May 5, 2024, 10:40 pm

Rác và ý thức công dân

Chưa bao giờ vấn đề rác thải sinh hoạt lại đươc đặt lên bàn nghị sự Quốc hội, nằm trong các dự án kế hoạch quốc kế dân sinh quan trọng như hiện tại ở Việt Nam. Nhưng có lẽ không đâu như ở Việt Nam, ở bất cứ nơi công cộng nào cũng có biển “Cấm vứt rác”… Truyền thông Việt Nam gần như không lần nào không nói đến rác mỗi khi một sự kiện văn hóa, hay một lễ hội được diễn ra. Từ chuyện rác đầy ở Hồ Gươm sau khi hàng ngàn người đến đây chứng kiến các sự kiện văn hóa lễ hội cộng đồng, đến TP. Hồ Chí Minh, được tiếng là khá về ý thức công cộng, thì rác cũng là vấn đề lưu tâm sau mỗi sư kiện văn hóa nghệ thuật. Chưa kể là ở những nơi di tích lịch sử, văn hóa… những địa phương có các lễ hội diễn ra, rồi khắp các công viên, nhà ga, bến xe, đường phố, kể cả khuôn viên của các bảo tàng… những biển “Cấm đổ rác…”, “Cấm vứt rác…” nhiều hơn cả biển chỉ dẫn, hướng dẫn. Rác trở thành một “thành phần” không thể thiếu tham gia song hành cùng những hoạt động diễn ra ở những nơi này… 

Trong khi đó, không phải đâu xa, và cũng không phải là một quốc gia giàu có, phát triển, nhưng nước bạn Campuchia, với những di tích di sản quốc gia được giữ gìn sạch sẽ lại rất đáng cho chúng ta phải học tập. Với hai quần thể di sản nổi tiếng thế giới là Hoàng cung và Chùa Vàng - Chùa Bạc ở PhNom Penh, quần thể Angkor và hàng trăm đền đài khiến trúc đá ở Siem Reap… khi tới đây, ấn tượng đầu tiên không phải là sự lộng lẫy hay kỳ vĩ cùng vẻ đẹp tuyệt mỹ của cung điện, đền đài, mà chính là cái nhìn không hề bị “vấp” bởi bất kỳ một cọng rác nhỏ nào, kể cả trong một hốc cây hay một kẽ đá khuất góc tối. Người dân ở nơi này có ý thức vệ sinh công cộng rất đáng nể. Còn ở mấy quần thể di tích, thì khái niệm rác ở đây gần như là không có, nếu có là vài chiếc lá vàng ở những cây cổ thụ rơi xuống, và chỉ điểm xuyết như một thứ trang sức cho di tích thêm phần lãng mạn, huyền bí mà thôi.

Không một tấm biển nhắc nhở chuyện vứt rác, cũng không hề có một quy chế phạt nào nếu vứt rác, mà thay vào đó là các tấm bảng chỉ dẫn đường đi, những tấm bảng chú giải về di tích, và lưu ý khách cởi bỏ giày dép, ăn mặc kín đáo (như ở Hoàng cung và các ngôi chùa), không được trèo lên các tháp cao (như ở Angkor, vì sẽ gặp nguy hiểm do độ dốc và trơn trượt gây nguy hiểm cho khách tham quan). Vậy nhưng chẳng hề có rác, cho dù khách hầu như ai cũng có cầm theo một chai nước, một chút đồ ăn vặt… Song không ai vứt bất kể loại rác nào. Điều đó không chỉ là chứng tỏ “font” văn hóa, văn minh của khách, mà còn là sự tôn trọng cả người dân - chủ nhân của nơi mình đang tham quan.

Ở các nước khác, chế tài cho các sai phạm về rác thải là rất nặng. Ở Singapore, chuyện vứt rác không đúng nơi quy định là một “trọng tội” bị luật pháp phạt rất nặng, dù chỉ là một mẩu tàn thuốc, ngoài tiền lần đầu vi phạm mức phạt khoảng 2.000 đô Singapore (tương đương 32-34 triệu đồng Việt Nam), lần thứ hai là tăng lên 4.000 đô và lần thứ ba trở đi có thể lên tới 10.000 đô, còn phải lao động công ích trong vài giờ hay vài ngày tùy theo mức độ vi phạm. Ở Indonexia còn nghiêm trọng hơn nếu vứt rác nơi công cộng, án phạt ngoài tiền khoảng 150.000 Rp (15 USD), cao nhất có thể lên tới 5 triệu Rp, còn bị án tù 7 ngày - 6 tháng. Sau đó còn bị “treo” như một sự thử thách vài tháng nữa. Một lần vứt rác ra nơi công cộng là đủ nhớ đời, để khó có lần tái phạm. Còn nếu đến Nhật Bản, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi nhận ra rằng rất hiếm khi thấy thùng rác xuất hiện ngoài đường. Đó không phải là bạn muốn bỏ rác ở chỗ nào cũng được, mà là lời nhắc nhở rằng bạn phải mang theo rác của mình và xử lý nó đúng theo quy định. Xa hơn nữa, như ở nước Anh, tội vứt rác quá đầy, bỏ rác ra ngoài, hay đổ rác không đúng giờ quy định… sẽ bị phạt nặng hơn cả tội trộm cắp vặt, quấy rối nơi công cộng, mức phạt tại chỗ 110 Bảng (khoảng hơn 3 triệu ĐVN). Được biết, tại Anh, mức phạt tối đa đối với những vi phạm xả rác tái diễn lên tới 2.500 Bảng. Từng địa phương có những áp dụng mức phạt khác nhau, thông thường khoảng từ 75-110 Bảng cho mỗi lần vi phạm…

