May 3, 2024, 10:44 am

Sắc hoa tháng Ba

 

Không biết từ bao giờ và từ khi nào, câu ca "Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng" cứ ám ảnh tôi về một sắc hoa như lửa trong mỗi chiều tháng ba.

Màu của lửa cháy, màu báo hiệu hè về, màu chào từ biệt sắc xuân. Nhiều khi tôi cứ vẩn vơ nghĩ: Có phải không bỗng dưng một loài hoa chọn tháng ba mà nở, chọn cuộc đời mình vào trong lịch gieo trồng của người dân miền lúa nước? Tại sao loài hoa ấy có tên là gạo mà không phải là tên gọi khác? Cái tên mộc mạc, như cha mẹ đặt tên con là cái Mận, cái Na, thằng Khoai, thằng Sắn..., dễ nhớ mà rất đỗi thân thương. Bát cơm manh áo đời người được lấy tên đặt cho một loài hoa?. Dẫu biết thế mà hoa cứ rờ rỡ một sắc màu của lửa, cháy đến tận cùng của cuộc đời cho một mùa gieo trồng mới. Hoa gạo đấy, loài hoa của người cày cấy, chân lấm tay bùn.

Ảnh: Minh Nguyễn

Cứ mỗi độ hoa gạo thắp rừng rực cháy, chiều từng bông lặng thầm rơi xuống. Ấy là khi mẹ mang coóng hạt ra miếng đất chân đê tra, từ cái vại sành vừng để giống mùa trước. Khi cánh hoa gạo rụng xuống, ấy cũng là lúc trời thường có mưa nhỏ hạt, chỉ đủ ẩm cho hạt vừng tách vỏ bật mầm. Nâng nhẹ cánh hoa trên tay. Hoa không có mùi chỉ một màu của lửa. Ngước mắt nhìn lên, hoa gạo đơm bông từ chính trên thân chứ không trổ hoa đầu cành như các loài cây khác. Tôi nhớ lần thăm quê, khi một thân lầm lũi chốn đô thành về với mẹ. Đợi khi khách khứa đến chơi đã về, mẹ ngồi thủ thỉ:

- Ngày mẹ sinh con vào cuối tháng ba. Tháng nông nhàn, giáp hạt. Những năm đó, nhà ta nghèo lắm. Mẹ sinh con, đói ăn, không có sữa cho con nên con cứ đèo đẹt mãi. Con nay lớn, lên phố thị, đất chật người đông, con vẫn như cây gạo đầu làng, đơn độc và phải tự bươn chải mưu sinh. Giữa chốn ba quân, con vẫn chỉ có một mình đấy thôi. Con phải tự đứng lên như cây gạo, tự mình vươn lên mà lấy nắng, lấy gió để sống.

Ảnh: Nguyễn Trung

Nói đoạn, mẹ thở dài, quay mặt, khóe mắt ngân ngấn lệ.

Tôi nhớ. Có một chiều, theo cha ra đồng, khi đó ngập đường làng những bông hoa gạo. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao sau mấy sào cỏ lúa, hai cha con lên mô đất có cây gạo ngồi nghỉ. Tôi hỏi cha vì sao cây gạo ra hoa lại thế. Cha đưa tay với chiếc ấm tích nước vối, kéo chiếc điếu cày vào lòng, thư thả mồi thuốc, kéo một hơi thật dài. Khi những làn khói thuốc đã tan vào trong gió, cha thủng thẳng: Cây gạo như một loài cây quân tử. Cả cuộc đời không bao giờ cây gạo mọc thành rừng, luôn đơn độc, lẻ loi. Chúng thường chọn nơi thoáng đãng, nhiều nắng, lắm gió như đầu làng, bìa rừng, mép suối, sườn đồi để mọc. Nếu phải mọc trong rừng, dù giữa muôn loài cây chúng vẫn đơn độc một mình, thân cây luôn thẳng, vượt lên trên các loài cây khác mà trổ hoa. Hoa gạo không thơm vì chúng đã dồn tất cả hương cây vào sắc lửa để cháy, để dâng hiến đến tận cùng cho đời. Năm cánh hoa cũng rất dầy và cứng. Khi bông hoa nở, chúng tự biết sức mình mà có bông nở đơn, có bông nở kép và cũng có chỗ nở chùm ba, chùm bốn. Mặc gió, mặc mưa, hoa cứ cháy, cháy đến tận cùng sắc lửa để rồi, khi nào chúng tự thấy cần phải giã từ cuộc sống sẽ rụng. Khi rơi cũng luôn theo chiều thẳng đứng xuống đất, không để gió đưa đi xa. Chúng không giống như các loài hoa khác, khi rụng còn phải nhờ gió đưa đi để vương vấn với muôn loài. Ngay cánh hoa khi rơi xuống, nếu có gãy cũng luôn làm nên một đường thẳng trên cánh lá và không rời khỏi cánh, không chịu lìa xa bẹ, nhụy của mình. Cái cố kết từ bẹ, cánh, nhụy của chúng đã làm nên một sắc hoa của lửa.

Ảnh: Bắc Hải

Lớn lên, rời quê hương, giữa chốn phồn hoa đô thị, sắc gạo vẫn cháy mỗi chiều tháng ba. Trong nỗi nhớ về quê, cái dáng thẳng, rừng rực một góc trời luôn là hình ảnh mãi cháy trong giấc mơ tôi. Những thăng trầm cuộc đời, những vấp ngã đớn đau, câu chuyện của cha về cây gạo lại cho tôi thêm lòng kiên định vượt qua. Tháng ba này cũng là tháng mẹ sinh tôi. Có phải không, mẹ đã chọn sinh tháng ba, tháng của loài hoa cương trực, thẳng thắn, khoáng đạt, dám đối mặt với nắng, với gió để cho tôi đủ sức đi qua mọi vất vả của đời. Dẫu cuộc đời có gian khổ, vất vả, lam lũ, chẳng được có sắc hương như muôn người, nhưng tôi chỉ mong, cứ được cháy đến tận cùng như hoa thế đã là viên mãn.

Ảnh : Vũ Văn Hiển

Nay cha đã xa, mẹ đã già. Chiều nay hoa gạo có rụng đỏ đường làng và còn ai mang hạt vừng ra tra trên cồn đất giữa sông hay bên chân đê như mẹ thường làm một thuở? Bóng gạo cháy đỏ trời, cứ rưng rức, cháy mãi trong lòng tôi, đứa con xa quê nơi đô hội, phồn hoa. Có phải không, tôi mang kiếp hoa gạo như lời mẹ nói năm nào. Hoa gạo ơi! Hoa gạo đời tôi.

Hoàn Nguyễn


Có thể bạn quan tâm