quốc gia trong khu vực ASEAN (Brunei, Thái Lan, Campuchia, Singapore). Nhật Bản và Úc đã cấm thuốc lá điện tử có chứa nicotin.

Tính dễ tiếp cận và dễ chi trả cho thuốc lá điếu lẻ cũng như thuốc lá điện tử không được kiểm soát ở một số nước ASEAN  đã đặt ra một thách thức lớn trong việc ngăn chặn hút thuốc trong giới trẻ. Một khung pháp lý toàn diện cần phải được thực hiện hoặc thi hành, bao gồm cả thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá (TAPS), và giới hạn độ tuổi trung bình tối thiếu được phép mua thuốc lá. Điều này rất quan trọng để giảm khả năng chi trả và khả năng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá.

P.V

Nguồn Văn nghệ số 37/2017


Có thể bạn quan tâm