May 3, 2024, 3:13 pm

Sắc màu mới của Mỹ Thuật Việt Nam

Sự sôi động của đời sống Mỹ Thuật năm 2023 với nhiều cuộc triển lãm quy mô toàn quốc, khu vực và cả những triển lãm cấp hội, nhóm, cá nhân… đã góp phần giúp công chúng yêu hội họa nhận diện sắc màu mới của mỹ thuật đương đại. Đó là sự đa dạng của các chất liệu, sự phong phú trong tạo hình, với nhiều ý tưởng, xu hướng công nghệ mới, góp phần nâng tầm Mỹ thuật Việt trên trường quốc tế.

Tác phẩm “Dáng hồng thơm hương” của Lê Nguyên Chính. Giải Nhất Cuộc thi và triển lãm mỹ thuật 2023

Nhìn lại để đi đường dài

Đã có hàng trăm triển lãm chuyên đề của hội, triển lãm nhóm, cá nhân được tổ chức trong năm 2023. Đáng chú ý phải kể đến “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2023”, là sự kiện quan trọng của giới mỹ thuật cả nước… Trước đó không thể không nhắc đến “Cuộc thi và Triển lãm Điêu khắc Việt Nam lần thứ V” (2013-2023). Đây là cuộc thi và triển lãm có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng, khi thu hút lượng lớn sự quan tâm của công chúng qua kênh truyền thống và trực tuyến, cho thấy sự phát triển của điêu khắc nói riêng, mỹ thuật Việt nói chung đang ngày càng có sức lan tỏa và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Sự vượt thoát khỏi lối mòn hiện thực để vươn tới ngôn ngữ hiện đại trong “Cuộc thi và Triển lãm Điêu khắc Việt Nam lần thứ V” là điều nhận thấy rõ nét nhất tại triển lãm, đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy đã và đang diễn ra sự chuyển biến về quan niệm sáng tác, sự nung nấu, trăn trở tìm tòi về kỹ thuật và nghệ thuật; nỗ lực thay đổi bản thân của những họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam nhằm bắt nhịp cùng cuộc sống và nghệ thuật đương đại.

Xã hội ngày càng phát triển, giá trị tinh thần ngày càng được chú trọng thì mỹ thuật là lĩnh vực góp phần quan trọng xây dựng đời sống tinh thần và môi trường thẩm mỹ của xã hội. Và trong một chừng mực nhất định, mỹ thuật cũng luôn là nguồn cảm hứng, đem lại giá trị văn hóa tinh thần cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời cũng chính là một kênh văn hóa góp phần gìn giữ, bảo tồn nét tinh hoa văn hóa dân tộc cho các thế hệ con cháu sau này.

Đất nước đang trên đà đổi mới, hội nhập sâu rộng với thế giới, và mỹ thuật cũng không nằm ngoài sự phát triển đó. Bằng thế mạnh của mình; ngôn ngữ hình ảnh và sự hỗ trợ của công nghệ; mỹ thuật Việt Nam đã không còn bó hẹp ở những cuộc triển lãm truyền thống mà song hành với đó là triển lãm trực tuyến. Đồng thời, các trung tâm nghệ thuật, nhà triển lãm và bản thân các họa sĩ, nhà điều khắc đều đã xây dựng cho mình những trang Website riêng phục vụ cho công tác lưu trữ và quảng bá tác phẩm ra công chúng. Việc xây dựng Website riêng, thậm chí ứng dụng công nghệ thực tế ảo, đã giúp cho hội họa nói riêng, mỹ thuật nói chung bám sát hơn với đời sống đương đại. Sự tương tác hai chiều giữa công chúng với họa sĩ, nhà điêu khắc, không chỉ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, nội dung tư tưởng sâu sắc mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong và ngoài nước, xứng đáng với tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nỗ lực trở thành một phần của ngành công nghiệp không khói

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 22/12 vừa qua đã nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng phương án phát triển, thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ hoạ; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số. Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có Mỹ thuật.

