April 29, 2024, 5:40 am

Sách giáo khoa và BOT giao thông

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng giữa BOT giao thông và xã hội hóa sách giáo khoa có điểm chung là khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư giao thông là đầu tư cho hạ tầng cơ sở, nếu bất cập sẽ kéo theo hệ lụy, nhưng không trầm trọng như trong giáo dục…

“BOT giáo dục”

Lần đầu tiên, trong lịch sử giáo dục Việt Nam thực hiện xã hội hóa công tác biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thẩm định 5 bộ sách, trong đó 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục và bộ sách Cánh Diều liên kết giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh đủ điều kiện để các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Thực hiện Thông tư số 1 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các cơ sở giáo dục đã quyết định lựa chọn bộ sách phù hợp với thực tiễn địa phương và học sinh sở tại. Theo đó, các nhà xuất bản đã tổ chức tập huấn, phát hành sách đến cơ sở cũng như chuẩn bị một số trang thiết bị, video phục vụ chương trình mới.

Xã hội hóa sách giáo khoa đòi hỏi các Chủ đầu tư phải đảm bảo tất cả các khâu từ tổ chức biên soạn đến xuất bản cũng như phát hành sách. Chủ đầu tư bỏ tiền trả cho tác giả biên soạn cũng như xuất bản; và thu hồi vốn sau khi phát hành đến cơ sở. Do vậy nẩy sinh ra bao nhiêu vấn đề phức tạp. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên Tiếng Việt bộ sách Cánh Diều bộc bạch: “Có nhà xuất bản định giá sách giáo khoa thấp để cạnh tranh, nhưng lại xuất bản nhiều sách ăn theo với giá cao hơn sách giáo khoa”.

“Sách ăn theo” mà Giáo sư nói ở đây là “sách buổi hai”, hầu hết là “sách cũ, tân trang”. Nào là vở Bài tập Tiếng Việt 1, tập 1,2; vở Bài tập Toán 1 tập 1,2 ; vở Bài tập Đạo đức 1;  vở Bài tập Hoạt động trải nghiệm 1; Thực hành tâm lí học đường lớp 1, Bài tập phát triển năng lực (lớp 2,3,4,5) và Nhà xuất bản “vẽ” ra cả Phiếu bài tập cuối tuần… Không gì là không có! Những sách, vở “ăn theo” này không chỉ nhiều về số lượng mà giá đắt đỏ, khiến cho phụ huynh bức xúc và “dậy sóng” khi Trường Tiểu học An Phong, quận 8 Tp Hồ Chí Minh để lộ bảng kê bộ sách lớp 1 mới (gồm 23 cuốn) có giá 807 ngàn đồng! (Điều này cũng không khác gì nhân dân đã từng bức xúc, phản đối các BOT thu tiền giao thông!).

Chỉ có khác là các chủ đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông lập BOT thu tiền, còn các Nhà xuất bản tiếp thị qua kênh nội bộ, qua “hợp tác” với giáo viên.

Vào lúc 9h53 phút ngày 03/8/2020, cô V.T.T. T. (Nxb Giáo dục Việt Nam) qua gmail chuyển đến các Hiệu trưởng ở cơ sở Thông báo sau đây: “Em là T.T. ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ạ! Em trân trọng gửi đến các thầy, cô giáo: 1) Bộ sách học cho buổi hai Lớp 1 theo Chương trình mới (Luyện tập Toán và Tiếng Việt, Vở thực hành Toán và Tiếng Việt). 2) Bộ sách học buổi hai (Bài tập phát triển năng lực) từ lớp 2,3,4,5 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 3) Bộ Phiếu bài tập cuối tuần (Lớp 1 mới, lớp 2,3,4,5 chương trình hiện hành). Đây là bộ sách tốt nhất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Em mong được thầy cô hợp tác phát hành cho học sinh trường mình ạ! Mức chiết khấu em sẽ để lại % tối đa cho các thầy cô ạ (Em xin phép trao đổi cụ thể qua tin nhắn ạ!). Trân trọng cảm ơn!.

Trực tiếp liên lạc với cô V. T. T. T. qua điện thoại 09638389… về nội dung đặt mua sách buổi hai thì được trả lời như sau: “NXB GD Việt Nam có tất cả 4 bộ sách buổi hai. Anh muốn mua sách nào thì đăng kí và chuyển một ít tiền trước. Hà Tĩnh xa, vì vậy, sách chuyển vào khó khăn, nên không được chuyển lại cho NXB, nếu bán không hết”. Khi được hỏi về % chiết khấu, cô T. T. trao đổi “Hà Tĩnh xa, chuyển HÀNG vào khó khăn, nên mức chiết khấu là 25%.

Với mức chiết khấu 25%, “miếng bánh” lợi nhuận cho giáo viên bán một bộ sách sẽ được trên 200 ngàn đồng. Nếu bán cho 1000 em, tiền hoa hồng thu về 200 triệu đồng. Đây sẽ là nguyên nhân vì sao giá sách được đội lên một cách bất ngờ qua kênh phát hành “nội bộ”, thông qua “hợp tác” với thầy cô. Kênh phát hành này, vừa lợi hại vừa hiệu quả vì biến phụ huynh, học sinh trở thành “Thượng đế” bất đắc dĩ! “Chẳng nhẽ thầy, cô giáo chủ nhiệm tư vấn không mua!? Chẳng lẽ con phụ huynh khác mua mà con mình không mua!? Nói thầy cô ép buộc cũng không đúng, mà không ép buộc cũng không phải. Có điều gì đó mơ hồ khó nói lắm. Thôi thì vì con nhắm mắt cho được việc. Nhưng khi về thấy nhiều cuốn không cần thiết, giá lại trên trời, xót lắm!”. Một phụ huynh (không tiện nêu danh tính) lắc đầu ngao ngán.

Phải chăng quá bận bịu với tổ chức xuất bản và phát hành sách “ăn theo” từ lớp 1 đến lớp 5, nên sách lớp 6 trở nên khan hiếm, khiến một số phụ huynh học sinh Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh phải “ngậm đắng nuốt cay” mua bộ sách sách qua “cò” có giá đắt gấp 4 lần thực tế!

Và quả thực “BOT giáo dục” phức tạp và lắm hệ lụy

Những hệ lụy

Học sinh lớp 1 bước sang tuổi thứ 6 “học mà chơi, chơi mà học”. Các em đến trường bắt đầu “vỡ lòng” với a, b, c làm quen với con số phép cộng trừ, một số hình cơ bản. Mục tiêu đặt ra sau khi học xong lớp 1 là  đọc thông, viết thạo, hình thành số, đếm số, cộng trừ các số trong phạm vi 100 không nhớ, nhận biết, phân biết một số hình. Thế thì “tả xung hữu đột” trong vòng vây với bộ sách 23 cuốn, những đứa trẻ còn đâu thời gian để vui chơi, để rèn luyện các kỹ năng sống khác! Đó là chưa kể đến, các loại sách bài tập, soạn sẵn đã tước bỏ tính chủ động, sáng tạo của học sinh. “Học sinh bây giờ đến trường, không chỉ đồng phục quần áo, mà ngay cả tư duy cũng đồng phục, một kiểu, đơn điệu, giết chết sự sinh động, đa dạng”. Cô N.T.P. (Hương Sơn – Hà Tĩnh) phàn nàn. Còn thầy giáo Phạm Quốc Điển (Giáo viên hưu trí huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh) ngậm ngùi chia sẻ với cháu nội qua bài thơ: Nay cháu vào lớp một/ Phải cần tám trăm ngàn/ Để mua một đống sách/ Ôi thật là gian nan!/ Thương cháu còn bé bỏng/ Phải cõng một ba lô/ Chứa hai ba đầu sách/ Nặng chắc nhiều kí lô/ Thành tài đâu chưa biết/ Nhưng lưng cháu sẽ còng/ Thương cháu vừa lên sáu/ Nhưng đã già hơn ông!...

Chương trình giáo dục phổ thông (tổng thể) được ban hành 2018 theo hướng “mở” tạo điều kiện “phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hòa đức, trí thể mỹ” nhằm phát huy “năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo” của học sinh. Vì vậy, dư luận có lý do để lo lắng cho tương lai của con em ra sao, nếu việc xuất bản và phát hành sách đi xa mục tiêu Chương trình giáo dục được ban hành 2018, nếu để chủ đầu tư toàn quyền tự quyết mà buông lỏng vai trò quản lí Nhà nước!

Trông chờ, hy vọng…

Sau khi dư luận xôn xao về bảng kê bộ sách lớp 1 mới gồm 23 cuốn có giá 807 ngàn đồng, ngày 4/9/2020, Bộ Giáo dục & Đào tạo có Công văn số 3401/BG&ĐT gửi các Sở Giáo dục & Đào tạo yêu cầu: “thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm Thông tư số 41/2010/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”. Cụ thể: “Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông”, còn tài liệu tham khảo Bộ nghiêm cấm: “Mọi tổ chức cá nhân không được ép buộc phụ huynh học sinh phải mua sắm” mà tùy theo nhu cầu thực tế, quyền tự lựa chọn của học sinh. Nhưng Bộ cũng không đưa ra chế tài xử phạt cho tổ chức, cá nhân nào vi phạm Điều lệ trường Tiểu học và Thông tư 41/2010/TT-BGD&ĐT!

Lúng túng của Bộ Giáo dục & Đào tạo bộc lộ ở Thông báo số 658/TB-BGD&ĐT về “kế hoạch chuẩn bị sách giáo khoa năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo”, cùng nội dung biên soạn sách giáo khoa. Nhưng khi thì Bộ áp dụng phương thức xã hội hóa theo Nghị quyết 122/2020/QH 14; khi thì áp dụng Nghị  định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ “áp dụng cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa các môn học Tiếng dân tộc thiểu số theo quy định tại Nghị định số 32/2029/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủDư luận đặt câu hỏi: Tại sao Bộ không sử dụng hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi?

Lộ trình đổi mới Chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu thực hiện ở lớp 1, còn vô vàn gian nan, cần phải đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong quá trình thực hiện công tác xã hội hóa biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa để tránh được tình trạng BOT trong giáo dục! Dư luận trông chờ, hy vọng  sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Bộ để mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xuyên suốt trong từng khâu thực hiện, góp phần làm thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

(Bài dự thi Vì sự học ngày nay)

Nguồn Văn nghệ số 38/2020


Có thể bạn quan tâm