Còn ở Việt Nam. Không hiếm lần đang đi trên đường thì phấp phới như đàn bướm khổng lồ bay chấp chới trên mặt đường những tờ giấy, khi thì của những chiếc xe tang đi trong thành phố theo phong tục (hay hủ tục) rải đầy giấy tiền vàng mã suốt dọc đường, khi thì của những người đi phát tờ rơi quảng cáo ở các ngã ba, ngã tư rồi bị chính người đang lưu thông xe vứt lại… Ở các khu lễ hội, tuy có những thùng đựng rác, nhưng hình như các du khách (mà phần lớn là du khách Việt), không nhìn thấy hay cố tình không nhìn thấy, hay vì “nhu cầu” xả rác vượt bậc nên thùng rác không đủ, nên rác vứt bừa bãi, dọc đường đi. Ngay cả ở những nơi linh thiêng như trên đỉnh Yên Tử hay Chùa Hương… rác cũng ngập tràn khi mùa lễ hội đến.

Rác còn ấn tượng ở các tiệm ăn, kể cả nhà hàng sang trọng. Rồi rác ở các khu nhà chung cư cao cấp tới các khu nhà của người lao động bình dân, mỗi nơi có một kiểu xả rác… Ngay cả một nơi tưởng như là không thể có rác để bảo đảm môi trường vô trùng là bệnh viện, thế nhưng rác ở đây có thể thấy từ hành lang ra đến ngoài sân cho tới cổng, thậm chí phía ngoài cổng còn lù lù cả đống rác với đủ thứ xú uế và côn trùng bu đậu. Không kể việc bệnh viện còn vứt rác y tế bừa bãi không đúng quy chế vệ sinh. Những nơi được mệnh danh là công cộng thì rác trở thành “chủ nhân” thực sự của những nơi đó… Và điều mà có lẽ bất kể du khách nước ngoài nào tới Việt Nam có lẽ ngoài ấn tượng về giao thông (cũng là một thứ thảm cảnh khác ở Việt Nam), thì rác có lẽ là một trong những kỷ niệm không vui về đất nước này. Chuyện này đã được nhiều du khách “kể” lại không ít trên truyền thông quốc tế…

Vậy người Việt Nam có ý thức hay không? Đây có thể là một câu hỏi rất dễ đụng chạm đến lòng tự trọng với những ai còn có chút ý thức. Nhưng không phải không có lý do để đặt ra câu hỏi này.

Những tưởng người lớn phải là người gương mẫu cho con trẻ học tập về ý thức vệ sinh nơi công cộng, thì không hiếm cảnh các phụ huynh trong khi đợi đón con đã rất vô tư xả rác ngay tại chỗ đậu xe của mình. Và không hiếm phụ huynh mặc nhiên nói con mình vứt rác ngay xuống đường, kể cả lúc đang chạy xe. Rồi thói quen hay tác phong vốn có, khó thay đổi của thực khách luôn “tiện tay” vứt xương xẩu hay những thứ không ăn được xuống sàn nhà ngay dưới chân mình, cho dù ngay bên cạnh có một sọt đựng rác, hay trên bàn đã có sẵn đĩa, bát để đựng…

Việc xả rác mọi lúc, mọi nơi ở những nơi không phải nhà của mình đã trở thành một “ý thức hệ” khó thay đổi. Và hậu quả, chúng ta đã và đang phải trả giá cho tất cả những thói quen hàng ngày của mình… Có lẽ đã dến lúc cần phải báo động, phải xem là một trong những vấn đề trong các dự án chiến lược về phát triển và nâng cao các chỉ số cuộc sống và nếp sống văn minh, văn hóa của người Việt Nam trong thời đại văn minh này.

Nguồn Văn nghệ số 49/2020


Có thể bạn quan tâm