Tham gia và trở thành một phần của đời sống đương đại, từng lĩnh vực cụ thể của Mỹ thuật nói chung đang định vị những giá trị riêng có của mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, sáng tạo mỹ thuật còn thiếu vắng những tác phẩm mỹ thuật về những vấn đề lớn của đất nước, về lịch sử hào hùng của dân tộc và mang đậm dấu ấn bản sắc Việt. Chính vì vậy, để tạo ra những sắc màu mới cho mỹ thuật, nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế đã được tổ chức. Song song với đó là những dự án giao lưu, hợp tác triển lãm với nước ngoài đã được thực hiện hết sức công phu, bài bản nhằm tạo sự giao thoa, kết nối mỹ thuật trong nước với khu vực và quốc tế. Đồng thời, ở tầm vĩ mô, để mỹ thuật trở thành một phần của ngành công nghiệp Văn hóa, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển mỹ thuật theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia nhằm phát triển nhân lực mỹ thuật có năng lực sáng tạo bảo đảm cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội; phát triển ngành nghề mỹ thuật ứng dụng, khuyến khích việc sáng tạo ra các mẫu mã và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà triển lãm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật đương đại tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật tại Đà Nẵng. Phấn đấu đến năm 2030 các thành phố trực thuộc Trung ương có Bảo tàng Mỹ thuật. Như vậy, chúng ta đã thực sự đầu tư nhiều hơn cho sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà… Đặc biệt, là mỹ thuật ứng dụng khi phê duyệt thành công đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030. Đứng ở góc độ quản lý, thì đây chính là  những điều kiện cần và đủ để mỹ thuật Việt Nam cất cánh. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người sáng tạo, họa sĩ Thành Chương từng chia sẻ, “Bấy lâu nay, ở nước mình quan niệm sản phẩm mỹ thuật là tác phẩm nghệ thuật, quy định đó không phải là hàng hóa. Vì thế, khi xảy ra chuyện tranh giả, tranh nhái đã không có chế tài đủ mạnh để áp vào đó cả. Nếu quy định là hàng hóa, thì khi bắt được tranh giả có thể tiến hành tiêu hủy ngay, như là thuốc giả, băng đĩa giả… Nhưng vì không quy định là hàng hóa, nên không tiêu hủy được, không xử lý tận gốc được. Và cứ thế, từ năm này tới năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác vẫn chưa dẹp được nạn tranh giả”. Không riêng họa sĩ Thành Chương lo ngại vấn nạn tranh giả, tranh thật mà hầu hết người làm công tác sáng tạo cũng đều có chung mối lo ngại này. Chưa kể, giới phê bình mỹ thuật cũng cho biết, hiện đã và đang có sự bất ổn trong ý tưởng, phương pháp thể hiện, chất liệu… hình thành tác phẩm của không ít họa sĩ, nhà điêu khắc. Đó là sự na ná giống nhau, lặp lại chính mình… vì vậy, sự giao lưu văn hóa, thường xuyên làm mới mình từ bản thân người làm sáng tạo sẽ tạo ra những tác phẩm mỹ thuật có giá trị, không chỉ phù hợp với thị hiếu công chúng mà còn mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống. Hiện đời sống mỹ thuật đã ghi nhận hội họa Việt Nam có những tác phẩm đạt giá trị nhiều triệu đô tại các cuộc đấu giá tranh uy tín quốc tế. Đây chính là động lực để thôi thúc các họa sĩ đương đại tận lực trên con đường sáng tạo của mình.

Đất nước đang có được những vị thế mới, đây cũng chính là thời cơ để công nghiệp văn hóa trong đó có mỹ thuật tạo nên những cơ đồ mới. Đó là sự hội nhập, tỏa sáng cùng mỹ thuật đương đại.

Quỳnh Hoa

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm