May 2, 2024, 10:01 pm

Sách hay còn lại với đời

Ai cũng biết, khi còn sống và phụ trách Trạm xá huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi trong chiến tranh ác liệt, chị Đặng Thùy Trâm vẫn say mê tìm sách, mong có sách để đọc, và giới thiệu sách cho thương binh, cho cán bộ nhân viên bệnh xá cùng đọc.

Với bác sĩ Đặng Thùy Trâm, sách là người bạn không thể thiếu, là người bạn lặng lẽ nhưng chân tình nhất, động viên và an ủi chị nhiều nhất trong cuộc chiến đấu sinh tử vì cuộc sống của thương binh và nhân dân Đức Phổ. Từ đọc sách, chị Trâm đã viết nhật ký đều đặn, và sau khi chị hy sinh tới 35 năm, quyển Nhật ký của chị do những người lính Mỹ gìn giữ đã đến với bạn đọc Việt Nam và qua các bản dịch nhiều ngôn ngữ khác nhau, đã tới với bạn đọc thế giới. Đó là một quyển sách đã khiến người đọc sách cả thế giới xúc động và kính phục vì cách sống nhân ái, vì thương binh, vì người bệnh, và thể hiện cuộc sống hàng ngày của một người bác sĩ dồn hết tâm hồn và kiến thức y học để cứu chữa cho thương binh, cho người bệnh qua cơn nguy kịch. Cho tới khi phải hy sinh, chị Đặng Thùy Trâm cũng hy sinh vì bảo vệ thương binh. Cuộc đời và sự hy sinh của Bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã là một quyển sách gây xúc động cho người đọc sách toàn thế giới.

XÂY DỰNG CHUỖI “THƯ VIỆN ĐẶNG THÙY TRÂM”

Chỉ còn hai năm nữa (2025) là kỷ niệm 55 năm ngày chị Đặng Thùy Trâm hy sinh, một nhóm những anh chị em yêu sách và ngưỡng mộ cuộc đời, những đóng góp và sự hy sinh lẫm liệt của Bác sỹ Đặng Thùy Trâm, đã quyết định chung tay đóng góp và kêu gọi sự đóng góp của xã hội để xây dựng một chuỗi những “Thư viện Đặng Thùy Trâm” trong cả nước. Và thư viện Đặng Thùy Trâm đầu tiên sẽ được xây dựng ngay tại xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi sinh thời chị Trâm đã phụ trách bệnh xá huyện tại địa phương Phổ Cường, và đã hy sinh để bảo vệ thương binh ngay tại bệnh xá ấy. Chị Trâm hy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1970.

Hưởng ứng cuộc vận động Văn hóa đọc sách trong toàn quốc, việc những người yêu sách và ngưỡng mộ cuộc đời, sự hy sinh của Bác sỹ Đặng Thùy Trâm bằng cách chung tay đóng góp và kêu gọi sự hưởng ứng của toàn xã hội nhằm xây dựng chuỗi Thư viện mang tên Đặng Thùy Trâm là một hành động yêu sách, quảng bá cho đọc sách một cách thiết thực và đẹp đẽ, khi tên tuổi và quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, ở nhiều quốc gia trên thế giới và được đón nhận một cách đầy yêu thương và nồng nhiệt.

Là một thành viên trong Nhóm những người vận động xây dựng chuỗi Thư viện Đặng Thùy Trâm, tôi rất cảm kích trước sáng kiến này của những anh chị em khởi xướng, và rất vinh dự được giới thiệu câu chuyện này qua các phương tiện truyền thông báo chí để mọi người có cơ hội hưởng ứng và đóng góp xây dựng những thư viện sách, cho học sinh và mọi người yêu sách có thể đọc được những quyển sách hay nhất, bổ ích nhất.

Những người muốn liên hệ trực tiếp với chương trình này có thể liên hệ với anh Đặng Hồng Sơn, cán bộ thuộc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, số điện thoại là 0913400105. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những thông tin về chương trình này trên nhiều tờ báo và mạng xã hội trong nước.

CHUỖI “TỦ SÁCH ĐẶNG THÙY TRÂM” - MÓN QUÀ CỦA CỰU CHIẾN BINH TẶNG HỌC SINH

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua hơn 48 năm, cuộc chiến đấu chống giặc bành trướng phương Bắc chính thức đã qua hơn 44 năm, nhưng những cựu chiến binh vẫn không sao quên được bao ký ức thời chinh chiến. Không quên thời binh lửa, nhớ những đồng đội đã hy sinh, nhưng tấm lòng những cựu chiến binh lại nghĩ nhiều đến thế hệ trẻ ngày nay, hướng tới các em cháu học sinh đang học ở các trường phổ thông, chủ yếu từ Phổ thông cơ sở tới phổ thông trung học, những lớp học sinh sẽ tham gia xây dựng đất nước trong thập kỷ tới.

Nhớ nghĩ về thế hệ trẻ, lại quan tâm đến các em cháu bây giờ đang cần đọc sách như thế nào để làm phong phú cho tâm hồn, cho kiến thức, cho văn hóa của mình, các cựu chiến binh Trung đoàn 272 từng tham chiến năm 1979 ở chiến trường biên giới phia Bắc tổ quốc quyết định đứng ra vận động xây dựng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”. Tủ sách này, mở đầu sẽ dành tặng cho trường học ở 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Bắc Ninh. Bắt đầu từ 3 tỉnh phía Bắc tổ quốc, nơi trung đoàn 272 đã từng đóng quân và từng đánh giặc ở những nơi đó.

Trong thư ngỏ kêu gọi sự đồng lòng đóng góp của xã hội, những cựu chiến binh trung đoàn 272 đã viết:

Để tham gia xây dựng một xã hội đọc sách và học tập, chúng tôi – những người lính từng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 272, Quân đoàn 14 nay đã trở về đời thường, có tâm nguyện đóng góp và vận động các nguồn lực xã hội để hình thành hệ thống Tủ sách mang tên nữ Bác sỹ - Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm

Thật hết sức ý nghĩa khi chuỗi tủ sách và thư viện Xanh ấy mang tên bác sĩ - liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm, một người trí thức đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Đức Phổ Quảng Ngãi khi chiến đấu tới viên đạn cuối cùng để bảo vệ những thương binh của mình. Quyển Nhật ký chị Thùy Trâm để lại đã được chính những người lính Mỹ nâng niu bảo vệ, và sau 35 năm được xuất bản tại Việt Nam trở thành một quyển sách gối đầu giường của nhiều thế hệ người đọc Việt Nam. Và quyển Nhật ký đã ra với thế giới như lời tâm tình của một nữ bác sĩ yêu nước Việt Nam về khát vọng yêu thương và niềm hy vọng hòa bình sẽ trở lại với đất nước mình.

Sách hay còn lại với đời là như thế.

Bây giơ thỉ tên tuổi bác sỹ Đặng Thùy Trâm được biết tới và được ngưỡng mộ không chỉ ở Việt Nam, thì những tủ sách, những thư viện mang tên Đặng Thùy Trâm sẽ là nơi các thế hệ học sinh trẻ được trực tiếp với sách, trực tiếp với tri thức và văn hóa đọc. Những lợi ích khi đọc sách sẽ chứng tỏ giá trị thực sự của sách, và càng gần gũi quý giá hơn khi sách ấy do các cựu chiến binh một trung đoàn trao tặng cho các em cháu học sinh như một món quà kết nối giữa các thế hệ người Việt Nam yêu nước và yêu sách cả hôm nay và ngày mai.

Những cựu chiến binh Trung đoàn 272, quân đoàn 14 đã có sáng kiến tuyệt vời khi góp công góp sức góp tiền để xây dựng những tủ sách “Đặng Thùy Trâm” cho học sinh các trường học còn khó khăn về nguồn sách đọc. Chắc chắn, sáng kiến này sẽ được cả xã hội hưởng ứng, vì nó hướng tới mục tiêu cao đẹp dành cho thế hệ trẻ của đất nước chúng ta.

Thanh Thảo

Nguồn Văn nghệ số 26/2023


Có thể bạn quan tâm